Sở Giao dịch CK TPHCM (HOSE) vừa công bố số liệu thống kê mới nhất về tình hình niêm yết trên sàn HOSE trong năm 2015.
Cổ phần hóa DNNN: Bên mặn, bên ngọt
- Cập nhật : 10/01/2016
(Chung khoan)
Tuy năm 2015, hoạt động bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) thiếu vắng những tên tuổi lớn nhưng nhà đầu tư (NĐT) vẫn không bỏ lỡ cơ hội tham gia mua cổ phần của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thuộc quyền quản lý của các địa phương.
Thiếu "hàng khủng", tìm cơ hội ở địa phương
Như trường hợp của Công ty Chế biến - Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm Đồng Nai (Donafoods), cuối tháng 11 vừa rồi, đã phát hành hơn 7,6 triệu cổ phần lần đầu ra công chúng. Kết quả là Tổng công ty Tín Nghĩa (Tin Nghia Corp.), DNNN trực thuộc Tỉnh ủy Đồng Nai, đã được UBND tỉnh Đồng Nai và Ban chỉ đạo CPH DonaFoods chọn làm NĐT chiến lược với tỷ lệ sở hữu 34% vốn điều lệ DonaFoods sau CPH.
Nói về việc "người nhà mua qua bán lại", ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh - Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Sen Vàng cho rằng, điều này hoàn toàn bình thường.
Bởi, xét về ngành nghề kinh doanh chính, Donafoods hiện đang hoạt động trong lĩnh vực đầu tư vùng nguyên liệu nông sản, sản xuất, chế biến, xuất nhập khẩu các loại nông sản, thực phẩm, rau quả, trái cây, đầu tư chế biến dầu vỏ điều, các sản phẩm từ cây điều và đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (KCN), bất động sản... Đây đều là những mảng mà Tín Nghĩa có thế mạnh.
Bản thân Tín Nghĩa cũng hoạt động trong 4 ngành trọng yếu: sản xuất, mua bán nông sản, phát triển hạ tầng KCN, dịch vụ kho cảng, logistics và kinh doanh xăng dầu, khí đốt.
Về nông sản, Tín Nghĩa nằm trong top 10 nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu của Việt Nam với sản lượng 112.000 tấn mỗi năm, đồng thời là một trong 2 nhà phát triển hạ tầng KCN lớn của Đồng Nai, hiện đang đầu tư và khai thác 8 KCN (trong đó có một KCN tại Bà Rịa - Vũng Tàu).
Theo đánh giá của các chuyên gia về đầu tư, với việc tiến hành thoái vốn khỏi nhiều khoản đầu tư không phải thế mạnh (bán khu nghỉ dưỡng ở Ninh Thuận và Lào) và cơ cấu lại hoạt động, hệ thống quản trị để chuẩn bị IPO (theo như kế hoạch là cuối năm 2015), Tín Nghĩa có đủ nguồn tài chính và kinh nghiệm để hỗ trợ Donafoods mở rộng kinh doanh trong vai trò NĐT chiến lược, đặc biệt khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ là cơ hội để thương mại trong nông nghiệp, thực phẩm phát triển.
Hơn nữa, Tín Nghĩa với ưu thế về quỹ đất, hiểu con người, chính sách, ưu đãi tại địa phương thì không có lý do gì để "từ chối" khoản đầu tư hấp dẫn ngay trên "sân nhà”, ông Chinh nói.
Cùng với Donafoods, Tổng công ty Tín Nghĩa cũng đang lọt vào tầm ngấm của nhiều NĐT, trong đó có cả những NĐT Nhật Bản, những DN hoạt động trong lĩnh vực phát triển hạ tầng KCN vì Đồng Nai đang được xem là "miền đất hứa" của các nhà sản xuất đến từ Nhật.
Ngoài các DNNN tại Đồng Nai, mới đây, một DNNN của TP.HCM cũng đã thành công trong khi tiến hành IPO vào cuối tháng 12 vừa rồi.
Theo đó, gần 30,3 triệu cổ phần (tương đương 25,5% vốn điều lệ) của Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ Du lịch Phú Thọ (PhuTho Tourist) đã được bán hết cho 77 NĐT (có 3 NĐT tổ chức), thu về cho Công ty gần 374 tỷ đồng với mức giá bình quân 12.347 đồng/cổ phần, cao hơn giá khởi điểm 347 đồng.
Được biết, một trong số những NĐT trúng đấu giá lần này có Công ty CP Đầu tư và Phát triển SACOM (HOSE: SAM).
Trước đó, HĐQT của SACOM cũng đã đề xuất đầu tư vào PhuTho Tourist và một số công ty khác thuộc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) khi các DNNN này tiến hành IPO.
Liên quan đến vấn đề này, ông Đỗ Văn Trắc - Tổng giám đốc SACOM, đồng thời cũng là người phụ trách chính việc nghiên cứu các khoản đầu tư mà HĐQT đã thông qua, cho rằng, cơ hội để sở hữu các khoản đầu tư tốt hiện không còn nhiều nên DN chủ động, ở đâu có cơ hội thì phải biết tận dụng.
Cũng không quá khó hiểu khi Du lịch Phú Thọ trở thành "hàng hiếm" vì DN này hiện đang sở hữu 100% Công viên Văn hóa Đầm Sen, 33,5% Công viên nước Đầm Sen cùng nhiều BĐS khác bên cạnh các hạng mục vui chơi, giải trí, như Khách sạn Phú Thọ, Khách sạn Phong Lan, Khách sạn Sài Gòn - Đà Lạt...
Sau CPH, vốn điều lệ của DN ở mức 1.187 tỷ đồng, phục vụ cho việc đầu tư các dự án mới, theo đó, từ năm 2017, Du lịch Phú Thọ sẽ đưa nhiều hạng mục, công trình giải trí mới có quy mô lớn vào vận hành.
Còn với SAM, ngoài lĩnh vực mang về doanh thu cao nhất là sản xuất dây cáp điện thì BĐS là ngành kinh doanh quan trọng thứ hai, hiện, DN này đang là chủ đầu tư khu nghỉ dưỡng, sân golf 18 lỗ SACOM Tuyền Lâm tại Đà Lạt (Lâm Đồng).
Trước Du lịch Phú Thọ, Công ty TNHH một thành viên Cảng Sài Gòn (đơn vị điều hành các cảng lớn tại khu vực phía Nam) và Bến Thành Tourist cũng không quá khó để tìm được NĐT chiến lược khi tiến hành IPO.
Càng lớn, càng khó bán?
Khi tiến hành IPO các DNNN, không ít câu hỏi đặt ra rằng, phải chăng DNNN tại địa phương IPO dễ đạt kết quả hơn là DNNN thuộc các bộ, ngành?
Về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, phân tích, trước hết, quy mô các DNNN ở địa phương không lớn lắm, cộng với sự nỗ lực, chiến lược rõ ràng của từng tỉnh, thành nên quá trình CPH được đẩy nhanh hơn.
Trong khi DNNN thuộc bộ, ngành có quy mô lớn, dĩ nhiên, NĐT cũng rất quan tâm nhưng DN, tổng công ty tiềm năng thì chỉ khoảng 100, con số khá khiêm tốn.
Hơn nữa, theo ông Thành, có 4 lý do để một số tập đoàn, tổng công ty kém hấp dẫn trong mắt NĐT là do tư duy lãnh đạo, vì liên quan đến bộ, ngành nên muốn cải cách cũng nhiêu khê. Hai là vấn đề minh bạch, ở đây là minh bạch trong quản trị, đất đai, hoạt động kinh doanh,...
Ba là các tập đoàn, tổng công ty hướng đến NĐT lớn, mà đã là NĐT lớn thì thường có tầm nhìn dài hạn, nếu tư duy lãnh đạo không tiến bộ và kém minh bạch thì hai bên sẽ rất khó gặp nhau.
Ngoài ra, việc cải tổ các DNNN lớn thường đi đôi với tái cơ cấu nguồn lao động, điều này liên quan đến chuyện cân đối nguồn lực sau cải tổ, cơ chế thưởng - phạt...
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh cho rằng, vấn đề DNNN quy mô lớn hay nhỏ tiến hành IPO không quan trọng bằng chất lượng DN IPO, bởi một khi NĐT tham gia với tư cách "chiến lược" thì đã xác định 3 - 5 năm mới thu lợi, do đó, họ sẽ suy xét kỹ lưỡng về hiệu quả hoạt động mà ngành nghề chính mà DN IPO mang lại, tài sản cố định (BĐS, nhà máy...), tài sản con người, hệ thống quản trị và tài sản vô hình khác là thương hiệu của DN có chỗ đứng trên thị trường hay không.
Kế hoạch IPO giai đoạn 2011 - 2015 đã không đạt, năm 2016, dự báo sẽ có nhiều "ông lớn" chào sân, hơn nữa, đây là thời điểm kinh tế Việt Nam hội nhập, là cơ hội để tìm kiếm những NĐT lớn, nhưng theo TS. Võ Trí Thành, DN Việt Nam, đặc biệt là các DNNN chỉ có thể đón được làn sóng này khi đã giải quyết được 4 gút mắc nêu trên.
Riêng ở góc độ quản lý nhà nước, để các DNNN có bước chuyển tiếp tức thời, tránh trường hợp kéo dài thời gian IPO hoặc chậm niêm yết (sau IPO) thì cần có biện pháp chế tài nếu không rốt ráo xúc tiến IPO đúng thời hạn. Đó cũng là cách để tạo niềm tin và hấp dẫn NĐT.