Chỉ có 13/30 công ty hoạt động có lãi trong nửa đầu năm 2015. Tuy nhiên, điều đặc biệt là dù cho các công ty lớn nhất ngành đang có doanh thu môi giới sụt giảm thì các công ty nhỏ đang sống tốt hơn nhờ môi giới và tư vấn.
Câu chuyện quán ốc và những phương pháp đầu tư... chắc chắn chết
- Cập nhật : 01/09/2015
(Tin kinh te)
Có một sự thật rõ ràng rằng kiếm tiền chưa bao giờ là dễ dàng. Dù bạn có thực hiện đúng phương pháp hay công thức kiếm tiền đến đâu đi nữa nhưng vẫn mất tiền thậm chí phá sản.
Vì vậy, thay vì tiếp cận theo cách truyền thống là học cách kiếm tiền hãy thử làm ngược lại học cách… mất tiền để biết cách không để mất tiền trước khi kiếm được nó.
Bao nhiêu năm rồi làm gì và được gì
Đầu năm đến nay chỉ số VN-Index đã tăng được khoảng 100 điểm từ mức 540 lên mức cao nhất là 640 điểm, một con số quá đẹp nếu so với các kênh đầu tư khác như bất động sản, ngoại hối, vàng hay tiết kiệm.
Tuy nhiên, có một sự thật bất ngờ rằng không nhiều nhà đầu tư (NĐT) có lời, thậm chí có người còn lỗ nặng, mất vốn hoặc phá sản, đặc biệt trong hơn 1 tháng qua khi thị trường đổ đèo. Bởi vì, mặc dù tính từ đầu năm 2015 thì thị trường vẫn tăng nhưng số mã tăng vẫn ít hơn số mã giảm, các NĐT và nhất là NĐT cá nhân ít khi mua được ngay đáy mà thường mua phải ngay đỉnh với khối lượng lớn kèm theo margin (tiền vay). Vì vậy chỉ cần thị trường giảm nhẹ thì mức thua lỗ đã rất lớn.
Rất nhiều NĐT khi bắt đầu tìm hiểu về chứng khoán (CK) đều tràn đầy hy vọng sẽ thành đại gia hay chí ít cũng kiếm được chút đỉnh trên thị trường. Tuy nhiên thực tế thường diễn ra ngược lại bất chấp các NĐT tìm hiểu kỹ càng về CK, tham gia những khóa học về đầu tư hay các hội thảo với những chuyên gia, NĐT thành công hoặc những doanh nhân thành đạt để hiện thực hóa ước mơ của mình.
Với những nỗ lực học tập miệt mài không ngừng nghỉ cộng với những phương pháp được “lưu truyền” trong sách vở hay “bí kíp” của những NĐT nổi tiếng thì số lượng NĐT có thể kiếm được tiền một cách bền vững trên TTCK chỉ đạt một tỷ lệ rất nhỏ.
Vì vậy, có NĐT đã cay đắng thốt lên rằng: “Tôi đã đọc những cuốn sách hay nhất, học hỏi những người giỏi nhất, ứng dụng những phương pháp đầu tư kiếm tiền nổi tiếng nhất với khát khao kiếm tiền mãnh liệt nhất… Tóm lại cái gì cũng tuyệt vời nhất và kết quả của tôi dĩ nhiên cũng là nhất chỉ có điều là… từ dưới đếm lên mà thôi”.
Câu chuyện quán ốc và kế hoạch trả thù trên sàn chứng khoán
Trên TTCK thỉnh thoảng sẽ có một số người kể với bạn họ đã từng x5, x6 lần tài khoản dù rằng họ chỉ làm được duy nhất 1 lần trong đời và thường chỉ với một số tiền nhỏ (trong vô số những lần thất bại khác với những số tiền rất lớn, thậm chí phá sản mà họ đã không kể với bạn). Những câu chuyện x5, x6 có thể tạo ra nhiều hứng khởi, nhưng câu chuyện thật hơn và ít được kể hơn trong nhiều năm là câu chuyện: "Tôi đã biến 10 tỷ thành 10 triệu như thế nào".
Tại sao những sự thất bại ít được kể hơn, báo chí cũng ít đăng hơn vì số lượng này quá đông hoặc đơn giản người ta nghĩ những câu chuyện thành công vốn ít xảy ra nên thu hút hơn và dễ đăng hơn.
Giai đoạn hoàng kim nhất của TTCK trong 15 năm qua là giai đoạn năm 2006-2007 khi mà người người chơi CK, nhà nhà đầu tư CK. Từ anh xe ôm, chị bán cá ở chợ cho đến dân văn phòng, thậm chí như chị bán phở vừa bán phở vừa đặt laptop bên cạnh nồi nước lèo để tiện theo dõi, vô lệnh kịp thời và mơ ước đến ngày trở thành NĐT chuyên nghiệp, một từ ngữ rất “sang chảnh” thời kỳ đó. Môi giới CK ngày đó là nghề quá “hot”, từ "hot boy, hot girl" sử dụng nhiều ngày nay cũng từ đó mà ra, khi bản thân môi giới còn phải thuê người phụ việc cho mình, điện thoại mời được môi giới đi café đã là một thành công; sinh viên ngành kinh tế mới từ năm hai đã bị các CTCK trưng dụng làm part-time do không đủ nhân viên phục vụ khách hàng. Các sinh việc part-time này cũng chuyển công ty liên tục do không đủ người nên các CTCK lôi kéo luôn cả những nhân viên thời vụ của nhau.
Giai đoạn này thay đổi rất nhanh khi khủng hoảng kinh tế năm 2008 bùng nổ (VN-Index đạt đỉnh 1,179 điểm năm 2007 và rớt luôn cho đến nay) chứng kiến nhiều chiến binh ngã ngựa nhất. Nhiều tên tuổi lẫy lừng, NĐT kỳ cựu đã rời bỏ sàn theo nhiều cách, người bán tài sản trả nợ, người bỏ việc nằm sàn giờ lại đôn đáo đi kiếm việc…để trả nợ, người bán phở tiếp tục bán phở... để trả nợ… Tóm lại mọi thứ để trả nợ.
Trên thị trường còn “lưu truyền” câu chuyện một NĐT kỳ cựu tên L. nghỉ khỏi CK chuyển sang bán bánh canh ghẹ và rất thành công. Hiện anh có mấy cửa hàng rất đông khách và nhiều NĐT CK vẫn hay tìm đến ăn để trao đổi những gì đã qua. Tuy nhiên thành công như anh Long khi rời bỏ CK là rất ít, còn bán nhà, bán xe, gia đình ly tán làm ăn vất vưởng qua ngày thì đầy rẫy.
Bản thân người viết bài này cũng đã từng từ 2 bàn tay trắng làm nên... một đống nợ mà phải mất nhiều năm mới trả hết. Người viết cũng đã từng chứng kiến có NĐT rất giàu có nhưng đầu tư thất bại bị ngân hàng siết nợ, vợ ly dị phải ôm con gái nhỏ ngủ dưới mái hiên nhà hàng xóm ngay đúng ngày 30 Tết rất đau xót.
Mặc dù vậy vẫn có nhiều NĐT luôn có niềm đam mê với CK và vẫn mong một ngày hoàng kim quay lại phục thù. Như anh H., anh T., chị B. hùn ít tiền còn lại chung với nhau mở quán nhậu hay anh Th. mở quán sinh tố, tàu hủ để kinh doanh trong lúc thị trường khó khăn chờ ngày quay lại. Cũng có NĐT vẫn còn hậm hực với thị trường như anh Hi. mở quán ốc và có rủ người viết góp vốn chung đồng thời lập một kế hoạch đầu tư để “mơ đến một ngày nào đó sẽ niêm yết quán ốc lên TTCK, trở thành quán ốc đầu tiên được niêm yết sẽ nổi tiếng toàn quốc”.
Làm sao kiếm được tiền trên sàn CK
Đây là câu hỏi mà nhiều NĐT thậm chí cả những NĐT lâu năm hay hỏi nhau hay tự hỏi chính mình sau một thời gian miệt mài trên sàn CK. Tại sao kết quả lại ngược dòng là câu hỏi muôn thưở bất chấp có hàng vạn cuốn sách dạy về cách kiếm tiền, những phương pháp đầu tư tuyệt vời được dạy bởi những trường nổi tiếng lẫn những NĐT thành công.
Có một sự thật rõ ràng rằng kiếm tiền chưa bao giờ là dễ dàng. Dù bạn có thực hiện đúng phương pháp hay công thức kiếm tiền đến đâu đi nữa nhưng mất tiền thậm chí phá sản là điều chắc chắn hơn nhiều và không chỉ một lần. Chẳng ai muốn mất tiền nhưng nó vẫn thường tìm đến bạn và dù bạn có hàng triệu lý do để đổ lỗi nhưng chắc chắn phải có trách nhiệm trước bản thân mình, việc cố gắng né tránh nó sẽ dẫn đến mất tiền thêm nhiều lần nữa. Vì vậy thay vì tiếp cận theo cách truyền thống là học cách kiếm tiền hãy thử làm ngược lại học cách… mất tiền để biết cách không để mất tiền trước khi kiếm được nó.
Một số phương pháp giao dịch…chắc chắn chết
Đôi khi số đông là số sai
- Chết do thông tin nội bộ: Một số NĐT luôn tự tin với nguồn tin “mật”. Tuy nhiên đôi khi chính điều này quay lại làm mình mất tiền bởi tin thực tế không đúng như tin nội bộ ban đầu hoặc đúng như thế nhưng giá trên thị trường lại đi ngược lại.
- Chết do hành động theo số đông: Câu nói “mua có bạn, bán có phường” thường khó sử dụng trên TTCK khi số đông thường là số…mất tiền. Các hoạt động “phím hàng” mà NĐT không tìm hiểu kỹ hay mua theo số đông thường là chết.
- Chết do phân tích cơ bản: Các thông tin cơ bản về doanh nghiệp rất tốt, kinh doanh khả quan, nói chung tốt tần tất tật trừ một điều duy nhất đó là cổ phiếu đó…không tăng giá.
- Chết do phân tích kỹ thuật: Tự tin với các tuyệt chiêu, mô hình, Doji, Elliott, ra đòn rồi bị phản đòn hoặc sử dụng quá nhiều chỉ báo, nhũn não và mất tiền.
- Chết do bình quân giá: Giá giảm bắt đáy, giảm tiếp bắt tiếp, giảm tiếp lại bắt tiếp, giảm hoài không thấy đáy, bình quân thua lỗ không phải bình quân giá và chết chắc.
- Cái chết trên đỉnh vinh quang: Đánh đúng xu hướng, ăn liên tục lên tới đỉnh, tự tin với nhận định của chính mình, dốc túi tất tay và rớt xuống từ trên đỉnh.
- Cái chết dưới vực sâu: Phân tích, tích phân cho rằng xu hướng đã yếu đưa tay mò đáy, kẹp một tay, đưa tay nữa bình quân giá tiếp tục kẹp hàng, từ từ trôi xuống vực thẳm.
- Cái chết giữa dòng thác: Thị trường tăng giảm thất thường, tâm lý hoảng loạn, đánh đại một hướng mất tiền, lộn hướng lại đánh tiếp, loay hoay mệt quá và chết giữa dòng.
- Chết do hóng hớt: Hóng quá nhiều tin, tin tức loạn xạ, tin mật, tin chính thống, tin nội bộ, tin công bố, tin đồn... đánh loạn xa nên chắc chắn chết.
- Chết do quá hiểu quy luật thị trường: Bởi vì thị trường có một quy luật lớn nhất đó là “thị trường không có quy luật”, không hề có chuyện một kiểu thông tin hoặc ở các giai đoạn khác nhau thị trường phản ứng cùng một kiểu. Bởi thế khi NĐT tìm ra quy luật nghĩa là NĐT đó đang chuẩn bị mất tiền.
- Chết do thích làm Warren Buffet: Áp dụng chính xác công thức thành công của các cao thủ nhưng quên rằng công thức đó phải áp dụng linh hoạt và đôi khi chỉ dùng được với họ chứ chưa chắc với mình.
- Chết do đội lái.
- Chết do… rút kinh nghiệm: Rút hoài vẫn chưa hết, sợi dây kinh nghiệm quá dài.
- Chết vì nghĩ mình sẽ… không bao giờ chết: Quá tự tin, các chuyên gia bây giờ đi bán phở, làm nghề tay trái cũng nhiều.
- …
Xưa nay, chủ đề thất bại, mất tiền vốn luôn là chủ đề nhạy cảm, người ta luôn cố gắng tránh nói đến nó; tuy nhiên đã đến lúc các NĐT phải đối diện với nó để học cách vượt qua. Học càng nhiều về cách mất tiền và càng biết nhiều con đường dẫn đến thất bại nhiều bao nhiêu thì càng dễ dàng tránh được nó đồng thời mở ra những con đường thành công.
Việc đối diện thật sự với thất bại sẽ giúp NĐT bước qua nó một cách nhẹ nhàng mà đôi khi chính họ cũng không ngờ, cũng như giúp cho các NĐT tránh được những con đường đầy “ổ gà”, “ổ voi” và đặc biệt mang lại sự tự tin vững bước trên hành trình đầu tư đầy hấp dẫn và thử thách.
Sự tự tin mà một NĐT chỉ mới biết đến chiến thắng và sự tự tin của những người đã từng trải qua thất bại và hiểu được nó là rất khác biệt. Bởi vì bài học từ mất tiền luôn là bài học đắt đỏ nhất và vì thế nó cũng quý giá nhất. Nói cách khác giá trị của những bài học từ thất bại luôn nhiều hơn từ thành công. Nó giúp chúng ta mạnh mẽ vững vàng như Đá nhưng hành động uyển chuyển nhưNước chứ không quá tự tin như những người kiếm được tiền quá dễ dàng.
Điều này dễ ẩn chứa sự chủ quan mà mai này một khi thất bại sẽ khiến cho họ có thể bị mất mát nhiều hơn mà không có cách nào sửa chữa được. Đó là điểm khác nhau cơ bản giữa sự tự tin của người Biết và sự tự tin của người Hiểu! Để đi từ Biết đến Hiểu chẳng thể tránh khỏi quá trình phải chiêm nghiệm bằng chính mình qua những lần vấp ngã hoặc hoặc học được cách vấp ngã để bước qua nó.