tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

CEO PVFCCo: "Sai thì sửa và quan trọng phải dũng cảm thừa nhận sai lầm"

  • Cập nhật : 08/11/2015

(Yeu nhan)

DPM chắc chắn sẽ vượt kế hoạch đặt ra cho năm 2015 về sản lượng, doanh thu và lợi nhuận. Còn về cổ tức, theo mức kế hoạch đề ra là 25% cả năm thì dự kiến trong tháng 11 này DPM sẽ tạm ứng trước ít nhất 10% bằng tiền mặt cho cổ đông.

 

Tự nhận mình là người may mắn, đến với Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo - DPM, nhà sản xuất và kinh doanh phân bón Phú Mỹ) là cơ duyên, nhưng để tạo nên một hình ảnh PVFCCo ngày nay không chỉ gắn liền với bà con nông dân mà còn vững vàng trên thương trường cũng như uy tín với nhà đầu tư, có nhiều công sức đóng góp của vị Tổng giám đốc đời thứ tư của PVFCCo - ông Cao Hoài Dương.

Nhân dịp ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), người viết đã có dịp trao đổi với ông Cao Hoài Dương về những chặng đường đưa ông đến với PVFCCo cũng như kế hoạch về một dự án đánh dấu bước chuyển mình của PVFCCo trong tương lai.

Biết ông đã khá lâu, khi tiếp xúc ở ông luôn toát lên phong thái tự tin, cách nói chuyện thu hút và chân thành. Sau 5 năm cầm quân tại PVFCCo, ông đã đóng góp nhiều công sức vào việc khánh thành “ngôi nhà chung” mang tên PVFCCo Tower, đa dạng hoá sản phẩm phân bón Phú Mỹ, và bây giờ là dự án NH3- NPK Phú Mỹ được kỳ vọng sẽ mang lại nguồn thu đáng kể, đưa PVFCCo lên một nấc thang phát triển mới.

BƯỚC CHUYỂN MÌNH VỚI TỔ HỢP DỰ ÁN NH3 - NPK PHÚ MỸ

Khi nguồn cung cổ phiếu dồi dào thì sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp niêm yết trong việc giữ chân cổ đông và thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư tiềm năng diễn ra ngày càng gay gắt. Thời gian qua PVFCCo đã có nhiều cuộc gặp gỡ tiếp xúc với đối tác ngoại, vậy ông có thể chia sẻ ý kiến của họ về cổ phiếu DPM?

Nhìn chung thì nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước đều có chung nhận định về PVFCCo và cổ phiếu DPM, đó là một doanh nghiệp hoạt động ổn định, kết quả hàng năm đều vượt các chỉ tiêu do Đại hội đồng cổ đông giao. Chúng tôi cũng áp dụng cách quản trị bài bản, phong cách làm việc chuyên nghiệp, tiếp cận dần với quản trị hiện đại, đối với nhà đầu tư thì luôn cởi mở, minh bạch. Minh bạch ở đây không chỉ thể hiện ra bên ngoài mà thực sự trong tiềm thức, quan điểm của lãnh đạo về đưa thông tin đúng, đủ, chính xác. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng đánh giá cao DPM về quản trị thương hiệu rất tốt, nhờ đó mà thương hiệu của chúng tôi có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Cho tới cuối năm 2014, các nhà đầu tư khi tiếp xúc vẫn băn khoăn về cơ hội phát triển của DPM. Bởi có thể nói, DPM đã đạt được đỉnh của mình rồi, nếu không có dự án đầu tư phát triển thì không thể duy trì được đỉnh mà sẽ sang triền dốc đi xuống.

Tuy nhiên, sang năm 2015 này, nhà đầu tư lại rất phấn khởi trước sự kiện DPM ký hợp đồng EPC tổ hợp dự án nâng cấp mở rộng phân xưởng Amoniac (NH3) và dự án sản xuất phân bón NPK Phú Mỹ bằng công nghệ hóa học – đây là nhà máy đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam sản xuất NPK theo công nghệ này, thay thế hàng nhập khẩu.

Tổ hợp dự án này tạo cơ hội tăng gấp rưỡi doanh thu cho DPM, doanh thu tăng thêm khoảng 4.000 tỷ đồng/năm. Hiện dự án đang được triển khai theo tiến độ đề ra, dự kiến quý II/2017 có sản phẩm thương mại.

Riêng dự án UFC85/Formaldehyde hiện đang chạy thử và chắc chắn sang quý 1/2016 sẽ có doanh thu.

Vậy vì sao đến thời điểm này DPM mới tiến hành đầu tư vào tổ hợp dự án này trong khi nguồn tiền lại khá dồi dào?

Thực tế là chúng tôi đã khởi động dự án này từ năm 2009 nhưng vì nhiều lý do, chủ yếu là lý do khách quan từ bối cảnh chung của nền kinh tế nên việc triển khai dự án bị chững lại. Đến năm 2012-2013 tình hình kinh tế có nhiều khởi sắc hơn, chúng tôi đã thuyết phục được các cơ quan chức năng, đặc biệt là công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt nam (PVN) chấp thuận để tiếp tục triển khai dự án.

Tổng vốn đầu tư cho tổ hợp dự án là gần 5.000 tỷ đồng, trong đó vừa là vốn tự có và vay ngân hàng theo tỷ lệ 40%-60%. Chúng tôi cũng đã có những phương án để đảm bảo thu xếp đủ vốn cho dự án, hiện nay trong mắt các ngân hàng thì PVFCCo vẫn là một khách hàng “tốt”.

TPP MỞ RA CƠ HỘI CHO PHÂN BÓN CHẤT LƯỢNG CAO

Cho đến nay thì DPM ước tính kết quả kinh doanh dự kiến cả năm 2015 như thế nào và kế hoạch cho năm sau của DPM, thưa ông?

DPM chắc chắn sẽ vượt kế hoạch đặt ra cho năm 2015 về sản lượng, doanh thu và lợi nhuận. Còn về cổ tức, theo mức kế hoạch đề ra là 25% cả năm thì dự kiến trong tháng 11 này DPM sẽ tạm ứng trước ít nhất 10% bằng tiền mặt cho cổ đông.

Mục tiêu năm 2016 ưu tiên số một vẫn là vận hành nhà máy Đạm Phú Mỹ an toàn, ổn định, tiếp tục nâng cao giá trị thương hiệu để thúc đẩy bán hàng. Đặc biệt trong năm tới nhà máy Đạm Phú Mỹ không có kế hoạch bảo dưỡng tổng thể mà chạy liên tục, sản lượng sẽ tăng và kéo theo doanh thu tăng. Bên cạnh đó cũng sẽ có thêm tăng trưởng doanh thu từ các sản phẩm hoá chất mới, khoảng 400-500 tỷ đồng, chủ yếu từ dự án UFC85/Formaldehyde. Dự kiến tổng doanh thu sẽ tăng khoảng 10% trong năm tới.

Theo ông, ngành sản xuất kinh doanh phân bón nói chung và DPM nói riêng trong tương lai sẽ ra sao khi Hiệp định TPP đã ký kết?

TPP là một chủ đề mà chúng tôi rất quan tâm, phân tích kỹ và đưa ra những kịch bản cụ thể. Theo tôi, TPP là cơ hội cho nông sản Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, Úc, Mỹ, New Zealand…Tuy nhiên điều này cũng đòi hỏi nông dân, doanh nghiệp phải cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm. 

Mà muốn có được chất lượng nông sản cao thì đương nhiên giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng phải đảm bảo chất lượng, và như thế thì cũng mở ra cơ hội cho phân bón chất lượng cao của DPM. Bởi từ trước đến nay phân bón giả hoành hành và cạnh tranh không công bằng với phân bón chất lượng cao. Với tác động của TPP thì sự bất công trong cạnh tranh sẽ giảm đi, phân bón chất lượng cao sẽ được chú trọng hơn.

Bên cạnh đó, tham gia TPP cũng có thể mở ra cơ hội về xuất khẩu phân bón; Nhật Bản và Đài Loan là thị trường DPM nhắm đến trong thời gian tới đối với sản phẩm NPK Phú Mỹ. Hàng năm DPM cũng đã xuất đi khoảng 30-50.000 tấn sang các nước như Malaysia, Philippines, Thái Lan, Campuchia, New Zealand và cả Jordan.

Ngoài ra, với dự án NPK Phú Mỹ thì DPM phải nhập khẩu một số nguyên liệu mà trong nước không sản xuất được, khi tham gia TPP, ở mức độ nào đó DPM cũng sẽ có được nguồn nguyên liệu giá tốt hơn.

Để xây dựng một thương hiệu toàn diện, bên cạnh việc chú trọng hoạt động kinh doanh hiệu quả thì cái tên PVFCCo, phân bón Phú Mỹ cũng được biết đến và gắn liền với nhiều hoạt động từ thiện lớn. Đó có phải là tôn chỉ hoạt động của DPM?

Chúng tôi quan niệm rằng, sự phát triển của mình luôn luôn song hành cùng với phát triển, thịnh vượng của nền nông nghiệp, của bà con nông dân. Vì thế chúng tôi chia sẻ với công đồng, với bà con nông dân, đặc biệt là các vùng sâu vùng xa, vùng ảnh hưởng của thiên tai bão lụt thông qua các chương trình an sinh xã hội thường niên, dài hạn, mang tính đầu tư lâu dài, nhằm chung tay xây dựng nông thôn mới và đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân dân, đó là xây nhà cho người nghèo, xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu như cầu nông thôn, trạm y tế, trường học…hoặc cấp học bổng cho học sinh sinh viên, tham gia vào chương trình “Hướng về biển đảo”, cứu trợ cho nạn nhân thiên tai…

 “TÔI ĐẶC BIỆT CHÚ TRỌNG TÍNH CHUYÊN NGHIỆP, LÀM VIỆC  NHÓM VÀ SÁNG TẠO”

Nhân lực giỏi quyết định sự sống còn của các doanh nghiệp cũng như thương hiệu và hiện nay, cuộc chạy đua giành người tài đang rất khốc liệt. Vậy, quan điểm của ông về việc săn người tài và giữ họ lâu dài như thế nào?

Rõ ràng, yếu tố con người trong các doanh nghiệp luôn ở vị trí số 1.

DPM luôn mong muốn thu hút được các nhân tài về làm việc và giữ chân họ lâu dài. Thực tế, thu nhập rất quan trọng nhưng không phải là tất cả. Ngoài thu nhập xứng đáng với công sức bỏ ra thì cũng phải tạo ra môi trường làm việc công bằng, có văn hóa, mọi người quan tâm đến nhau… tạo sở thích đến cơ quan làm việc trong mỗi người và đặc biệt phải tạo điều kiện cho tất cả mọi người đều được quyền tiếp cận các cơ hội phát triển.

Ví dụ, thông thường một nhân viên giỏi về mặt chuyên môn thì cơ hội thăng tiến của họ là được lên làm sếp, tuy nhiên không phải ai cũng vừa giỏi chuyên môn vừa giỏi quản trị. Từ một kỹ sư lành nghề, mình bổ nhiệm họ lên vị trí quản lý nhưng nếu họ không có tố chất của một nhà quản lý thì chúng ta sẽ được một nhà quản lý tồi và mất đi một chuyên gia giỏi.

Thế nên DPM xây dựng một hệ thống chuyên gia, những người giỏi chuyên môn thì người đó sẽ có cơ hội phát triển để trở thành chuyên gia. Có 5 bậc chuyên gia, trong đó bậc 5 cao nhất với các cơ hội đãi ngộ tương đương hoặc có thể còn cao hơn cả Phó Giám đốc nhà máy. DPM tạo ra nhiều cơ hội cho mỗi người tùy vào năng lực để tìm được con đường phát triển phù hợp nhất.

Nhà đầu tư rất tò mò về một vị lãnh đạo khá kín tiếng khi nói về mình, nếu được hỏi về thành công của DPM thì cũng chỉ nói về tập thể và sự kế thừa, ông có quá khiêm tốn không khi mà đã góp công sức không nhỏ để DPM có được hình ảnh như ngày nay?

Tất cả đều có sự kế thừa, từ thành quả của những người đi trước mình mới gây dựng nên được như ngày hôm nay. Tôi là Tổng giám đốc thứ tư của DPM, nên tất cả thành quả bây giờ đó là một chuỗi, người nọ kế thừa người kia và là thành quả chung của tập thể.

Mỗi người lãnh đạo có một cách quản trị riêng, trong công việc tôi đặc biệt chú trọng một số yếu tố. Một là tính chuyên nghiệp và làm việc nhóm, đây là cái người Việt Nam mình còn chưa tốt. Thực ra năng lực người Việt Nam mình không thua gì người nước ngoài nhưng tác phong làm việc của người nước ngoài rất chuyên nghiệp, tinh thần làm việc đội nhóm cũng tốt hơn mình. Vì thế tôi rất chú trọng để cải thiện vấn đề này.

Thứ hai là tính sáng tạo, bất cứ việc gì cũng phải sáng tạo, đặc biệt sản xuất (sáng kiến cải tiến kỹ thuật), trong kinh doanh và truyền thông tiếp thị. Vì Đạm Phú Mỹ hiện nay đang là thương hiệu dẫn đầu nên mình phải tự tìm lối đi riêng của mình. Nếu sai thì sửa và quan trọng mình phải dũng cảm thừa nhận sai lầm để sửa đổi. Tôi không ngại khi phải xin lỗi cấp dưới nếu như tôi sai.

Phân bón, hóa chất là ngành rất đặc thù, ông có thể chia sẻ về chặng đường mình bước vào ngành này như thế nào để gắn bó đến tận bây giờ?

Tôi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, chuyên ngành Lọc hóa dầu, sau đó đi học Thạc sỹ ở Úc cũng về hóa công nghệ. Suốt từ năm 1993 đến 2010, tức 17 năm gắn bó với các dự án lọc hóa dầu Dung Quất, Nghi Sơn đều là các dự án về hoá dầu.

Thực sự đến với DPM là cơ duyên rất bất ngờ, vào một ngày lãnh đạo PVN gọi điện thông báo điều động tôi vào làm trong DPM, tôi tưởng lãnh đạo gọi điện nhầm (cười). Và rồi ngày 15/10/2010 nhận quyết định thì hai ngày sau tôi đã có mặt tại trụ sở PVFCCo và bắt tay vào công việc.

Thực ra, nếu nói về kỹ thuật công nghệ thì sản xuất phân bón cũng là một quá trình hóa học nên cũng không có gì quá bỡ ngỡ, mới mẻ đối với tôi. Tuy nhiên chuyển từ môi trường triển khai dự án sang sản xuất kinh doanh phân bón thì đương nhiên rất là khác biệt. Nhưng được mọi người giúp đỡ cộng với nỗ lực bản thân thì dần mình cũng làm quen. Về quản trị, trước khi về DPM tôi cũng trải qua các vị trí quản lý từ thấp đến cao như Trưởng phòng Kỹ thuật, Phó Trưởng Ban quản lý dự án, Trưởng Ban quản lý dự án rồi Phó Tổng giám đốc liên doanh.

Tôi luôn cho rằng, đến với DPM là cơ duyên, là nghề chọn người, mình may mắn được làm đúng chuyên môn đã học.

Với một doanh nhân, ông làm thế nào để tránh mang áp lực về nhà cũng như hoạt động giải trí nào để giải tỏa căng thẳng và cân bằng cả hai?

Tôi thường xuyên chơi 2 môn thể thao là bơi và tập gym. Đó cũng là những thời điểm thư giãn mình có thể tập trung để suy nghĩ một vấn đề gì đó. Bên cạnh đó tôi cũng giải trí bằng cách xem phim.

Ông có sự nghiệp vững vàng, một cuộc sống viên mãn. Ông thấy mình thiếu điều gì nữa không, thưa ông?

Tôi nghĩ mình khá may mắn, có một công việc yêu thích, những đồng nghiệp tâm đầu ý hợp và một gia đình để yêu thương!

Cảm ơn ông và chúc ông ngày càng thành công trong cuộc sống!

(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)

Trở về

Bài cùng chuyên mục