Thị trường đang bước vào giai đoạn cao điểm của mùa ĐHCĐ. Hiện tại, các DN niêm yết lớn trong ngành phân bón vẫn chưa chính thức tổ chức ĐHCĐ. Tuy nhiên, thông qua tờ trình ĐHCĐ cũng như kế hoạch sản xuất kinh doanh 2016 của nhiều DN, bức tranh về ngành trong năm nay được thể hiện khá rõ nét.
Thị trường chứng khoán: Áp lực chốt lời ngắn hạn gia tăng
- Cập nhật : 11/04/2016
(Tin kinh te)
Tuần giao dịch đầu tiên của tháng 4 (từ 4 - 8/4), VN-Index có 4 phiên tăng điểm liên tiếp. Đóng cửa phiên cuối tuần, VN-Index đạt 572,34 điểm, tăng 2,49%; HNX đạt 80,24 điểm, tăng 2,25% so với cuối tuần trước đó.
Thanh khoản trên hai sàn duy trì mức trung bình 20 phiên giao dịch. Các NĐT nước ngoài có lượng giao dịch thỏa thuận đặc biệt ở mã VIC (bán ròng hơn 1.200 tỷ đồng), nếu trừ đi lệnh thỏa thuận này, khối ngoại có tuần mua ròng thứ 5 liên tiếp, với giá trị 170 tỷ đồng.
Phiên thứ Hai (4/4) là phiên kết thúc nhịp giảm kéo dài 3 tuần trước đó. Trong phiên, chỉ số VN-Index có lúc giảm sâu đến mức hỗ trợ mạnh 555 điểm, nhưng sau đó đã bật mạnh trở lại. Dẫn dắt nhịp hồi phục này là nhóm cổ phiếu dầu khí và mã VNM.
Trong nhóm cổ phiếu dầu khí, tuần qua, GAS tăng giá 6,27%, đồng thuận với diễn biến của giá dầu thế giới. Cụ thể, giá WTI tuần qua tăng 8%, đạt 39,5 USD/thùng. Giá dầu thô tăng nhờ số liệu công bố của Mỹ về trữ lượng dầu lưu kho giảm mạnh 4,9 triệu thùng so với tuần trước đó, trái ngược với dự đoán của phần lớn các nhà phân tích.
Bên cạnh đó, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đưa ra dấu hiệu về việc ra quyết định “đóng băng” sản lượng vào cuộc họp ngày 17/4 tới sẽ được thống nhất, mà không tính đến quyết định của Iran.
Đối với mã VNM, cổ phiếu này có hai phiên cuối tuần giao dịch đột biến về khối lượng và giá (cả tuần tăng 6,7%), nhờ thông tin các cổ đông đã thông qua quyết định rút khỏi 7 ngành nghề kinh doanh, đáp ứng điều kiện để tiến hành mở rộng tỷ lệ sở hữu nước ngoài.
Nhóm cổ phiếu thép tiếp tục giao dịch bùng nổ trong tuần như HSG, HPG, VGS, TLH… nhờ hưởng lợi từ hàng tồn kho giá rẻ năm 2015, những DN sản xuất phôi thép được hưởng lợi từ việc tăng thuế nhập khẩu phôi từ Trung Quốc, đồng thời hoạt động xuất khẩu sản phẩm tôn mạ duy trì đà tăng trưởng. Tuy nhiên, tình trạng dư cung vẫn kéo dài, Trung Quốc đẩy mạnh bán thép dư thừa ra nước ngoài với giá thấp hơn giá thành, đe dọa ngành thép của Anh và châu Âu. Vì vậy, đà tăng của giá thép không được kỳ vọng sẽ kéo dài.
Vào mùa ĐHCĐ, câu chuyện thu hút được sự chú ý của NĐT hiện nay chủ yếu xoay quanh vấn đề nới room, ảnh hưởng của tỷ giá và động thái thoái vốn của Nhà nước. Liên quan đến thoái vốn nhà nước tại các DN niêm yết, một số DN đang được NĐT nước ngoài quan tâm là VNM, DHG, DMC, IMP, TCM… Về room, những hạn chế trong việc thực hiện nới room dành cho các công ty niêm yết đang được kỳ vọng tháo gỡ.
Ngoài ra, kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hoãn nâng lãi suất đồng USD trong tháng 4 này, dòng tiền ngoại chảy vào các thị trường cận biên, thị trường mới nổi sẽ hỗ trợ cho dòng vốn ngoại chảy vào TTCK Việt Nam. Các yếu tố trên đang góp phần tạo ra tâm lý phấn khởi cho nhiều NĐT trong nước, lạc quan về triển vọng của VN-Index.
VN-Index sau khi chạm vùng hỗ trợ 555 điểm đã có nhịp hồi phục đáng kể, đóng cửa phiên cuối tuần qua nằm trên đường trung bình giá 20 phiên tại 570 điểm, thanh khoản duy trì ở mức trung bình, không có phiên tăng đột biến. Khối Sales & Trading, CTCK VNDirect cho rằng, trong nhịp tăng này, nhiều NĐT có tâm lý đầu cơ ngắn hạn, áp lực chốt lời có thể khiến chỉ số có nhịp rung lắc trong những phiên giao dịch đầu tuần mới.
Việc tham gia giải ngân mới trong giai đoạn này có thể gặp rủi ro khi ngưỡng kháng cự sắp tới tại MA200 quanh vùng 580 điểm khá kiên cố. Sales & Trading khuyến nghị, NĐT nên giữ tài khoản ở tỷ lệ cân bằng tiền và cổ phiếu, theo dõi diễn biến của VN-Index để hành động, tránh mua đuổi trong những phiên tăng mạnh.