CEO Travis Kalanick chia sẻ về kế hoạch IPO và sự cạnh tranh khốc liệt tại thị trường Trung Quốc.
Tỷ phú đại ngàn, bán 20 kg sâm Ngọc Linh mua ôtô xịn
- Cập nhật : 09/11/2015
(Kinh doanh)
Hàng chục năm không hạ sơn, bám đỉnh Ngọc Linh (Quảng Nam) ăn ngủ với sâm, nhiều đại gia, tỷ phú biến thành “người rừng” để cứu cây sâm khỏi nạn tuyệt diệt. Giờ chỉ cần nhổ 20 kg sâm Ngọc Linh là họ sắm được một chiếc xế xịn.
Hiện thực hóa giấc mơ của “người rừng”
“Chờ đường xong mình sẽ mua ô tô” - Hồ Văn Hình, một đại gia sâm ở Trà Linh, nói nhẹ tênh. Hình là đại gia sâm có hơn 20 năm bám trụ, từ một “người rừng” đúng nghĩa, anh trở thành tỷ phú giữa miền rừng thẳm Ngọc Linh.
“Chỉ một giờ sau khi làm đường bê tông từ Trà Nam đến Trà Linh là mình lên núi nhổ 20 kg sâm, bán đi mua ngay chiếc ô tô xịn” - ông khoe.
Để chuẩn bị mua ôtô, đầu năm 2015, Hình vào rừng nhổ hơn 5 kg sâm Ngọc Linh bán được 150 triệu. Ông khăn gói xuống Tam Kỳ thuê nhà ở 3 tháng học lấy bằng lái từ tháng 6. Đây là đại gia đầu tiên ở Ngọc Linh có bằng lái ô tô.
Không chỉ mỗi đại gia Hồ Văn Hình mơ giấc mơ sẽ có ngày làng mình có điện, có đường ô tô, mà hàng nghìn hộ dân nơi đây đều chung khát vọng đó.
Đại gia Hồ Văn Du với hơn 30 năm bám trụ cùng sâm cũng có trong tay vườn sâm hàng chục triệu USD. Ông tâm sự, núi Ngọc Linh đã thành quê hương thứ hai và ông quyết không hạ sơn, ăn ngủ cùng sâm cho đến khi trút hơi thở cuối cùng.
Trong ký ức những ngày khốn khó, với “người rừng” Hồ Văn Du, con đường mòn lội bộ cắt rừng vượt dốc hơn 3 ngày trời từ Tắk Pỏ (nay là thị trấn Nam Trà My thuộc xã Trà Mai) lên Trà Linh biết bao kinh hoàng. Còn giờ, đường ô tô đã về gần đến trung tâm xã. Để đến vườn sâm chỉ cần 4 giờ đồng hồ đi bộ vượt rừng mà cách đây hơn 30 năm ông không dám mơ đến.
“Nếu được hỗ trợ của dự án Sâm Việt Nam, bà con sẽ cùng chung tay góp sức mở con đường về vùng sâm. Có con đường không chỉ phát triển sâm mà còn phát triển du lịch. Cảnh đẹp hoang sơ cùng với khí hậu mát lạnh quanh năm sẽ là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng” - ông Du nói.
Làng tỷ phú trên đỉnh trời
Không phải đến bây giờ chuyện cây sâm Ngọc Linh mới nóng sốt, mà cách đây hơn 30 năm, nhiều người đã âm thầm vào rừng Ngọc Linh, biến mình thành “người rừng” với cây sâm.
Cơn sốt săn tìm cây sâm Ngọc Linh tự nhiên từ những năm 80 của thế kỷ trước khiến cả vùng sâm rộng lớn hàng trăm nghìn ha bị cày xới. Cây sâm quý hiếm lao đao bên bờ tuyệt chủng.
Nhưng rất may, trong số những người đi tìm sâm ngày ấy, những người như Hồ Văn Du, Hồ Văn Hình đã tỉnh ra. “Nếu cứ săn tìm mãi đến một ngày còn đâu sâm nữa mà tìm” - Hồ Văn Du tự hỏi.
Từ đó, Du cùng một số bà con trên núi Ngọc Linh quyết định lập trại ươm trồng cây sâm quý. Những cây sâm săn tìm được trong rừng, ông nâng niu đưa về trồng. Cần mẫn, năm này qua năm khác, hết đông đến hạ, vườn sâm của Hồ Văn Du đơm bông kết trái cho hạt. Đến nay, ông đã có trong tay vườn sâm hàng chục nghìn cây, giá trị hàng chục triệu USD.
Không chỉ cứu được cây sâm khỏi nạn tuyệt chủng, không chỉ “người rừng” Hồ Văn Du có trong tay cả trăm tỷ từ sâm, mà hàng nghìn hộ dân bà con Xê Đăng nằm lưng chừng đỉnh Ngọc Linh cũng trở thành tỷ phú.
“Nhà ít cũng trên nghìn gốc sâm, nhà nhiều hàng chục nghìn cây. Nếu đem nhổ bán bây giờ nhà nào cũng có tiền tỷ”- Hồ Văn Du kể.
Ngay tại chốt sâm Tắk Ngo hiện có hơn 30 hộ trồng sâm Ngọc Linh. Hộ nhiều nhất, trên 5.000 gốc; hộ ít nhất cũng hơn 2.000 gốc. Mùa này, những vườn sâm đang phủ một màu đỏ chói của hạt sâm chín rộ. Bà con phải tranh thủ thu hoạch hạt giống để đưa vào tỉa cho vụ sau.
Chị Hồ Thị Biết ở nóc Tắk Ngo cho biết, để có vườn sâm hơn 1.000 gốc 3 năm tuổi chị đã vay 25 triệu đồng vốn xóa đói giảm nghèo của phụ nữ để đầu tư. Chờ 5 năm nữa, khi cây sâm 8 tuổi nếu bán ít nhất cũng thu được hơn 3 tỷ đồng.
Theo chị Hồ Thị Bâng - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trà Linh, ở thôn 2 có 110 hội viên, phụ nữ đứng ra vay vốn với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng; nhiều nhất là tại nóc Kon Pin có 77 hộ vay 1,5 tỷ đồng để trồng sâm.