Trong cuộc trò chuyện thẳng thắn với đạo diễn Mỹ Oliver Stone để thực hiện loạt phim tài liệu, tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiết lộ ít nhiều về cá nhân.
Phía sau một Duterte nóng tính
- Cập nhật : 04/06/2017
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có thể thường xuyên bị cho là vạ miệng, nhưng thực tế, có thể đằng sau đấy là những toan tính rất cụ thể của một chiến lược gia.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang đối mặt với cùng lúc rất nhiều vấn đề trong và ngoài nước - Ảnh: Reuters
Kiểu phát ngôn gây sốc không xa lạ nơi ông Duterte, một cựu thị trưởng khét tiếng nóng nảy, cứng rắn ở thành phố Davao trước đây. Tuy nhiên, từ lúc ở cương vị tổng thống một năm trước, dù vẫn giữ các phát ngôn gây sốc và bất nhất, ông Duterte lại nhất quán ở nhiệm vụ duy trì hòa bình trong nước và triển khai mọi thứ với ý đồ rõ ràng.
Gắn kết vì... IS
Quan điểm của ông Duterte rất rõ ràng: sẵn sàng đàm phán với các đảng đối lập và quân nổi dậy, miễn điều đó mang lại an toàn cho người dân, và đạt mục tiêu phát triển kinh tế 6,5-7,5%.
Nhưng tình thế thay đổi. Trong nhiều ngày qua, ông phải ban bố thiết quân luật tại Mindanao để đối phó tổ chức cực đoan Maute.
Một điều lạ là khi cả lực lượng quân đội Philippines (AFP) lẫn cảnh sát quốc gia (PNP) đều cho rằng Maute chỉ là một nhóm Hồi giáo cực đoan lấy cảm hứng từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), ông Duterte không dưới một lần khẳng định đó chính là IS. Thậm chí nếu “IS” tấn công thêm hai đảo Luzon và Visayas, ông sẽ ban bố thiết quân luật toàn quốc.
Liệu tổng thống Philippines có quá nghiêm trọng hóa? Có thể. Nhưng điều này dù vô tình hay cố ý, cũng tạo ra một tín hiệu lạc quan cho hòa bình ở Philippines.
Báo PhilStar ngày 3-6 đưa tin ông Duterte đã từ chối một đề nghị từ lực lượng quân đội nhân dân mới (NPA) của Đảng Cộng sản Philippines (CPP). CPP ngỏ ý muốn tham gia chiến đấu chống Maute cùng với lực lượng chính phủ Philippines.
Trên thực tế, ông Duterte trước đó đã kêu gọi CPP lẫn các tổ chức nổi dậy khác ở Philippines, bao gồm cả các tay súng Hồi giáo thuộc lực lượng Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) và Mặt trận giải phóng quốc gia Moro (MNLF) cùng tham gia đánh Maute và cả Abu Sayyaf - một nhánh khủng bố Hồi giáo liên kết với mạng lưới al-Qaeda.
Tuy nhiên, theo ông Duterte, đề nghị sát cánh của CPP không được chấp thuận cho tới khi nào các cuộc đàm phán ngừng bắn, hòa bình của đảng này và chính phủ được ký kết.
Tuần qua, cố vấn phụ trách đàm phán hòa bình Jesus Dureza của Philippines và Bộ trưởng Lao động & việc làm Silvestre Bello III đã có mặt ở Hà Lan cho cuộc đàm phán vòng thứ năm với chủ tịch Đảng CPP Jose Maria Sison (người đang lưu vong ở Hà Lan).
Khi có chung một kẻ thù là Maute, mà ông Duterte nâng lên thành IS, có vẻ các nhóm nổi dậy tại Philippines tìm thấy một sự gắn kết cùng chính phủ. Ông Duterte cũng khẳng định chắc nịch rằng nếu mọi thứ ổn thỏa, ông sẵn sàng trả tiền đầy đủ cho những tay súng muốn chiến đấu vì người Philippines.
Uyển chuyển về ngoại giao
Giới quan sát quốc tế đến nay phần lớn xoáy vào chi tiết chính quyền Tổng thống Duterte đã tiếp cận nhẹ nhàng với Trung Quốc, không tận dụng phán quyết của Tòa trọng tài ở The Hague (Hà Lan) năm ngoái về việc bác bỏ tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông. Bên cạnh đó, nhiều người cũng bất ngờ khi ông Duterte tiếp tục lật ngược chính sách khác của người tiền nhiệm Benigno Aquino, khi có vẻ đương đầu với Mỹ.
Từng buông lời nặng nề với cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, ông Duterte cũng chứng tỏ quan điểm rằng Philippines không muốn lệ thuộc vào Mỹ, bất chấp mối quan hệ đồng minh lâu dài giữa hai nước. Ngược lại, tổng thống Philippines còn nhiều lần tuyên bố sẵn sàng nhờ Nga và Trung Quốc giúp sức.
Hồi tháng 5, ông Duterte đã cắt ngắn chuyến thăm Nga gặp Tổng thống Vladimir Putin vì xảy ra vụ khủng bố Marawi. Ông Duterte không ngần ngại đề xuất việc mua vũ khí của Nga để chống IS.
Theo Sputnik, sở dĩ ông Duterte đến nay không quá căng thẳng với Trung Quốc là vì ông muốn giữ quan hệ tốt với Nga, bởi Nga không muốn gián tiếp mâu thuẫn với Trung Quốc.
Nói thế để thấy rằng, khi muốn thoát khỏi sự lệ thuộc vào Mỹ, bản thân ông Duterte cũng đã hành xử khôn ngoan và uyển chuyển trong tam giác quan hệ với Nga - Trung.
Nhật Đăng
Theo Tuoitre.vn