Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị tăng cường kiểm soát dự án đầu tư sử dụng nhiều năng lượng, tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường.
"Bầu trời mở ASEAN": Hàng không Việt Nam đã sẵn sàng
- Cập nhật : 27/11/2015
(Kinh doanh)
Chỉ còn một tháng nữa Cộng đồng ASEAN sẽ đi vào hoạt động và ở lĩnh vực hàng không, các nước sẽ hướng đến một thị trường hàng không chung (Open sky), hay còn gọi là “Bầu trời mở ASEAN”.
Việc mở cửa bầu trời theo Hiệp định Tự do hóa vận tải hành khách giữa các nước ASEAN ký ngày 12/11/2010 đã có hiệu lực giữa các nước phê chuẩn hiệp định này.
Mở cửa bầu trời được xác định là một phần quan trọng trong hội nhập kinh tế của các nước ASEAN, bởi việc liên kết giao thông, nhất là hàng không, sẽ tạo thuận lợi cho thương mại, thúc đẩy du lịch, đồng thời giúp ngành hàng không trong khu vực cạnh tranh hơn.
Theo ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), mở cửa bầu trời sẽ cho phép hãng hàng không của quốc gia đối tác tự do trong việc quyết định kế hoạch vận chuyển của họ liên quan đến thị trường của mình.
Ví dụ như, khi Việt Nam ký Open sky với Hoa Kỳ thì các hãng hàng không của "đất nước cờ hoa" có quyền bay bao nhiêu chuyến đến Việt Nam cũng được. Hiện tại, chúng ta đang giới hạn với các hãng hàng không đối tác số lượng chuyến/tuần, nhưng khi mở cửa bầu trời thì không còn giới hạn đó nữa.
“Tương tự, việc mở cửa bầu trời trong khu vực ASEAN khi được hoàn thiện vào cuối năm 2015 sẽ có một thị trường hàng không thống nhất. Khi đó, Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) muốn chở khách giữa Singapore và Phillipines là điều hoàn toàn có thể”, ông Lại Xuân Thanh giải thích.
Trước sự kiện này, đại diện các hãng hàng không trong nước đều đánh giá rằng, việc mở cửa bầu trời ASEAN là một bước ngoặt đối với ngành hàng không. Đây là cơ hội để các hãng hàng không Việt Nam mở rộng phát triển mạng đường bay đến các nước trong khu vực. Khi đó, việc kết nối giữa các điểm đến trong khu vực Đông Nam Á sẽ thuận lợi hơn rất nhiều nhờ những cam kết của các chính phủ trong thỏa thuận bầu trời mở.
Tuy nhiên, tại hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam năm 2015 diễn ra hồi tháng 3 vừa qua, vấn đề mà các hãng hàng không băn khoăn chính là vấn đề cơ sở vật chất tại các sân bay của nước ta có đáp ứng được sự mở cửa này hay không.
Bởi, khi các hãng đều tăng tần suất chuyến bay, hoặc một đường bay có nhiều hãng mở, thì việc phải đối mặt với khó khăn trong việc xin giờ cất-hạ cánh tại các sân bay quốc tế do mật độ khai thác tăng lên cao là điều không thể tránh khỏi. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng của Việt Nam chưa hoàn thiện, sẽ dễ dẫn đến ách tắc và gây ra tình trạng chậm, hủy chuyến.
Đi trước, đón đầu
Đứng trước bài toán này, các hãng hàng không Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp.
Vietnam Airlines đã chuẩn bị cho sự kiện này bằng việc nâng cấp tổng thể chất lượng dịch vụ mặt đất và trên không theo tiêu chuẩn quốc tế từ mức 3 sao lên 4 sao.
Song song với đó là đầu tư đội máy bay hiện đại: Hãng sẽ thay thế toàn bộ đội tàu bay thân rộng với 33 chiếc, trong đó có 19 chiếc Boeing 787 Dreamliner và 14 chiếc Airbus A350-900XWB (bao gồm cả mua và thuê), được chuyển giao dần trong vòng hơn 3 năm, từ giữa 2015 đến đầu năm 2019.
Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh khẳng định, Vietnam Airlines đã sẵn sàng chào đón một bầu trời ASEAN tự do. Tuy nhiên, theo ông Minh, chúng ta vẫn cần phải có kế hoạch, lộ trình rõ ràng hướng tới mục tiêu trên, vì mỗi quốc gia ASEAN đang có mức độ phát triển khác nhau, do đó các hãng hàng không quốc gia cũng chưa phát triển đồng đều.
Lãnh đạo hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air nhận định, mở cửa bầu trời khu vực ASEAN là cơ hội để phát triển. Vietjet đã có những bước chuẩn bị về công tác nhân sự, bổ sung đội tàu bay và tăng cường năng lực quản trị vận hành bên cạnh khả năng tài chính.
“Về đầu tư đội bay, bên cạnh hợp đồng thuê mua 100 tàu bay với Airbus, Vietjet ký tiếp hợp đồng bổ sung đặt mua thêm 6 tàu A321, nâng tổng số tàu đặt mua lên 107 chiếc và triển khai hàng loạt hoạt động hợp tác, ký kết với các nhà sản xuất và cung ứng vật tư, dịch vụ kỹ thuật hàng đầu thế giới”, lãnh đạo Vietjet Air cho hay.
Tương tự, Jetstar Pacific cũng đón đầu xu hướng bằng việc chuyển đổi sang khai thác hoàn toàn dòng máy bay Airbus A320/A321 hiện đại, tăng số lượng máy bay, mở các đường bay quốc tế trong khu vực, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kết nối mạng bay liên tục mở rộng, nâng cao chất lượng phục vụ và cung cấp nhiều tiện ích thuận lợi với giá vé rẻ hợp lý cho khách hàng.
Mặc dù các hãng hàng không đã có sự chuẩn bị chu đáo, nhưng Cục trưởng Cục Hàng không vẫn lo lắng khi chia sẻ rằng, cùng với cơ hội, các hãng sẽ đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt.
“Chúng ta phải đặt ra lộ trình, vì thực tế các hãng hàng không Việt Nam năng lực cạnh tranh không cao so với khu vực, chưa nói đến trên thế giới. Cũng như khi tham gia Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), chúng ta không thể vì sự bảo hộ của Nhà nước mà không tham gia TPP được.
Chính phủ đã có Nghị quyết rõ ràng về yêu cầu phải mở cửa bầu trời, và trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước là bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng để doanh nghiệp có động lực “vươn ra biển lớn”.