Một số mẹo và thủ thuật nhỏ có thể giúp bạn tạo ra trải nghiệm mua sắm trực tuyến tốt hơn cho khánh hàng.
Chờ đợi “làn sóng start-up thứ 3” ở Việt Nam
- Cập nhật : 21/08/2017
Sau 9 năm sống và tham gia thị trường start-up ở Việt Nam, Bobby Liu, một chuyên gia từ Singapore đang chờ đợi điều ông gọi là “làn sóng thứ 3” của start-up Việt.
Vũ Thanh Long (thứ 2 từ phải) cùng nhóm eDoctor, một start-up Việt Nam được lựa chọn tới Google Launchpad lần này. Ảnh: Thanh Tuấn.
“Ở làn sóng thứ 1, trước 2012 chúng ta chứng kiến câu chuyện thành công của những Vật giá, VNG, Peacecorp hay Topica”, ông Liu nói khi có mặt ở Google Launchpad Accelerator, chương trình đào tạo và hỗ trợ các công ty khởi nghiệp do Google tổ chức cho các start-up trên toàn cầu ở San Francisco (Mỹ) mới đây.
Làn sóng thứ 2, theo ông Liu, bắt đầu từ những năm 2012-17 với những Appota, Ticketbox, Beeketing,... Với làn sóng thứ ba đang diễn ra, ông thấy nhiều hơn những người trẻ hơn và đang tham gia trực tiếp vào thị trường quốc tế.
Bobby Liu (phải) trao đổi với một nhóm start-up từ khu vực châu Á tại Google Launchpad Accelerator ở San Francisco. Ảnh: Thanh Tuấn.
Những khác biệt thế hệ
Lợi thế của làn sóng start-up mới này, theo ông Liu, là được tiếp cận, va chạm nhiều hơn với thị trường quốc tế so với các thế hệ đi trước. Làn sóng này được cho là sẽ sôi động và hấp dẫn hơn với những người sáng lập trẻ tuổi như Thức Vũ (Ohmnilabs), Hùng Trần (Got It) hay Vũ Văn (Elsa).
“Họ có những lợi thế mà thế hệ trước không có: Được đào tạo ở nước ngoài, có những mạng lưới quan hệ quốc tế rộng. Điều này khác hẳn so với thế hệ trước”, Liu - người được Google mời tới để huấn luyện các start-up - nói. “Đó là bức tranh với những thành tố rất khác”.
Trước đó, thị trường công nghệ Việt Nam chỉ loay hoay quanh làm outsource coding cho các tập đoàn lớn trên thế giới mà công việc chủ yếu là gia công chắp vá các phần code nhỏ, đến làn sóng thứ 2, các công ty Việt đã có những sản phẩm cụ thể cho thị trường.
“Coding là công việc của các kỹ sư. Khi doanh nghiệp làm outsource coding cho các đối tác nước ngoài, họ chỉ làm một phần và không hiểu gì về bức tranh tổng thể”, ông Liu nói. Phần giá trị tăng thêm vì vậy không nhiều. “Thị trường Việt Nam sẽ cần nhiều hơn các kiến trúc sư của ngành, những người nhìn được bức tranh tổng thể”.
Tâm điểm phát triển
Thị trường Việt Nam đang ở tâm điểm của khu vực phát triển mạnh về công nghệ Internet và thị trường start-up. Vai trò của nền kinh tế công nghệ đang đóng góp ngày càng lớn trong cơ cấu kinh tế khu vực. Báo cáo GSMA 2017 cho biết công nghệ và dịch vụ mobile đóng góp 1.300 tỷ USD trong năm 2016 ở châu Á - Thái Bình Dương (tương đương 5,2% GDP) và con số này đang tiếp tục tăng mạnh, đặc biệt sôi động ở Đông Nam Á.
Theo TechinAsia, start-up ở Đông Nam Á thu hút hơn 2,6 tỷ USD đầu tư 2016, tăng hơn 60% so với một năm trước. Riêng 6 tháng đầu 2017, chỉ riêng 6 start-up hàng đầu ở khu vực cũng đã gọi vốn được xấp xỉ 5 tỷ USD, trong đó đáng kể nhất là Grab với 2,5 tỷ USD.
Tuy vậy, tỷ phần vốn hiện vẫn chủ yếu đổ vào các thị trường lớn như Indonesia (1,4 tỷ USD trong 2016) hay Malaysia (84,8 triệu USD). Việt Nam trong năm ngoái khiêm tốn đứng ở vị trí thứ 4 khu vực với 60,9 triệu USD thu hút được (tương đương 1/23 so với Indonesia ở vị trí dẫn đầu).
Dù được coi là tiềm năng, start-up Việt vẫn thu hút số vốn tương đối khiêm tốn so với khu vực. Data: TechinAsia.
Các start-up của khu vực châu Á cũng như ở Việt Nam nói chung phần lớn đi theo con đường “nội địa hoá” một số sản phẩm hay ý tưởng lớn có sẵn. Theo Thye Yeow Bok, người phụ trách phát triển quan hệ với các developers của Google, thì đến 95% ý tưởng của các start-up khu vực là theo hướng này.
5 thách thức của các start-up
Ran Nachmany, một giảng viên của Google Launchpad, nói 5 thách thức lớn nhất của các start-up khu vực nói chung: Công nghệ (liệu có làm được sản phẩm); Sản phẩm (mọi người có cần nó, mọi người liệu có dùng); Thị trường (có tiếp cận được thị trường); Quản lý quy mô (nguồn doanh thu, khả năng quản lý khi start-up mở rộng nhân sự); Tài chính (làm thế nào để có lãi).
“90% các start-up chết ở thách thức sản phẩm”, ông Ran nói tại Google Launchpad. Việc kiếm được sản phẩm mà mọi người thật sự cần và sẽ dùng luôn là thách thức lớn.
Với dân số 90 triệu dân, Việt Nam là thị trường lớn thứ 3 ở Đông Nam Á sau Indonesia và Philippines. Giống như hai nước còn lại, Việt Nam có tỷ lệ dân số trẻ lớn với khoảng 40% dân số dưới 25 tuổi. Nhưng dù là thị trường lớn, thách thức đối với Việt Nam vẫn là thu hút nguồn vốn đầu tư tương xứng với tiềm năng.
Tại Google Launchpad hồi đầu năm, 2 start-up của Việt Nam là Elsa và Haravan đã được lựa chọn để hướng dẫn và hỗ trợ. Tại lần đào tạo này, eDoctor của Vũ Thành Long được lựa chọn. Ở thị trường Việt Nam, Google cũng đã hỗ trợ đào tạo khoảng 500 kỹ sư về các sản phẩm trên hệ điều hành Android - con số này dù vậy vẫn rất khiêm tốn so với 13.000 kỹ sư được đào tạo ở Indonesia.
Có 33 start-up ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (một của Việt Nam) được lựa chọn để tham gia đợt đào tạo, hướng dẫn này tại San Francisco. Các start-up được lựa chọn từ 3.000 hồ sơ. Ảnh: Thanh Tuấn.
Dù các start-up ở Việt Nam còn rất tí hon về giá trị so với các start-up ở Singapore hay thung lũng Sillicon, ông Liu nhìn giá trị Việt Nam ở lợi thế nguồn nhân lực.
“Mỗi năm Việt Nam có thêm 100.000 kỹ sư công nghệ. Thị trường Mỹ rất lớn mỗi năm cũng chỉ có thêm 250.000 kỹ sư. Việt Nam có lợi thế về con số”, ông Liu nói. Dù vậy ông thừa nhận khoảng cách về chất lượng vẫn là một thách thức. “Ông Minh, ông Khải (của VNG) có khoảng 20 kỹ sư hàng đầu có thể làm cho bất cứ tập đoàn nào trên thế giới, nhưng chỉ số ít kỹ sư của Việt Nam đạt được trình độ này”, ông Liu nói.
Theo các chuyên gia, lợi thế của kinh doanh công nghệ ở Việt Nam vẫn là nguồn nhân lực IT khá ở chi phí thấp so với khu vực. “Kỹ sư IT mới ra trường có thể có mức lương 500 USD/tháng và với 3 năm kinh nghiệm thì kỹ sư IT có thể có mức lương 1.000 USD/tháng”, TechinAsia viết.
Thách thức với thị trường start-up Việt Nam hiện chính là thị trường tài chính: sự tham gia của các quỹ đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam còn rất ít. Theo ông Liu, có nhiều người giàu ở Việt Nam nhưng đầu tư ở mảng Internet vẫn không nhiều. Ngoài ra, sự tăng trưởng của hệ sinh thái start-up ở Việt Nam dù nhanh nhưng thực tế vẫn chưa hiệu quả.
Sự khác biệt của môi trường start-up Việt Nam so với khu vực là lúc này Việt Nam đang có ít nhất 3 trung tâm start-up phát triển mạnh.
Các chuyên gia từ Google nói có 5 thách thức lớn đối với start-up và đến 90% "chết" ở vấn đề sản phẩm: Tạo được sản phẩm được mọi người thật sự cần và sẽ dùng nó. Ảnh: Thanh Tuấn.
3 trung tâm start-up lớn
“Hà Nội, Sài Gòn và Đà Nẵng. Nếu nói Indonesia, bạn sẽ biết trung tâm ở Jakarta, Thái Lan thì bạn biết có Bangkok, về sự đa dạng thì không bằng được Việt Nam”, ông Liu phân tích.
“Hà Nội có thế mạnh về doanh nghiệp, về sản phẩm. Nhưng nếu muốn bán hàng thì bạn tới TP.HCM, nếu muốn về du lịch, thành phố thông minh, nhiều cơ sở phát triển thì bạn tới Đà Nẵng. Không khí rất sôi động”.
Những thay đổi lớn ở thị trường, ông Liu nói, có thể thấy như việc VNG đang chuẩn bị tham gia niêm yết ở sàn chứng khoán NASDAQ (Mỹ).
“Với VNG, giờ họ sẵn sàng lao ra đại dương khi có cơ hội”, ông nói về start-up thế hệ trước. “Đó là niềm cảm hứng lớn cho giới start-up Việt Nam. Đã có nhiều quan tâm hơn đến thị trường Việt Nam và ít nhất thị trường này chưa đắt tới mức các nhà đầu tư không thể đầu tư vào”.
Một lợi thế nữa ở thị trường Việt Nam mà ông thấy là khả năng thích nghi nhanh trước những thay đổi của công nghệ, ví dụ như một số start-up đã thử nghiệm công nghệ AR, VR cho các sản phẩm của mình.
Làn sóng thứ 3 sẽ là cơn sóng lớn xô đổ mọi thứ hay chỉ là bước nối cho một đợt sóng tiếp? Chưa ai có câu trả lời cuối cùng nhưng rõ ràng bức tranh start-up Việt đang thay đổi rất nhiều so với quá khứ.
Theo Zing news