Con số này gần gấp đôi so với nguồn vốn bốc hơi khỏi thị trường mới nổi giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Bán tháo cổ phiếu
- Cập nhật : 19/08/2015
(Chung khoan)
Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng và dầu khí bị bán tháo đã kéo thị trường chứng khoán giảm sâu
Ngày 17-8, nhà đầu tư chứng kiến một phiên giao dịch “nháo nhào” khi chỉ số cả hai sàn rơi mạnh. Đặc biệt, các mã chứng khoán thuộc nhóm ngành ngân hàng (NH) và dầu khí giảm thê thảm khiến bảng điểm toàn thị trường “đỏ rực”.
Chao đảo
Ở phiên giao dịch buổi sáng, cả 2 chỉ số giảm nhẹ nhưng sang đầu phiên buổi chiều, thị trường chao đảo, các cổ phiếu ngành NH, dẫn đầu là EIB của NH Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) rớt xuống giá sàn, còn 12.600 đồng/cổ phiếu. Có thời điểm VN-Index giảm gần 18 điểm. Chốt phiên giao dịch, VN-Index dừng ở mốc 573,15 điểm, giảm 15,88 điểm; HNX-Index rời mốc 80 điểm, còn 78,99 điểm khi giảm 1,89 điểm.
Trên 2 sàn có tổng cộng 281 mã giảm điểm, 111 mã đứng và 127 mã tăng giá; tổng giá trị giao dịch trong ngày chỉ đạt gần 149 triệu cổ phiếu, giá trị tương ứng trên 2.300 tỉ đồng, thấp hơn so với các phiên của tuần trước khoảng 800 tỉ đồng.
Môi giới của Công ty Chứng khoán Bản Việt cho biết nhà đầu tư thừa nhận do Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ và những tin đồn bất lợi cho ngành NH, nhất là khi NH Đông Á nằm trong diện kiểm soát đặc biệt, họ quyết định bán tháo cổ phiếu vì sợ thị trường còn giảm ở các phiên tiếp theo.
Nếu đầu tuần trước, nhà đầu tư mua ròng thì từ phiên ngày thứ sáu vừa rồi, nhà đầu tư nước ngoài quay lại bán ròng. Họ bán ra 60 tỉ đồng ở phiên cuối tuần trên 2 sàn. Đây là tín hiệu không tích cực cho thị trường trong những phiên tới.
Dầu khí cũng mất điểm
Ngoài cổ phiếu EIB, hàng loạt cổ phiếu của các NH khác cũng giảm giá sâu trong phiên giao dịch ngày 17-8. Cụ thể, cổ phiếu CTG của NH Công Thương Việt Nam mất 1.400 đồng, còn 19.300 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu BID của NH Đầu tư và Phát triển giảm 1.400 đồng, còn 21.000 đồng/cổ phiếu; OGC của NH Đại Dương giảm còn đồng 2.500 đồng/cổ phiếu…
Trên sàn Hà Nội, cổ phiếu ACB của NH Á Châu cũng giảm sâu, còn 18.700 đồng/cổ phiếu.
Ngoài nhóm cổ phiếu NH, nhóm cổ phiếu ngành dầu khí (chiếm tỉ trọng lớn trên thị trường) cũng bị bán tháo, giảm điểm mạnh trong phiên ngày 17-8, tập trung ở các mã trụ cột như GAS, PVD, PVS, PXS, PGS… Nguyên nhân ngoài giá dầu giảm, còn do thông tin có một mã chứng khoán ngành dầu khí đang bị đối tác đòi nợ lên đến chục triệu USD nên giảm điểm mạnh, kéo các mã khác “chạy theo”.
“NH và dầu khí là 2 ngành trụ cột, chiếm tỉ trọng lớn trên thị trường chứng khoán nên khi giảm điểm sâu, chắc chắn cả 2 chỉ số VN-Index và HNX-Index bị kéo xuống. Trong các phiên tiếp theo, chính những thông tin liên quan đến 2 ngành này sẽ là tác nhân quyết định sự tăng, giảm của thị trường chứ không đơn thuần là đồng nhân dân tệ bị phá giá như tuần trước” - ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán SJC, nhận định.
Cẩn thận với “sóng” vàng
Cuối ngày 17-8, giá vàng miếng SJC tại TP HCM được các doanh nghiệp (DN) niêm yết mua vào 33,88 triệu đồng/lượng, bán ra 34,18 triệu đồng/lượng, giảm 170.000 đồng/lượng so với phiên trước. Nếu so với đỉnh của giá vàng lập vào giữa tuần rồi, giá vàng giảm gần 1 triệu đồng/lượng.
Thị trường vàng những ngày qua lên “cơn sốt” nhưng không phải về lượng giao dịch mà là sự biến động thất thường, khó đoán. Ngay sau khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, đã tác động mạnh lên giá vàng trong nước. Từ mức xấp xỉ 33 triệu đồng/lượng, giá vàng nhảy vọt và có thời điểm cán mốc 35 triệu đồng/lượng.
Một chuyên gia kinh tế cho biết những ngày qua, nhiều người nhờ ông tư vấn có nên mua vàng lúc này để đầu tư hoặc “lướt sóng”. Thậm chí, một số người đã rút tiền gửi tiết kiệm để chuyển sang mua vàng nhằm đón “sóng”. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ sẽ thấy những thời điểm giá vàng tăng lên hơn 34 triệu đồng hoặc cán mốc 35 triệu đồng/lượng, khoảng cách chênh lệch giá mua vào - bán ra được DN giãn rộng lên 900.000 đồng/lượng. “Giá vàng trong nước biến động nhanh, mạnh hơn giá thế giới buộc DN phải nới khoảng cách giá mua vào - bán ra để phòng ngừa rủi ro. Với khoảng cách này, những người “lướt sóng” (mua đi bán lại) sẽ không có lời nhiều, thậm chí bị thiệt. Chưa kể giá vàng trong nước lại cao hơn thế giới đến 5 triệu đồng/lượng” - đại diện một công ty vàng thừa nhận.
Giới phân tích dự đoán giá vàng thế giới đang trong xu hướng giảm khi mối lo từ Trung Quốc dần được xoa dịu và sự phục hồi của đồng USD sau các thông tin kinh tế tích cực từ Mỹ. Ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam (VGB), phân tích: Thời điểm Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ 4,6% trong 3 ngày khiến đồng USD tăng giá. Về nguyên tắc, USD tăng giá sẽ khiến vàng giảm giá nhưng ngược lại, ở Việt Nam giá vàng SJC lại tăng là bất thường. Hơn nữa, vàng sẽ chịu áp lực giảm giá lớn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) họp quyết định việc tăng lãi suất vào tháng 9 tới. “Giá vàng trong nước đang ở xu hướng giằng co, vừa chịu áp lực giảm giá từ đồng USD mạnh lên vừa bị neo bởi tỉ giá USD/VNĐ. Đầu tư vào vàng lúc này rất khó đoán và đầy rủi ro” - ông Hải nói.
Thái Phương