My Nguyen, 30 tuổi, bị các nhân viên an ninh của Philippines phát hiện mang một viên đạn cỡ 357 trong túi đeo vai khi đến sân bay quốc tế Ninoy Aquino.
Chuyện lùm xùm giữa hai đại gia họ Cao: Đại gia Cao Văn Sơn có thực sự là Chủ tịch HĐQT Kenanga?
- Cập nhật : 08/11/2015
(Doanh nhan)
Như đã phản ánh, hai đại gia họ Cao ai cũng cho mình có lý và không ai chịu ai. Ông Sơn đã tìm mọi cách tố ông Đoan. Đến lượt ông Cao Tiến Đoan tố lại ông Cao Văn Sơn không còn là Chủ tịch HĐQT của Cty KVS từ tháng 3.2013 và đang chiếm dụng con dấu trái phép. Ông Đoan tố ông Sơn thúc ép đòi nợ ông nhằm chiếm đoạt tài sản…
Ông Đoan: Ông Sơn không còn là Chủ tịch KVS
Ông Cao Tiến Đoan nghi ngờ ông Sơn lợi dụng danh nghĩa Chủ tịch HĐQT Cty KVS nhằm chiếm đoạt số tiền nợ trên nên đã tìm cách làm rõ tư cách pháp nhân của ông Sơn. “Nếu ông Sơn không còn là Chủ tịch HĐQT, GĐ KVS mà là ông Wee Kim Hong ở Malaysia thì tôi trả nợ cho ông Sơn xong, ông Hong lại đòi tôi thì sao?”, ông Đoan nói.
Theo tài liệu do ông Cao Tiến Đoan cung cấp, Cty CP chứng khoán Kenanga được thành lập với sự góp vốn của các cổ đông trong nước và nước ngoài. Theo đó, tổng số cổ phần các cổ đông trong nước sở hữu là 6.885.000 cổ phần, tương ứng 51%. Trong đó, ông Cao Văn Sơn chỉ có 1.200.388 cổ phần, tương ứng 8,89% và con gái ông là Cao Khánh Phương sở hữu 9,17%. Cổ đông nước ngoài là K&N Kenanga Holding Berhad (Malaysia) sở hữu 6.615.000 cổ phần, chiếm 49%.
K&N Kenanga Holding Berhad là tập đoàn tài chính ở Malaysia do ông Chay Wai Leong làm Tổng GĐ.
Tại văn bản MM1/2013 ngày 25.3.2013 của Cty CP chứng khoán Kenanga Việt Nam ghi nội dung cuộc họp HĐQT Cty KVS thì tại cuộc họp này, ông Chay Wai Leong đã đề nghị bầu chọn Chủ tịch HĐQT mới thay cho ông Cao Văn Sơn vì ông Cao Văn Sơn với tư cách Chủ tịch HĐQT của KVS đã không thực hiện đúng và đủ các trách nhiệm của mình, KVS luôn làm ăn thua lỗ và suốt năm 2012 không tiến hành họp bất kỳ cuộc họp HĐQT nào.
Theo biên bản này, 7 thành viên đã bỏ phiếu bầu chọn Chủ tịch HĐQT mới thay ông Sơn. Kết quả, 5 thành viên đồng ý, 2 thành viên không đồng ý là ông Cao Văn Sơn và con gái là Cao Khánh Phương. Cũng theo biên bản, ông Sơn và con gái tỏ ra tức giận và “ngay sau khi việc biểu quyết bởi HĐQT kết thúc, ông Cao Văn Sơn và bà Cao Khánh Phương đã rời cuộc họp mà không ký vào biên bản cuộc họp”. Dù vậy, HĐQT sau khi thảo luận vẫn biểu quyết “thay đổi Chủ tịch HĐQT, với mục đích làm bằng chứng để báo cáo sự việc cho các cơ quan hữu quan, bao gồm Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội” và “để ghi nhận nghị quyết của HDQT về quyết định thay đổi chủ tịch”. Liền sau đó, HĐQT cũng ra nghị quyết bằng văn bản ghi nhận việc ông Wee Kim Hong - quốc tịch Malaysia - được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT thay ông Cao Văn Sơn từ ngày 25.3.2015. “Trong nhiệm kỳ của mình, ông Wee Kim Hong có các quyền và trách nhiệm của Chủ tịch HĐQT theo điều lệ của Cty và quy định của pháp luật Việt Nam” - nghị quyết ghi.
Sau sự kiện ngày 26.5, ông Cao Tiến Đoan gửi công văn tới Tập đoàn K&N Kenanga Holding Berhad (Malaysia) - cổ đông lớn nhất của Cty KVS hỏi về tư cách của ông Cao Văn Sơn. Ông Wee Kim Hong - Chủ tịch HĐQT Cty KVS - đã ký văn bản trả lời với nội dung xác nhận sự việc như nghị quyết nêu trên và cho rằng “ông Sơn đã cố tình không bàn giao con dấu của KVS cho chủ tịch và đại diện pháp luật mới. Do đó, ông Sơn đã chiếm giữ con dấu Cty trái phép”. Công văn này cũng thể hiện rõ, “chúng tôi sẽ điều tra vấn đề này và sẽ có hành động cần thiết bao gồm cả việc xin hỗ trợ từ các cơ quan chính quyền để lấy lại con dấu ngay lập tức”.
Ông Sơn: Tôi vẫn là chủ tịch
Làm việc với PV LĐ&ĐS, bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó GĐ Cty KVS - cung cấp bản chụp trang web của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước ngày 20.11.2013 có nội dung “người đại diện theo pháp luật” của KVS là ông Cao Văn Sơn - Chủ tịch HĐQT. Bà Bình khẳng định, ông Sơn vẫn là Chủ tịch HĐQT, đại diện hợp pháp của KVS.
Về nghị quyết HĐQT bầu chọn Wee Kim Hong làm chủ tịch thay ông Sơn, ông Cao Văn Sơn nói: “Biên bản này là hoàn toàn do các ông ấy bịa ra, đây là biên bản giả”. Trong khi đó, ông Cao Tiến Đoan cam kết tất cả chữ ký của ông Wee Kim Hong là thật và đảm bảo tính pháp lý, chân thực của tài liệu ông cung cấp cho báo chí. Ông Sơn cho rằng, ông Đoan đã câu kết với tập đoàn bên Malaysia để kiện ông.
Trước đó, ông Wee Kim Hong đã gửi văn bản đến Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an hỗ trợ lấy lại con dấu của Cty KVS. Cục này đã có văn bản số 222/C64-P2 căn cứ vào giấy phép thành lập số 72/UBCK-GP ngày 3.12.2007 của UBCKNN và Giấy phép điều chỉnh số 73/UBCK-GP ngày 13.2.2012 của Ủy ban này và xác nhận ông Cao Văn Sơn là Chủ tịch HĐQT Cty KVS. Do đó, “không có cơ sở pháp lý để xem xét giải quyết” đề nghị của ông Wee Kim Hong. Về việc này, ông Cao Tiến Đoan cho rằng, thời điểm ông Sơn bị bãi miễn Chủ tịch HĐQT là 25.3.2013 nên 2 giấy phép trên không có ý nghĩa gì với việc xác nhận tư cách của ông Sơn.
Để làm rõ hơn vấn đề, PV LĐ&ĐS đã đăng ký làm việc với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. Ông Nguyễn Tiến Dũng - Chánh Văn phòng UBCKNN - cho hay, sự việc này rất phức tạp và yêu cầu phóng viên làm đề xuất bằng văn bản và phải có giấy giới thiệu chứ không chấp nhận thẻ nhà báo.
Thực hiện đúng yêu cầu, ngày 14.9, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán - ông Bùi Hoàng Hải - đã ký công văn trả lời, nội dung: “Theo báo cáo tình hình tài chính quản trị của Cty năm 2014 gửi UBCKNN, theo báo cáo tài chính soát xét bán niên 2015, báo cáo tài chính cho năm tài chính kết thúc ngày 31.12.2014…” thì ông Cao Văn Sơn là Chủ tịch HĐQT Cty KVS, đơn vị này cũng căn cứ theo giấy phép điều chỉnh số 73 năm 2012 nói trên và cho hay, “ông Cao Văn Sơn là người đại diện theo pháp luật - Chủ tịch HĐQT”.
Ông Cao Tiến Đoan không chấp nhận cách giải thích này vì theo ông, các báo cáo tài chính mới đây đều do ông Sơn ký và chỉ đạo ký gửi UBCKNN, hơn nữa, giấy phép số 73 ký từ năm 2012, không có ý nghĩa gì về tư cách pháp nhân của ông Sơn vì khi đó, ông Sơn đang là Chủ tịch HĐQT hợp pháp của Cty KVS. “Chủ tịch HĐQT phải do HĐQT bầu ra chứ không phải ai thích làm cũng được. Việc bầu chọn này phải thể hiện nghị quyết bằng văn bản. Chúng tôi rất mong cơ quan chức năng làm rõ việc này để chúng tôi yên tâm thực hiện tiếp hợp đồng tín dụng đã ký kết, tránh nỗi lo mất trắng tài sản”, ông Đoan nói.
Thực chất, Cty Kenanga là của ai? Ai là Chủ tịch HĐQT? Ông Cao Văn Sơn hay ông Wee Kim Hong?... Hàng loạt nghi vấn liên quan cần sớm được cơ quan chức năng làm rõ nhằm đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư và minh bạch thị trường.