tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Vì sao đủ sức khỏe mới được bán tạp hóa?

  • Cập nhật : 09/09/2015

(Tin kinh te)

Quanh dự thảo thông tư của Bộ Công thương quy định cá nhân, hộ gia đình buôn bán tạp hóa phải làm nhiều loại giấy tờ, trong đó có giấy khám sức khỏe, nhiều ý kiến lên tiếng.

theo quy dinh cua thong tu, nhung ho buon ban tra sua, ca phe sua cung phai lam 4 loai van ban - anh: manh khang

Theo quy định của thông tư, những hộ buôn bán trà sữa, cà phê sữa cũng phải làm 4 loại văn bản - Ảnh: Mạnh Khang

Đối tượng áp dụng của dự thảo thông tư này là: Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ. 

Giấy tờ gồm: xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm còn hiệu lực do Bộ Công Thương/Sở Công Thương/các cơ quan được Bộ Công Thương chỉ định thực hiện; hồ sơ theo dõi sức khoẻ của chủ cơ sở và người sản xuất/kinh doanh trực tiếp.

Họ sẽ phải ký cam kết, nộp đầy đủ các loại giấy tờ và mỗi năm làm lại một lần. 

Không ủng hộ

Theo ghi nhận tại nhiều cửa hàng tạp hóa, phân phối sữa, bánh kẹo ở TP.HCM, các chủ kinh doanh nói với TTO họ không ủng hộ quy định này.

Bà Tuyết - bán tạp hóa trên đường Nguyễn Duy Cung, Q.Gò Vấp, TP.HCM - cho rằng quy định này áp dụng cho các siêu thị thì hợp lý nhưng áp dụng chung cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ thì chắc chắn không đạt hiệu quả. Lý do bà Tuyết đưa ra một là để có giấy khám sức khỏe bây giờ quá dễ, hai là buôn bán ở "hang cùng ngõ hẻm", có quán chỉ nhỏ xíu mà cần tới bốn loại giấy thì phức tạp quá.

Chị Kim Ngọc, một người kinh doanh sữa bột, đặt vấn đề: "Tôi bán hàng đóng gói, đóng hộp sẵn, sức khỏe của tôi có ảnh hưởng gì đến các sản phẩm này?". Theo chị Ngọc, các loại giấy tờ như thông tư là không cần thiết và rất khó để các hộ kinh doanh nhỏ thực hiện.

Anh Phi Hoàng - bán tạp hóa (đường Lê Trọng Tấn, Q.Tân Phú, TP.HCM) bức xúc: “Quy định này không hợp lý vì các sản phẩm bán đều đã được cơ sở đóng gói sẵn, nhiệm vụ của người bán chúng tôi là đưa nó đến người tiêu dùng, tụi tôi không đụng chạm trực tiếp gì vào sản phẩm bên trong. Trách nhiệm về chất lượng sản phẩm là của người sản xuất"

Anh Hoàng cũng nói thêm anh bán nhiều năm nay chưa gặp trường hợp nào bị ngộ độc hay có sự cố gì cả.

"Tôi thấy các vụ ngộ độc đều do ăn uống lề đường chứ có bao giờ do các loại hàng hóa bao bọc sẵn đâu? Quy định này quá dư thừa", anh Hoàng bày tỏ,

Bà Quỳnh Hoa (Q.11, TP.HCM) cho rằng: “Tôi bán hàng nhỏ trong một dãy nhà trọ, ngày bán ngày không, chủ yếu để cho người trong khu xóm mua thôi thì chẳng lẽ cũng phải đăng ký giấy tờ. Mấy chục năm nay người dân cũng sống nhờ mua những món hàng ở các tiệm gần nhà sao bây giờ lại phải đăng ký thủ tục rườm rà như vậy”.

Ông Sáu (đường Tân Kỳ Tân Quý, Q.Tân Phú, TP.HCM) phản bác: “Luật kiểu này là hành dân chứ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm kiểu gì. Các hãng đóng gói sẵn hết rồi thì mình làm cách nào để nhúng tay vào, sao mà ảnh hưởng được". 

Đừng ra quy định cho có

Bác sĩ B.T, chuyên khoa về các bệnh lây nhiễm từng công tác nhiều năm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm nhận định dự thảo thông tư đã xác định được thực trạng nhức nhối của an toàn thực phẩm tại VN. Nhiều sản phẩm dù đã đóng gói vẫn có thể gây bệnh nếu bảo quản không đúng điều kiện hoặc có ký sinh trùng bám vào.

“Tuy nhiên, thông tư quy định thủ tục khá rườm rà khi đòi hỏi bản cam kết. Ai kinh doanh không mong muốn việc buôn bán của mình được suôn sẻ? Bản tự đánh giá điều kiện bảo quản thực phẩm dựa trên cơ sở nào? Rồi giấy xác nhận kiến thức, đơn vị nào sẽ đứng ra tập huấn; thang đo thế nào?”, bác sĩ này phân tích.

Theo ông Phạm Ngọc Hưng - phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, những cơ sở nhỏ lẻ với số lượng rất lớn thì ai sẽ là người tổ chức các lớp vận động, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm, cấp giấy chứng nhận rồi kiểm tra, xử lý.

“Chắc chắn không một cơ quan nào làm xuể. Mục đích là hợp lý nhưng nhìn vào thực tế, các bên cần ngồi lại vì chẳng lẽ sẽ xử phạt và khi nào thì xử phạt hết các trường hợp như ông cụ bán kẹo ven đường vì không có giấy khám sức khỏe?”, ông Hưng nhận định.

Luật sư Bùi Quang Nghiêm - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM - cho biết với điều kiện thực tế và thói quen về thương mại, quản lý ở VN vốn không có những quy chuẩn rạch ròi thì quy định này rất khó khả thi. Ngược lại còn gây khó dễ cho hộ kinh doanh nhiều hơn là để đảm bảo chất lượng dịch vụ tiêu dùng.

Ông Nghiêm nói: “Mỗi lần siết lại điều kiện kinh doanh là một lần khó khăn cho những người kinh doanh. Quy định này cần xem xét lại xem có quá hình thức hay không. Theo tôi nó chắc chắn gây phiền hà cho người kinh doanh”.

“Có khả thi thì hãy ra quy định. Còn không thì đừng nên quy định quá sớm mà hãy đi từng bước một để tránh trường hợp làm cho có, thêm thủ tục để chạy giấy tờ, cuối cùng mục tiêu không đạt được lại làm phiền người dân”, bác sĩ B.T nhấn mạnh.

Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương (chuyên khoa nội tiêu hóa - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM) cho rằng thay vì kiểm soát việc buôn bán, chúng ta nên siết chặt khâu sản xuất các mặt hàng. Quy định này chỉ nên áp dụng cho các trường hợp trực tiếp sản xuất ra sản phẩm.

“Thực tế các trường hợp bị ngộ độc thực phẩm… đều có nguyên nhân xuất phát từ việc sử dụng những sản phẩm trôi nổi mà một khi đã là trôi nổi thì không thể nào kiểm soát xuể và việc sử dụng hay không phụ thuộc nhiều vào ý thức người tiêu dùng”, ông Phương đánh giá.

Mục tiêu khó đạt

Một chuyên gia nguyên lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội cho rằng nhiều yêu cầu của dự thảo thông tư là khó khả thi, các biện pháp quản lý cũng khó hiệu quả, nhân lực đi kiểm tra, đặc biệt là các cán bộ địa phương trình độ đánh giá an toàn thực phẩm chưa có hoặc không đồng đều... nên chưa thể đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, mục tiêu của thông tư khó đạt được.

CẦM VĂN KÌNH

(Theo Báo Tuổi Trẻ)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục