Dựa vào thân tín hay đe dọa đối thủ là chiến lược Trump từng dùng thành công trong kinh doanh nhưng phản tác dụng khi làm tổng thống.
Đằng sau cái chết của học giả Trung Quốc ôn hòa về Biển Đông
- Cập nhật : 26/06/2016
Ông Ngô Kiến Dân tuần trước qua đời trong một tai nạn giao thông. Cái chết đột ngột của học giả ngoại giao ôn hòa có tầm ảnh hưởng tại Trung Quốc làm dấy lên một cuộc tranh luận hiếm hoi ở nước này về phương sách Bắc Kinh ứng phó với các thách thức trong chính sách ngoại giao, theo BBC.
Ông Ngô, 77 tuổi, là một trong những nhà ngoại giao cấp cao thẳng thắn nhất Trung Quốc. Ông từng làm phiên dịch cho các lãnh đạo Trung Quốc như Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai và cũng kinh qua chức đại sứ Trung Quốc tại Pháp, Hà Lan và Liên Hợp Quốc.
Trước khi về hưu, ông giữ chức viện trưởng Học viện Ngoại giao Trung Quốc ở Bắc Kinh, nơi đào tạo các thế hệ nhà ngoại giao Trung Quốc.
Sau vụ tai nạn, các quan điểm ngoại giao của ông đột nhiên trở thành chủ đề thảo luận nóng trên Internet và giữa các nhà trí thức và nhà bình luận chính sách ngoại giao Trung Quốc.
Trên Weibo và Wechat, hai mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc, cụm từ #WuJianminDiedinCarCrash# (Ngô Kiến Dân chết trong tai nạn ôtô) đã xuất hiện hơn 180 triệu lần với hơn 24.000 bình luận.
Quan điểm ôn hòa
Các quan điểm của Ngô Kiến Dân không phải lúc nào cũng trùng khớp với quan điểm của giới lãnh đạo Trung Quốc. Ông hối thúc Trung Quốc ẩn mình trên vũ đài quốc tế, một chính sách nổi tiếng suốt thời kỳ thập niên 1990 và 2000. Theo nhiều nhà phân tích, chính sách này đã bị Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thay thế bằng lập trường quyết liệt hơn kể từ năm 2012.
Trong cuộc tranh luận trên truyền hình năm 2014 với thiếu tướng "diều hâu" Trung Quốc La Viện, ông Ngô cảnh báo rằng những nước nào khơi mào các cuộc xung đột sẽ tự đẩy chính họ vào rắc rối. Gần đây hơn, ông cũng chỉ ra rằng "chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi" đang trỗi dậy, đồng thời kêu gọi Trung Quốc kiềm chế nó để có thể tiếp tục phát triển.
"Những người dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi thường có xu hướng thúc đẩy đối đầu quân sự khi giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, đi ngược lại lời khuyên 'gác bất đồng để cùng theo đuổi phát triển chung' của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình", ông Ngô viết trong một bài báo.
Ông Ngô cũng chia sẻ quan điểm của ông với truyền thông phương Tây. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hiếm hoi với chương trình trò chuyện Hard Talk của BBC ở London vào năm ngoái, ông nói rằng Trung Quốc không phải là một siêu cường và cũng không đang ở vị thế thay thế Mỹ.
Những phát biểu của ông Ngô vẫn còn vang vọng đối với nhiều người ở Trung Quốc vào thời điểm này, khi mà các căng thẳng tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với một số nước láng giềng ở Biển Đông và biển Hoa Đông đang dâng cao.
Nhiều người lo ngại rằng các cuộc đấu khẩu hiện nay giữa các nước tranh chấp có thể dẫn đến đối đầu quân sự ở khu vực Thái Bình Dương. Họ chia sẻ những lời phát biểu của ông Ngô trước đây về cách thức Trung Quốc nên ứng xử với các nước láng giềng và phương Tây.
Đối với vấn đề tranh chấp Biển Đông, ông Ngô cho rằng Trung Quốc cần giữ bình tĩnh và suy nghĩ một cách toàn diện để có thể giải quyết vấn đề một cách hòa bình.
"Nước nào phát động chiến tranh trong lúc đang hòa bình và phát triển sẽ phải trả giá. Trung Quốc không bao giờ nên làm điều này", ông Ngô nói trong cuộc tranh luận với tướng La Viện.
Tranh luận nội bộ
Bằng cách bày tỏ thẳng thắn các quan điểm không giống với lập trường của chính phủ, ông Ngô cũng cung cấp cho thế giới bên ngoài một cái nhìn thoáng qua hiếm hoi về cuộc tranh luận trong nội bộ các nhóm nghiên cứu chính sách ngoại giao kín tiếng và gắn bó chặt chẽ tại Trung Quốc.
Trong một bài phát biểu trước Học viện Ngoại giao Trung Quốc tháng 4/2016, ông Ngô đã tóm tắt tình thế bế tắc ngoại giao của Trung Quốc bằng một câu nói: "Người nào không thể tìm bạn thì cũng chắc chắn làm phật lòng nhiều người khác". Ông cũng tiết lộ với các sinh viên rằng chính sách ngoại giao của Trung Quốc không được thiết lập bởi Bộ Ngoại giao Trung Quốc mà là do chính phủ trung ương.
Ông cũng đấu khẩu với ông Hồ Tích Tiến, tổng biên tập của Thời báo Hoàn cầu (Global Times), một tờ báo có khuynh hướng thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc và thường được nhìn nhận như là cơ quan phát ngôn của đảng Cộng sản Trung Quốc
Ông Ngô chỉ trích tờ báo này đăng "các bài báo rất cực đoan" và chê trách ông Hồ Tích Tiến là "không hoàn toàn am hiểu thế sự".
Ngay lập tức, ông Hồ Tích Tiến đã đáp trả bằng cách bác bỏ các quan điểm của ông Ngô, cho rằng đó là quan điểm lỗi thời và điển hình của các nhà ngoại giao ôn hòa. Ông Hồ Tích Tiến cũng lập luận rằng báo chí phải luôn cứng rắn hơn các nhà ngoại giao.
Những cuộc tranh luận như vậy không có gì lạ ở nhiều nước phương Tây nhưng ở Trung Quốc, các tuyên bố chính thức và báo chí bị kiểm soát chặt chẽ, vậy nên, cuộc tranh cãi đó gây sự chú ý với nhiều nhà phân tích.
"Các cuộc tranh luận như vậy cho thấy ở hậu trường chính trị Trung Quốc có thể có tranh luận gay gắt hơn nhiều", Orville Schell, giám đốc Trung tâm quan hệ Mỹ - Trung ở Hội châu Á (Asia Society) nhận định. "Thật đáng tiếc là không có nhiều cuộc tranh luận như vậy", ông nói.
Trên mạng Internet, một số người chỉ trích quan điểm của ông Ngô về thế giới là "quá lợi cho người Mỹ".
Một người bình luận trên trang web của Global Times rằng: "Ở thời điểm mà khi người Mỹ áp chế chúng ta, xin đừng tôn vinh người đàn ông này. Nó sẽ phản tác dụng".
Những người chỉ trích ông Ngô cũng cho rằng quan điểm của ông đã lỗi thời và không phản ánh sức mạnh thực sự của Trung Quốc cũng như những chuyển động quốc tế hiện nay.
"Ông ấy mang nặng dấu ấn chính sách ngoại giao từ thời Đặng Tiểu Bình", Qiu Zhenhai, người chủ trì cuộc tranh luận giữa ông Ngô với thiếu tướng La Viện, cho biết.
"Những gì ông ấy chủ trương hoàn toàn đúng nhưng ông ấy đã bỏ qua một sự thật là thời đại đã thay đổi và Trung Quốc cũng đang thay đổi cấu trúc. Vì vậy, xung khắc giữa Trung Quốc và phương Tây là điều không thể tránh", ông Qiu nói.
Hồng Vân
Theo Vnexpress