tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh trưa 22-12-2015

  • Cập nhật : 22/12/2015

Khởi tố tại tòa vụ đưa và nhận hối lộ gây thiệt hại hơn 600 tỉ đồng

bi cao pham van cu va dong pham tai phien toa

Bị cáo Phạm Văn Cử và đồng phạm tại phiên tòa


Nguyên giám đốc Agribank chi nhánh 7 khai không góp vốn mua căn nhà nhưng HĐXX nhận thấy vợ bị cáo có tên đồng sở hữu là có dấu hiệu tội “đưa hối lộ” và “nhận hối lộ” nên đã quyết định khởi tố vụ án.
Sau gần một tuần xét xử và nghị án, sáng 21.12, TAND TP.HCM xử sơ thẩm đã tuyên án vụ “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng Agribank chi nhánh 7 (Agribank CN7 – quận 7, TP.HCM, thuộc Agribank VN) do nguyên Giám đốc Agribank CN7 Phạm Văn Cử và đồng phạm thực hiện, gây thiệt hại hơn 600 tỉ đồng.
Đồng thời, thẩm phán Nguyễn Văn Hà thay mặt HĐXX đọc quyết định khởi tố vụ án “đưa hối lộ” và “nhận hối lộ”, nội dung: “Xét đề nghị của đại diện Viện VKSND TP.HCM tham gia phiên tòa, bị cáo Cử tham gia góp vốn dự án mua căn nhà số 421 Nguyễn Oanh (quận Gò Vấp, TP.HCM) chung với bị cáo Phạm Trịnh Thắng, dù bị cáo Cử khai không góp vốn nhưng vợ bị cáo Cử là bà Nguyễn Hồng Nga vẫn có tên đứng đồng sở hữu là có dấu hiệu của tội “đưa hối lộ” và “nhận hối lộ”, quyết định này được chuyển cho Viện KSND tối cao”.
Về hình phạt, HĐXX đã tuyên phạt Phạm Văn Cử (54 tuổi, ngụ quận 7, nguyên Giám đốc Agribank CN7 20 năm tù, nguyên Trưởng phòng kế hoạch kinh doanh Kiều Đình Thọ (35 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM) 16 năm tù, nguyên Phó trưởng phòng kế hoạch kinh doanh Đỗ Thị Thu Hà (41 tuổi, ngụ quận 7, TP.HCM) 9 năm tù cùng về tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Các bị cáo trong nhóm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, HĐX tuyên mức án chung thân với bị cáo Phạm Trịnh Thắng (44 tuổi, ngụ quận 7, Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH thương mại Mai Khôi - gọi tắt là Mai Khôi), 20 năm tù đối với Dương Thị Kim Luyến (vợ Thắng, 43 tuổi, ngụ Q.7, nguyên Giám đốc Mai Khôi), 4 bị cáo còn lại tham gia với vai trò giúp sức nhận mức án từ 7 năm - 12 năm.
Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, từ năm 2009 – 2011, vì mối quan hệ thân thiết, Cử chỉ đạo cấp dưới tiếp nhận hồ sơ, ký hợp đồng tín dụng vay vốn với Mai Khôi khi hồ sơ chưa đảm bảo đúng quy định như thẩm định không đúng thực tế tình hình hoạt động kinh doanh, năng lực tài chính; nhận tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất không đúng quy định, không kiểm soát chặt chẽ việc Mai Khôi sử dụng vốn nên không phát hiện công ty này sử dụng vốn vay sai mục đích để chiếm đoạt tài sản, đồng ý cho vay tiền để đảo nợ... gây nợ xấu cho Agribank Chi nhánh 7 số tiền gốc và lãi hơn 600 tỉ đồng.
Đối với các bị cáo của công ty Mai Khôi đã có hành vi gian dối trong việc lập hồ sơ xin vay, lập báo cáo tài chính nâng lợi nhuận sau thuế, lập khống phương án kinh doanh gạo, phân bón, dùng tài sản thế chấp là giá trị lô hàng xuất nhập khẩu và nhà đất, sau đó thay thế bằng quyền sử dụng đất hình thành trong tương lai khi chưa đứng tên sở hữu, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án, sử dụng vốn sai mục đích… chiếm đoạt hơn 172 tỉ đồng, đồng thời mất khả năng thanh toán tiền đã vay của Agribank CN7.

Cà Mau mời Tân Hiệp Phát đến làm rõ vụ trà Dr. Thanh có cặn

Chiều 20/12, ông Nguyễn Phước Hồng, Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Cà Mau cho biết, ông đã chỉ đạo Chi hội của TP Cà Mau khẩn trương làm rõ vụ trà thảo mộc nhãn hiệu Dr. Thanh có dấu hiệu bất thường.

Trước mắt, Chi hội sẽ mời đại diện Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Hiệp Phát (Bình Dương) đến làm việc để xác định những chai trà xuất hiện cặn có phải sản phẩm của công ty này không. Nếu đúng, Tân Hiệp Phát phải cùng cơ quan chức năng truy nguyên nhân vì sao có cặn, lợn cợn giống như men giấm.

Năm ngày trước, một phụ nữ phát hiện trong chai trà thảo mộc Dr. Thanh còn nguyên nắp tại quán cà phê Đất Mũi (TP Cà Mau) có vật lạ như men giấm. Người này không dám uống và trình báo cơ quan chức năng.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Cà Mau đã cùng cơ quan chức năng kiểm tra các đại lý bán trà Dr. Thanh. 79 chai trà thảo mộc Dr. Thanh (loại 350 ml/chai) có cặn lơ lửng, trắng đục.

Những sản phẩm trên được sản xuất ngày 7/7, 10/7, 11/7, 7/11, có hạn sử dụng một năm cùng dòng chữ: “Xé nhãn liền tay trúng ngay tiền tỷ”.

cong an lam viec voi quan giai khat de kiem tra tra dr. thanh co can. anh: ctv.

Công an làm việc với quán giải khát để kiểm tra trà Dr. Thanh có cặn. Ảnh: CTV.

Để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Cà Mau yêu cầu Ban chỉ đạo liên ngành, Phòng y tế, Trung tâm y tế các huyện, thành phố trong tỉnh kiểm tra, xử lý trà thảo mộc Dr. Thanh có vật lạ, lợn cợn nhưng chưa có kết quả.

Ngoài việc rà soát, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh tự kiểm tra, không được bán các sản phẩm có biểu hiện như trên, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Cà Mau khuyến cáo người tiêu dùng cũng không được sử dụng sản phẩm bị cặn tương tự.


Diêm dân Bến Tre lao đao vì giá muối liên tục sụt giảm

Dù năng suất khá cao, nhưng do giá quá thấp, khó bán, cuộc sống hàng ngàn hộ diêm dân Bến Tre lâm cảnh lao đao.

Diêm dân tỉnh Bến Tre đang bước vào vụ thu hoạch muối. Ông Nguyễn Hữu Định một diêm dân thuộc làng nghề sản xuất muối xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại – một trong hai vùng sản xuất muối trọng điểm của tỉnh Bến Tre cho biết: chưa có năm nào giá muối rớt thảm như năm nay, dù năng suất đạt hơn 60 tấn/ha nhưng sau khi trừ chi phí đầu tư coi như trắng tay. “Lúc đầu mùa muối hơn 40.000 đồng/giạ nhưng nay hạ xuống chỉ còn phân nửa giá tiền. Nếu mình cần bán thì thương lái tranh ép giá nên sụt hơn nữa cũng có. Họ cứ ép giá tới, nếu mình không bán thì người khác cũng bán”.

Còn ông Trần Văn Đọt, một hộ dân cả đời gắn bó với nghề muối cho rằng vẫn biết giá muối lúc tăng lúc giảm nhưng do không có điều kiện bảo quản, thiếu vốn nên gia đình không có cách nào khác là làm đến đâu bán đến đó, do đó lúc nào cũng bị thiệt trước biến động thời tiết cũng như giá cả.

Theo ông Phạm Thanh Sang, Phó chủ tịch UBND xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại nguyên nhân sản phẩm muối của làng nghề Thạnh Phước khó tiêu thụ không chỉ vì sức mua yếu, chất lượng muối sụt giảm do nắng quá gắt, kéo dài mà một phần do sản xuất thiếu liên kết nên không tìm được mối lớn để tiêu thụ ổn định, trong khi hạ tầng giao thông chưa được cải thiên làm chi phí vận chuyển giá đội lên. Trong đó ngay cả làng nghề muối Thạnh Phước mặc dù đã được tỉnh công nhận cách nay 02 năm nhưng vẫn không có gì khác biệt.

“Vụ muối năm nay về sản lượng thì đạt nhưng giá thấp quá. Bởi vì sản phẩm làm ra không được bao tiêu, chủ yếu bán cho thương buông nhỏ lẻ. Nghề muối ở đây đã được công nhận nhận làng nghề, tuy nhiên đường giao thông phục vụ cho làng nghề vẫn chưa được đầu tư. Từ hạ tầng chưa tốt, việc vận chuyển khó khăn nên thương lái thương gây khó dễ cho bà con diêm dân”- ông Sang nói.

Tỉnh Bến Tre có gần 1.600 ha diện tích sản xuất muối, sản lượng ước đạt trên 80.000 tấn nhưng hiện địa phương còn tồn hơn 46.000 tấn muối không có thị trường tiêu thụ, trong số này phần lớn là của làng nghề muối Thạnh Phước.

Nhiều năm qua, đời sống của diêm dân rất khó khăn, thị trường rớt giá liên tục tái diễn. Theo khuyến cáo, diêm dân cần liên kết làm ăn theo mô hình tập thể để có thể vay vốn ngân hàng tổ chức lại sản suất. Thế nhưng quan trọng là sự đầu tư hạ tầng của tỉnh cùng với các chính sách ưu đãi đối với lĩnh vực sản xuất, chế biến muối và các sản phẩm sau muối. Có như vậy Bến Tre mới phát huy lợi thế sản xuất muối ở địa phương, cuộc sống của diêm dân ổn định hơn và tiếp tục gắn bó với nghề./.(VOV)


Thời kỳ mới của cây ca cao

thoi ky moi cua cay ca cao

Thời kỳ mới của cây ca cao


Những năm năm gần đây, mô hình trồng xen ca cao trong các vườn điều già cỗi phát triển rất nhanh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Hiện tại, giá ca cao liên tục tăng thu hút nông dân đầu tư thâm canh và mở rộng diện tích.

Thu trăm triệu/ha

Gia đình ông Phạm Văn Lập, ấp An Bình, xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) có 1,4 ha ca cao trồng xen dưới tán điều, đang trong thời kì thu hoạch. Trước đây, diện tích trên được ông Lập trồng thuần điều, hiệu quả kinh tế mang lại chưa thật sự cao.

Được sự quan tâm của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trạm Khuyến nông huyện Trảng Bom hỗ trợ giống vật tư và kỹ thuật xây dựng mô hình ca cao dưới tán cây điều với diện tích 0,3 ha, ông Lập mạnh dạn tự bỏ vốn đầu tư thêm 1,1 ha.

Qua 4 năm trồng và chăm sóc, đến nay vườn ca cao của ông Lập sinh trưởng, phát triển và cho năng suất thu hoạch trái tươi rất cao, đạt 30 tấn/ha. Được Công ty Ca cao Trọng Đức ký cam kết thu mua với giá 6.000 đ/kg trái tươi, mỗi năm gia đình ông thu về 240 triệu đồng.

Sau khi trừ hết chi phí sản xuất khoảng hơn 85 triệu đồng, ông Lập bỏ túi gần 155 triệu đồng, cộng thêm 40 triệu tiền lãi từ cây điều. “Nếu so sánh về lợi nhuận giữa các loại cây trồng, tôi thấy mô hình ca cao trồng xen điều chỉ đứng sau cây hồ tiêu, bưởi da xanh. Các loại cây trồng khác, chưa hẳn đã sánh kịp. Tuy nhiên, mô hình ca cao trồng xen điều là cách làm kinh tế dài hơi và mang tính bền vững cao”, ông Lập nói.

Ông Nguyễn Thanh Phước, GĐ HTX Ca cao Thống Nhất hào hứng chia sẻ: “Cách đây 5 -7 năm, chẳng ai dám nghĩ đến việc trồng và phát triển cây ca cao. Bởi khi ấy, giá ca cao xuống rất thấp, nhiều diện tích ca cao thời kì kinh doanh bị người dân chặt bỏ không thương tiếc. Nhưng vài năm trở lại đây, khi tỉnh kêu gọi được 4 nhà cùng chung tay, liên kết sản xuất và tiêu thụ nên đã mở ra một thời kì phát triển mới cho cây ca cao Đồng Nai, khiến bà con chúng tôi rất phấn khởi tích cực đầu tư thâm canh, cải tạo lại vườn giống”.

Theo ông Phước, toàn HTX hiện có 79 ha ca cao, hoạt động rất sôi nổi. Những năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Phòng Nông nghiệp huyện quan tâm tổ chức các chương trình tập huấn, mời các nhà khoa học về “cầm tay chỉ việc” rất cụ thể; hỗ trợ cây giống, thuốc BVTV; đặc biệt là chương trình hỗ trợ vay vốn 25 triệu đồng/hộ. Nhờ đó, cây ca cao của HTX được đầu tư sinh trưởng và phát triển rất tốt.

Phát triển bền vững

Thời gian qua, huyện Trảng Bom đã hình thành được tổng cộng 17 CLB, THT ca cao đi vào hoạt động với 426 hội viên tham gia. Đa số ca cao của nông dân thu hoạch xong đều bán trái tươi cho Công ty Ca cao Trọng Đức và Công ty TNHH Đầu tư phát triển nông nghiệp Nguyên Lộc. Vì các doanh nghiệp này có đặt các điểm thu mua ngay tại CLB, THT để thu gom ca cao tươi về sơ chế xuất khẩu.

Theo Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai, để hỗ trợ nông dân trồng cây ca cao đạt hiệu quả, vừa qua ngành nông nghiệp tỉnh đã biên soạn hoàn tất tài liệu “Quy trình trồng, chăm sóc ca cao xen với cây điều và cây lâm nghiệp” để cấp phát hàng ngàn cuốn cho nông dân áp dụng.

Bên cạnh đó, Trung tâm còn tổ chức tập huấn được 70 lớp hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trị bệnh trên cây ca cao với trên 2.800 lượt nông dân tham dự. Mở 15 cuộc hội thảo tại các mô hình điển hình về trồng và chăm sóc, thu hoạch với trên 600 lượt nông dân tham dự. Tổ chức 12 cuộc tham quan các mô hình điển hình tiên tiến trong và ngoài tỉnh với 480 lượt nông dân tham gia.

Trao đổi với NNVN, ông Lương Thành Trung, GĐ Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai cho biết: “Diện tích cây ca cao trên địa bàn tỉnh hiện có 532,3 ha. Trong đó, diện tích đã cho thu hoạch là 365 ha, sản lượng ca cao tươi ước đạt 1.164 tấn. Do giá ca cao đang ngày càng biến động tích cực nên càng khuyến khích bà con nông dân hăng hái đầu tư chuyển đổi, cải tạo vườn thâm canh ca cao”.

Trong năm 2015, UBND tỉnh Đồng Nai đã có Quyết định số 865/QĐ-UBND ngày 13/04/2015 về việc phê duyệt Dự án Cánh đồng lớn hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm ca cao trên địa bàn các huyện Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú do Công ty Ca cao Trọng Đức làm chủ dự án.

Cũng trong năm nay, Công ty Trọng Đức đã hợp tác liên kết với 114 hộ nông dân trên địa bàn 3 huyện trên để trồng mới diện tích 33,92 ha ca cao. Đồng thời Công ty còn phối hợp với UBND huyện Tân Phú thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm ca cao trên địa bàn huyện.(Nông Nghiệp VN)


Từ 1-1-2016, cải cách và đổi mới việc kiểm định ôtô

Theo ông Nguyễn Hữu Trí - phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN, theo thông tư 70/2015/TT của Bộ Giao thông vận tải về kiểm định ôtô sẽ có nhiều đổi mới được áp dụng từ ngày 1-1-2016. 

Theo đó, sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, minh bạch trong thủ tục kiểm tra, tránh phiền hà cho chủ xe, lái xe khi đi kiểm định.

Cụ thể, từ ngày 1-1-2016 sẽ kiểm định xe có biển số đăng ký nhưng mới chỉ có giấy hẹn của cơ quan CSGT, trong khi quy định cũ giấy hẹn phải có dấu của cơ quan đăng ký, trên thực tế cơ quan đăng ký các địa phương hầu như không đóng dấu vào giấy hẹn.

Đăng kiểm không yêu cầu chủ xe xuất trình giấy chứng nhận chất lượng nhập khẩu khi đưa xe đến lập hồ sơ và kiểm định lần đầu. Các đơn vị đăng kiểm thực hiện tra cứu trên mạng nhập khẩu tại cổng thông tin điện tử của Bộ Giao thông vận tải và của Chính phủ.

Việc này giảm giấy tờ đầu vào, đồng thời ngăn chặn được tình trạng một số đối tượng cố tình sửa chữa giấy chứng nhận nhập khẩu nhằm lừa khách hàng để trục lợi.

Ông Nguyễn Hữu Trí cho biết thông tư 70 thực hiện cải cách mạnh về nội dung kiểm tra xe cơ giới trong quá trình kiểm định theo hướng áp dụng nhiều hơn nữa các khuyến nghị của Tổ chức Đăng kiểm ôtô quốc tế, giúp tăng chất lượng kiểm định, đánh giá đúng thực tế và phù hợp với loại xe kiểm định, giảm thời gian chờ của khách hàng.

Cục Đăng kiểm cũng khuyến nghị để giảm thời gian và chi phí khi đi kiểm định, chủ xe cần thực hiện bảo dưỡng phương tiện tại các cơ sở bảo dưỡng có uy tín, khi thay vật tư, phụ tùng cần thay phụ tùng chính hãng, không sử dụng vật tư, phụ tùng trôi nổi, kém chất lượng.

Nên sử dụng dịch vụ đăng ký kiểm định qua 1080 hoặc qua điện thoại trực tiếp với các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới để được sắp xếp, biết được thời gian đưa xe đến kiểm định, tránh phải chờ đợi. Các đơn vị đăng kiểm đang bố trí ưu tiên cho các xe có đăng ký trước khi đi kiểm định.(TT)


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục