tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Cơ quan thuế được quyền khởi tố, điều tra?

  • Cập nhật : 10/05/2018

Nhằm phòng, chống và ngăn chặn vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế, dự thảo sửa đổi, bổ sung luật Quản lý thuế muốn trao thêm quyền khởi tố, điều tra cho cơ quan thuế, công chức thuế.

nguoi dan lam thu tuc thue tai cuc thue tp.hcm - anh: dao ngoc thach

Người dân làm thủ tục thuế tại Cục Thuế TP.HCM - ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Trao kiếm vào tay nhà thuế ?

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất trưởng đoàn kiểm tra, trưởng đoàn thanh tra, chi cục trưởng, cục trưởng có thẩm quyền niêm phong hàng hóa, kho, hồ sơ, tài liệu, tạm giữ người, áp giải người vi phạm trong trường hợp có căn cứ cho rằng có hành vi vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế. Trong trường hợp vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, cơ quan thuế, công chức thuế có thẩm quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và pháp luật tổ chức điều tra hình sự. Khi tiến hành các hoạt động được quy định tại điều này, cơ quan, công chức thuế phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

Theo Bộ Tài chính, 80 nước trên thế giới, trong đó có nhiều nước ASEAN đã thành lập bộ phận điều tra thuế. Việc xác định hành vi trốn thuế nhanh chóng, chính xác nhất là cơ quan thuế, cán bộ thuế nên theo Bộ Tài chính cần bổ sung quy định về điều tra hành vi trốn thuế, tránh thuế, gian lận thuế... trong luật Quản lý thuế.

Luật sư Nguyễn Duy Hùng, Giám đốc Công ty luật IPIC, nhận xét: “Nếu cơ quan, cán bộ thuế được điều tra, khởi tố thì quyền này quá lớn, có thể dẫn đến việc lạm dụng nếu không kiểm soát tốt”. Ở nước ngoài, các quy định rõ ràng, minh bạch nên có thể áp dụng việc điều tra cho cơ quan thuế. Còn ở VN, các văn bản, quy định về thuế hiện nay quá nhiều, chưa kể việc chồng chéo lên nhau khiến người nộp thuế rất dễ rơi vào tình trạng thực hiện chưa đúng quy định... và nguy cơ có thể bị truy tội trốn thuế. "Nếu được trao quyền điều tra, khởi tố thì chẳng khác nào trao thêm kiếm vào tay nhà thuế, có thể sẽ tạo ra môi trường đầu tư không tốt”, luật sư Hùng nói.

Doanh nghiệp hoang mang

Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP.HCM, nói thẳng: "Các DN làm ăn không ai muốn vi phạm thuế, nhưng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thuế hiện nay quá nhiều, quá phức tạp. Trong bối cảnh này mà trao thêm quyền cho cơ quan thuế thì các DN sẽ hết sức hoang mang".

Ở góc độ DN, ông Tuấn Anh, giám đốc tài chính một công ty nước ngoài, cho hay nhiều nước cho phép cơ quan, cán bộ thuế thực hiện điều tra thuế. Quyền lực của cơ quan thuế rất cao để đảm bảo nguồn thu ngân sách. Nhưng VN hiện nay chưa đủ điều kiện cơ sở hạ tầng để áp dụng. Người nộp thuế chưa biết hết được các quy định về thuế. Nếu muốn đưa quy định này vào luật cần có một lộ trình cụ thể để thực hiện. Đặc biệt, trước khi tăng quyền lực cho cơ quan thuế, cũng cần có một hệ thống giám sát cán bộ thuế tốt để không xảy ra vấn đề tiêu cực, gây nguy hại cho người nộp thuế.

Ông Nguyễn Duy Hùng cho rằng cơ quan thuế được trao quyền này thì các cơ quan khác cũng có thể đề xuất được quyền điều tra như vậy. Để xử lý nhanh các vụ việc trốn thuế, Bộ Tài chính cần phối hợp với các bộ ngành đưa ra giải pháp tổng thể thúc đẩy giải quyết các vụ việc. Chẳng hạn công an có thể tham gia ngay khi vụ việc đặt nghi vấn có dấu hiệu trốn thuế, thay vì đề xuất trao thêm quyền lực cho cơ quan thuế.

Thanh Xuân
Theo Thanhnien.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục