tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh trưa 06-01-2016

  • Cập nhật : 06/01/2016

Truy tố 10 
hải quan vụ chiếm đoạt 110 tỉ tiền hoàn thuế

 Nguyên chi cục trưởng Chi cục hải quan cửa khẩu quốc tế Hà Tiên cùng đồng phạm đã thiếu trách nhiệm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cá nhân chiếm đoạt 110 tỉ tiền hoàn thuế.

nhom doanh nghiep, ca nhan tham gia lap ho so khong de chiem doat 110 ti dong tien hoan thue da bi tand tinh kien giang xet xu thang 9-2015

Nhóm doanh nghiệp, cá nhân tham gia lập hồ sơ khống để chiếm đoạt 110 tỉ đồng tiền hoàn thuế đã bị TAND tỉnh Kiên Giang xét xử tháng 9-2015

Liên quan vụ “chiếm đoạt 110 tỉ đồng tiền hoàn thuế GTGT”, ngày 4-1 lãnh đạo Viện KSND tỉnh Kiên Giang cho biết đã ra cáo trạng truy tố 10 bị can nguyên cán bộ hải quan của tỉnh này về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Các bị can bị truy tố gồm Lâm Văn Giao (50 tuổi) - nguyên chi cục trưởng Chi cục hải quan cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, Võ Văn Toàn (47 tuổi) - nguyên chi cục trưởng Chi cục hải quan cửa khẩu quốc gia Giang Thành - cùng các thuộc cấp tại hai đơn vị này.

Các bị can này bị cáo buộc thiếu trách nhiệm trong quá trình thực thi công vụ, tạo điều kiện cho một số cá nhân mua bán hóa đơn khống để chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT với số tiền lên đến gần 110 tỉ đồng.

Cáo trạng cho thấy các cán bộ hải quan nói trên đã thiếu kiểm tra, giám sát, tạo điều kiện cho một nhóm người lập công ty ma, mua bán hóa đơn VAT để chiếm đoạt tiền thuế GTGT. Trong đó số tiền bị thiệt hại mà cá nhân ông Giao và ông Toàn phải chịu trách nhiệm lên đến hơn 90 tỉ đồng.


Nhiều công chức Đồng Tháp không biết... đóng dấu

Đây là số liệu từ cuộc sát hạch trình độ, năng lực đội ngũ công chức xã, phường ở Đồng Tháp vừa được Sở Nội vụ tỉnh công bố cuối năm 2015.

ubnd p.2, tp sa dec (dong thap) co toi 5/9 cong chuc khong dat yeu cau qua sat hach. trong anh: cac cong chuc phuong nay giai quyet thu tuc hanh chinh cho dan - anh: van truong

UBND P.2, TP Sa Đéc (Đồng Tháp) có tới 5/9 công chức không đạt yêu cầu qua sát hạch. Trong ảnh: các công chức phường này giải quyết thủ tục hành chính cho dân - Ảnh: Vân Trường

Theo ông Trần Phước Hừng - trưởng phòng cải cách hành chính Sở Nội vụ tỉnh Đồng Tháp, đợt này Sở Nội vụ sát hạch 1.200 công chức thuộc năm chức danh trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính tại UBND các xã, phường gồm: văn phòng - thống kê; địa chính - xây dựng - nông nghiệp và môi trường; tư pháp - hộ tịch; tài chính - kế toán và văn hóa - xã hội.

Mỗi công chức trả lời 30 câu hỏi trắc nghiệm (30 điểm), trong đó kiến thức chung về cải cách hành chính, tin học, soạn thảo văn bản chiếm 40%, còn 60% câu hỏi là kiến thức chuyên môn lĩnh vực mà người đó 
đang làm.

Các huyện Hồng Ngự, Thanh Bình và Cao Lãnh có tỉ lệ công chức đạt yêu cầu (từ 20 điểm trở lên) khá cao. Các địa phương còn lại có tỉ lệ đạt yêu cầu rất thấp. Trong đó TP Sa Đéc “đội sổ” khi có tới 49% công chức không đạt yêu cầu. Các huyện Châu Thành, Tam Nông, Tân Hồng, Lai Vung, Lấp Vò và TP Cao Lãnh có trên 20% công chức không đạt.

Tính chung toàn tỉnh có khoảng 20% công chức cấp xã không đạt yêu cầu, tức gần 240 người. Báo cáo của Sở Nội vụ Đồng Tháp đã thẳng thắn nhìn nhận: “Quá trình sát hạch chưa thật sự nghiêm túc, công chức còn trao đổi, sử dụng tài liệu nhiều.

Nhiều người làm bài kiểm tra mang tính đối phó, chưa thật sự nhìn nhận những hạn chế của bản thân để có biện pháp khắc phục”. Như vậy số lượng công chức chưa đạt yêu cầu có thể cao hơn 20%.

Ông Hừng kể nhiều công chức không trả lời được các câu hỏi về chuyên môn mà họ làm hằng ngày. Ông nêu ví dụ đề sát hạch công chức địa chính - xây dựng - nông nghiệp và môi trường hỏi: “Bãi bồi ven sông trên địa bàn xã, phường, thị trấn do cơ quan nào quản lý?” (đáp án: UBND cấp xã); “Thời gian cấp lại giấy phép xây dựng nhà ở nông thôn là bao nhiêu ngày làm việc?” (5 ngày)... nhưng rất nhiều người trả lời sai. Đề sát hạch công chức văn phòng - thống kê hỏi: “Trẻ em sinh ra sống được từ 24 giờ trở lên rồi mới chết thì cần đăng ký khai sinh hay không?” (phải đăng ký); “Theo quy định của Bộ Nội vụ thì dấu được đóng như thế nào?” (đóng ngay ngắn, rõ ràng, trùm lên 1/3 chữ ký về phía trước, mực dấu màu đỏ tươi)... nhưng số câu trả lời sai rất lớn.

TP Sa Đéc là nơi có tỉ lệ công chức rớt sát hạch cao nhất tỉnh Đồng Tháp. Ông Lê Ngọc Quang Hồng, chủ tịch UBND P.2 (TP Sa Đéc), nói ông rất bất ngờ khi nhận được thông báo kết quả có tới 5/9 công chức của phường không đạt gồm: 2 công chức địa chính - xây dựng, 2 công chức tư pháp - hộ tịch và công chức văn hóa - xã hội.

Ông nói: “Tôi quan sát công việc hằng ngày thấy họ làm rất tốt, nhưng không hiểu tại sao điểm sát hạch lại thấp như vậy. Cũng may là qua đợt sát hạch này mới biết anh em nào yếu cái gì để bồi dưỡng, học thêm”. Ông Nguyễn Văn Sơn (công chức tư pháp - hộ tịch) thừa nhận do trước đây làm cán bộ địa chính, mới chuyển sang làm lĩnh vực này chưa tới một năm nên kiến thức lĩnh vực còn hổng rất nhiều.

Còn ông Nguyễn Hữu Thiện (công chức địa chính - xây dựng) nói ông đã 55 tuổi, ngoài giờ làm việc phải lo toan chuyện gia đình nên hạn chế trong việc cập nhật kiến thức mới. Cả hai người đều xác nhận kết quả sát hạch phản ánh đúng thực tế.

Ông Nguyễn Văn Dương, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nói kết quả sát hạch cho thấy một tỉ lệ khá cao công chức chưa đạt yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ. Theo ông Dương, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính cấp xã.

Ông đã chỉ đạo các địa phương tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với những người rớt sát hạch và làm bài chưa nghiêm túc, đồng thời sắp xếp, bố trí lại công việc cho phù hợp với năng lực, trình độ chuyên môn. UBND xã, phường, thị trấn lấy kết quả sát hạch này làm tiêu chí phân loại, đánh giá công chức hằng năm.

Còn theo Sở Nội vụ Đồng Tháp, việc sát hạch công chức phường, xã sẽ được tiến hành hai năm/lần. Những người không đạt cả hai lần sát hạch này sẽ bị sa thải.


Làng hoa 200 tỉ được công nhận là làng nghề

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa tổ chức lễ công nhận làng hoa Xuân Thành (xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt) là làng nghề truyền thống.

Đây là làng hoa thứ tư ở Đà Lạt được công nhận làng nghề truyền thống cùng với các làng hoa Vạn Thành, Thái Phiên, Hà Đông.

Nghề trồng hoa ở Xuân Thành bắt đầu từ những năm 1960. Hiện nay có 248 hộ trồng hoa với các loại chủ lực như cẩm chướng, lay ơn, cát tường, hoa cúc cắt cành... Tổng diện tích trồng hoa tại đây gần 150 ha với sản lượng 100 triệu cành/năm, doanh thu hơn 200 tỉ đồng/năm và thu nhập bình quân từ nghề này khoảng 700 triệu đồng/ha/năm, cao gấp ba lần so với trồng rau thương phẩm.


Hơn 2 ngày có một đoàn Bộ TN-MT đi công tác nước ngoài

Bộ Tài nguyên và môi trường vừa có thống kê “giật mình” cho thấy bộ có tới 170 đoàn đi công tác nước ngoài năm 2015, tức bình quân hơn hai ngày bộ này có một đoàn đi nước ngoài.

Thống kê của Bộ Tài nguyên và môi trường 
(TN-MT) về công tác cán bộ năm 2015, trong đó nêu rõ bộ có tới 170 đoàn đi công tác nước ngoài, 800 lượt cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng, học tập kinh nghiệm trong nước, khoảng 600 lượt cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài. 

Báo cáo chuyên đề kết quả thực hiện công tác tổ chức cán bộ năm 2015 của Bộ TN-MT dẫn chứng những đợt cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng, học tập kinh nghiệm nước ngoài như cử 6 cán bộ đăng ký khóa bồi dưỡng trung hạn tại Mỹ và Canada theo đề án của trung ương về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước (gọi tắt là đề án 165);

Cử 13 cán bộ đi học tập tại Ba Lan quản lý nhà nước về khoáng sản, đo đạc và bản đồ; cử 20 cán bộ đi học tập tại Úc về biến đổi khí hậu; tổ chức một đoàn đi học tập tại Mỹ cho 22 cán bộ theo đề án 165 (năm 2016); cử 16 cán bộ tham gia dự tuyển chương trình học bổng Chính phủ Úc;

Cử 43 cán bộ đi học tập, bồi dưỡng tại Trung Quốc về quản lý tài nguyên đất đai và bảo vệ môi trường; cử 4 cán bộ đi học tập tại Nhật về môi trường và dữ liệu khoáng sản; cử 19 cán bộ tham gia dự tuyển chương trình Kinh tế xanh tại Đức; cử 9 cán bộ đi học tại Singapore...

Theo nhận định tại báo cáo chuyên đề kết quả thực hiện công tác tổ chức cán bộ năm 2015, Bộ TN-MT cho rằng công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức ngắn hạn nói chung được chú trọng.

Tuy nhiên, báo cáo của Bộ TN-MT cũng thừa nhận về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cả trong nước lẫn ngoài nước có một số tồn tại.

“Thái độ tham gia học tập của một số công chức, viên chức chưa nghiêm, chưa xác định đúng mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng; chương trình đào tạo, bồi dưỡng còn tập trung nhiều vào lý thuyết” - báo cáo nêu rõ.


Tạm giam cán bộ quản lý thị trường nghi cướp ô tô

Cán bộ quản lý thị trường này là nghi phạm vụ cướp ô tô xảy ra rạng sáng ngày 22-12-2015 trên đường hành lang ven biển phía Nam đoạn qua xã Đông Hòa, huyện An Minh, Kiên Giang.

hien truong vu cuop - anh: dinh nam

Hiện trường vụ cướp - Ảnh: Đình Nam

Ngày 5-1, lãnh đạo Công an huyện An Minh (Kiên Giang) cho biết đã khởi tố vụ án cướp tài sản, khởi tố bị can và tạm giam ông Hứa Ngọc Hiền (54 tuổi, ngụ TP Cà Mau) sau khi ông này điều trị vết thương tại Bệnh viện đa khoa Kiên Giang. 

Như Tuổi Trẻ đã thông tin, ông Hiền thuê ông Nguyễn Ngọc Hạp (ngụ P.6, TP Cà Mau) chở đi Kiên Giang bằng ô tô 7 chỗ. Khi xe chạy trên đường hành lang ven biển phía Nam, đến địa bàn xã Đông Hòa (huyện An Minh, Kiên Giang), bất ngờ ông Hiền dùng dây xiết cổ tài xế từ phía sau.

Trong lúc vùng vẫy, ông Hạp chụp được ống tuýp sắt, trong đó có gắn con dao, đâm ông Hiền. Sau đó, ông Hiền được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang cấp cứu trong tình trạng bị thương rất nặng.

Ông Huỳnh Vũ Phong - chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường tỉnh Cà Mau - xác nhận ông Hiền là nhân viên hợp đồng của chi cục.

Trước đó, ông Hiền công tác tại huyện Ngọc Hiển nhưng do bị tố cáo liên quan đến chuyện tiền bạc nên chi cục rút về Phòng Tổ chức và được phân công làm nhiệm vụ lái xe. Vụ tố cáo đang trong quá trình xác minh thì xảy ra sự việc.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục