Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị tăng cường kiểm soát dự án đầu tư sử dụng nhiều năng lượng, tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường.
Đầu tư vào dệt may Việt Nam, Ấn Độ hưởng lợi gián tiếp từ TPP
- Cập nhật : 31/08/2015
(Tin kinh te)
Ấn Độ không nằm trong những nước tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), tuy nhiên, khi đầu tư tại Việt Nam, ngành công nghiệp dệt may của Ấn Độ sẽ có nhiều cơ hội hưởng lợi gián tiếp từ TPP.
Mới đây chính phủ Ấn Độ đã chính thức khởi động gói tín dụng ưu đãi 300 triệu USD để xúc tiến hợp tác trong lĩnh vực dệt may giữa Việt Nam - Ấn Độ.
Theo đó, Ấn Độ sẽ hỗ trợ các dự án đầu tư vào dệt may có sử dụng thiết bị, dịch vụ của nước này lên tới 75% giá trị dự án. Thời gian cho vay là 10 năm với lãi suất 2%/năm.
Ấn Độ là nhà sản xuất các sản phẩm cotton, lụa, vải xenlulo và sợi cotton lớn thứ hai thế giới, đạt giá trị khoảng 100 tỷ USD/năm, trong đó 40 tỷ USD là từ xuất khẩu.
Gói tín dụng sẽ giúp các doanh nghiệp Ấn Độ phát triển các nhà máy tại Việt Nam, đồng thời, thúc đẩy các công ty Việt Nam có liên quan mở rộng hợp tác với các đối tác Ấn Độ. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp có được lợi thế hơn sau khi gia nhập TPP.
Ông SriJib Roy, Giám đốc Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu hàng Dệt sợi tổng hợp và Tơ nhân tạo Ấn Độ (SRTEPC) cho rằng: “Ấn Độ có đủ nguyên liệu phục vụ cho ngành may mặc Việt Nam. Và như thế rất dễ dàng để nhận ra hợp tác dệt may giữa Việt Nam - Ấn Độ sẽ mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia, không chỉ giúp ngành công nghiệp dệt của Ấn Độ có được một thị trường xuất khẩu mới mà còn giúp ngành may mặc Việt Nam có thêm một nguồn cung ứng nguyên liệu dồi dào. Ngoài ra với dân số đông, Ấn Độ cũng chính là thị trường xuất khẩu rất tiềm năng cho các mặt hàng may mặc của Việt Nam”. (Mỹ Châu, 2015).