Bộ Tài chính đưa ra dự thảo mới về tính thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm hạn chế gian lận và chống chuyển giá.
Nhà máy điện khí đứng đầu doanh thu thị trường điện
- Cập nhật : 03/09/2015
(Doanh nghiep)
Tổng doanh thu của các nhà máy điện trực tiếp tham gia thị trường phát điện cạnh tranh trong ba năm đạt 189.429 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ các nhà máy tuabin khí chiếm 40,85%.
Theo báo cáo tổng kết thị trường phát điện cạnh tranh của Cục điều tiết điện lực, sau ba năm vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, tổng doanh thu của các nhà máy trực tiếp tham thị trường đạt 189.429 tỷ đồng.
Trong đó, doanh thu từ các nhà máy thủy điện đạt 35.903 tỷ đồng, doanh thu từ các nhà máy nhiệt điện than đạt 76.134 tỷ đồng. Doanh thu từ các nhà máy điện tuabin khí đạt mức cao nhất trên thị trường với mức 77.392 tỷ đồng.
Sản lượng điện thực phát trên toàn thị trường phát điện cạnh tranh 3 năm đạt 174.219.955 MWh. Trong đó, lượng điện phát từ các nhà máy tuabin khí vẫn đạt mức cao nhất là 72.653.085 MWh. Tiếp đến, sản lượng phát điện từ các nhà máy nhiệt điện than là 59.202.002 MWh, và các nhà máy thủy điện đạt 42.364.868 MWh.
Giá mua điện bình quân tại các nhà máy thủy điện thấp nhất thị trường với mức 847,5 đ/Kwh, tại các nhà máy nhiệt điện than cao nhất ở mức 1.286 kWh. Giá mua điện tại các nhà máy tuabin khí là 1.065,2 đ/Kwh.
Cũng theo báo cáo của Cục Điều tiết điện lực, tính đến ngày 1/7/2015, có 60 nhà máy điện tham gia thị trường trên tổng số 109 nhà máy điện. Như vậy, số nhà máy điện tham gia thị trường đã đạt 42,8% tổng công suất đặt toàn hệ thống.
Trong số 60 nhà máy tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, có 14 nhà máy điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); 5 nhà máy điện thuộc Vincomin, 4 nhà máy thuộc PVN,.... Như vậy, kể từ thời điểm 1/7/2012, thị trường phát điện cạnh tranh đã có thêm 29 nhà máy điện tham gia thị trường.
Sau hơn 3 năm vận hành chính thức thị trường phát điện cạnh tranh (từ 01/7/2012), thị trường điện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, thị trường này vẫn còn những khó khăn đáng kể. Khó khăn đầu tiên được Thứ trưởng Bộ Công thương - ông Hoàng Quốc Vượng chỉ ra, đó là cơ sở hạ tầng hệ thống điện còn yếu.
Mặc dù những năm gần đây, công tác đầu tư được quan tâm chú trọng, song do năng lực còn hạn chế, nhu cầu vốn đầu tư cần lớn nên đã dẫn đến tình trạng mất cân đối giữa nguồn và lưới truyền tải - phân phối điện. Điều này đã dẫn đến tình trạng quá tải cục bộ ở một số nơi, một số thời điểm vận hành không được ổn định.
Ngoài ra, tỷ lệ nhà máy điện chưa tham gia thị trường vẫn còn khá lớn khiến cho thị trường phát điện gặp không ít bất cập. Hơn nữa, việc áp dụng quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện trong mùa mưa bão cũng đã hạn chế khả năng tham gia thị trường phát điện cạnh tranh của các nhà máy thủy điện.
Theo báo cáo của EVN, tổng doanh thu trực tiếp từ thị trường điện của các nhà máy nhiệt điện trực thuộc trong 3 năm vận hành thị trường phát điện cạnh tranh là 140.715 tỷ đồng.
Trong thời gian ba năm qua, có ba nhà máy tạm thời ngừng tham gia thị trường phát điện cạnh tranh là Nhà máy điện Ninh Bình do nhà máy này chuyển sang cơ chế dịch vụ phụ. Nhà máy điện Hương Sơn ngừng tham gia thị trường do chuyển sang cơ chế chi phí tránh được và Nhà máy điện Uông Bí S5, S6 tạm dừng do điều kiện môi trường.
Cũng theo EVN, sau ba năm, giá trần thị trường điện được Cục điều tiết điện lực điều chỉnh tăng dần từ 846,3đ/kWh từ tháng 7/2012 đến tháng 1/2015 là 1.280 đ/kWh.
Trong khi đó, giá điện bán lẻ bình quân hiện nay mà EVN bán ra là 1.622 đ/kWh.
(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)