Giá phát điện thấp dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh không đảm bảo đang là một trong những nguyên nhân khiến cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam gặp vướng mắc khi cổ phần hóa Tổng công ty Phát điện 3 (Genco3).
Lại “chết” vì thủ tục cải... lùi
- Cập nhật : 24/12/2015
(Doanh nhan)
Quy định mới buộc doanh nghiệp phải đưa hàng kiểm định chỉ cần nhập 1m vải hoặc một cái áo và quy định mới đang hành doanh nghiệp ra bã...
Theo ông John Nguyễn - giám đốc Văn phòng Asmara VN, thông tư 37 đang hành doanh nghiệp - Ảnh: T.V.N.
Có hiệu lực từ ngày 15-12-2015, thông tư 37/2015/TT-BCT (TT 37) do Bộ Công thương ban hành quy định về việc kiểm tra hàm lượng formaldehyde và amin thơm (chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo) đối với sản phẩm dệt may đang khiến nhiều doanh nghiệp "đau đầu".
“Quy định mới tưởng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, nhưng thực tế lại đang hành doanh nghiệp cho ra bã” - ông John Nguyễn, giám đốc điều hành Văn phòng Asmara VN - nhà đặt hàng dệt may và nhập khẩu nguyên phụ liệu mẫu, bức xúc nói.
Ông John Nguyễn cho biết theo quy định trước đây (thông tư 32), các doanh nghiệp nhập khẩu trên 25m cho mỗi loại vải, hoặc hai sản phẩm hoàn chỉnh giống nhau trở lên (áo, quần, khăn, váy...) mới thuộc diện phải kiểm tra hàm lượng formaldehyde và amin thơm.
Tuy nhiên, quy định mới buộc doanh nghiệp phải đưa hàng kiểm định chỉ cần nhập 1m vải hoặc một cái áo. Dẫn chứng cho sự vô lý này, ông John Nguyễn đã đưa ra chứng từ nhập khẩu ngày 17-12-2015 cho hai loại vải, mỗi loại dài 22,8m.
“Khi bị hải quan yêu cầu phải kiểm tra hàm lượng formaldehyde lẫn amin thơm, chúng tôi vô cùng bất ngờ vì họ cho biết là căn cứ theo TT 37 để thực hiện" - ông John Nguyễn nói.
Là nhà mua hàng dệt may của nhiều thương hiệu nổi tiếng đang được sản xuất tại VN, Asmara luôn phải nhập vải mẫu hoặc áo mẫu về nghiên cứu trước khi đặt hàng cho nhà sản xuất thực hiện.
“Nếu từng mét vải, từng cái áo cũng bị kiểm tra thì làm sao chúng tôi sống nổi khi hằng tháng chúng tôi phải nhập rất nhiều mẫu vải và thành phẩm may mặc khác nhau.
Và những mẫu này chỉ phục vụ cho công việc xem xét nên không thể buộc chúng tôi phải kiểm định như vậy được” - ông John Nguyễn đặt vấn đề.
Hiện tại, Asmara VN tiếp tục bị “vịn” cho hai đơn hàng nhập khẩu về VN trong các ngày 19 và 21-12 với 5 loại vải và 13 loại áo khác nhau, với yêu cầu bắt buộc kiểm tra formaldehyde, amin thơm xong mới được thông quan.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, hiện phí dịch vụ để thực hiện việc kiểm định nói trên đang có giá khoảng 1,2 triệu đồng/mẫu (cơ quan kiểm định sẽ cắt một mẩu để thử). Thậm chí, các công ty dịch vụ có cơ hội “chào giá” với doanh nghiệp: nếu muốn có kết quả ngay trong ngày giá sẽ khoảng 2,86 triệu đồng, hai ngày thì còn 2,2 triệu đồng và nếu doanh nghiệp không sốt ruột, chờ được bốn ngày thì giá chỉ còn khoảng 1,5 triệu đồng!
Như vậy với ba lần nhập khẩu gần nhất theo quy định mới, Asmara VN phải chi ra khoảng 20 triệu đồng vì phí kiểm định.
“Thiệt hại này còn tăng gấp bao nhiêu lần nữa khi số lượng nhập khẩu của chúng tôi được tính bằng con số cả ngàn mẫu vải, sản phẩm hoàn chỉnh cho kế hoạch sản xuất năm 2016 tới? Nhưng đâu chỉ có một mình doanh nghiệp chúng tôi phải chịu thiệt hại từ sự bất hợp lý này, bởi ngành dệt may VN có cả hàng trăm ngàn doanh nghiệp đang hoạt động” - ông John Nguyễn ngậm ngùi nói.
Thật ra, không phải đến bây giờ mới có doanh nghiệp lên tiếng về vấn đề này. Từ khi TT 37 còn dự thảo, đã có rất nhiều góp ý, thậm chí rất gay gắt từ phía doanh nghiệp lẫn Hiệp hội Dệt may VN (Vitas).
Thậm chí, năm ngày trước khi TT 37 có hiệu lực, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã tổ chức riêng một hội thảo chỉ để nói về sự bất cập của thông tư “oái oăm” này vì nó không đúng với tinh thần nghị quyết 19/NQ của Chính phủ, trong đó có yêu cầu về giảm thời gian thông quan cho doanh nghiệp.
Thế nhưng, Bộ Công thương vẫn... phớt lờ và thực tế nhiều doanh nghiệp đang phải gồng mình ứng phó với việc cải... lùi thủ tục.