Hiện giá trị vốn hóa của TTCK Việt Nam đạt 64 tỷ USD, khá khiêm tốn so với mức 250 tỷ USD của Philippines và 373 tỷ USD của Thái Lan.
El Nino có nhấn chìm cổ phiếu ngành phân bón?
- Cập nhật : 21/04/2016
(Tin kinh te)
Thị trường đang bước vào giai đoạn cao điểm của mùa ĐHCĐ. Hiện tại, các DN niêm yết lớn trong ngành phân bón vẫn chưa chính thức tổ chức ĐHCĐ. Tuy nhiên, thông qua tờ trình ĐHCĐ cũng như kế hoạch sản xuất kinh doanh 2016 của nhiều DN, bức tranh về ngành trong năm nay được thể hiện khá rõ nét.
Theo kế hoạch SXKD năm 2016 của các công ty, sản lượng mục tiêu được đặt ra tương đối thận trọng khi việc bán hàng sẽ khó khăn hơn do yếu tố cung-cầu, cạnh tranh trong ngành và quan ngại về vấn đề thời tiết.
Tính từ nửa cuối năm 2015 đến đầu năm 2016, tác động tiêu cực của hiện tượng El Nino khiến hoạt động trồng trọt ở nhiều khu vực trong cả nước bị ảnh hưởng (Tây Nguyên, Tây Nam bộ…). Trong một vài tháng tới, đợt xuống giống cho vụ lúa hè-thu ở các khu vực này tiếp tục hứng chịu tác động tiêu cực.
Cụ thể, tình hình xâm thực mặn và khô hạn dự báo sẽ kéo dài đến tháng 6/2016, và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp ở 13 tỉnh thành của ĐBSCL. Nửa cuối tháng 3/2016, Trung Quốc và Lào đã đồng ý xả nước ở các đập thủy điện nhằm giải quyết vấn đề khô hạn của các nước lưu vực sông Mekong. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn quan ngại về hiệu quả của giải pháp này đối với tình hình khô hạn và ngập mặn ở ĐBSCL.
Trước những lo ngại về tác động của El Nino đến hoạt động kinh doanh phân bón trong năm 2016, giới đầu tư bắt đầu lo ngại cho một số cổ phiếu thuộc ngành này. Theo đó, rất nhiều nhà đầu tư bắt đầu rút lui bằng cách bán tháo cổ phiếu, thu tiền về, chờ đợi thời cơ ở những cổ phiếu ngành khác.
Tuy nhiên, cũng có những nhà đầu tư bám trụ và cho rằng El Nino có thể là thảm họa, nhưng cũng có thể là cơ hội để cổ phiếu ngành phân bón bật dậy. Bởi, có rất nhiều cổ phiếu ngành này không hề chịu tác động của hiện tượng thiên tai này.
Quả vậy, khi nói về tiềm năng tăng trưởng của ngành phân bón, một lãnh đạo của LAS (một DN sản xuất phân lân lớn ở khu vực miền Bắc) tự tin khẳng định, hiện tượng El Nino không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động bán hàng do phần lớn thị trường của DN nằm ở khu vực miền Bắc, vùng không bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, đối với DPM (DN sản xuất phân urê, chiếm khoảng 40% thị phần cả nước) là DN chịu tác động nhiều nhất của hiện tượng El Nino, vì đây là DN tiêu thụ nhiều sản phẩm ở khu vực Tây Nguyên và Tây Nam bộ. Ở Đông và Tây Nam bộ, thị phần phân urê của DPM chiếm lần lượt là 75% và 35%. Do tác động của hiện tượng xâm nhập mặn và khô hạn, trong vụ lúa hè-thu sắp tới, nhu cầu phân urê trên toàn thị trường vùng này sẽ giảm từ 5-10%.
Trước tình hình đó, DPM có kế hoạch điều chỉnh, bán hàng sang khu vực không chịu tác động trực tiếp của hạn hán và ngập mặn. Với uy tín và thương hiệu mạnh, DPM có khả năng cạnh tranh với công ty khác trong ngành, nhưng nhiều khả năng là giá bán phân urê của công ty sẽ bị điều chỉnh. Theo chia sẻ từ DN, sản lượng bán hàng ước tính trong quý I/2016 sẽ tương đương cùng kỳ năm trước.
Với những dữ liệu trên, có thể nói rằng các cổ phiếu ngành phân bón vẫn đang tránh được thiệt hại do El Nino gây ra. Song, cũng phải nhìn nhận rằng, những điểm tích cực trên chỉ diễn ra trong ngắn hạn và không bền vững.
Đơn cử, đối với LAS, dù không nằm trong “vùng tâm bão”, nhưng ai cũng dễ nhận ra rủi ro lớn nhất của LAS hiện nay đến từ gia tăng cạnh tranh trong ngành, gây sức ép lên giá bán và sản lượng bán hàng.
Trong 3 tháng đầu năm, theo ước tính của DN này, giá bán phân lân (tại kho công ty) đã giảm 3% so với cuối năm 2015. Theo đó, doanh thu quý I/2016 ước tính giảm khoảng 18% so với cùng kỳ, đạt khoảng 1.100 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm hiện tại, khu vực Tây Nguyên có 160.000 ha diện tích cây trồng thiếu nước do hạn hán nghiêm trọng, 160.000 ha diện tích gieo trồng lúa tại khu vực ĐBSCL bị thiệt hai do xâm nhập mặn. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương (NCHMF), tình hình khô hạn và xâm nhập mặn sẽ kéo dài đến tháng 6/2016.
Tuy nhiên, sau khi El Nino suy yếu, xác suất hiện tượng La Nina xuất hiện vào những tháng cuối năm 2016 khá cao, lên đến 50-60%. Diễn biến thời tiết khắc nghiệt đã ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Việt Nam ở nhiều khía cạnh.
Ngành nông nghiệp hiện chiếm 10% trong tổng cơ cấu GDP, chiếm 44,3% lực lượng lao động cả nước và 8% trong cơ cấu xuất khẩu. Với triển vọng thời tiết không thuận lợi cho đến hết quý II/2016, ước tính sản lượng lúa cả nước giảm 1,5 triệu tấn, tương đương 3,3% tổng sản lượng sản xuất cả năm 2015.
Dựa trên kịch bản giá trị sản xuất nông nghiệp giảm 1% trong năm 2016, tăng trưởng GDP ước chỉ đạt 5,8-6% trong năm 2016. Đối với xuất khẩu gạo, sản lượng giảm, nhưng giá bán có thể tăng do nhu cầu về sản phẩm nông nghiệp tại các quốc gia nằm trong vùng ảnh hưởng của El Nino cũng tăng cao.
Về tiêu dùng của nền kinh tế, do lực lượng lao động lĩnh vực nông nghiệp chiếm phần đông nên khi ngành này gặp khó khăn, có thể ảnh hưởng đến tiêu dùng nói chung. Giá lương thực tăng sẽ khiến phần tiết kiệm trong thu nhập của người dân giảm, từ đó ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của những mặt hàng không thiết yếu…
Nhìn chung, đối với các cổ phiếu ngành phân bón, những tác động tiêu cực liên quan đến thời tiết là không tránh khỏi. Theo đó, doanh thu của các DN này cũng bị ảnh hưởng theo. Tuy nhiên, có một điều làm cơ sở để NĐT tiếp tục yêu thích nhóm cổ phiếu ngành phân bón, đó là chính sách cổ tức cao và ổn định so với các ngành khác.
Cụ thể, năm 2015, DPM và LAS đều có mức chi trả cổ tức ở mức cao (40-50%), thời điểm chi trả phần cổ tức còn lại của hai DN này thường rơi vào quý II hàng năm.
KIM
(Thời báo Ngân hàng)