Cổ phiếu có diễn biến tốt nhất trên TTCK Đông Nam Á đã mang đến cho nhà đầu tư mức lợi suất gần 400% trong 3 năm qua. Tuy nhiên, tập đoàn Hap Seng Consolidated Bhd. của Malaysia vẫn còn là một ẩn số đối với nhiều người.
Nhà đầu tư Trung Quốc mất niềm tin vào cổ phiếu
- Cập nhật : 10/01/2016
(Chung khoan)
Sự bất lực của chính phủ Trung Quốc trong việc cứu vãn tình hình đã khiến nhiều nhà đầu tư e ngại và muốn rút khỏi thị trường cổ phiếu.
Hua Jia, một người về hưu 56 tuổi ở tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc), cảm thấy mất niềm tin vào thị trường chứng khoán trong nước. Người phụ nữ này bắt đầu chơi cổ phiếu từ hơn một thập kỷ trước.
“Tôi không muốn tiếp tục. Tôi mất niềm tin vào các nhà quản lý”, Hua, cựu nhân viên của một cửa hàng điện tử tiêu dùng tại thành phố Thành Đô, nói với Bloomberg.
Bà không phải là người duy nhất có suy nghĩ như vậy. Nhiều nhà đầu tư ở Trung Quốc cũng chán nản sau một tuần biến động của thị trường chứng khoán. Không giống như hầu hết các thị trường lớn, hơn 80% các giao dịch trên sàn Thượng Hải và Thâm Quyến đến từ các nhà đầu tư cá nhân, trong khi ở Mỹ là 15%.
Mức sụt giảm 9,9% của chỉ số CSI 300 trong tuần không phải là lý do duy nhất khiến giới đầu tư địa phương tránh xa sàn giao dịch. Vấn đề lớn nhất đối với họ chính là sự bất lực của chính phủ trong việc kiểm soát thị trường. Các cơ quan quản lý bỏ hệ thống tự ngừng giao dịch hôm 7/1 sau khi họ nhận thấy nó chỉ khiến giới đầu tư hoảng loạn, chứ không giúp họ bình tĩnh.
Các nhà hoạch định chính sách gặp phải những quan ngại khi đình chỉ cơ chế này. Họ nói rằng hệ thống tự ngừng giao dịch có tác dụng xấu khi họ đóng cửa thị trường 2 lần trong tuần này. Do thị trường chứng khoán rơi vào tình trạng lao dốc khiến giao dịch ngừng, các nhà đầu tư cảm thấy bất an. Quyết định của họ khiến giá giảm mạnh hơn và hành vi bán tháo diễn ra rầm rộ hơn. Tác động tiêu cực lấn át tác động tích cực.
Bất ổn tăng cao
Pan Wei Ting cho rằng chính quyền đang khiến thị trường trở nên mất ổn định hơn. Nhân viên kế toán 31 tuổi ở Thượng Hải cho biết, anh sẽ tiếp tục bán cổ phiếu dù chỉ số CSI 300 đã tăng 2% vào hôm 8/1.
“Nhà nước can thiệp quá nhiều và chúng tôi, những nhà đầu tư, đôi khi cảm thấy thua lỗ và không biết phải làm gì. Phân tích chuyên môn và nguyên tắc cơ bản không hoạt động”, Pan nói.
Biến động trong CSI 300 tăng lên mức cực đoan nhất trên toàn thế giới trong tuần này, với biến động về giá cả trong 10 ngày lên mức cao nhất trong 4 tháng.
Vẫn lạc quan
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư sẵn sàng bỏ qua sự bất ổn bởi tin rằng trong dài hạn, giá cổ phiếu sẽ tăng. Chỉ số Shanghai Composite Index tăng hơn 3.000% kể từ khi Trung Quốc cho phép giao dịch cổ phiếu vào năm 1990.
Liu Yang, người làm việc trong ngành công nghiệp Internet ở Bắc Kinh, bắt đầu chơi chứng khoán với tài khoản của cha mẹ anh vào năm 1999 và kiếm về khoảng 250.000 nhân dân tệ (37,9 USD) khi giá cổ phiếu tăng mạnh vào năm ngoái. Kể từ cuối tháng 12 năm ngoái, Liu mất 100.000 nhân dân tệ vì giá cổ phiếu giảm nhưng anh không có ý định bán.
“Tôi vẫn cảm thấy lạc quan và sẽ không bán hoặc ngừng chơi cổ phiếu chỉ vì một số bất ổn ngắn hạn”, Liu nói.
Vì những nhà đầu tư muốn nhanh chóng rút khỏi sân chơi chứng khoán, sự biến động ngày càng mất kiểm soát. Jayden Tong, người làm việc trong ngành công nghệ tại Hàng Châu đã bán toàn bộ số cổ phiếu của ông vào cuối năm ngoái. Hôm 8/1, ông quay lại thị trường và mua 100.000 nhân dân tệ cổ phiếu môi giới. Tong cho biết, ông sẽ bán chúng vào thứ 2 để kiếm lợi nhanh chóng.
Trong khi đó, Hua, người đã về hưu ở tỉnh Tứ Xuyên, cho hay đợt bán tháo trong tuần này khiến nhiều bạn bè của bà lo ngại. Bà cho biết, bà không nhìn thấy tín hiệu khả quan nào cho tình trạng hỗn loạn hiện tại. Giờ đây, khi đã quyết định từ bỏ, bà không cảm thấy phải dành thời gian ngồi trước màn hình vi tính giám sát thị trường.
“Tôi có thể dành thời gian để đi du lịch. Tôi dự định sẽ đến Vân Nam hay New Zealand trong năm nay. Tôi có thể sống một lối sống lành mạnh”, Hua nói.