Cuối tuần trước, Hiệp hội Vận tải Hà Nội đã có công văn gửi Chính phủ, Bộ GTVT đề nghị dừng toàn bộ hoạt động của các xe Grabtaxi, Uber tại VN với lý do không tem, mào, hoạt động tự do không theo luật và tự định giá cước...
Tin trong nước đọc nhanh trưa 28-10-2015
- Cập nhật : 28/10/2015
Đến 15/10, bội chi ngân sách ước khoảng 157,9 nghìn tỷ đồng
Theo Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/10/2015 ước đạt 709,8 nghìn tỷ đồng, bằng 77,9% dự toán năm.
Trong đó thu nội địa đạt 522,5 nghìn tỷ đồng, bằng 81,8%; thu từ dầu thô 53,8 nghìn tỷ đồng, bằng 57,9%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 129,9 nghìn tỷ đồng, bằng 74,2%.
Trong thu nội địa, một số khoản thu đạt khá và vượt dự toán năm: Thu thuế bảo vệ môi trường đạt 18,2 nghìn tỷ đồng, bằng 140,9% dự toán năm; thu tiền sử dụng đất 44,8 nghìn tỷ đồng, bằng 114,9%; thuế thu nhập cá nhân 45,2 nghìn tỷ đồng, bằng 88,1%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 95,7 nghìn tỷ đồng, bằng 80%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 103,3 nghìn tỷ đồng, bằng 72,5%; thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước 158,5 nghìn tỷ đồng, bằng 71,8%.
Trong khi đó, tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/10/2015 ước tính đạt 867,7 nghìn tỷ đồng, bằng 75,6% dự toán năm. Trong đó chi đầu tư phát triển 134,3 nghìn tỷ đồng, bằng 68,9% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 130,5 nghìn tỷ đồng, bằng 68,5%); chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính ước tính đạt 605,1 nghìn tỷ đồng, bằng 78,9%; chi trả nợ và viện trợ 120,8 nghìn tỷ đồng, bằng 80,6%.
Như vậy, tính từ đầu năm đến 15/10, bội chi ngân sách Nhà nước ước khoảng 157,9 nghìn tỷ đồng, mới bằng khoảng 69,87% mức bội chi cả năm 2015 mà Quốc hội phê duyệt là 226 nghìn tỷ đồng.
Viện phí, dịch vụ bệnh viện tăng 2-7 lần từ ngày 15-11
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội VN, trong số các dịch vụ cơ bản, giá khám bệnh sẽ tăng từ 2-4 lần tùy hạng bệnh viện, lên mức 30-39 ngàn đồng/lượt khám thông thường, trường hợp mời chuyên giá đến hội chẩn sẽ tính 150-200 ngàn đồng/lần.
Tiền ngày giường bệnh sẽ tăng khoảng 2 lần, tối đa giá giường hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện hạng 1, hạng đặc biệt lên mức xấp xỉ 700.000đ/ngày giường.
Tại Bệnh viện hạng 4 là hạng bệnh viện thấp nhất hiện nay, giá giường điều trị nội trú cũng lên tối thiểu 154.000đ/ngày giường, cao gấp gần 3 lần so với hiện hành. Giá 1.800 dịch vụ y tế cơ bản cũng tăng mạnh, trong đó nhiều dịch vụ sẽ tăng 2-7 lần.
Trả lời báo chí về tác động của viện phí mới đến người bệnh, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện Chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội VN cho biết trước mắt viện phí mới sẽ áp dụng với nhóm bệnh nhân có bảo hiểm y tế (73% dân số), số còn lại dự kiến sẽ áp dụng trong năm 2016.
Ông Sơn cũng cho rằng viện phí mới thống nhất tại các cơ sở khám chữa bệnh cùng hạng trong cả nước, do đó người bệnh sẽ được cung cấp dịch vụ công bằng và đồng đều hơn.
Ngoài ra, phần chi từ tiền túi người dân sẽ giảm, do thuốc, vật tư y tế, chi phí khấu hao máy móc, duy tu bảo dưỡng thiết bị đã được tính vào giá dịch vụ và được quỹ Bảo hiểm y tế chi trả, người bệnh sẽ không phải trả chi phí đã được tính vào giá dịch vụ y tế.
Theo ông Sơn, hướng đến năm 2018 phần chi từ tiền túi người dân sẽ ở mức dưới 40% giá dịch vụ, giảm hơn rất nhiều so với hiện nay là xấp xỉ 50%.
Tuy nhiên điều khó khăn là còn tới 27% dân số tương đương 25 triệu người chưa có bảo hiểm y tế, dự kiến mức viện phí mới tăng cao kể trên cũng sẽ áp dụng với nhóm bệnh nhân này trong 2016.
Hà Nội chi gần 3.700 tỷ đồng xây nhà máy nước mặt sông Hồng
Chiều 27/10, Sở Xây dựng Hà Nội thông tin về kế hoạch xây dựng nhà máy nước mặt sông Hồng. Nhà máy sẽ được xây tại xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng, tổng đầu tư dự kiến trên 3.700 tỷ đồng từ nguồn vốn tự có của doanh nghiệp, vốn vay và huy động hợp pháp. Dự án được khởi công quý I/2016 và hoàn thành vào cuối năm 2020.Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho hay, dự án sẽ cung cấp nước cho khu vực phía Nam sông Hồng, gồm: đô thị trung tâm Hà Nội (các quận nội thành) và khu vực chưa có hệ thống cấp nước thuộc phía Tây đường vành đai 3, phía Bắc quốc lộ 32 thuộc quận Bắc Từ Liêm, huyện Đan Phượng và hỗ trợ cấp nước cho huyện Hoài Đức.
Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho hay toàn bộ quy trình chuẩn bị đầu tư và triển khai dự án sẽ được giám sát chặt chẽ. Ảnh: Võ Hải.
Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần nước mặt sông Hồng. Công nghệ xử lý nước thô được đề xuất là: Sơ lắng cặn thô - keo tụ - trộn phản ứng - lắng ngang - lọc nhanh - lọc hữu cơ (than hoạt tính) - khử trùng - bể chứa nước sạch. “Đây là quy trình công nghệ xử lý nước truyền thống với dây truyền sản xuất hiện đại, công nghệ ổn định, tin cậy và phù hợp để xử lý nước có dao động lớn về độ đục. Nước sản xuất sẽ đạt quy chuẩn quốc gia”, bà Trần Thị Thu Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần nước mặt sông Hồng nói.
Về chất liệu đường ống, Giám đốc Sở Xây dựng khẳng định, sẽ dùng đường ống bằng gang dẻo, chỉ chôn đủ tải (1,5 m) chứ không phải chôn sâu 6 m như đường nước sông Đà nên “khi vỡ ống chữa rất nhanh”. Lãnh đạo ngành xây dựng Hà Nội khẳng định mọi thiết kế sẽ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt rất chặt chẽ từ khâu đào hố, nghiệm thu...
Theo đánh giá của Sở Xây dựng, việc khai thác nước ngầm tại Hà Nội được dự báo đã “tới hạn” của cả 3 tiêu chí là ô nhiễm, cạn kiện và sụt lút. Do vậy, thành phố đã và đang lên kế hoạch tăng cường khai thác nước mặt thay thế nước ngầm.
Hiện nay trong tổng số 900.000 m3 nước sạch/ngày đêm cung cấp cho toàn thành phố thì nước ngầm là 600.000 m3, nước mặt là 300.000 m3. Tới đây, Hà Nội sẽ dần dần nâng mức nước mặt lên đến 600.000 m3 và giảm việc khai thác nước ngầm xuống với tỷ lệ tương ứng.
Trước đó đường ống nước sông Đà, nguồn cung cấp nước chính cho nhiều quận Hà Nội, đã vỡ 15 lần khiến 70.000 nghìn dân lao đao. Các bệnh viện cũng bị xáo trộn do thiếu nước. Thành phố đã phải triển khai nhiều nhiều giải pháp, như ngày 7/10 khởi công tuyến ống cấp nước sông Đà số 2.
Một nửa tàu du lịch vịnh Hạ Long có thể phải dừng hoạt động
Thủ tướng: 'Tranh chấp trên Biển Đông rất khó lường'
"Các nước lớn tăng cường sức mạnh quân sự, tập hợp lực lượng, tranh giành ảnh hưởng trong khu vực ngày càng quyết liệt. Tranh chấp lãnh thổ, đặc biệt là trên Biển Đông diễn biến phức tạp, gay gắt và rất khó lường", ông Dũng phát biểu sáng nay khi tham dự Đại hội thi đua yêu nước của Bộ Ngoại giao.
Theo Thủ tướng, khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn là trung tâm phát triển năng động của kinh tế thế giới. Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với khoa học công nghệ phát triển rất nhanh đã tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia. Hợp tác và đấu tranh vì lợi ích quốc gia, vì hòa bình phát triển và cùng chung tay giải quyết những thách thức toàn cầu là xu hướng chung của nhân loại.
Ông Dũng cho rằng bối cảnh quốc tế và trong nước đòi hỏi Việt Nam phải kiên định mục tiêu lợi ích quốc gia, dân tộc là cao nhất, tranh thủ thời cơ để xây dựng đất nước độc lập, thống nhất, chủ quyền quốc gia toàn vẹn lãnh thổ.
Về đường lối ngoại giao, ông Dũng đề cao nhiệm vụ hàng đầu là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tăng cường hữu nghị hợp tác với các quốc gia, bình đẳng cùng có lợi. Công tác ngoại giao phải gắn với bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
"Thực hiện hiệu quả các biện pháp chính trị ngoại giao trong giải quyết các tranh chấp bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế, đề cao tinh thần đoàn kết quốc tế, trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp Quốc, tôn trọng độc lập chủ quyền, lợi ích chính đáng của nhau, hợp tác bình đẳng cùng có lợi", Thủ tướng khẳng định.
Một trong những trọng tâm của ngành ngoại giao là vấn đề Biển Đông, nơi đang tồn tại các tuyên bố chủ quyền chồng lấn và là điểm nóng quốc tế. Trong sáng nay, quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên xác nhận nước này đã điều tàu USS Lassen vào trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Subi, nơi Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Biển Đông. Tàu này đi cùng các máy bay trinh sát của hải quân Mỹ.
Mục đích của hoạt động này của Hải quân Mỹ là nhằm duy trì lợi ích của Mỹ với tự do đi lại trên không, trên biển và hoạt động ở bất cứ nơi nào trên thế giới mà luật quốc tế cho phép.
Tại Biển Đông, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích, chồng lấn lên vùng biển của các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines. Bắc Kinh còn ngang nhiên tiến hành cải tạo đất phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Việt Nam nhiều lần khẳng định có chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Mọi hành động xây dựng, mở rộng của nước ngoài trên các đảo đá, bãi ở hai quần đảo này mà không được phép của chính phủ Việt Nam đều phi pháp và vô giá trị.