tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh 07-01-2016

  • Cập nhật : 07/01/2016

Chủ tịch Đường sắt phát khóc vì chậm làm rào chắn đường ngang

Phát biểu tại Hội nghị sản xuất kinh doanh năm 2016 ngày 5/1, ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt đã nhận khuyết điểm, xin chịu kỷ luật do chậm triển khai rào chắn tự động đường ngang, khiến tai nạn giao thông đường sắt tăng cao. Năm 2015, đường sắt xảy ra 261 vụ tai nạn, tăng  96 vụ (tăng 58%) so với năm trước, làm chết 214 người (tăng 53%), bị thương 86 người (tăng 100%). “Tôi xin chịu trách nhiệm, kể cả kỷ luật. Tôi có lỗi, vì đáng lẽ chỉ cần xin ý kiến Bộ trưởng nhưng tôi xin ý kiến cả Vụ Khoa học và Công nghệ nên đến nay vẫn chưa được duyệt và đã có lúc tôi phải phát khóc lên", ông Trần Ngọc Thành giãi bày khi đề cập việc chưa triển khai 300 đường ngang có rào chắn tự động đã được đầu tư năm 2015.

chu tich duong sat tran ngoc thanh khang dinh nganh duong sat se doi  moi trong nam 2016. anh: xuan hoa

Chủ tịch Đường sắt Trần Ngọc Thành khẳng định ngành đường sắt sẽ đổi  mới trong năm 2016. Ảnh: Xuân Hoa

Ông Thành cho biết, năm 2015, sau khi thử nghiệm được 40 rào chắn thành công, Tổng công ty đường sắt đề nghị Bộ Giao thông đưa vào tiêu chuẩn, quy chuẩn để triển khai đồng bộ thì “vụ nọ đẩy vụ kia, thậm chí thuê tư vấn thẩm định mà vẫn không triển khai được". 

“Bộ bảo thuê tư vấn nhưng làm không xong, tôi đi thuê người khác chứ không thể làm kiểu này được. Tôi làm đúng luật nhưng hơi hèn, đáng lẽ tôi xin ủy quyền ngay thì đến ngày hôm nay đã làm được, đỡ phải đêm hôm nghe điện thoại muốn phát khóc lên”, ông Trần Ngọc Thành nói.  

Sau khi chia sẻ, ông Trần Ngọc Thành đã đề nghị Bộ trưởng Đinh La Thăng ủy quyền để Tổng công ty Đường sắt huy động ngay nguồn lực lắp ráp rào chắn tự động ngay trong đầu năm 2016. Cũng trong hội nghị, Chủ tịch đường sắt khẳng định quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút khách hàng... Ông Trần Ngọc Thànhnêu ra chuyện ngành đường sắt đang lấy doanh thu của khối hành khách để bù cho hàng hóa, trong khi trên thế giới là ngược lại. Do đó, mục tiêu của ngành là đổi mới các phương thức vận tải hàng hóa để có lãi. 

tau khach tuyen ha noi - lang son. anh: ba do.

Tàu khách tuyến Hà Nội - Lạng Sơn. Ảnh: Bá Đô.

“Thói hư tật xấu là trước đây khách hàng đến phải cầu cạnh, xin xe, cấp xe... Chúng ta quấy nhiễu nhiều quá nên các khách hàng lớn của đường sắt bỏ đi hết. Các nhánh đường sắt vận chuyển hóa chất, apatit, ximăng... bị tháo dỡ hết. Vận tải hàng hóa mà chỉ có mỗi trục đường chính thì không khác gì con người thiếu chân tay, đi xe lăn”, ông Thành thừa nhận và cho biết, hiện đường sắt chưa vận dụng hết 5.000 toa xe các loại và  còn năng lực chạy tàu ở một số đoạn lên 25 đôi tàu/ngày đêm thay vì 17 đôi tàu. 

"Mới đây, Tổng công ty đường sắt đã tổ chức hội nghị tri ân khách hàng nhưng thực chất là để xin lỗi hành khách, cầu cạnh người ta quay lại để phát triển", ông Thành nói. 

Người đứng đầu ngành đường sắt khẳng định năm 2016 ngành sẽ đổi mới mạnh mẽ hơn các năm trước. “Những năm qua chỉ là dọn nhà và năm 2016 mới là năm thay đổi của đường sắt. Nhiều lúc tôi không dám ốm. Các đồng chí không được ốm vì phải lăn lộn với sự phát triển của đường sắt. Dám hi sinh và làm thật, quyết tâm, dứt khoát không được trì trệ nữa. Tôi còn làm việc một phút ở đường sắt cũng phải hết mình”, ông Trần Ngọc Thành khẳng định. 


Chất thải chì, kẽm tràn xuống sông vì vỡ bể chứa

Đáy bể chứa bị vỡ khiến hàng trăm nghìn mét khối nước và bùn thải chì kẽm tràn ra đường, chảy xuống sông đe dọa môi trường sống và sức khỏe con người ở Cao Bằng.

Sự cố xảy ra chiều 5/1 tại Công ty TNHH CKC (thị trấn Pác Miều, Bảo Lâm, Cao Bằng). Tấm bê tông đáy bị vỡ khiến cho hàng trăm nghìn m3 nước và bùn thải chì, kẽm tràn ra ngoài, chảy xuống sông Gâm, gây ô nhiễm nặng.Vietnamplus dẫn lời ông Vũ Ngọc Lưu, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, hiện vẫn chưa đánh giá được mức độ thiệt hại của sự cố. Công ty đã huy động tất cả lực lượng để khắc phục.

vo be chua thai o cao bang. anh: ttxvn.

Vỡ bể chứa thải ở Cao Bằng. Ảnh: TTXVN.

Trao đổi với VnExpress, TS Phạm Khang, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết, trong bùn thải không chỉ có chì mà còn có kim loại nặng khác, nếu tràn ra ngoài môi trường sẽ rất nguy hiểm. "Kim loại nặng lẫn vào nước và đất sẽ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến các sinh vật và thậm chí là cả con người", tiến sĩ Khang nói và cho biết tùy vào lượng bùn thải tràn ra thế nào, nồng độ trong đó có cao không, mới đánh giá hết mức độ thiệt hại của sự cố.

Giải thích về cơ chế tác động tới con người, TS Phùng Chí Sỹ, chuyên gia môi trường cảnh báo, bùn thải chì, kẽm chất khi ra môi trường có thể tích tụ trong rau, tôm, cá… Khi con người ăn vào sẽ rất nguy hiểm. Nếu lượng bùn thải đi vào nguồn nước cũng tác động tới con người khi tắm giặt.

“Nếu chì ở dạng hòa tan mới độc, còn ở dạng bột thì ít nguy hiểm hơn”, ông Sỹ nói và cho rằng việc khắc phục bùn thải chì, kẽm phải được thực hiện lâu dài. Trước mắt nếu nồng độ chì không cao thì có thể hốt đất đổ đi, người dân hạn chế sử dụng nguồn nước và kiểm tra thực phẩm trước khi ăn.

Công ty TNHH CKC đóng tại xóm Lạng Cá, thị trấn Pác Miều (Bảo Lâm, Cao Bằng). Nhà máy sản xuất chì kẽm của công ty được xây dựng với công suất thiết kế 1.200 tấn/ngày, gồm 2 dây chuyền. Vùng nguyên liệu gồm các mỏ Bản Khun, Chè Pẻn, Phiêng Mường, Tổng Ngoảng, Bản Trang.


EVN lên kế hoạch giá điện 2016 tăng 30 đồng mỗi kWh

Chưa trực tiếp kiến nghị tăng giá lên cơ quan quản lý song kế hoạch kinh doanh năm nay của Tập đoàn Điện lực được tính toán mức giá 1.651 đồng mỗi kWh, cao hơn hiện hành 30 đồng.

Trình bày báo cáo tổng kết năm 2015 tại doanh nghiệp sáng 6/1, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay đã đặt kế hoạch giá bán điện bình quân năm 2016 khoảng 1.651 đồng mỗi kWh. Trong khi đó, mức thực hiện của năm 2015 mà Bộ Công Thương đang quy định là 1.622 đồng.

Con số tại bản kế hoạch mới mà EVN đưa ra cũng cao hơn giá bán điện trung bình của tập đoàn năm qua hơn 20 đồng một kWh. Theo đó, giá điện bình quân toàn tập đoàn năm 2015 đạt xấp xỉ 1.630 đồng mỗi kWh (tăng 12,58 đồng so kế hoạch).

Nhờ vậy, doanh thu bán điện 2015 của EVN tăng thêm 1.800 tỷ đồng, trên tổng số 233.710 tỷ mà ngành nghề chính mang lại. Mức này đã tăng 18,5% so với một năm trước. Tại bản báo cáo cuối năm, EVN cho biết Công ty mẹ và 9 tổng công ty đều đạt lợi nhuận cao hơn kế hoạch song chưa tiết lộ con số cụ thể.

Khác với mọi năm, khi hội nghị tổng kết thường là dịp để tập đoàn đề xuất điều chỉnh giá bán điện, EVN lần này không đưa ra kiến nghị cụ thể nào về tăng giá. Thay vào đó, doanh nghiệp đề nghị Chính phủ giữ ổn định giá khí trong bao tiêu và giá than đối với sản xuất điện. Lần gần nhất ngành điện được tăng giá bán lẻ là 16/3/2015 với mức 7,5%, tương đương 12,58 đồng mỗi kWh.

EVN cũng cam kết trong năm tới sẽ điều hành hệ thống điện, thị trường phát điện cạnh tranh theo hướng kiểm soát chi phí khâu phát - mua điện để giảm chi phí. Tập đoàn phấn đấu đạt chỉ tiêu tổn thất điện năng còn 7,7%, giảm 0,3% so với mức đạt được năm qua.

Về kế hoạch sản xuất năm 2016, EVN dự kiến huy động khoảng 175,9 tỷ kWh, tăng 10,35% so với năm 2015. Trong đó, điện sản xuất là 81,9 tỷ kWh và điện mua là 93,98 tỷ kWh.


Người Việt uống 3,4 tỷ lít bia năm 2015

Con số này tăng 10% so với năm 2014 và cho thấy mỗi người Việt uống trung bình gần 38 lít bia một năm.

Báo cáo của Hiệp hội Bia rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, năm 2015, sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia ở Việt Nam đạt 3,4 tỷ lít, tăng 10% so với năm trước và gần 41% so với 2010. Trong đó, riêng Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đạt 1,5 tỷ lít, số còn lại thuộc về các doanh nghiệp khác.

nguoi-viet-uong-3-4-ty-lit-bia-nam-2015

Lượng tiêu thụ bia tại Việt Nam tiếp tục tăng trong năm qua. Ảnh: AFP

Theo lãnh đạo VBA, do cạnh tranh lớn trên thị trường nên so với giai đoạn 2005-2010 tốc độ tăng trưởng của ngành Bia rượu và Nước giải khát hiện đã giảm. Năm nay, các doanh nghiệp đóng góp cho ngân sách khoảng 30.000 tỷ đồng, thấp hơn năm 2014.

Trong khi đó, mức tiêu thụ rượu và nước giải khát cũng tăng trưởng đáng kể với 75 triệu lít và 4,8 tỷ lít. Dù là ngành kinh doanh có điều kiện song VBA cho rằng việc quản lý rượu tự nấu, rượu lậu, rượu giả vẫn chưa hiệu quả, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.

"Mức tiêu thụ rượu tự nấu trên thị trường ước đạt 200 triệu lít một năm, gấp 3 lần rượu sản xuất công nghiệp. Đó còn chưa kể các loại rượu ngoại nhập về cũng tăng dần trong các năm", lãnh đạo VBA bày tỏ.

Nhận định về thị trường 2016, VBA cho biết với các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã và sẽ ký với nhiều quốc gia giúp ngành có thị trường tiêu thụ rộng lớn. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp nội địa.


Doanh thu bán điện của EVN tăng 1.800 tỉ đồng

Trong năm 2015, giá bán điện bình quân của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đạt 1.629,8 đồng/kWh (tăng 12,58 đồng/kWh so với kế hoạch), doanh thu bán điện tăng thêm 1.800 tỉ đồng.

Đây là thông tin được đưa ra trong hội nghị tổng kết năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016 của EVN diễn ra ngày 6-1.

Theo báo cáo của EVN, trong năm 2015 giá bán điện bình quân của EVN đạt 1.629,8 đồng/kWh (tăng 12,58 đồng/kWh so với kế hoạch), hiệu quả doanh thu bán điện tăng thêm 1.800 tỉ đồng. Tất cả tổng công ty điện lực đều hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch giá bán điện bình quân 11-17 đồng/kWh. Tính chung doanh thu bán điện toàn tập đoàn ước đạt 233.710 tỉ đồng, tăng 18,5% so với năm 2014.

EVN cũng cho biết lợi nhuận sản xuất kinh doanh điện của công ty mẹ và các tổng công ty trực thuộc đạt cao hơn kế hoạch. EVN bảo toàn và phát triển được vốn nhà nước. Vốn điều lệ của Công ty mẹ tính đến 31-12-2015 là 160.000 tỉ đồng, tăng 2,08 lần so với vốn điều lệ năm 2010.

Cũng trong năm 2015, EVN đã đạt chỉ tiêu giảm tổn thất điện năng còn 8%, giảm 0,43% so với năm 2014. Năng suất lao động sản xuất kinh doanh điện tăng 10% so với năm 2014 (đạt 1,54 triệu kWh/người).

Về kế hoạch năm 2016, EVN đặt ra chỉ tiêu giá điện bình quân toàn tập đoàn là 1.651,2 đồng/kWh, tỉ lệ tổn thất điện năng toàn tập đoàn là 7,7%. Với kế hoạch này, giá điện bình quân năm 2016 sẽ tăng khoảng 21 đồng/kWh so với năm 2015.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục