Theo ông Jonathan Hạnh Nguyễn, TPP được ký kết, DN kinh doanh hàng hiệu sẽ thuận lợi mở thêm nhiều điểm mua sắm, người Việt cũng có điều kiện tiếp cận hàng chính hãng giá tốt.
Câu chuyện hai ngàn và trăm tỷ
- Cập nhật : 06/11/2015
(Kinh doanh)
Với số thu chỉ 2.000 đồng mỗi quả trứng, ít ai hình dung rằng có ngày kia, một doanh nhân dám đầu tư cả trăm tỷ đồng chỉ để làm sạch trứng, và rồi chi nhiều trăm tỷ đồng khác để chuẩn hóa chuỗi an toàn thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn.
Người doanh nhân dám đi những bước tiên phong, đưa quy trình xử lý trứng và chăn nuôi, chế biến gia cầm của Việt Nam đạt chuẩn quốc tế chính là chị Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân - TPHCM.
Trứng chọi đá
Hình dung lại chặng đường công nghiệp hóa sản phẩm nông nghiệptrong ngành chăn nuôi gia cầm đã qua, bà Ba Huân - như cách gọi thân thuộc của mọi người- vẫn ngỡ như mình đang trong giấc mơ xưa, bởi việc làm đó chẳng khác nào “lấy trứng chọi đá”.
Một chiều đầu tháng 10, nhắc lại chặng đường đã qua, bà Ba Huân tâm sự: “Mà chắc là tôi “lấy trứng chọi đá” thật chứ không đùa đâu. Tôi, một phụ nữ chưa học hết lớp 5 trường làng, 12 tuổi níu theo đôi gánh cùng mẹ ra chợ tập tành bán trứng. 16 tuổi được mẹ chính thức giao cho gánh trứng, trở thành cô hàng trứng với tâm niệm từ lời dạy của mẹ: Kiến tha lâu đầy tổ, một nghề cho chín, hơn chín mười nghề không nên; và nhất là mất tiền còn kiếm lại được, nhưng mất uy tín là mất tất cả”.
Bà Ba Huân kể, bà bước vào nghiệp trứng với tất cả vất vả của những người buôn bán nhỏ bên chợ làng quê Thanh Vĩnh Ðông, Long An. Như những người nông dân ngày đêm chăm chút cho con gà, con vịt, vừa bán trứng tích góp là từng xu, từng cắc mà lại còn nâng trứng hơn hứng hoa vì sợ đổ bể coi như xong: “Những hôm trời mưa, đường lầy lội, quẩy đôi quang gánh đến từng nhà thu mua trứng rồi lại tất tả ra chợ bán, gánh trứng trên đôi vai nhỏ, tôi bấm chân xuống bùn đến bật máu để giữ gánh trứng không xô lệch, ngả nghiêng…”, bà Ba Huân, nhớ lại.
Cứ như thế, rồi những ngày nắng cháy da, mồ hôi ướt đầm vai áo, gánh trứng cứ nặng dần trên vai, mang theo những đồng bạc tích góp của bà Ba Huân thì một chân trời mới mở ra.
Ðó là khi bà vượt qua mảnh đất làng, bươn chải theo những con nước, theo những người nuôi vịt chạy đồng: “Hạ gánh trứng xuống, bước trên con thuyền ba lá dọc dài khắp các tỉnh thành Nam bộ, cô hàng trứng là tôi ngày xưa đã xây cho mình vựa trứng từ sự yêu thương của những người nông dân, của những bạn hàng, của chữ tín trong làm ăn buôn bán. Rồi tôi trở thành “Nữ hoàng hột vịt”, thành “Vua trứng” khi chính thức trụ chân trên đất Sài Gòn. Thực ra, sự vinh danh này không phải vì sự giàu có mà chính là sự phát triển. Tôi đã tạo nên chuỗi lên kết để người chăn nuôi, người kinh doanh và người tiêu dùng cùng hưởng lợi ích từ nguồn thực phẩm ngon miệng, rẻ tiền, dinh dưỡng cao là quả trứng gà, trứng vịt bé nhỏ kia”.
“Tôi vui đến rơi nước mắt vì mình đã tìm được con đường mới cho quả trứng”.
Bà Ba Huân
Mọi chuyện đang thuận buồm xuôi gió thì con đường làm ăn của bà Ba Huân - một doanh nhân đi lên từ gánh trứng thuần phác, mộc mạc nơi chợ quê để rồi điều phối cả một mạng lưới kinh doanh trứng gia cầm rộng dài từ TPHCM đến các tỉnh miền Tây Nam bộ… không ngờ đứng chựng lại với những tổn thất không thể lường trước. Ðó là khi dịch cúm gia cầm H5N1 như bức màn đen trùm khắp các hộ chăn nuôi và kinh doanh gia cầm.
“Nữ hoàng trứng” Ba Huân, nhớ lại: “Ðại dịch khiến hơn 6 tỷ đồng của tôi qua một đêm không cánh mà bay. Ðó thực ra là các khoản tôi cho nợ gối đầu và ứng vốn cho nông dân chăn nuôi. Nay dịch cúm gia cầm đến, vịt chết đầy đồng, trứng thì phải chất từng xe tải mang đi tiêu hủy, làm sao mà thu hồi được”.
Bà nói tổ nghiệp đã đãi bà để có của để dành chuyển nghề khác nhàn hạ hơn, xem ra mọi điều không đáng để lo ngại: “Thấy tình hình không ổn, tôi cùng gia đình chuẩn bị mở một điểm kinh doanh vàng. Thế nhưng, như một sự ám ảnh, tôi cứ như người không có trọng lượng, vật vờ, không ăn, không ngủ được. Tôi trở lại miền Tây, đến những cánh đồng, vào các hộ nông dân, thăm bạn hàng nơi các chợ. Ði tới đâu tôi cũng chỉ thấy nước mắt, thấy sự tuyệt vọng cho kế mưu sinh. Những câu hỏi lúc ấy cứ xoáy vào đầu tôi, phải làm gì, phải tìm đường mới mà đi chứ, tại sao lại bó tay chịu chết thế này? Và tôi chợt tỉnh khi suy nghĩ rằng, đại dịch cúm trên toàn cầu như thế này, các nước sẽ làm gì để vượt qua? Tôi dò hỏi người thân ở nước ngoài, mọi người chỉ qua Trung Quốc. Tôi khăn gói lên đường sang Quảng Ðông, Quảng Châu nhưng rồi không thấy gì là khác biệt. Tôi lại sang Úc, nhưng cũng tìm không ra giải pháp thích ứng. Thế rồi như có một phép màu, tôi nhận được một cataloge về máy xử lý trứng của hãng Moba tại Hà Lan, được người thân từ nước ngoài chuyển về. Tại sao quả trứng với lớp vỏ bao bọc an toàn vậy lại phải xử lý? Máy móc sẽ giúp gì trong quá trình này? Biết bao câu hỏi thôi thúc tôi lên đường sang châu Âu”.
Một chữ tiếng Anh bẻ đôi không biết, lại đầy chất quê mùa cục mịch, nhưng bằng sự lăn lộn cùng nông dân trong suốt chặng dài kinh doanh trứng, những câu hỏi của bà Ba Huân đã khiến ban giám đốc và các chuyên gia của hãng Moba – một hãng đứng đầu thế giới về máy xử lý trứng - phải khó nhọc giải thích.
Bà trải lòng rằng, có lẽ bà được trời thương nên các chuyên gia nói đến đâu bà vỡ ra đến đó. Bà hiểu rằng, xưa nay dân mình coi quả trứng là thành phẩm, nhưng thực ra đó mới chỉ là nguyên liệu. Phải qua một quy trình xử lý để rửa bỏ chất bẩn, chiếu tia UV diệt khuẩn, bao một lớp dầu bảo vệ bịt kín lỗ thông hơi trên vỏ trứng thì trứng mới đạt đến độ an toàn…
“Tôi vui đến rơi nước mắt vì mình đã tìm được con đường mới cho quả trứng. Những giọt nước mắt hạnh phúc của tôi, những câu hỏi liên tục của một người phụ nữ chân quê nơi đất nước Việt Nam xa xôi có lẽ đã chinh phục được trái tim của ban giám đốc hãng. Họ đưa tôi đến Bỉ, Luxembourg, Ðức… để cho tôi được tham quan thêm về quy trình xử lý trứng. Về lại Việt Nam, ngay lập tức tôi quyết định đem hết vốn liếng, chưa đủ, nên bán bớt xưởng và mượn thêm tiền để mua máy xử lý trứng. Trong mắt của chồng và gia đình cũng như tất cả mọi người lúc đó, chắc là tôi bị điên và việc làm này chẳng khác nào “lấy trứng chọi đá” - bà Ba Huân, hồi tưởng!
Không ai ngăn cản được ý chí và quyết tâm của bà Ba Huân lúc đó, nên cả gia đình cũng đành lòng chấp nhận và cùng dồn sức cho bà trong hành trình mới. Giờ đây, khi nhắc lại câu chuyện này, bà Ba Huân lời rằng bà không thể quên được tình cảm mà gia đình, bạn bè dành cho bà: “Ba má tôi là những người đầu tiên đưa cho tôi những đồng tiền mà tôi gọi là “tiền truyền lửa”. Không chỉ trao nghề cho tôi, hình như chưa bao giờ ba má tôi không ủng hộ con gái của mình trên con đường kinh doanh ngành trứng gia cầm đầy thử thách này”.
Với quyết tâm vực dậy ngành trứng, bà Ba Huân trở lại hãng Moba của đất nước Hà Lan trong tâm trạng của một người dùng xuồng ba lá mà vượt đại dương với bao hồi hộp, lo lắng cho một chặng đường phía trước. Chỉ đến khi ký hợp đồng xong quay trở ra, thấy lá cờ Việt Nam được treo lên bên cạnh cờ các nước khác (tại hãng Moba, khi khách hàng nước nào đến mua thiết bị, hãng sẽ treo quốc kỳ của nước đó tại trụ sở), trong bà khi ấy xiết bao hạnh phúc. Rồi bà tự nhủ: Nhất định mình sẽ thành công.
“Ngày tôi khánh thành nhà máy, ban Giám đốc Moba từ Hà Lan sang tận Việt Nam để chúc mừng. Rồi các chuyên gia của Moba từ các nước khác cũng về dự. Họ gọi tôi là Ba Huân Việt Nam, coi đây là sự kiện Ðông Nam Á của hãng. Còn tôi, không có gì vui bằng khi quy trình xử lý trứng được nhấn nút, những người nông dân quê mùa chất phác, những bạn hàng bán buôn tần tảo cùng ôm tôi và nói trong nước mắt: cô Ba ơi, mình sống rồi!”.
Từ việc xử lý, đóng gói bằng tay, nay với dây chuyền tự động công suất 65.000 trứng/giờ, nhà máy xử lý trứng gia cầm của công ty TNHH Ba Huân đã thành dấu ấn trong ngành công nghiệp hóa các sản phẩm nông nghiệp tại Việt Nam. Không chỉ mang đến một phương thức sản xuất mới mà hiệu quả, việc làm này còn thay đổi nhận thức và thói quen của người tiêu dùng.
Việc xử lý này đã đưa sản phẩm trứng gia cầm Việt Nam ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới. Quả trứng gà, trứng vịt Việt Nam tự tin đi vào các khách sạn quốc tế, các công ty, doanh nghiệp dùng trứng làm nguyên liệu chế biến thực phẩm... Cũng là lần đầu tiên, người Việt Nam được dùng sản phẩm trứng sạch đúng nghĩa.
Không có gì là không thể
Nói về sự nghiệp của mình, bà Ba Huân chia sẻ: “Hơn 40 năm cho một chặng đường gắn bó cùng nền nông nghiệp - cùng con gia cầm, tôi nghĩ mình đã hoàn thành trọn vẹn một sứ mệnh như mong mỏi của ba má tôi, như sự đồng cam cộng khổ để có được thành quả này của các anh chị em trong gia đình và niềm tin yêu của cộng đồng cho thương hiệu Ba Huân đứng vững”.
Khép lại câu chuyện “hai ngàn và trăm tỷ” gắn với sự nghiệp “trứng” của mình, bà Ba Huân chia sẻ rằng, mọi khó khăn rồi sẽ qua, bởi không có gì là không thể: “Cũng như tôi hôm nay, đi trong khuôn viên của nhà máy với những thiết bị và công nghệ hiện đại nhất, vẫn không thôi nhớ về những gánh trứng bên chợ quê. Trong những chuyến đi nước ngoài, trên máy bay giữa bồng bềnh mây trắng tôi vẫn không quên chiếc xuồng ba lá len lỏi trên sông rạch quê hương”.
Cuộc sống không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới mà ta phải vượt qua. Hình như với một doanh nhân nông dân như bà Ba Huân, quá khứ chính là cánh cửa để mở ra chân trời mới.
Hiện tại công ty TNHH Ba Huân đã có hai dây chuyền xử lý trứng với tổng công suất 180.000 trứng/giờ. Và đi theo nhu cầu của ngành công nghiệp xử trứng, công ty Ba Huân đã chuẩn hóa trang trại chăn nuôi gà công nghệ cao trên diện tích 18ha tại Bình Dương. Nơi đây, từ nguồn giống độc quyền của thương hiệu Hy-Line Mỹ, gà giống thương phẩm Hy-Line – Ba Huân đã được nhân giống, cung cấp cho nông dân.
Trang trại có các phân khu: gà lấy thịt, gà lấy trứng thường và gà lấy trứng Omega-3, một khu thí nghiệm và nhà máy thức ăn chăn nuôi gia cầm… Song song đó, một nhà máy chế biến thực phẩm công nghệ hiện đại đặt tại Long An với những sản phẩm thịt gà tươi, gà quay, gà viên, lạp xưởng, xúc xích gà, bánh flan… đã khép kín một chu trình từ trang trại đến bàn ăn đạt chuẩn của công ty Ba Huân.