Hàng chục năm không hạ sơn, bám đỉnh Ngọc Linh (Quảng Nam) ăn ngủ với sâm, nhiều đại gia, tỷ phú biến thành “người rừng” để cứu cây sâm khỏi nạn tuyệt diệt. Giờ chỉ cần nhổ 20 kg sâm Ngọc Linh là họ sắm được một chiếc xế xịn.
CEO ngân hàng SCB: Mỗi ngày trôi qua, cơ hội mới lại tới
- Cập nhật : 06/11/2015
(Kinh doanh)
Sau mỗi ngày làm việc vất vả, ông Võ Tấn Hoàng Văn luôn tự động viên mình trong tình hình khó khăn chung của hệ thống ngân hàng, mỗi người lãnh đạo đều phải cống hiến và nỗ lực nhiều hơn.
Là một trong những lãnh đạo ngân hàng trẻ, ông Võ Tấn Hoàng Văn hiện đang là Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Theo số liệu thống kê và phân tích của Media Tenor, 4 tháng đầu năm 2015 trên ba kênh truyền hình Việt Nam, ông là một trong 10 CEO ngân hàng xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông với những hình ảnh và thông tin tích cực.
Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện để nghe ông trải lòng về công việc mà ông đang làm.
Thưa ông, con đường nào đã đưa ông đến với ngành ngân hàng?
Thế hệ những người sinh năm đầu những năm 1970 như chúng tôi có rất nhiều cơ hội.
Sau khi ra trường, tôi có gần 20 năm làm kiểm toán, tư vấn lĩnh vực tài chính ngân hàng và mới chỉ chuyển hẳn sang cống hiến cho ngân hàng SCB bắt đầu từ năm 2013 nhưng tôi nghĩ đây là một cái duyên.
Duyên là do chính bản thân mình tạo ra và cũng một phần do những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo, cổ đông của ngân hàng. Tôi cảm thấy đây là nơi phù hợp, nơi mình có thể gắn bó lâu dài, đóng góp, cống hiến, đồng cảm và chia sẻ với định hướng của những cộng sự khác.
Đến thời điểm này, tôi cho rằng đây là một quyết định chính xác. Khi quyết định từ bỏ cơ quan cũ để làm ngân hàng, công việc cũng không quá xa lạ với chuyên môn, môi trường làm việc khiến tôi vui vẻ.
Một ngày ông dành bao nhiêu thời gian cho công việc?
Tôi bắt đầu công việc từ 7h và kết thúc vào lúc 21h, có thể trong hoặc ngoài cơ quan. Thời gian dành cho công việc rất nhiều và công việc khá vất vả, tuy nhiên tôi luôn tự động viên mình trong tình hình khó khăn chung của cả hệ thống ngân hàng, mỗi lãnh đạo ngân hàng đều phải cống hiến và nỗ lực nhiều hơn.
Mỗi ngày trôi qua, cơ hội mới lại tới. Gặp nhiều khách hàng khác nhau, mỗi người tôi đều học hỏi những bài học tốt và chưa tốt để rút ra bài học hoàn thiện bản thân.
Những lúc mệt mỏi, căng thẳng, ông có biện pháp nào để giải tỏa?
Với tôi, thứ quan trọng nhất để vượt qua khó khăn trong công việc hằng ngày chính là niềm tin. Lòng tin về tương lai nền kinh tế đất nước, ngành ngân hàng sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại để đạt được từng dấu mốc phát triển.
Theo tôi, khó khăn chỉ là tạm thời, tiềm năng hay không là do niềm tin.
Ngoài thời gian làm việc, tôi giải trí bằng các hoạt động liên quan đến thể thao như chơi tennis, đá bóng hoặc xem tivi để giúp cân bằng với công việc hằng ngày.
Ông tự nhận thấy mình là người như thế nào?
Về bản thân, tôi thấy mình là người khá kiên trì. Trách nhiệm của một người lãnh đạo không phải chỉ riêng cá nhân mà còn gắn với tổ chức lớn. Tôi đề cao tính kiên định, đeo bám mục tiêu lâu dài đã đặt ra cho cá nhân và tổ chức bởi nếu thay đổi định hướng sẽ gây tác động cho rất nhiều người.
Ông quan niệm thế nào về thành công và hạnh phúc?
Với cá nhân tôi, thành công là cống hiến, đem được lợi ích đến xã hội và tổ chức mình đang công tác.
Hạnh phúc của một người lãnh đạo là thấy được nhân viên của mình tự hào về màu cờ sắc áo, vui vẻ, gắn bó với tổ chức mà mình đang lãnh đạo, tạo nên văn hóa doanh nghiệp riêng biệt. Đó chính là niềm vui lớn nhất của người lãnh đạo như tôi.
Ông có cho rằng CEO ngân hàng là một “nghề nguy hiểm” không?
Ngân hàng là một lĩnh vực nhạy cảm, đặc biệt trong môi trường quy định pháp lý rất cao, trách nhiệm cá nhân đối với tập thể có sự ràng buộc chặt chẽ. Với cơ quan quản lý trực tiếp là NHNN và nhiều cơ quan quản lý khác, yêu cầu người lãnh đạo phải rất sáng suốt và tuân thủ pháp luật mới có thể chèo lái được ngân hàng.
Vâng, xin cảm ơn ông! Nhân ngày doanh nhân Việt Nam xin gửi đến ông những lời chúc tốt đẹp nhất!