Nhận định và khuyến nghị đầu tư của một số công ty chứng khoán về diễn biến thị trường ngày 5/8.
Đón "sóng" cổ phiếu bán lẻ
- Cập nhật : 08/04/2016
(Tin kinh te)
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng quý I/2016 tăng trưởng khá tốt, đạt 9,1% so với cùng kỳ năm 2015. Điều này cho thấy, nhà đầu tư đang đứng trước cơ hội đón sóng của các cổ phiếu bán lẻ.
Theo ông Đặng Trần Hải Đăng, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phân tích, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công thương (VieitnBankSc), quy mô thị trường bán lẻ năm 2015 đạt 102 tỷ USD và dự kiến đạt 179 tỷ USD sau 5 năm. Theo đó, tốc độ tăng trưởng lần lượt đạt 7,3% và 11,9% vào năm 2015 và năm 2020.
“Với nền tảng 93 triệu dân, trong đó có tới 60% là người tiêu dùng trẻ, ngành bán lẻ Việt Nam đang rất hấp dẫn”, ông Đăng nhận định.
Trong số các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG, sàn HOSE) luôn làm mưa làm gió với những tham vọng khủng và chưa hề muốn dừng lại dù đã chiếm những mảng thị trường lớn.
Hiện Thế giới Di động sở hữu 2 chuỗi bán lẻ là Thegioididong.com và Điện máy Xanh. Hệ thống Thegioididong.com có hơn 600 cửa hàng, với diện tích 100-200 m2, bao phủ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, chiếm 30% thị phần điện thoại chính hãng. Còn Điện máy Xanh đang mở rộng mạnh mẽ với hơn 90 cửa hàng, bao phủ 51/63 tỉnh, thành phố, với diện tích từ 500 đến 1.000 m2, chiếm hơn 8% thị phần thị trường.
Dự kiến, doanh thu của Thế giới Di động trong năm 2016 có thể đạt gần 35.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 1.400 tỷ đồng. Đến năm 2017 - 2018, Công ty này có thể cán mốc doanh thu 2 tỷ USD, gấp đôi doanh thu năm 2015. Dự kiến, năm 2016 sẽ là năm bùng nổ bán hàng online của Thế giới Di động, với doanh thu đạt xấp xỉ 3.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, mặc dù mới đủ sức gây “bão” tại thị trường phía Bắc, nhưng đại gia bán lẻ khác đang niêm yết trên sàn chứng khoán là Trần Anh (mã TAG, sàn HNX) vẫn nung nấu khát vọng phất cờ Nam tiến.
Ông Ngô Thành Đạt, Giám đốc Marketing của Trần Anh cho biết, đến hết năm 2018, thị trường điện máy trong nước sẽ đi vào ổn định, khi các “đại gia” điện máy đã ổn định xong thị trường trọng điểm. Chính vì vậy, các doanh nghiệp tham gia cuộc chơi sẽ chỉ còn 3 năm để xây dựng hệ thống của mình.
Với Trần Anh, ông Đạt cho biết, năm nay, Công ty dự kiến mở thêm 10 - 12 trung tâm bán lẻ quy mô lớn tại miền Bắc, phủ nhanh và liên tục như năm 2015. Từ nay đến hết năm 2018, Trần Anh sẽ mở rộng lên khoảng 100 trung tâm bán lẻ trên toàn quốc, trong đó ưu tiên mở trước đại siêu thị, quy mô trung bình và nhỏ mở sau. Tuy nhiên, với tiềm lực tài chính cũng như hệ thống quản trị của Trần Anh và đối tác chiến lược Nhật Bản là Tập đoàn Nojima, việc mở rộng của Trần Anh vẫn trên cơ sở thận trọng.
Trong cuộc chơi của các cổ phiếu bán lẻ trên sàn, đương nhiên không thể thiếu đại gia FPT. Là một doanh nghiệp có thế mạnh về mảng công nghệ, nhưng bán lẻ mới là mảng chiếm tỷ trọng doanh thu lớn nhất. Năm 2015, doanh thu từ phân phối bán lẻ của FPT đạt 25.213 tỷ đồng, gấp 3 lần doanh thu từ khối công nghệ và gấp gần 5 lần khối viễn thông.
Dù đại gia này đang “ngấp nghé” việc chuyển nhượng chuỗi bán lẻ FPT Shop, song bao giờ FPT dứt duyên với bán lẻ vẫn là một tương lai chưa xác định. Trong kế hoạch năm 2016, khối bán lẻ và phân phối vẫn sẽ là mảng chiếm doanh thu vượt trội hẳn các mảng khác, với 28.586 tỷ đồng. Ngay cả khi tìm được đối tác để chuyển nhượng FPT Shop, thì FPT cũng sẽ không dại gì buông hoàn toàn mảng bán lẻ, mà sẽ vẫn giữ một tỷ lệ vốn nhất định đủ để duy trì hình ảnh trên sân chơi hấp dẫn này.
Trong khi đó, doanh nghiệp số một ngành bất động sản Vingroup (mã VIC, sàn HOSE) đã mua lại Vnatex Mart, Trung tâm thương mại StarBowl, Metropolis Hanoi…, để mở rộng hệ thống bán lẻ. Dù VinMart+ chưa đóng góp nhiều trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận, nhưng sự hiện diện của chuỗi siêu thị này đang tạo nên giá trị gia tăng đáng kể cho các sản phẩm của Vingroup.
Chí Tín
(Theo Báo Đầu Tư)