Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Có thể chấm dứt dự án Formosa nếu không khắc phục hậu quả về môi trường
Năm 2019, ngân sách sẽ mất hàng chục nghìn tỷ thuế bảo vệ môi trường xăng dầu
Chi phí dự phòng và nợ xấu tiếp tục “ăn mòn” lợi nhuận ngân hàng
Vay 7.000 tỷ làm cao tốc Vân Đồn - Móng Cái: "Trung Quốc rất quan tâm..."
Tin trong nước đọc nhanh trưa 30-09-2015
- Cập nhật : 30/09/2015
GDP tăng cao nhất trong 5 năm
Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố sáng nay cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của của nền kinh tế đạt 6,81% trong quý III. Tính chung 9 tháng, tăng trưởng kinh tế đạt 6,5%, cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Tăng trưởng GDP 9 tháng qua các năm
2010 | 2011 | 2012 | 2013 | 2014 | 2015 | |
Tăng trưởng GDP | 6,52% | 5,76% | 4,73% | 5,14% | 5,53% | 6,5% |
Trong mức tăng chung 6,5% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,08%; công nghiệp và xây dựng tăng 9,57% trong khi khu vực dịch vụ tăng 6,17%.
Kinh tế 9 tháng phát triển hơn trong bối cảnh sản xuất công nghiệp và bán lẻ cải thiện. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao hơn cùng kỳ năm trước, đạt 9,8%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng ước tăng 9,8% so với cùng kỳ 2014, loại trừ yếu tố giá tăng 9,1%, cao hơn mức tăng 7,3% một năm trước.
Từ đầu năm, cả nước có 68.347 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 420.900 tỷ đồng, tăng 28% về số doanh nghiệp và 31% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định kinh tế 9 tháng mặc dù đối mặt với nhiều biến động phức tạp của thị trường hàng hóa cũng như thị trường tài chính toàn cầu nhưng vẫn duy trì được mức tăng trưởng hợp lý. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp (CPI tăng 0,4% từ đầu năm). Các chính sách vĩ mô được triển khai kịp thời, linh hoạt cùng với việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là những yếu tố giúp sản xuất kinh doanh trong nước có nhiều cải thiện.
Cảnh sát biển bắt tàu Thái Lan bán dầu lậu
Thông tin từ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 (Phú Quốc) cho biết vừa bắt được 1 tàu chở dầu quốc tịch Thái Lan vi phạm trong vùng biển Việt Nam.
Cụ thể vào 11g10 phút ngày 26-9 tại tọa độ φ = 6 phút 28 độ vĩ độ Bắc, 105 độ 30 phút kinh độ Đông, cách đảo Côn Sơn 130 hải lý về phía nam, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Cảnh sát biển Việt Nam đã bắt quả tang tàu dầu nước ngoài mang tên ASIA STAR cập mạn, bơm dầu trái phép cho tàu cá Việt Nam mang biển kiểm soát giả BV 91657 TS.
Tàu cá này do ông Lê Văn Phơ (48 tuổi, trú TP Mỹ Tho - tỉnh Tiền Giang) làm thuyền trưởng.
Còn tàu dầu ASIA STAR do ông SERMKHAOSA - ARD, quốc tịch Thái Lan làm thuyền trưởng. Trên tàu có 10 thuyền viên đều mang quốc tịch nước ngoài.
Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu ASIA STAR chứa hàng trăm lít dầu DO. Khi lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam kiểm tra, thuyền trưởng hai tàu không xuất trình được các giấy tờ hợp lệ chứng minh nguồn gốc về số dầu trên.
Hiện hai tàu vi phạm đã được dẫn giải đưa về Phú Quốc (Kiên Giang) để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Quy hoạch Lý Sơn phải báo cáo Bộ Quốc phòng
Chiều 28-9, bà Phạm Thị Hương, phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi), cho biết huyện không chọn Tập đoàn CPG tiếp tục lập quy hoạch cho Lý Sơn.
Bà Hương cho biết: “Ngày 14-9, tỉnh có cuộc họp với tập đoàn này để lắng nghe ý tưởng phía CPG đưa ra về việc quy hoạch Lý Sơn. Trước khi chọn chính thức, chúng tôi phải tìm hiểu thông tin cụ thể về tập đoàn này mới ký hợp đồng. Trong khi tìm hiểu thấy công ty này không rõ ràng về nguồn gốc nên không chọn”.
Trước đó, ngày 14-9, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tư vấn đến từ Singapore của Tập đoàn CPG về việc quy hoạch Lý Sơn.
Trong cuộc họp này, ông Lê Quang Thích, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đề nghị phải gắn quy hoạch Lý Sơn với ngư trường Hoàng Sa vì quần đảo Hoàng Sa đã gắn liền với Lý Sơn hàng trăm năm qua là bằng chứng quan trọng để khẳng định chủ quyền của Việt Nam với quần đảo này.
Tuy nhiên, sau buổi làm việc này, báo chí cho biết Tập đoàn CPG từng thuộc Sở Công chính của Singapore nhưng sau đó được bán cho một tập đoàn của Úc và đến năm 2012 tập đoàn này bán lại CPG cho Tập đoàn CAG của Trung Quốc với giá 147 triệu đôla Úc.
Cùng với đó, nhiều ý kiến lo ngại việc một tập đoàn Trung Quốc quy hoạch Lý Sơn sẽ ảnh hưởng đến huyện đảo có tầm chiến lược về an ninh quốc phòng như Lý Sơn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại tá Nguyễn Tấn Lâm, chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ngãi, cho biết Lý Sơn có vị trí hết sức quan trọng về an ninh quốc phòng, là khu vực phòng thủ quốc gia.
Tuy nhiên, cho đến nay việc quy hoạch chỉ mới là ý tưởng, chưa chốt phương án cụ thể. “Về nguyên tắc, việc quy hoạch huyện đảo Lý Sơn phải báo cáo Quân khu 5 và Bộ Quốc phòng. Khi nào có quy hoạch chi tiết cụ thể, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh sẽ báo cáo với Bộ Quốc phòng xem xét”.
Đẩy mạnh tiến độ điều tra, truy tố các vụ án trọng điểm
Việt Nam cử thêm binh sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu trong một phiên họp toàn thể tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở thành phố New York, Mỹ, hôm 25/9. Ảnh: Reuters.
"Tôi vui mừng thông báo Việt Nam sẽ sớm cử Bệnh viện dã chiến cấp hai và đơn vị công binh, đồng thời tiếp tục cử sĩ quan liên lạc, sĩ quan tham mưu tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc", Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tổ chức ở thành phố New York, Mỹ.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết Việt Nam chân thành mong muốn nhân dân các nước trên thế giới đều được sống trong hoà bình, phát triển và hạnh phúc.
Chủ tịch nước còn góp ý để Liên Hợp Quốc triển khai thành công và hiệu quả hoạt động gìn giữ hòa bình trong thời gian tới. Theo đó, Liên Hợp Quốc cần giữ vững nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, trung lập, không thiên vị, không can thiệp vào công việc nội bộ các nước và phải được các bên liên quan chấp thuận.
Liên Hợp Quốc tiếp tục cải tiến những quy trình cần thiết nhằm nâng cao khả năng triển khai và ứng phó kịp thời, có biện pháp bảo đảm tối đa an ninh và an toàn cho các lực lượng gìn giữ hoà bình. Ngoài ra, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang còn đề nghị Liên Hợp Quốc có quyết tâm chính trị và cam kết mạnh mẽ hơn nữa trong việc cung cấp đầy đủ nguồn lực về cả con người và vật chất.
Chủ tịch nước cảm ơn Liên Hợp Quốc cùng những quốc gia đã hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuẩn bị tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc. Việt Nam mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ đó trong thời gian tới.
Trong cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có buổi tiếp Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman. Ông đề nghị Mỹ tích cực đáp ứng những đề nghị từ phía Việt Nam về mở cửa thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng nhập khẩu của Việt Nam, hợp tác trên tinh thần Tuyên bố Tầm nhìn chung Việt Nam - Mỹ, công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
Chủ tịch nước kêu gọi Mỹ hạn chế các vụ kiện phá giá, chống trợ cấp để thúc đẩy quan hệ thương mại song phương và đạt mục tiêu ký Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước cuối năm. Việt Nam khẳng định quyết tâm cùng Mỹ và các nước thành viên kết thúc đàm phán TPP trên cơ sở cân bằng lợi ích tính đến sự khác biệt về trình độ phát triển.
Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman chia sẻ những đánh giá về triển vọng đàm phán TPP, đánh giá đàm phán song phương Việt Nam - Mỹ trong khuôn khổ TPP vẫn duy trì được động lực và tiến triển tốt. Hai bên cần nỗ lực giải quyết một số vấn đề khác biệt, góp phần sớm đạt được TPP. Hai bên cần tiếp tục hợp tác để thúc đẩy quan hệ thương mại song phương, duy trì đà tăng trưởng hiện nay.