Theo hãng tin Bloomberg, nhiều ngân hàng trung ương tại Châu Á đã sẵn sàng can thiệp để bình ổn sự biến động trên thị trường, vốn đang khiến chứng khoán và tiền tệ bị ảnh hưởng mạnh.
Hơn 1.000 tỷ euro bốc hơi khỏi thị trường chứng khoán châu Âu
- Cập nhật : 24/08/2015
(Tin kinh te)
Ngày 24-8, các nhà kinh tế ước tính hơn 1.000 tỷ euro đã bốc hơi khỏi thị trường chứng khoán châu Âu do mối lo ngại về tình hình kinh tế Trung Quốc. Giá dầu cũng sụt giảm thảm hại.
Một giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt (Đức) tỏ ra căng thẳng và mệt mỏi với tình trạng giá cổ phiếu liên tục sụt giảm Ảnh: Reuters
Theo Reuters, trong phiên giao dịch hôm nay giá cổ phiếu các thị trường châu Âu tiếp tục tuột dốc ngiêm trọng. Chỉ số chứng khoán châu Âu FTSEurofirst 300 hạ 3,2% xuống còn 1.381,77 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 1-2015.
Tại Đức, giá cổ phiếu giảm tới hơn 5%, trong khi thị trường Bỉ sụt 5%, Pháp cũng mất hơn 4%, Anh 2,8%, Tây Ban Nha 2%, Ý 2,8%, Thụy Sĩ 2,72%.... Điều đó đồng nghĩa với việc 270 tỷ euro (309 tỷ USD) bay khỏi thị trường chứng khoán châu Âu.
Trước đó, giá cổ phiếu tất cả các thị trường châu Á cũng đều sụt giảm nặng nề.
Các nhà kinh tế cho biết tính từ đầu tháng 8 đến nay, có tới hơn 1.000 tỷ euro, tương đương 1.140 tỷ USD, bốc hơi khỏi cổ phiếu châu Âu.
Trong khi đó, giá dầu thô cũng giảm tới 4% xuống mức thấp nhất trong vòng 6,5 năm qua. Giá dầu thô ngọt nhẹ trên thị trường Mỹ hạ 1,5 USD xuống còn 38,95 USD/thùng. Tính từ đầu tháng đến nay giá dầu Mỹ đã giảm 17%.
Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh tuyên bố Hiệp hội các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC cần phải họp khẩn để ổn định giá dầu. Tehran nhấn mạnh sẽ bảo vệ thị phần xuất khẩu dầu bằng mọi giá. Dù vậy hiện OPEC vẫn chưa có kế hoạch họp khẩn.
Kêu gọi Trung Quốc hành động mạnh mẽ
Thị trường chứng khoán và hàng hóa toàn cầu đang lao đao chủ yếu do nguy cơ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc hụt hơi. Theo AFP, các nhà phân tích quốc tế nhận định giá cổ phiếu ở Trung Quốc và đồng nhân dân tệ sẽ còn sụt giảm trong thời gian tới.
Do nền kinh tế châu Âu đang suy yếu, Mỹ chuẩn bị tăng lãi suất, các nhà đầu tư thế giới trông đợi cả vào cỗ máy tăng trưởng Trung Quốc để đảm bảo tăng trưởng toàn cầu. Và nguy cơ kinh tế Trung Quốc lao đao đã dẫn tới cơn hoảng loạn lan khắp thị trường thế giới.
AFP dẫn lời nhà kinh tế Christopher Balding thuộc Trường kinh tế HSBC ở ĐH Bắc Kinh cho rằng chính phủ Trung Quốc cần phải cắt giảm lãi suất mạnh mẽ hơn nữa để cải thiện tình hình kinh tế. Trước đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất bốn lần kể từ tháng 11-2014 xuống còn 4,85% vào cuối tháng sáu.
Đến nay biện pháp này chưa đem lại hiệu quả. Nhà kinh tế Andy Xie của Morgan Stanley kêu gọi Bắc Kinh giảm thuế 2.000 tỷ NDT (312 tỷ USD) trong vài năm tới. Ông cho biết đây là cách chính phủ Mỹ phản ứng với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. “Đó là cách kích thích tiêu dùng rất mạnh mẽ” - chuyên gia Xie nhấn mạnh.
(Theo Tuổi Trẻ)