Ba nữ bộ trưởng Quốc phòng Pháp, Nhật Bản và Australia cùng có mặt tại Đối thoại Shangri-La đều là những phụ nữ giàu kinh nghiệm và nổi tiếng cứng rắn trong giới quân sự nước mình.
Tấn công phủ đầu Triều Tiên sẽ giúp Tổng thống Donald Trump thoát luận tội?
- Cập nhật : 22/05/2017
Giới quan sát nhận định một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào Triều Tiên thời điểm này có thể là lối thoát thành công cho Tổng thống Mỹ Donald Trump khỏi những bất lợi chính trị, khỏi khả năng bị luận tội hoặc bị điều tra vì những mối liên hệ với Nga.
Hiện nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phải đối mặt với những bất lợi chính trị cực lớn. Thậm chí các thành viên đảng Cộng hòa của ông Donald Trump cũng đã bắt đầu thảo luận về khả năng thay thế chính quyền hiện nay ở Nhà Trắng khi đưa ra tên tuổi những ứng cử viên có thể thay ông Donald Trump. Chính vì vậy, một đòn tấn công phủ đầu vào Triều Tiên có thể là lối thoát khỏi tình trạng khó khăn này cho Tổng thống Mỹ.
Theo giới phân tích chính trị quốc tế, khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra vì ít ra nó cũng đã được chính quyền của ông Donald Trump 2 lần kiểm nghiệm trước đó. Sau các vụ tấn công bằng tên lửa hành trình Tomahawk vào Syria và ném “mẹ của các loại bom” xuống Afghanistan, uy tín của ông Donald Trump đã được tăng thêm gần 10 điểm phần trăm.
Lần này, một sáng kiến quân sự có thể kết thúc bằng xung đột quân sự với Triều Tiên có thể sẽ khiến chính quyền Donald Trump được nhắc đến nhiều hơn. Điều đó là do hành động này khác hẳn với hành động của chính quyền Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton và cựu Tổng thống Bush con. Chính quyền Bill Clinton chỉ dừng lại ở các lời hăm dọa sẽ tấn công Triều Tiên. Còn chính quyền ông Bush con thậm chí còn phải nhượng bộ ký kết hợp đồng cung cấp dầu và cho phép Triều Tiên xây dựng 2 lò phản ứng nước nhẹ để đổi lấy việc Triều Tiên đóng cử lò phản ứng hạt nhân ở Yongbyon.
Trước đó, ông Donald Trump cũng đã từng tuyên bố rằng chính sự “nhu nhược” của các cựu Tổng thống Mỹ như Bill Clinton, Bush con, Barack Obama là nguyên nhân khiến hiện Mỹ phải đối mặt với khả năng bắt đầu cuộc chiến hạt nhân với Triều Tiên.
Tình hình bán đảo Triều Tiên những ngày gần đây lại nóng lên sau khi Triều Tiên đã tiếp tục thực hiện vụ phóng tên lửa đạn đạo “Hwasong-12” gần thành phố Kusong vào ngày 14/5 vừa qua. Sau vụ thử, Triều Tiên cũng tuyên bố rằng tên lửa này “có khả năng mang đầu đạn hạt nhân hạng nặng”. Ngay sau đó, Mỹ đã cử tàu sân bay thứ hai là USS Ronald Reagan đến vùng biển Triều Tiên. Tàu này sẽ tiến hành cuộc tập trận chung với nhóm tàu chiến dưới sự chỉ huy của tàu sân bay khác là USS Carl Vinson- còn tàu đã đến khu vực này từ giữa tháng 4/2017. Các chuyên gia quân sự đã nhận định rằng động thái này của Mỹ chính là sự chuẩn bị cho “đòn tấn công phủ đầu” vào Triều Tiên sắp tới.
Theo tạp chí Nikkei của Nhật Bản, việc triển khai các lực lượng Mỹ để thực hiện một cuộc tấn công có hiệu quả vào Triều Tiên gần như đã hoàn thành. Có khoảng 300 tên lửa hành trình của Mỹ đã sẵn sàng tiêu diệt các mục tiêu quân sự then chốt của Triều Tiên. Số lượng tên lửa này gần gấp 6 lần số tên lửa Mỹ đã sử dụng để tấn công vào Syria hồi tháng 4 vừa qua.
Còn theo hãng thông tấn Kyodo, Tổng thống Mỹ Donald Trump đầu tháng 4 đã cam kết sẽ tiến hành tư vấn với Nhật Bản trước khi thực hiện đòn tấn công vào Triều Tiên. Và nếu như tìm được thời điểm thích hợp để thực hiện hành động này, Mỹ sẽ nhận được sự ủng hộ của Nhật Bản. Một nguồn tin quân sự cấp cao của Nhật Bản cũng đã nói với Kyodo rằng “giới quân sự Mỹ đang xem xét tình hình hiện nay như là cơ hội cuối cùng cho Bình Nhưỡng trong việc hủy bỏ chương trình hạt nhân của mình”.
Tạp chí Nikkei đã bổ sung rằng các mục tiêu đầu tiên của các tên lửa có cánh Mỹ là các nhà máy làm giàu Uranium, các boongke ngầm dưới đất với các ống phóng tên lửa. Lầu Năm góc sẽ nhanh chóng loại bỏ các vị trí này bằng các đòn không kích. Khi đó, Bình Nhưỡng phải cần đến các hệ thống liên lạc khẩn cấp nhưng các mục tiêu này cũng sẽ Mỹ bị bẻ gãy.
Từ hồi cuối tháng 4/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công khai tuyên bố về khả năng sẽ xảy ra “xung đột quy mô lớn” với Bình Những và Nhà Trắng đang xem xét tất cả các phương án để đề phòng các mối đe dọa quân sự từ Triều Tiên. Trước thời điểm tròn 100 ngày cầm quyền Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã tuyên bố trên Rueters rằng “rõ ràng là có cơ hội rằng chúng tôi có thể kết thúc cuộc xung đột lớn với Triều Tiên”. “Chúng tôi đã muốn giải quyết các vấn đề này bằng các giải pháp ngoại giao nhưng dường như đó là điều rất khó khăn”- ông Donald Trump tuyên bố.
Sau ông Donald Trump, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng đã nói về khả năng các nỗ lực hạn chế chương trình hạt nhân của Triều Tiên sẽ thất bại, đồng thời cảnh báo về “các hậu quả thảm khốc” có thể xảy ra với Mỹ vì việc Triều Tiên sở hữu khả năng tấn công đến Mỹ chỉ là vấn đề thời gian. Chính vì vậy, Mỹ “cần phải hành động trước khi Triều Tiên kịp hành động”. Ngoại trưởng Mỹ không loại trừ bất cứ phương án giải quyết tình hình nào, cho dù đó là phương án quân sự.
Sau đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đã ủng hộ chi thêm 8 tỷ USD để tăng cường sự hiện diện của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương. Như vậy, việc gia tăng sức mạnh quân sự của Mỹ gần biên giới Triều Tiên sẽ liên tục gia tăng. Trong bối cảnh đang chịu nhiều sức ép như hiện nay, một đòn tấn công phủ đầu vào Triều Tiên có thể sẽ tạo ra lối thoát cho Tổng thống Donald Trump.
Tuy nhiên, ông Donald Trump sẽ phải hết sức cân nhắc điều này vì khi tấn công vào Triều Tiên, khả năng Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân đáp trả là khá cao. Và khi đó hậu quả sẽ cực kỳ thảm khốc.
Đức Dũng (lược dịch)
Theo Infonet.vn