tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Cải cách DNNN Trung Quốc: "Ngọc quý” đã vỡ

  • Cập nhật : 09/12/2015

(Kinh te)

Mức độ tin cậy của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn tại Trung Quốc (TQ) đang ngày càng tồi tệ.

Một thời gian dài, các DNNN lớn nhất của TQ được coi là "viên ngọc quý” của đất nước tỷ dân này, thể hiện ưu thế của chế độ. Tuy nhiên, trong hơn 30 năm cải cách, mở cửa, nhóm DN này ngày càng trở nên cồng kềnh và kém hiệu quả. Đầu tư mạnh đã giúp TQ trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế kỷ XXI.

Tuy nhiên, đây cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng dư thừa công suất tại nhiều ngành công nghiệp, từ thép tới xi măng. Việc này đang làm dấy lên lo ngại một số công trình sẽ không mang lại đủ lợi nhuận để trang trải nợ nần. Thay vào đó, sự năng động thực sự của nền kinh tế TQ đến từ các DN tư nhân, mở ra "nền kinh tế mới"từ các tập đoàn internet như Alibaba, Tencent, điện thoại di động Xiaomi...

Do giá cả hàng hóa yếu, thị trường bất động sản gặp khó khăn và tăng trưởng kinh tế chậm lại, nên triển vọng cho các tập đoàn nhà nước TQ bi quan hơn so với một vài năm trước đây. Standard & Poor, dựa trên số liệu 200 DNNN và tư nhân trong 18 ngành công nghiệp tại TQ, đã cảnh báo, mức độ tin cậy của nhiều DNNN lớn tại TQ "đã trở nên tồi tệ đáng kể”. Tỷ lệ tổng nợ đến thu nhập (trước lãi suất, thuế, khấu hao và khấu trừ) tại các công ty quốc doanh tăng từ 3 năm (2008) lên trên 5 vào năm ngoái, trừ các ngành như viễn thông và năng lượng do được chính phủ bảo hộ chặt chẽ.

Đánh giá của Standard & Poor đưa ra trong bối cảnh Cơ quan Quản lý tài sản quốc gia (SASAC) Trung Quốc đang tiến hành tái cấu trúc DNNN và thậm chí sẵn sàng đóng cửa các chi nhánh hoạt động không có hiệu quả. Chẳng hạn, điện lực là một trong những ngành mà Chủ tịch Tập Cận Bình đang đẩy mạnh cải tổ DNNN và cho phép các lực lượng thị trường đóng vai trò lớn hơn trong việc phân bổ nguồn lực.

Cơ quan quản lý nước này mới tuyên bố sẽ chấm dứt thế độc quyền bán điện của các công ty phân phối điện quốc doanh bằng cách cho phép người sử dụng cuối cùng đàm phán giá điện trực tiếp với nhà sản xuất. SASAC hiện kiểm soát 111 DNNN, một con số quá nhỏ so với 25.000 công ty do các chính quyền địa phương quản lý. Ngoài ra có khoảng 100 tập đoàn trực tiếp được đặt dưới sự điều hành của Bắc Kinh. Trong đó có những đại công ty trong các lĩnh vực chiến lược như giao thông, năng lượng hay công nghệ sản xuất vũ khí.

Khu vực quốc doanh bảo đảm việc làm cho 7,5 triệu người lao động. Theo Tân Hoa Xã, kế hoạch cải tổ DNNN được Bắc Kinh rốt ráo thực hiện là một biện pháp cần thiết để "nâng cao hiệu quả”của các tập đoàn trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm lại. Một vài trong những giải pháp mà Bắc Kinh đang hướng tới là kêu gọi tư nhân đầu tư vào các tập đoàn nhà nước, tham gia vào hội đồng quản trị để "giới hạn các hành vi lạm dụng quyền lực" của ban lãnh đạo. Bắc Kinh đặt mục tiêu hình thành khoảng 40 đại tập đoàn trong những lĩnh vực "mũi nhọn". Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ giới hạn việc mở cửa các tập đoàn nhà nước trong những lĩnh vực dầu khí, viễn thông và đường sắt.

"Cải cách doanh nghiệp quốc doanh là một trong những chìa khóa giúp TQ phát huy được tiềm năng vốn có", Nicholas Lardy - một thành viên cấp cao của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nhận xét và cho biết khối DNNN của TQ chỉ thu về 3% lợi nhuận trên tổng tài sản 110.000 tỷ NDT (17.000 tỷ USD), chưa bằng một nửa lợi nhuận của khối tư nhân. Tuy nhiên, Christopher Lee, một tác giả của báo cáo của Standard & Poor, đặt câu hỏi: "Làm thế nào để cải cách mà không gây ra một cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống?".

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục