Tin trong nước đọc nhanh 09-02-2016
- Cập nhật : 09/02/2016
Những vấn nạn lớn nào đang thách thức tân Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng?
Sau khi ông Đinh La Thăng - Ủy viên Bộ chính trị - chính thức trở thành Bí thư Thành ủy TPHCM, nhiều người dân đã bày tỏ niềm vui và đặt nhiều kỳ vọng vào vị tân Bí thư Thành ủy, một người quyết đoán.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, ông Đinh La Thăng cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ và cũng không hề dễ dàng. Những thách thức đó là gì, PV có trao đổi đổi với tiến sĩ Phạm Sanh – chuyên gia cầu đường tại TPHCM:
- Khi hay tin ông Đinh La Thăng làm Bí thư Thành ủy TPHCM, tôi cũng như nhiều người dân TPHCM tỏ ra rất vui và phấn khởi. Bởi với tất cả những gì ông Đinh La Thăng đã từng thể hiện ở cương vị Bộ trưởng Bộ GTVT trong những năm qua đã góp phần làm thay đổi rõ rệt diện mạo chung của ngành giao thông; vì vậy tôi và người dân TPHCM hy vọng TPHCM cũng sẽ có những thay đổi tích cực dưới sự chỉ đạo của ông Đinh La Thăng.
*TPHCM được xem như một “siêu đô thị” và lâu nay còn khá nhiều vấn đề tồn đọng gây bức xúc cho người dân. Vậy theo ông, những thách thức nào sẽ là gánh nặng đặt lên vai tân Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng?
- Đúng vậy. Bên cạnh những kỳ vọng, thuận lợi thì còn không ít vấn đề tồn đọng bức xúc lâu nay sẽ là thách thức với ông Đinh La Thăng, vấn đề đó nằm ở nhóm cơ sở hạ tầng, quy hoạch đô thị. Nói về cơ sở hạ tầng, thì hiện nay, mảng điện chiếu sáng, viễn thông tại TPHCM cơ bản đã ổn định. Lĩnh vực về cấp nước sạch cũng còn một tồn tại, đó là một số vùng ven như Củ Chi, Cần Giờ người dân chưa có nước sạch sử dụng. Tuy vậy, giải quyết vấn đề cung cấp nước sạch cũng không phải là thách thức lớn lắm, mà thách thức lớn nhất là chuyện ngập nước vàkẹt xe.
* Ông có thể nói rõ hơn về những thách thức này đối với tân Bí thư Thành ủy TPHCM?
Ai cũng biết, ông Đinh La Thăng là người dám nghĩ, dám làm, và làm quyết liệt. Tuy nhiên, có những vấn đề không thể giải quyết trong thời gian ngắn, mà đòi hỏi cần nhiều thời gian, kinh phí và quyết sách lớn hơn từ Trung ương, chứ không chỉ trong phạm vi của một cá nhân hay TPHCM là có thể làm tốt được.
Tôi ví dụ, chuyện ngập nước của TPHCM nó tồn tại hàng chục năm qua vẫn chưa giải quyết được. TPHCM có đặc thù là khoảng 60% diện tích đất có cao độ tự nhiên thấp hơn mực nước triều, trong khi những năm qua, diễn biến mưa, đỉnh triều có xu hướng tăng cao nên khiến TPHCM ngày càng ngập nặng, dù không có mưa.
Thời gian qua, việc giải quyết ngập nước phần lớn còn manh mún, giải quyết theo từng dự án, từng khu vực vực ngập, chứ chưa mang tính tổng thể. Tuy TPHCM cũng đã xây dựng hệ thống đê bao, cống để ngăn triều cường, song cũng chỉ mới thực hiện được một phần, còn lại nhiều khu vực (Q.2, 9, Thủ Đức…) vẫn chưa triển khai xây dựng. Ngoài ra, để giải quyết ngập do mưa lớn hiện nay, thành phố cũng chưa có hướng xử lý triệt để, bởi hệ thống cống cũ và cống mới xây đều quá tải khi những cơn mưa có vũ lượng lớn vượt tần suất thiết kế ngày càng nhiều.
Theo tôi, nếu đi đúng hướng và làm quyết liệt dưới thời của Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng thì cũng mất khoảng thời gian 2 nhiệm kỳ mới có thể giải quyết được vấn nạn ngập nước tại TPHCM. Đó là chưa kể vấn đề giải quyết ngập đòi hỏi một nguồn kinh phí khổng lồ hàng trăm nghìn tỉ đồng, và nguồn kinh phí này TPHCM khó có thể quyết được, mà cần sự hỗ trợ từ phía Trung ương.
*Vậy còn thách thức về kẹt xe thì sao thưa ông?
- Tôi cho rằng, kẹt xe cũng sẽ là bài toán nan giải, đau đầu đối với Bí thư TPHCM Đinh La Thăng. Bởi, cơ sở hạ tầng giao thông của TPHCM quá chật hẹp, thiếu thốn, trong khi số lượng phương tiện giao thông lại gia tăng chóng mặt hằng ngày.
Tình trạng này khiến cho nhiều người ví von rằng, nếu đem hết số lượng xe hiện có của TPHCM xếp ra đường thì diện tích đường của TPHCM cũng không đáp ứng đủ, chứ nói gì đến lưu thông. Với thực trạng giao thông thành phố như hiện nay, nếu thành phố mở rộng thêm đường sá sẽ gặp vướng mắc về đền bù giải tỏa rất lớn, còn làm đường trên cao hay tàu điện ngầm thì cũng tốn kém rất lớn, nhưng chưa chắc đã quyết được kẹt xe, vì tốc độ phát triển đường sá không theo kịp tốc độ gia tăng phương tiện (tại TPHCM hiện có khoảng 7 triệu phương tiện, chưa kể mỗi ngày có thêm 1.000 xe gắn máy, 100 xe ô tô đăng ký mới).
Từ những thách thức này, đòi hỏi dàn lãnh đạo mới hiện nay của TPHCM (Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TPHCM) phải có những nghiên cứu và đưa ra quyết sách táo bạo, tạo bước đột phá mới cho TPHCM. Mà theo tôi lãnh đạo TPHCM cũng nên nghiên cứu, xem xét đến giải pháp, xây dựng một thành phố mới thay thế thành phố cũ hiện nay đã quá tải. Và địa điểm nghiên cứu có thể là huyện Củ Chi – bởi diện tích đất trống còn khá nhiều và giao thông kết nối cũng thuận lợi.
Liệu những lãnh đạo mới TPHCM có tạo ra những bước đột phá, sáng tạo táo bạo hay không, chúng tôi hãy chờ xem.
Philippines trao trả 8 ngư dân Việt Nam
Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines tối ngày 5/2 phối hợp cùng Cục Nhập cư Philippines đưa nhóm 8 ngư dân quê Quảng Ngãi, Ninh Thuận và Khánh Hòa về thành phố Hồ Chí Minh trên chuyến bay số hiệu 5J744 của hãng hàng không Cebu Pacific.
8 ngư dân hạ cánh an toàn xuống sân bay Tân Sơn Nhất và đoàn tụ với gia đình vào rạng sáng qua. Đây là nhóm ngư dân bị bắt và giam giữ tại Jolo, tỉnh Sulu, Philippines, từ tháng 4/2012 và được trả tự do để tiến hành các thủ tục hồi hương vào tháng 11/2015.
Trong các cuộc gặp và làm việc với Cục Nhập cư Philippines từ đầu năm nay, Đại sứ Việt Nam tại Philippines Trương Triều Dương nhấn mạnh Đại sứ quán muốn giải quyết dứt điểm tình trạng ngư dân, hy vọng nhận được sự phối hợp, giúp đỡ từ Manila. Đại sứ quán đang phối hợp để giải quyết một số trường hợp gặp vướng mắc về giấy tờ và chuẩn bị cho một nhóm 12 ngư dân Quảng Ngãi về nước vào ngày 9/2.
Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines trong năm 2015 đã phối hợp cùng Philippines và Cộng hòa Palau đưa hàng trăm trường hợp ngư dân đánh bắt, khai thác bất hợp pháp trong hải phận của các nước bạn về Việt Nam.
Trung Quốc đáp máy bay chở khách phi pháp xuống đảo Phú Lâm
Máy bay Trung Quốc hạ cánh trái phép ở đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam. Ảnh: CCTV
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV ngày 6/2 đưa tin, máy bay dân dụng thương mại của Trung Quốc cất cánh từ sân bay quốc tế Mỹ Lan, Hải Nam đã ra đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa.
Đảo Phú Lâm là nơi Trung Quốc đặt bộ máy chính quyền của cái gọi là "thành phố Tam Sa" mà nước này lập ra trái phép nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Trung Quốc trước đó chủ yếu sử dụng đường thủy để chở hàng hóa và người ra đảo Phú Lâm.
Bắc Kinh vừa cải tạo, nâng cấp đường băng phi pháp trên đảo Phú Lâm, cho phép cất hạ cánh máy bay cỡ lớn, chẳng hạn như Boeing 737 có sức chứa đến 200 người.
Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc đánh chiếm và giữ từ năm 1974. Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các việc làm của Trung Quốc tại hai quần đảo này là sự xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền của Việt Nam.
Vườn chuối công nghệ cao hàng chục tỷ đồng của nông dân miền Tây
“Còn hơn một tháng nữa mới thu hoạch nhưng toàn bộ sản lượng 3.500 tấn chuối thương phẩm đã được các đối tác từ Hàn Quốc, Nhật Bản bao tiêu hết với giá 7.000 đồng một kg, gấp 5 lần so với bình thường”, nông dân Lâm Văn Hộ (58 tuổi, Chủ nhiệm Hợp tác xã Lâm Phát Hưng, thuộc Nông trường Sông Hậu (xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ) phấn khởi nói.
Xới đất vườn chuối bằng máy để bón phân và tưới nước dạt hiệu quả cao, tiết kiệm nhân công. Ảnh: Cửu Long
Với giống chuối già truyền thống của Việt Nam được cấy mô, áp dụng kỹ thuật trồng theo kiểu công nghệ cao, kỹ sư Nguyễn Khoa Nam - phụ trách kỹ thuật tại vườn chuối cho biết các chuyên gia nông nghiệp công nghệ cao từ Hàn Quốc và Philippines đã sang tận nơi hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, đóng thùng, bảo quản cho kỹ sư và nhân công địa phương đến khi thuần thục họ mới rút về nước.
Vườn chuối có kỹ sư nông nghiệp đảm trách kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch...Trồng 10 ha chuối theo công nghệ cao xuất khẩu ra nước ngoài thành công hơn một năm qua, ông Lâm Văn Hộ cùng 7 nông dân khác mạnh dạn góp vốn gần 20 tỷ đồng cải tạo mảnh đất hoang của nông trường thành vườn chuối 90 ha. Hiện có 180.000 cây đang cho trái (tất cả đều có lý lịch theo dõi, quản lý). Đến lúc thu hoạch, mỗi buồng có trọng lượng từ 20kg đến 30kg. Vườn chuối sẽ cho các cây con, thu hoạch 3 vụ rồi mới xuống giống lại.
Máy đóng gói chuối sau thu hoạch do nông dân tự chế có năng suất làm việc bằng 6-8 lao động phổ thông.
“Hiện có nhiều đối tác trực tiếp đến khảo sát khu vườn cũng như kỹ thuật trồng rồi đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm, nhưng trước mắt chúng tôi chưa đáp ứng được", ông Hộ nói.
Ông Nguyễn Thanh Phú, Giám đốc Nông trường Sông Hậu cho biết: “Qua thời gian trồng thử nghiệm cho đến nay thì mô hình này đạt hiệu quả rất cao. Chúng tôi coi đây là mô hình điểm, tới đây sẽ nhân rộng ra cho các nông trường viên vì đầu ra rất ổn định…”.
TP.HCM rất cần nhà cho thuê ở mức 500.000 - 1.000.000 đồng/tháng
"Cần có nhà ở cho thuê ở mức giá 500.000 đồng/tháng" đang là nỗi trăn trở của luật sư Trương Thị Hòa - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM...
Theo số liệu từ Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, lượng người nhập cư vào TP.HCM tăng trung bình 2,2%/năm, tương đương với khoảng 150.000 người, 85% người nhập cư có độ tuổi từ 15-29. Dòng người nhập cư thuộc thế hệ trẻ đến thành phố được dự báo sẽ làm tăng trưởng nhu cầu bất động sản (BĐS) cho thuê và thị trường nhà cho thuê nói chung. Đây là phân khúc thị trường thật sự tiềm năng, nhưng hầu hết doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực này lại chưa “hứng thú” vì lợi nhuận thấp.
Ở thuê, dành tiền làm ăn
Anh Lê Kim Khung, hiện đang thuê căn hộ tại chung cư Lê Thành Tân Tạo (Q.Bình Tân, TP.HCM) với giá 2,5 triệu đồng/tháng. Theo anh Khung, dù căn hộ chỉ có 31m2, nhưng được thiết kế phù hợp nên gia đình anh (ba người) sống khá thoải mái. Chung cư còn có siêu thị, hồ bơi, nhà trẻ… nên đáp ứng được cuộc sống của cư dân.
Tiền thuê rẻ, lại chỉ phải đặt cọc hai tháng tiền nhà, ký hợp đồng hàng năm. Đây thực sự là giải pháp cho những người thu nhập thấp và gia đình trẻ như tôi”, anh Khung nói. Anh cho biết, trước khi thuê nhà của Lê Thành, vợ chồng anh đã đặt cọc mua nhà ở xã hội tại H.Bình Chánh, nhưng do trục trặc trong việc vay vốn ngân hàng nên không mua được.
Để giải quyết tạm thời chỗ ở, anh mới thuê căn hộ tại đây. “Sau một thời gian sống tại đây, vợ chồng tôi quyết định tạm dừng kế hoạch mua nhà, ở thuê cũng được, thậm chí là rất ổn. Tiền dành dụm để mua nhà, tôi dành đầu tư cho việc kinh doanh để sinh lời. Sau vài năm, khi vốn tự có đã kha khá sẽ tính tiếp”, anh Khung tính toán.
Giải pháp của anh Khung đang được khá nhiều gia đình trẻ áp dụng, đặc biệt là từ khi Công ty Lê Thành và nhiều DN khác tung dòng sản phẩm này ra thị trường. Ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty Lê Thành cho biết, hiện công ty đang điều chỉnh chiến lược sang hướng làm nhà cho thuê, đối tượng chính là người thu nhập thấp, người nhập cư.
Sự điều chỉnh đó, theo ông Nghĩa, là do nhu cầu của phân khúc này hiện rất lớn, khoảng ba đến bốn triệu dân trong tổng số gần 10 triệu dân TP.HCM. Ông Nghĩa tâm sự, từ nhỏ ông đã sống ở ngoại thành, nơi có nhiều người nhập cư, nhà lại có hơn 180 phòng trọ cho thuê, nên ông rất hiểu đời sống của người nhập cư. Vì thế, Lê Thành quyết định xây dựng căn hộ mini để cho thuê với giá từ 1,5-2 triệu đồng/tháng nhằm đáp ứng một phần nhu cầu của những người thu nhập thấp.
Theo kế hoạch, đầu năm 2016, Lê Thành sẽ tiếp tục tung ra thị trường căn hộ mini cho thuê với giá chỉ 1,5 triệu/căn/tháng. Khu căn hộ mini này nằm trong khu dân cư Lê Thành (P.An Lạc, Q.Bình Tân). Mỗi căn có diện tích 20m2, được thiết kế gồm có ban công phơi đồ, WC riêng, mặt bếp, bồn rửa chén, tủ đáy bếp, quạt trần, nhà xe riêng. Dự án này còn có dịch vụ bảo vệ để đảm bảo an ninh 24/24.
Cần có chính sách phát triển nhà cho thuê
Luật sư Trương Thị Hòa cho rằng, tình trạng người nhập cư thiếu một chốn an cư là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có các DN BĐS. Theo luật sư Hòa, hiện TP.HCM đã có một số DN phát triển phân khúc này, nhưng giá thuê từ 1,5-2 triệu đồng/tháng vẫn còn quá cao so với thu nhập của đại đa số người nghèo. Vì thế, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho các DN phát triển dòng sản phẩm này, làm sao có được căn hộ cho thuê giá chỉ một triệu đồng, thậm chí 500.000 đồng/tháng.
“Là một người hoạt động trong Hội Phụ nữ, tôi biết chỉ cần giúp người phụ nữ hai triệu đồng, họ có thể nuôi sống được chồng, cho con đi học. Những người như thế làm sao có tiền để thuê nhà?”, bà Hòa băn khoăn.