Một trong những khẩu hiệu thường thấy của kinh doanh online là “Cứ thử nghiệm, đừng giả định”. Nghĩa là bạn sẽ không biết điều gì mang lại hiệu quả cao nhất với mình cho đến khi đưa nó vào thực tế.
8 thành phố châu Á có thể khởi nghiệp với 3.000 USD
- Cập nhật : 25/05/2018
Thung lũng Silicon từ lâu là thiên đường cho các startup với câu chuyện thành công của nhiều hãng từ Apple cho đến Facebook. Song hiện cảnh quan khởi nghiệp đang chuyển dần về phía đông.
Seoul (Hàn Quốc) - ẢNH: SHUTTERSTOCK
Môi trường khởi nghiệp đang phát triển trên toàn cầu trong bối cảnh nhiều thành phố cố gắng thu hút thêm doanh nhân, doanh nghiệp mới. Một trong các khu vực dẫn đầu thu hút startup là Đông Á.
Với khả năng tiếp cận các thị trường đang tăng trưởng, nguồn nhân sự tài năng, lành nghề và chi phí sinh hoạt thấp hơn so với các đô thị phương Tây, nhiều thành phố Đông Á đang được lòng giới doanh nhân. CNBC mới đây xem xét các thành phố startup hàng đầu trong khu vực, đánh giá chi phí và mức độ dễ dàng cho hoạt động kinh doanh.
Ngoài chi phí, tất nhiên các yếu tố khác cần xem xét khi khởi động doanh nghiệp là cộng đồng, nguồn đầu tư sẵn có và mức tiếp cận với chuyên môn của địa phương. Dưới đây là 8 thành phố được đánh giá là nơi tuyệt vời để khởi nghiệp ở Đông Á, với chi phí startup dưới 3.000 USD.
Bắc Kinh (Trung Quốc)
Bắc Kinh - ẢNH: AFP
Thủ đô Trung Quốc đi trước các đô thị khác ở châu Á khi xét đến quy mô và định giá của hoạt động khởi nghiệp nói chung. Bắc Kinh có đến 7.000 startup, hơn 40 doanh nghiệp thuộc hàng kỳ lân - tức startup có giá hơn 1 tỉ USD. Cơ hội và tài năng thì dồi dào giữa nhiều sắc màu rực rỡ của thành phố.
Các trung tâm công nghệ như Zhongguancun, câu trả lời của Trung Quốc dành cho Thung lũng Silicon, là nhà của khoảng 300 không gian làm việc chung. Quận Haidan rộng lớn hơn thì là trụ sở cho một số doanh nghiệp thành công nhất của thành phố, chẳng hạn như Xiaomi và Baidu.
Thượng Hải (Trung Quốc)
Thượng Hải - ẢNH: AFP
Đây là một trong các đô thị đông dân nhất thế giới. Thượng Hải có chi phí sinh hoạt hợp lý, có nhiều bước tiến để nuôi dưỡng môi trường startup. Một số quận cung cấp trợ cấp nhà ở hoặc cho thuê miễn phí nếu doanh nghiệp chọn đăng ký tại đó.
Hiện có 2.000 đến 3.000 startup ở Thượng Hải. Thành phố này đứng sau Bắc Kinh khi xét về quy mô của hệ sinh thái, song tỷ lệ thành công của các doanh nghiệp muốn mở rộng quy mô ra quốc tế cao hơn, được hỗ trợ bởi 500 vườn ươm và các hãng gia tốc startup khác, theo South China Morning Post.
Thâm Quyến (Trung Quốc)
Thâm Quyến - ẢNH: AFP
Đô thị này biến đổi mạnh mẽ trong ba thập niên qua, phát triển từ làng chài nhỏ với dân số 175.000 người đến một đô thị 12,5 triệu dân. Sự tăng trưởng đột ngột này cũng tạo ra cộng đồng startup lớn mạnh, tự hào với nhiều cái tên toàn cầu như Tencent, OnePlus. Ngoài ra, Thâm Quyến còn là thiên đường cho các nhà phát triển phần cứng. Thành phố thu hút cơ số khoản đầu tư nghiên cứu và phát triển.
Hồng Kông (Trung Quốc)
Hồng Kông - ẢNH: BLOOMBERG
Với vị trí chiến lược và các kết nối với Đại lục, đặc khu Hồng Kông từ lâu là một trong các trung tâm tài chính hàng đầu thế giới. Gần đây, Hồng Kông chật vật viết lại thành công đó trong lĩnh vực startup. Vài năm qua, hoạt động kinh doanh ở đô thị này tăng mạnh, và hiện có hơn 2.000 startup và 50 không gian làm việc chung ở đây. Năm ngoái, Hồng Kông ăn mừng startup trên 1 tỉ USD đầu tiên của thành phố là ứng dụng gọi xe tải GoGoVan.
Fukuoka (Nhật Bản)
Fukuoka - ẢNH: BLOOMBERG
Thành phố cảng Fukuoka của Nhật Bản nổi danh là trung tâm khởi nghiệp dưới sự dẫn dắt của thị trưởng Soichiro Takashima. Hiện Fukuoka là nơi được chỉ định nuôi dưỡng startup hàng đầu đất Nhật. Đây cũng là nơi đầu tiên áp dụng chính sách visa sáu tháng cho người nước ngoài, có thể cung cấp cho doanh nhân địa phương khoản vay đến 232.000 USD.
Dù có dân số khá khiêm tốn 1,5 triệu người, Fukuoka là thành phố tăng trưởng nhanh nhất Nhật Bản, ngoài Tokyo. Đây cũng là nơi có tỷ lệ dân từ 15 đến 29 tuổi lớn nhất và cộng đồng người nước ngoài tăng trưởng.
Tokyo (Nhật Bản)
Tokyo - ẢNH: GETTY IMAGES
Đô thị này là tâm điểm của các startup internet, được gọi là “Bit Valley” dưới thời bùng nổ dotcom. Tokyo sau đó chật vật duy trì sức thống trị trong làng startup thế giới những năm gần đây. Đầu tư vào các hãng khởi nghiệp nghèo nàn hơn dù thành phố này là nhà của một trong các hãng đầu tư lớn nhất thế giới Softbank. Tuy nhiên đây vẫn là thủ đô của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, có nhiều cơ hội cho các startup có thể cung cấp giải pháp cho các vấn đề lớn nhất nước, chẳng hạn như dân số già nhanh chóng.
Seoul (Hàn Quốc)
Seoul - ẢNH: SHUTTERSTOCK
Seoul là nhà của 50 triệu người Hàn Quốc, 3.500 startup và khoảng 100 hãng thúc đẩy khởi nghiệp, đáng chú ý nhất là ở quận Gangnam nổi tiếng. Trong nỗ lực xây dựng nền kinh tế sáng tạo, chính phủ Hàn Quốc đầu tư mạnh vào hệ sinh thái startup, năm ngoái bổ nhiệm các bộ trưởng startup và bộ trưởng doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tiên. Hàn Quốc cũng tự hào là nơi có sự ủng hộ cao nhất của chính phủ trên bình quân đầu người cho các startup, dù lợi ích này có khuynh hướng chỉ gói gọn cho dân Hàn.
Đài Bắc (Đài Loan)
Đài Bắc - ẢNH: SHUTTERSTOCK
Với dân số chưa đến 3 triệu người, thủ đô Đài Loan có kích thước tương đối khiêm tốn hơn so với các đô thị khởi nghiệp khác trong khu vực. Dù vậy, Đài Bắc từ lâu là điểm nóng toàn cầu cho phát triển và sản xuất phần cứng, là nhà của mạng lưới kỹ thuật và chuyên môn thiết kế đáng chú ý.
Thị thực dành cho doanh nhân và trợ cấp được cung cấp cho những người không phải là công dân Đài Loan trong bối cảnh chính quyền tích cực thúc đẩy môi trường startup của Đài Bắc. Hiện Đài Bắc có hơn 50 văn phòng làm việc chung, khoảng 20 vườn ươm và thúc đẩy startup.
THu Thảo
Theo Thanhnien.vn