tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Thị trường thế giới điêu đứng vì đâu?

  • Cập nhật : 02/09/2015

(Tin kinh te)

Trong những ngày gần đây, thị trường toàn cầu bất ổn và biến động, với các nhà đầu tư tại trung tâm tài chính lớn ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đã chứng kiến chỉ số chứng khoán sụt giảm mạnh, sau đó phục hồi một phần nhưng vẫn giảm đáng kể so với tuần trước.

Trên thực tế, các thị trường Mỹ đã ngừng giảm song Trung Quốc không có được niềm vui tương tự, khi thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến vẫn tiếp tục đi xuống.

thi truong chung khoan trung quoc van tiep tuc di xuong

Thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn tiếp tục đi xuống

“Bong bóng” thị trường

Vậy, đâu là nguyên nhân dẫn đến những biến động này? Theo bài phân tích của các chuyên gia viết trên trang tin Stratfor (Mỹ) về những yếu tố khiến thị trường thế giới náo động, có một số điều cần lưu ý khi xem xét những vấn đề trên. Đầu tiên là việc thị trường chứng khoán phương Tây được định giá cao trong một thời gian không phải vì các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tốt.

Thay vào đó, đây là kết quả của một thời gian dài trong nhiều năm các ngân hàng trung ương bơm tiền vào thị trường toàn cầu thông qua các chính sách nới lỏng tiền tệ, trong đó nổi bật nhất là chính sách nới lỏng định lượng. Phương cách này đã dẫn đến tình trạng dư thừa vốn, khiến các loại tài sản như chứng khoán và bất động sản bị thổi giá.

Một chiến dịch nới lỏng tiền tệ chưa từng thấy được áp dụng và nhiều người suy đoán rằng những hậu quả tiếp theo sẽ nghiêm trọng khi các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất và giảm lượng cung tiền.

Vì vậy, thị trường chứng khoán giảm ở góc độ nào đó được coi là tác động thực đến nền kinh tế, ngay cả khi các cổ đông không muốn thấy điều này.

Những yếu tố có thể làm thay đổi tình hình đã xuất hiện, nhưng hầu hết không phải là mới. Tăng trưởng của Trung Quốc đã giảm liên tục trong nhiều năm, và các số liệu về xuất khẩu yếu hơn dự kiến trong tháng Bảy cũng không phải xu hướng mới. Nhu cầu sụt giảm đã làm hàng hóa không tiêu thụ được và xu hướng này có thể diễn ra theo một chu kỳ dài.

Các nước xuất khẩu hàng hóa (thường ở các thị trường mới nổi) bị tác động do giá cả hàng hóa giảm cũng đang phải đối mặt với dòng vốn chảy ra ngoài, chuyển đến Mỹ khi kỳ vọng lãi suất được nâng lên.

Bên cạnh đó, tại Trung Quốc, mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của nước này đã bị gián đoạn vào năm 2008, khi tất cả các khách hàng của đại lục rơi vào khủng hoảng, kể từ đó Trung Quốc đã chuyển hướng thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Vấn đề là để phát triển thành một nền kinh tế hiện đại, theo phương cách phương Tây với thị trường vốn phức hợp, Trung Quốc sẽ cần thuyết phục các nhà đầu tư phương Tây đầu tư vào một thị trường đang bị chính phủ kiểm soát khá chặt. Vì vậy, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc đã phải đối mặt với bong bóng thị trường chứng khoán và nhà ở, cùng một nền kinh tế chậm lại và mức nợ cao.

Washington và Bắc Kinh đổ lỗi cho nhau

Ngoài ra, nếu nhìn vào một khía cạnh khác, sự “đổ dốc” của thị trường chứng khoán thế giới đã gây ra một “cuộc chiến” mới giữa Washington và Bắc Kinh trước chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, khi hai bên lên tiếng cáo buộc lẫn nhau về trách nhiệm trong vấn đề này.

Ông Yao Yudong, Giám đốc Viện tài chính thuộc Ngân hàng quốc gia Trung Quốc, cho rằng chủ trương của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời gian tới là nguyên nhân chính gây sụp đổ thị trường chứng khoán toàn cầu.

Chưa dừng lại ở đó, trong “ngày thứ Hai đen tối” ngay sau sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến xuống mức thấp nhất trong lịch sử, Tân Hoa Xã của Trung Quốc đã tuyên bố rằng giá cổ phiếu tụt dốc kỷ lục là do bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm đáng kể của thị trường chứng khoán Phố Wall hôm trước.

Trong khi đó, tại Washington, phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Ernest nói rằng chỉ số chứng khoán Trung Quốc có yếu tố chính trị. Theo chính quyền Tổng thống Barack Obama, Bắc Kinh đã kìm hãm sự “rơi tự do” trên sàn giao dịch chứng khoán, tạo ra “tác động giả tạo” đối với nền kinh tế của Trung Quốc”.

Chuyên gia Viện Nghiên cứu hiện đại Nikita Maslennikov ghi nhận, có thể tránh được sự cáo buộc lẫn nhau của Trung Quốc và Mỹ về chính trị hóa cuộc khủng hoảng còn tiếp diễn trên thị trường chứng khoán toàn cầu. Trong tương lai gần tất cả sẽ phụ thuộc vào sự minh bạch của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc trong chính sách tài chính của họ.

Ở một mức độ không kém, Fed cũng có thể đem đến sự đảm bảo cho những người tham gia thị trường trên toàn thế giới. Điều quan trọng cần phải biết một cách rõ ràng, liệu Mỹ sẽ tăng tỷ lệ lãi suất trong tháng Chín hay không.

Buộc tội Mỹ trong những biến động của thị trường chứng khoán toàn cầu, Trung Quốc khẩn trương ứng phó với “tình hình ở nhà”. Giảm tỷ lệ lãi suất tiền gửi ngân hàng và tiền cho vay, cũng như yêu cầu về nguồn tiền dự trữ của các ngân hàng. Các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc hiện chưa bình luận về nguyên nhân và hậu quả của “ngày thứ Hai đen tối” và ngày thứ Ba không kém phần bi thảm.

Trong khi đó, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho rằng hiện nay không có cơ sở nào khiến đồng nhân dân tệ tiếp tục mất giá. Chính phủ có thể hỗ trợ tỷ giá ở mức ổn định, ông nói.

Với các nhà đầu tư đây là một tín hiệu tích cực. Đối với Nhà Trắng, sự mất giá của đồng nhân dân tệ mới đây được tiếp nhận với thái độ thù địch, bởi vì điều đó giúp các nhà xuất khẩu Trung Quốc củng cố vị thế trên thị trường Mỹ. Dự kiến rằng vấn đề này sẽ được Tổng thống Barack Obama nêu lên trong cuộc hội đàm với ông Tập Cận Bình vào tháng Chín tới.

Nền kinh tế thế giới đang trải qua một giai đoạn chuyển đổi. Các thị trường mới nổi cuối cùng cũng đang phải đối phó với những mặt trái luôn song hành cùng mục tiêu tăng trưởng bền vững. Các nền kinh tế khác hiện vẫn đang hy vọng Mỹ sẽ tạo ra đủ lực cầu để giúp họ thoát khỏi khó khăn một lần nữa.

Việc chuyển đổi có thể sẽ ảnh hưởng tới không chỉ các thị trường mới nổi, mà với bất kỳ quốc gia phương Tây nào liên quan như Tây Ban Nha và Hy Lạp. Một giai đoạn chuyển tiếp như vậy hoàn toàn có khả năng tạo ra một cuộc khủng hoảng lớn hơn, đặc biệt là khi tài sản đã được định giá cao.

(Theo Taichinganhang)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục