Người phát ngôn của Chính phủ một lần nữa khẳng định dù giá dầu giảm, song thu ngân sách 2015 vẫn bảo đảm kế hoạch đề ra.
Dự án tỷ đô và tư tưởng gia công làm thuê
- Cập nhật : 03/09/2015
(Tin kinh te)
Nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước, giúp các doanh nghiệp (DN) làm chủ công nghệ, Chính phủ đã có chủ trương xây dựng hàng loạt nhà máy nhiệt điện trị giá hàng chục tỷ USD trong thời gian tới. Tuy nhiên, những gói thầu này lại đang có nguy cơ rơi vào tay DN nước ngoài, và cảnh người Việt tiếp tục đi làm thuê vẫn tiếp diễn.
Thúc đẩy DN nội làm chủ “sân chơi”
Ngày 29/01/2012, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1791 phê duyệt cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện giai đoạn 2012 – 2025. Theo đó, sẽ thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước các hệ thống thiết bị phụ cho 3 nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1, Sông Hậu 1 và Quỳnh Lập 1.
Các DN trong nước sẽ đảm bảo tỷ lệ giá trị công tác tư vấn, thiết kế đạt 40% trở lên cho dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1; 60% trở lên cho dự án nhà máy nhiệt điện sông Hậu 1 và 80% cho dự án nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1. Về tỷ lệ chế tạo do các DN trong nước thực hiện không dưới 50% cho nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 và sông Hậu 1; không dưới 70% cho dự án nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1.
Về các gói thầu của các nhà máy nhiệt điện trên, chủ đầu tư có trách nhiệm lập, trình Bộ Công thương xem xét thông qua kế hoạch đấu thầu dự án trước khi phê duyệt triển khai thực hiện.
Đối với dự án thứ nhất, chủ đầu tư được phép chỉ định một liên danh tư vấn nước ngoài và một số đơn vị tư vấn trong nước. Từ dự án thứ hai, chủ đầu tư được chỉ định một liên danh tư vấn gồm một đơn vị tư vấn trong nước làm tư vấn chính và một số đơn vị tư vấn phụ, trong đó không có quá 1 đơn vị nước ngoài để hỗ trợ chủ đầu tư thiết kế, quản lý dự án.
Vẫn còn tư tưởng gia công làm thuê
Theo tìm hiểu của PV, trong giai đoạn 2012 – 2025 dự kiến sẽ có 34 nhà máy nhiệt điện được triển khai xây dựng, mỗi nhà máy có mức đầu tư từ 1,5 đến 2 tỷ USD. Riêng đối với Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư, Tổng Cty lắp máy Việt Nam (Lilama) làm tổng thầu có mức đầu tư lên tới 1,5 tỷ USD.
Trao đổi với phóng viên báo chí, ông Nguyễn Đình Hải, Chủ tịch HĐTV Lilama cho biết, hiện dự án mới đang trong quá trình khảo sát, đơn vị nhận gói thầu xây dựng nhà máy trên 1 tỷ USD. Tìm hiểu của PV cho thấy, hiện gói thầu trên được chia cho Cty TNHH Doosan Vina (Cty Doosan); Viện Nghiên cứu cơ khí (Narime); Tổng Cty xây dựng Việt Nam (Vinaincon)…
Điều đáng nói, trong các đơn vị trên thì Cty TNHH Doosan Vina có yếu tố nước ngoài, một số đơn vị như Vinaincon đã từng thi công không đạt yêu cầu tại Dự án Nhà máy phân bón Dap 2 (Tập đoàn hoá chất Việt Nam - Vinachem) và bị chấm dứt hợp đồng năm 2013.
Thêm vào đó, ngày 17/3/2011, ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam có văn bản số 16, kiến nghị cơ chế chính sách gửi Thủ tướng Chính phủ.
Tại văn bản này, ông Thụ cho rằng, ngoài việc cung cấp than, hệ thống thải tro xỉ, hệ thống khử lưu huỳnh, hệ thống làm mát tuần hoàn, hệ thống cung cấp dầu, hệ thống ống khói, nhà máy nước thải và hệ thống xử lý nước thải, trạm phân phối và máy biến áp chính, hệ thống phòng cháy chữa cháy, một số doanh nghiệp nội hoàn toàn thực hiện được phần kết cấu thép của nhà máy.
Chính vì thế, ông Thụ đề nghị tách phần kết cấu thép này để cho các đơn vị trong nước thực hiện. Tuy nhiên, một số DN có năng lực thực thụ về lĩnh vực này như Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung, Tập đoàn Hanaka sản xuất máy biến áp từ 35V đến 15.000KV, từng tham gia thi công đường dây 500KV Bắc – Nam..., ông Thụ lại không đưa vào danh sách trình Thủ tướng.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tăng Cường, Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung nói, đơn vị đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị lên tới cả tỷ USD và từng chế tạo những chi tiết cơ khí khó nhất trong nước, cung cấp cần cẩu có tải trọng 1.200 tấn cho Nhà máy thuỷ điện Sơn La và Lai Châu. Chính vì thế, hệ thống kết cấu thép và chế tạo cẩu 500 tấn cho các nhà máy nhiệt điện là trong tầm tay.
Về điều này, ông Nguyễn Văn Thụ thừa nhận đúng là Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung có năng lực, nhưng lại cho rằng đơn vị này chưa có kinh nghiệm đối với dự án nhà máy nhiệt điện.
Tới ngày 3/4/2015, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 115 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm cho thấy, năm 2014 ngành cơ khí có tốc độ tăng trưởng 18%, góp phần tích cực vào tăng trưởng của nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế cần sớm khắc phục như cơ chế chính sách chưa đồng bộ, tiêu chí lựa chọn sản phẩm cơ khí trọng điểm còn cứng nhắc, chậm được cập nhật, nhiều đơn vị vẫn còn tư tưởng gia công làm thuê…, chưa khuyến khích, thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân.
Để nâng cao hiệu quả và khắc phục hậu quả, Bộ Công thương cần tập trung xây dựng kế hoạch hoạt động năm 2015 của Ban Chỉ đạo, trong đó có kế hoạch kiểm tra, cập nhật các hoạt động chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm tại các cấp địa phương, tư nhân và doanh nghiệp…
Ngày 19/5/2015, Bộ Công thương đã ra Chỉ thị số 10 về việc tăng cường thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện giai đoạn 2012 – 2025. Việc thực hiện thành công 3 dự án thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước sẽ tạo tiền đề cho ngành cơ khí Việt Nam nâng cao năng lực chế tạo, tạo điều kiện tham gia vào các dự án khác và dần thay đổi tư tưởng gia công làm thuê cho nước ngoài.
Để triển khai các dự án minh bạch, ngày 28/5/2015, Bộ Công Thương đã quyết định thành lập Đoàn công tác khảo sát đánh giá và kiểm tra tình hình thực hiện Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm và đánh giá năng lực thiết kế, chế tạo của các doanh nghiệp cơ khí trong nước đối với các dự án nhà máy nhiệt điện giai đoạn 2012 - 2025.