tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 30-06-2016

  • Cập nhật : 30/06/2016

DN thành lập mới tăng mạnh cả về số lượng và vốn

Tính chung 6 tháng đầu năm nay, cả nước có 54.501 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 427,8 nghìn tỷ đồng, tăng 20% về số DN và tăng 51,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 6, cả nước có 9.761 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 78,3 nghìn tỷ đồng, giảm 2,6% về số DN và giảm 22,6% về số vốn đăng ký so với tháng trước; vốn đăng ký bình quân một DN đạt 8 tỷ đồng, giảm 20,6%. Tổng số lao động đăng ký của các DN thành lập mới là 113,2 nghìn người, tăng 8,1%.

So với cùng kỳ năm trước, số DN thành lập mới trong tháng 6 tăng 4,4%; số vốn đăng ký tăng 22,2%.

Tính chung 6 tháng đầu năm nay, cả nước có 54.501 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 427,8 nghìn tỷ đồng, tăng 20% về số DN và tăng 51,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015; số vốn đăng ký bình quân một DN đạt 7,8 tỷ đồng, tăng 26,2%.

Bên cạnh đó còn có 16.125 lượt DN thay đổi tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 774,7 nghìn tỷ đồng, nâng tổng số vốn đăng ký và bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt 1.202,5 nghìn tỷ đồng.

“Số lượng DN và số vốn đăng ký 6 tháng đầu năm tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước cho thấy tác động tích cực của Luật DN, Luật Đầu tư và hiệu quả các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đã thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp và tạo niềm tin cho cộng đồng DN và các nhà đầu tư”, Tổng cục Thống kê cho biết.

Không những vậy, trong tháng 6, cả nước còn có 1.903 DN quay trở lại hoạt động, tăng 13,9% so với tháng trước; nâng con số DN ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm nay lên 14.902 DN, tăng 75,2% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua (6 tháng đầu năm 2015 tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2014). 

Tuy nhiên trong tháng cũng có 5365 DN gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động (bao gồm: 1621 DN tạm ngừng hoạt động có đăng ký và 3744 DN tạm ngừng hoạt động chờ đóng mã số DN hoặc không đăng ký), tăng 27,6%; có 864 DN hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động, giảm 2,3%.

Tính chung số DN hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 6 tháng là 5.507 DN, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2015 giảm 0,9% so với năm 2014). Thế nhưng trong số này có tới 5.129 DN có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng, chiếm 93,1% và tăng 16,9%.

Tính chung 6 tháng đầu năm, số DN gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động là 31.119 DN, tăng 15,0% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 12.203 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, tăng 37,1% và 18.916 DN ngừng hoạt động chờ đóng mã số DN hoặc không đăng ký, tăng 4,2%.(TBNH)


DN ngán nhất điều kiện kinh doanh không minh bạch

Nhìn lại có thể thấy, lâu nay quan hệ chính quyền với cộng đồng DN có khoảng cách, thậm chí nhũng nhiễu... chính là rào cản lớn nhất để thay đổi tư duy từ quản lý sang kiến tạo và phục vụ DN. 

Quản lý sang phục vụ, hình nón sang hình phễu

Tại hội thảo “Đối thoại chính sách đầu tư 2016” do Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE) phối hợp với Công ty kiểm toán quốc tế KPMG tại Việt Nam tổ chức sáng 28/6, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhận định rằng, việc triển khai thực hiện thành công Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ không chỉ giúp cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mà còn là đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tư duy điều hành cũng như là động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế phát triển trong thời gian tới.

chinh phu dang rat quyet liet trong cai thien moi truong kinh doanh

Chính phủ đang rất quyết liệt trong cải thiện môi trường kinh doanh

Ấy là bởi xuyên suốt hai văn bản này toát lên thông điệp lớn: Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ giữ vai trò kiến tạo cho nền kinh tế và các DN phát triển. Vai trò kiến tạo này được hiểu là sẽ có sự đổi mới tư duy từ quản lý, can thiệp sang phục vụ và từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Thông điệp này mang hàm ý rất quan trọng. Đó là thay vì quản lý DN theo hình nón như trước đây (các điều kiện đầu vào quy định rất chặt chẽ nhưng lại quản lý lỏng lẻo sau đó) sang quản lý theo hình phễu, tức tạo mọi điều kiện để DN tham gia thị trường, Nhà nước chỉ xây dựng những quy định, hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật để giám sát, chứ không tạo ra vô số rào cản, điều kiện chặn ngay ở khâu đầu vào như trước đây. 

Nhìn lại có thể thấy, lâu nay quan hệ chính quyền với cộng đồng DN có khoảng cách, thậm chí nhũng nhiễu... chính là rào cản lớn nhất để thay đổi tư duy từ quản lý sang kiến tạo và phục vụ DN. Theo Bộ trưởng Dũng, thời gian tới đây, việc xây dựng hệ thống pháp luật, mối quan hệ Nhà nước – DN phải làm sao theo hướng tạo sự thân thiện.

“Khi DN thấy được sự thân thiện của Nhà nước, cùng với đó là một hệ thống pháp luật chặt chẽ thì DN mới yên tâm bỏ tiền ra làm ăn, kinh doanh” – Bộ trưởng Dũng nói. Ông khẳng định: Chính phủ vẫn mong muốn lắng nghe "cần làm gì thêm nữa" để DN phát triển.

Mấu chốt thành công là thực thi

Một hệ thống pháp luật chặt chẽ cần đảm bảo tạo điều kiện, môi trường kinh doanh tốt nhất cho DN. Theo đó, cần làm rõ được cái gì cần quản lý và cơ chế quản lý thế nào; Các điều kiện để được kinh doanh ấy có thực sự cần thiết không và các điều kiện đó phải được công bố một cách minh bạch. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Trung chỉ ra, ở nhiều nền kinh tế phát triển vẫn tồn tại hàng chục nghìn giấy phép kinh doanh.

“Tôi vào một quán cafe ở nước ngoài được biết, để hoạt động kinh doanh được phải có 6 giấy phép. Hỏi họ tại sao giấy phép nhiều thế mà không kêu ca gì thì họ bảo không kêu vì tất cả mọi thứ ở đó đều minh bạch. Nên tôi cho rằng cái đáng quan tâm nhất là những điều kiện kinh doanh đặt ra có công khai, minh bạch và thực sự cần thiết không, chứ không phải là số lượng” – Thứ trưởng Trung nêu vấn đề.

Quan điểm của Thứ trưởng Trung cũng chạm tới một vấn đề đang rất gấp rút và cũng là bức xúc của nhiều DN hiện nay. Đó là thời điểm 1/7/2016 – khi các điều kiện kinh doanh chỉ được quy định trong các nghị định của Chính phủ thay vì được phép nằm rải rác cả trong các thông tư của các bộ, ngành như hiện nay.

Trong khi các bộ, ngành đang “vắt chân lên cổ” để hoàn thành các nghị định này thì dư luận lại lo ngại vấn đề nâng một cách cơ học và khó đảm bảo chất lượng. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng thông tin, Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT làm đầu mối xây dựng một dự thảo luật để điều chỉnh các điều luật trong các luật chuyên ngành không còn phù hợp với Luật DN và Luật Đầu tư để trình Chính phủ trong tháng 8 và trình Quốc hội vào tháng 10 năm nay.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tin rằng, về tinh thần chung thì việc rà soát các thông tư để ban hành các nghị định thay thế sẽ tốt hơn cho môi trường kinh doanh trong thời gian tới.

“Nhưng tốt hơn như thế nào và tốt hơn bao nhiêu thì chưa thể có một câu trả lời chính xác. Tôi hy vọng sau ngày 1/7/2016, khi các nghị định được ban hành, chúng tôi có cơ sở so sánh giữa các quy định mới và quy định cũ thì sẽ có câu trả lời cho vấn đề này” – ông Hiếu nói.

GS.TS Nguyễn Mại – Chủ tịch VAFIE đánh giá đây thực sự là một cuộc đấu tranh giữa đổi mới và bảo thủ trong việc xây dựng một Nhà nước kiến tạo, nhằm tạo hành lang thông thoáng để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển mà theo ông, phải quyết liệt và loại bỏ được lợi ích nhóm thì mới thực hiện được.

Như vậy cũng có thể xem việc các bộ, ngành ban hành các nghị định về điều kiện kinh doanh tới đây có chất lượng, độ minh bạch và phù hợp ra sao chính là một bước tiến (hay bước lùi) trong vai trò kiến tạo và quản lý nền kinh tế theo hình phễu của Nhà nước.(TBNH)


Tiêu dùng tăng chậm hơn cùng kỳ 2015

Theo Tổng cục Thống kê, nếu loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm nay chỉ tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 8,8% của 6 tháng năm 2015.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Cụ thể, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 ước đạt 295,8 nghìn tỷ đồng, tăng 3% so với tháng trước và tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 222,6 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% và tăng 11,2%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 35,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% và tăng 9,8%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 3,3 nghìn tỷ đồng, tăng 24,8% và tăng 18,5%; doanh thu dịch vụ khác đạt 34 nghìn tỷ đồng, tăng 1,4% và tăng 10,8%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm nay ước đạt 1724 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ tăng 7,5%, thấp hơn mức tăng 8,8% của cùng kỳ năm 2015.

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm ước tính đạt 1314,3  nghìn tỷ đồng, chiếm 76,2% tổng mức và tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 6 tháng ước tính đạt 195,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,3% tổng mức và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu du lịch lữ hành 6 tháng năm nay ước tính đạt 15 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu dịch vụ khác 6 tháng ước tính đạt 199,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,6% tổng mức và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2015.(TBNH)


Chính thức lùi hạn thi hành Bộ luật Hình sự mới

Như VnEconomy đã đưa tin, 15h chiều nay (29/6) là thời hạn cuối để các đại biểu Quốc hội khoá 13 biểu quyết (qua phiếu được gửi đến tận tay từng người) về nghị quyết lùi thời hạn thi hành của Bộ luật Hình sự mới.

Cuối giờ chiều cùng ngày, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, kết quả kiểm phiếu cho thấy, tuyệt đại đa số đại biểu ủng hộ lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật hình sự 2015 cho đến khi sửa xong các sai sót tại Bộ luật này.

Dự kiến ban đầu là đề xuất lùi thời hạn thi hành lại 6 tháng, đến 1/1/2017 nhưng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng lo đến khi đó vẫn chưa sửa xong được Bộ luật nên Nghị quyết gia hạn đến khi sửa xong các lỗi, ông Phúc giải thích.

Cùng với việc lùi thời hạn thi hành Bộ luật Hình sự 2015, Nghị quyết của Quốc hội cũng quyết định cho lùi hiệu lực thi hành của 3 đạo luật được thông qua năm 2015 gồm: Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật thi hành tạm giữ, tạm giam. Vì các đạo luật này có nhiều điều khoản viện dẫn, liên quan đến quy định của Bộ luật Hình sự mới.

Trong nghị quyết, Quốc hội cũng cho phép áp dụng trước các quy định của Bộ luật Hình sự mới mà có lợi cho người phạm tội, tức là tuy lùi nhưng các điều khoản có lợi cho người phạm tội vẫn được áp dụng. Cụ thể, các quy định được nêu tại khoản 3, điều 7 vẫn được thực hiện từ ngày 1/7/2016.

Tức là, những điều luật xoá bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn... có lợi cho người phạm tội sẽ được áp dụng ngay trong một vài ngày tới.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, hiện tại, nghị quyết đang được hoàn thiện để trình lên Chủ tịch Quốc hội ký, đóng dấu rồi chuyển sang Văn phòng Chủ tịch nước để thực hiện quy trình công bố.

Theo kết quả rà soát, Bộ luật Hình sự có sai sót tại một số điều luật, không sai về quan điểm, chủ trương lớn đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thảo luận nhưng ảnh hưởng đến việc áp dụng pháp luật và xử lý tội phạm, cần phải sửa đổi mới thi hành được.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục