Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng ở Mỹ năm 2016 không đơn thuần là cuộc bầu cử 4 năm một lần như thường lệ, cũng không phải là sự chuyển giao quyền lực từ một đảng này sang đảng khác, mà là cuộc bầu cử trong một thời khắc có tính bước ngoặt trong lịch sử của nước Mỹ.
Bộ tứ trọng tài giám sát cuộc điều tra liên hệ Nga và ông Trump
- Cập nhật : 02/06/2017
Dù đều là thành viên Cộng hòa, cùng đảng với ông Trump, song họ khẳng định sẽ nỗ lực hết mình để tìm ra sự thật trước nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016.
4 thượng nghị sĩ Cộng hòa, gồm Susan Collins đến từ bang Maine, James Lankford của Oklahoma, Roy Blunt của Missouri và Marco Rubio đến từ Florida, đang nổi lên như một bộ tứ không thể thiếu trong cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ do Ủy ban Tình báo Thượng viện nước này tiến hành. Họ có nhiệm vụ đảm bảo cuộc điều tra diễn ra trơn tru và có được kết quả cuối cùng chính xác nhất, theo New York Times.
Bất chấp những ngờ vực ban đầu về tính công bằng của cuộc điều tra khi nó được dẫn dắt bởi một ủy ban tập hợp toàn người Cộng hòa, 4 thượng nghị sĩ giữ trọng trách "cầm cân nảy mực" cam kết sẽ đánh giá cuộc điều tra khách quan nhằm đưa ra kết luận cuối cùng có thể thỏa mãn công chúng cũng như các đồng nghiệp từ lưỡng đảng. Để làm vậy, họ phải đọc hàng nghìn trang tài liệu thô từ Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và dành hàng trăm giờ thảo luận phía sau những cánh cửa đóng kín.
"Đây không phải vấn đề về tổng thống", ông Lankford nói. "Nó là về tất cả chúng ta với tư cách một quốc gia".
Nhưng điều này không có nghĩa các thành viên khác trong ủy ban không tham gia quá trình điều tra. 7 thành viên Dân chủ thuộc ủy ban chắc chắn sẽ chú tâm tới việc tìm ra câu trả lời cho khúc mắc liệu người Nga có thông đồng với chiến dịch tranh cử của ông Trump can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hay không.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Richard M. Burr đến từ bang Bắc Carolina, chủ tịch ủy ban, đã thể hiện rõ ràng quyết tâm theo đuổi cuộc điều tra. Hàng loạt dấu hiệu cho thấy ông cùng thượng nghị sĩ Dân chủ Mark Warner của bang Virginia dường như đang nỗ lực tạo dựng một mối quan hệ cộng tác vững chắc, hiệu quả.
Ba thành viên Cộng hòa khác trong hội đồng chắc chắn cũng tham gia với vai trò nào đó. Tuy nhiên, điều đáng chú ý hơn cả nằm ở việc 4 gương mặt nổi bật kể trên đã âm thầm kết nối với nhau tạo thành một nhóm phi chính thức bên trong Ủy ban Tình báo nhằm thúc đẩy cuộc điều tra, tham vấn lẫn nhau và với cả thượng nghị sĩ Burr cùng thượng nghị sĩ Warner, cây bút Carl Hulse từ New York Times bình luận.
"Chúng tôi đang làm việc chăm chỉ và liên tục trao đổi", bà Collins cho hay. "Đây là một cuộc điều tra phức tạp. Khi bạn kéo một sợi chỉ, bạn sẽ nhận thấy nó kết nối với vô vàn sợi chỉ khác trên tấm thảm này. Chúng ta chưa nhìn rõ bức tranh toàn cảnh".
Susan Collins
Bà Susan Collins. Ảnh: NYTimes
Collins được biết đến như một tiếng nói ôn hòa trong đảng Cộng hòa ở thượng viện Mỹ. Bà từng đảm nhận nhiều vị trí quản lý trước khi tham gia chính trường. Bà có kinh nghiệm trong việc thực hiện cũng như giám sát các cuộc điều tra khiếu nại.
"Tôi muốn biết sự thật, bất kể nó dính líu đến ai hay các bằng chứng dẫn tới đâu", Collins nói.
Năm 1974, bà Collins, lúc bấy giờ mới 21 tuổi, làm thực tập sinh cho hạ nghị sĩ William S. Cohen thuộc đảng Cộng hòa, người giúp xây dựng các điều khoản luận tội tổng thống Mỹ Richard M. Nixon, liên quan đến bê bối Watergate.
James Lankford
Ông James Lankford
Các đồng nghiệp từng làm việc với ông Lankford nhận xét sẽ là sai lầm nếu đánh giá thấp thành viên mới của thượng viện này.
Ông Lankford đã cho thấy sức bật chính trị bất ngờ trong cuộc chạy đua giành ghế thượng viện tại bang Oklahoma hồi năm 2014 sau khi thể hiện một lập trường bảo thủ và nhanh chóng tạo dựng hình ảnh suốt hai nhiệm kỳ ở hạ viện trước đó.
Ông chỉ trích gay gắt những thông tin nói rằng cuộc điều tra của thượng viện đang thiếu nhân lực và tiến triển với một nhịp độ chậm chạp. "Nếu tuyển dụng quá nhiều ngươi, họ sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận các tài liệu tình báo mà bạn thực sự cần", ông nhấn mạnh. "Bạn phải giữ bên mình những đồng sự tài giỏi với số lượng giới hạn và cho họ đủ thời gian".
Roy Blunt
Ông Roy Blunt. Ảnh: NYTimes
Ông Roy Blunt từng giữ vai trò lãnh đạo phe đa số tại hạ viện và nay là thành viên Cộng hòa có vị trí cao thứ 5 tại thượng viện Mỹ.
Blunt kiên quyết cho rằng quốc hội cần theo đuổi cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ nhằm tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra, giúp Nhà Trắng và quốc hội xóa bỏ mọi ngờ vực.
"Tất cả sẽ hưởng lợi nếu chúng ta làm việc này một cách đúng đắn, không phải làm nhanh hơn khả năng của mình mà làm nhanh hết sức có thể", Blunt nói.
Marco Rubio
Ông Marco Rubio. Ảnh: NYTimes
Sau khi thất bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng, Marco Rubio có thời điểm tưởng chừng sẽ không trở lại thượng viện nhưng giờ đây, ông là người giám sát cuộc điều tra nhắm tới cựu đối thủ của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong lần xuất hiện gần đây trên chương trình "Face the Nation" của kênh CBS, ông Rubio gợi ý rằng ủy ban sẽ không chỉ đưa ra cho công chúng thấy những gì người Nga làm "mà còn cho thấy họ làm việc đó ra sao, nó có ý nghĩa gì đối với tương lai và chúng ta nên hành động như thế nào".
Là người ủng hộ chủ trương duy trì đường lối cứng rắn trước Nga, Rubio từng bác bỏ lời than vãn từ Tổng thống Mỹ Trump rằng ông là nạn nhân của một chiến dịch săn phù thủy. Cụm từ "săn phù thủy" mang hàm ý cố tình bới lông tìm vết để bôi nhọ đối thủ.
"Chúng ta là một quốc gia pháp quyền và chúng ta phải tuân thủ những điều luật đã đề ra", ông nói. "Nhưng Tổng thống có quyền nêu lên ý kiến cá nhân".
Vũ Hoàng
Theo Vnexpress