Đây là tuyên bố từ chính ông Amit Singhal, người từng giữ vị trí trưởng bộ phận Google Search trước đây.
Paul Graham: "Chấm dứt chênh lệch giàu nghèo cũng có nghĩa là "giết chết" các startup"
- Cập nhật : 05/01/2016
(Doanh nhan)
Thay vì tập trung vào chấm dứt tình trạng chênh lệch thu nhập, người ta nên tập trung vào xóa đói giảm nghèo. Sẽ là sai lầm khi quan niệm người giàu trở nên giàu hơn vì họ lấy được tiền từ túi người nghèo. Các công ty khởi nghiệp đã tạo ra một con đường mới để trở nên giàu có.
Trong khi “con lắc” của cải ngày càng lệch hơn về phía thung lũng Silicon, Paul Graham - người sáng lập Y Combinator – vẫn vui vẻ thúc đẩy điều này. Tuy nhiên, những câu chuyện bàn về việc chấm dứtchênh lệch giàu nghèo – hay khoảng cách ngày càng lớn giữa người giàu và người nghèo – lại khiến Graham sợ hãi. Anh lo cho cả xã hội và cho các công ty khởi nghiệp (startup).
Trong một bài luận vừa hoàn thành, Graham đã lên tiếng bảo vệ các startup bởi họ tạo ra của cải mới thay vì khai thác “những miếng bánh cũ kỹ”. Thay vì tập trung vào chấm dứt tình trạng chênh lệch thu nhập, người ta nên tập trung vào xóa đói giảm nghèo.
Ở đoạn mở đầu, Graham thừa nhận mình là “một kẻ tạo ra chênh lệch giàu nghèo”. Anh là người đồng sáng lập Y Combinator, một quỹ chuyên rót vốn cho các công ty khởi nghiệp. Quỹ này đã tạo ra một số công ty có giá trị lớn nhất trong làng công nghệ như Airbnb, Dropbox và Stripe. Mỗi công ty thành công lại tiếp tục rạo ra nhiều của cải hơn nữa. Những người sáng lập có thể thu được khoản tiền khổng lồ và trở thành tỷ phú, những nhân viên đầu tiên sẽ chăm chỉ làm việc để xây dựng công ty trị giá tỷ đô.
“Bởi vậy, khi nghe thấy mọi người nói rằng bất bình đẳng về kinh tế là điều tồi tệ và nên bị loại bỏ, tôi cảm thấy mình giống như một “con thú hoang” đang nghe thấy cuộc đối thoại giữa những người thợ săn. Tuy nhiên, điều đáng lo nhất trong cuộc trò chuyện này là sự bối rối của những người thợ săn. Dường như họ còn không biết chắc họ có muốn giết tôi hay không”.
Vậy thì mọi người đang sai lầm ở đâu khi nghĩ rằng phải “giết chết” các công ty khởi nghiệp để có thể giải quyết vấn đề chênh lệch giàu nghèo?
Đối với Graham, sẽ là sai lầm khi quan niệm người giàu trở nên giàu hơn vì họ lấy được tiền từ túi người nghèo. Gọi đây là sai lầm khờ khạo nhất, Graham nhấn mạnh người giàu giàu hơn theo nhiều cách và người nghèo cũng nghèo đi theo rất nhiều cách khác nhau.
Các công ty khởi nghiệp đã tạo ra một con đường mới để trở nên giàu có. Họ không làm ăn dối trá và cũng không hối lộ các quan chức. Bây giờ là thời điểm dễ dàng nhất để lập ra một công ty. Công ty đó sẽ thành công và trở nên giàu có.
“Tôi ủng hộ việc loại bỏ hoàn toàn những con đường gian dối để giàu có. Tuy nhiên, điều đó không thể loại bỏ chênh lệch giàu nghèo bởi nếu vẫn có lựa chọn giàu lên bằng cách tạo thêm của cải, người ta sẽ làm giàu theo cách đó”, Graham viết.
Nếu bạn đồng ý rằng các công ty khởi nghiệp giàu lên không phải bằng cách lấy tiền của người nghèo mà bằng cách làm miếng bánh của cải to lên, khó có thể chấm dứt chênh lệch giàu nghèo mà không loại bỏ những sáng tạo đang tạo ra nhiều của cải. “Loại bỏ chênh lệch giàu nghèo đồng nghĩa với việc ngăn cản người ta giàu lên, và cũng đồng nghĩa với “giết chết” những cải tiến sáng tạo đang tạo ra của cải”.
Do đó, nếu không muốn ngăn cản người khác giàu lên, Graham cho rằng chúng ta phải tập trung vào chấm dứt nghèo đói thay vì tập trung vào chấm dứt chênh lệch giàu nghèo, bất chấp điều này sẽ ảnh hưởng đến của cải. Vấn đề thực sự nằm ở chỗ người ta nhầm hai điều này thành một.
“Nghèo đói và chênh lệch giàu nghèo không giống nhau. Khi thành phố ngừng cung cấp nước cho bạn vì bạn không thể trả hóa đơn nước, điều này không ảnh hưởng đến phép so sánh tài sản ròng của Larry Page và của bạn. Ông ấy có thể giàu hơn bạn vài lần, nhưng đó cũng chỉ là một vấn đề giống như bạn bị cắt nước mà thôi”.