Một mô hình quản lý và khai thác cảng biển kiểu “chính quyền cảng” (port authority) sẽ được áp dụng, nếu Quốc hội thông qua dự thảo Bộ luật Hàng hải (sửa đổi) tại kỳ họp tới.
Dệt may trước TPP: Nếu biết cách, có thể biến 'sở đoản' thành lợi thế
- Cập nhật : 06/09/2015
(Tin kinh te)
Bên cạnh những cơ hội đến từ các Hiệp định thương mại, đặc biệt là TPP thì ngành dệt may Việt Nam sẽ phải đối mặt với không ít thách thức, khó khăn. Tuy nhiên, nếu biết cách, chúng ta có thể biến khó khăn, "sở đoản" thành lợi thế để phát triển.
Bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên TBTCO.
PV: Việt Nam đang đứng trước thềm Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) với nhiều cơ hội lớn. Theo bà, doanh nghiệp (DN) ngành dệt may Việt mong đợi điều gì nhất ở Hiệp định này?
Bà Đặng Phương Dung: TPP có thể đánh giá là Hiệp định thế kỷ mà nếu ký được thì sẽ mang lại vô vàn lợi ích cho DN Việt nói chung, DN trong ngành dệt may nói riêng. Hiện DN mong đợi nhiều nhất ở vấn đề giảm thuế.
Tuy nhiên, điều đó còn phụ thuộc vào việc đáp ứng được đến đâu yêu cầu xuất xứ của Hiệp định. Nếu đáp ứng được, nghiễm nhiên chúng ta có được một sức cạnh tranh vô cùng lớn, bởi bình thường chúng ta nằm ở mức thuế bình quân 15-16%, nếu đáp ứng được thì có thể giảm xuống chỉ còn 7-8%.
PV: Vậy để tận dụng cơ hội từ việc giảm thuế thì các DN cần phải làm gì?
Bà Đặng Phương Dung: Đầu tiên, DN phải theo dõi sau khi Hiệp định được ký kết, những mặt hàng nào được giảm thuế ngay, những mặt hàng nào giảm dần và có những mặt hàng nhạy cảm. Trên cơ sở đó, DN có thể lựa chọn sản phẩm và mặt hàng để gia tăng sản xuất, xuất khẩu nhằm tận dụng tối đa ưu đãi.
Trên thực tế, yêu cầu về xuất xứ đang là một thách thức lớn vì DN Việt đang rất yếu trong khâu “đầu vào”. Nhất là đối với nguyên phụ liệu như vải và nhuộm – đây là hạn chế lớn nhất.
Tuy nhiên, tôi lại thấy, đây cũng là cơ hội để chúng ta từ bỏ đầu tư vào lĩnh vực này, đồng thời tăng thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển lĩnh vực này giúp chúng ta.
PV: Theo bà, đứng trước những cơ hội, thách thức đó, đặc biệt là để biến những “sở đoản” thành cơ hội, thế mạnh thì cần phải làm gì?
Bà Đặng Phương Dung: Thứ nhất, cần kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào những khâu yếu nhất của chúng ta hiện nay, để tận dụng ngoại lực và lợi ích từ các cơ hội đến từ FTA sẽ được chia đều cho cả DN trong nước, cho cả nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ hai, tăng cường mối liên kết trong ngành giữa các nhà sản xuất may với các nhà sản xuất nguyên phụ liệu để làm sao có thể tận dụng tối đa nhất sản phẩm của nhau. Như vậy chúng ta mới có thể đáp ứng được xuất xứ và được hưởng lợi ích từ các FTA.
Hiện nay,ở một số nước cũng có yêu cầu xuất xứ kém khắt khe hơn, chỉ yêu cầu về vải và có những hành lang mở rộng khác như yêu cầu về nguyên liệu trong nội khối ASEAN. Khi đó, chúng ta có thể tận dụng không chỉ nguồn nguyên phụ liệu ở Việt Nam mà còn từ các nước khác trong khối ASEAN.
Đối với TPP, bên cạnh trong nước, chúng ta cũng có thể tìm nguồn nguyên liệu của các nước trong TPP. Ngoài ra, cũng có thể cố gắng tận dụng từ yếu tố nguồn cung thiếu hụt mà chúng ta đã phải rất vất vả trong đàm phán để đạt được. Đây chính là những nguyên liệu mà trước mắt và cũng như lâu dài các nước trong khối TPP chưa có khả năng sản xuất được nên việc nhập khẩu những nguyên liệu này thì được giảm thuế.
Một vấn đề quan trọng chúng ta cần làm ngay là nâng cao trình độ tay nghề của lực lượng lao động để chuẩn bị đón nhận các dự án đầu tư cũng như tăng nguồn nhân công cho các dây chuyền sản xuất dệt may hiện đại.
Ngoài ra, ngành dệt may còn rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ. Hiện khâu dệt nhuộm có những quy định rất khắt khe về vấn đề bảo vệ môi trường, nhất là quy trình xử lý nước thải. Do đó, các nhà đầu tư nước ngoài rất quan ngại về vấn đề này vì nó đội chi phí lên cao trong khi đầu tư vào ngành này đã yêu cầu vốn lớn và thời gian quay vòng vốn lâu. Mặt khác, không phải tỉnh, địa phương nào cũng sẵn sàng đón nhận dự án có vấn đề ảnh hưởng đến môi trường.
Mặc dù về chính sách, Nhà nước đang rất ưu tiên thu hút các dự án đầu tư về dệt nhuộm để tăng cạnh tranh cũng như sử dụng hiệu quả các FTA, nhưng vấn đề là cần phải có quy hoạch rõ ràng và đẩy mạnh việc thực thi đến các địa phương. Điều này rất cần có “bàn tay” chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ.
Chính phủ cũng cần cần quy hoạch các khu công nghiệp dệt nhuộm và có chính sách hỗ trợ cho vấn đề xử lý nước thải. Chỉ có như vậy, các nhà đầu tư nước ngoài mới sẵn sàng hợp tác với chúng ta.
PV: Xin cảm ơn bà!