Mỹ tịch thu hơn 4,6 triệu USD tiền 'âm phủ' của hai người Việt
Hạn hán đe dọa mất mùa cà phê
Sớm hoàn thành hệ thống camera quan sát toàn TP.HCM
Đà Nẵng: 61 người chết vì tai nạn lao động
Chủ công ty bỏ trốn, công nhân không được trả lương
Tin trong nước đọc nhanh chiều 18-02-2016
- Cập nhật : 18/02/2016
1,5 tỷ USD để xây tháp truyền hình cao nhất thế giới tại Việt Nam
Để làm khối tháp sẽ tiêu tốn khoảng 900 triệu USD, còn tổng mức đầu tư cả dự án này khái toán lên tới 1,3 - 1,5 tỷ USD.
Theo nguồn tin của Báo Pháp Luật Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và hai đối tác là Tổng Công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Tập đoàn BRG của nữ đại gia Nguyễn Thị Nga đã thành lập Công ty cổ phần tháp truyền hình Việt Nam để xây dựng tòa tháp 636m cao nhất thế giới tại khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội) với tổng mức đầu tư 900 triệu USD.
Cũng theo nguồn tin này, 900 triệu USD là con số riêng để làm khối tháp, còn tổng mức đầu tư cả dự án này khái toán lên tới 1,3 - 1,5 tỷ USD.
Theo dự kiến, khu vực trung tâm Khu đô thị mới Tây Hồ Tây, thuộc ranh giới phường Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội với tổng diện tích khoảng 14,1ha. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là công trình tháp biểu tượng cao nhất thế giới với chiều cao 636m.
Trước đó đại diện của VTV cho biết, tháp truyền hình sẽ thực hiện đầu tư xây dựng trong 6 năm, trong đó thời gian thực hiện chuẩn bị đầu tư hơn 2 năm và sẽ hoàn thiện đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2021.
Theo thiết kế, đây là công trình vĩnh cửu, có tuổi thọ hàng trăm năm và với tính toán sơ bộ của đơn vị tư vấn, thời gian hoàn vốn cho tổ hợp dự án tháp truyền hình khoảng 15 năm kể từ ngày đưa vào vận hành khai thác. .
Trên thế giới, tháp truyền hình luôn là biểu tượng tiêu biểu của một quốc gia, chẳng hạn như tháp Eiffel nổi tiếng của Pháp, tháp CN Tower của Canada, tháp Canton Tower tại Trung Quốc,… và mới đây là tháp truyền hình cao nhất thế giới cho đến nay Sky Tree của Nhật Bản. Mỗi tháp truyền hình được xây dựng ở những giai đoạn khác nhau, tuy nhiên, chi phí để hoàn thành những công trình này đều tiêu tốn hàng chục đến hàng trăm đô la Mỹ.
Rút kiểm định taxi còn 6 tháng: Có gây khó cho doanh nghiệp?
Quy định rút ngắn chu kỳ kiểm định của taxi từ 24 tháng cho lần đầu và từ lần sau là 12 tháng, xuống còn 18 tháng và 6 tháng đã gặp phải sự phản ứng gay gắt của nhiều hiệp hội và doanh nghiệp taxi.
Trước đây, chu kỳ kiểm định lần đầu của xe taxi là 24 tháng, lần sau 12 tháng. Nhưng từ đầu năm 2016, theo Thông tư 70 của Bộ GTVT, chu kỳ kiểm định đã rút ngắn lại là lần đầu 18 tháng, lần sau 6 tháng.
Ngay sau khi Thông tư 70 có hiệu lực, Hiệp hội taxi Hà Nội và TPHCM đã đồng loạt kiến nghị về việc giữ nguyên chu kỳ kiểm định với taxi như trước đây.
Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TPHCM cho biết, theo quy định tại Thông tư 70 của Bộ GTVT, doanh nghiệp (DN) sẽ tốn gấp đôi chi phí kiểm định hằng năm và tăng gấp đôi thời gian ngừng kinh doanh do đưa xe đi kiểm định, khiến việc giảm giá cước taxi rất khó.
Còn ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cũng cho rằng: “Hiện nay, các hãng ô tô đã tăng thời gian bảo hành từ 2 năm lên 3 năm và từ 20.000 km lên 200.000 km. Điều kiện cơ sở hạ tầng, đường sá đã được nâng cấp, chất lượng tốt hơn. Vậy không có lý do gì để rút ngắn chu kỳ kiểm định đối với các phương tiện là taxi. Đó còn chưa kể, hằng năm các DN taxi sẽ phải đưa xe đi kiểm định 2 lần gây tốn kém, mất thời gian”.
Ông Hồ Quốc Phi, Chánh văn phòng Tập đoàn Mai Linh bày tỏ, việc rút ngắn chu kỳ kiểm định với đối tượng ô tô kinh doanh taxi sẽ gây khó khăn cho DN, tăng chi phí đầu vào. Chi phí này sẽ đổ lên đầu người tiêu dùng thông qua cước taxi. Trong khi đó, “tuổi thọ” của xe taxi tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM cũng đã bị rút ngắn tối đa, không quá 8 năm tính từ năm sản xuất.
Trước những phản ứng khá gay gắt từ phía người kinh doanh, ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định, Thông tư 70 hoàn toàn dựa trên cơ sở khoa học, và trong thực tế, tỉ lệ xe taxi kiểm định không đạt chiếm khá cao, khoảng 15%. Vì vậy, việc rút ngắn chu kỳ kiểm định để tăng cường kiểm soát chất lượng phương tiện là tất yếu.
Đặc biệt, qua khảo sát một số hãng taxi tại Hà Nội và TPHCM cho thấy, so với ô tô cá nhân, thì xe kinh doanh taxi hoạt động với cường độ lớn hơn rất nhiều. Trung bình mỗi tháng, một xe taxi lăn bánh khoảng 5.000 km, một năm là 60.000 km, gấp 5-6 lần so với ô tô cá nhân.
“Việc quản lý, kiểm soát chất lượng phương tiện của cơ quan chức năng thông qua chỉ tiêu số kilomet lăn bánh của xe, chứ không qua niên hạn. Do vậy, việc rút ngắn chu kỳ kiểm định với xe taxi 6 tháng/lần là hợp lý. Tuy nhiên, Cục Đăng kiểm sẽ tổng hợp ý kiến của các DN và báo cáo lên Bộ GTVT, quyết định cuối cùng sẽ do Bộ quyết định”, ông Nguyễn Hữu Trí cho biết thêm.
Trước đó, Hiệp hội taxi TPHCM đã kiến nghị Bộ GTVT xem xét giữ nguyên chu kỳ kiểm định ô tô đến 9 chỗ ngồi kinh doanh vận tải hành khách có chu kỳ đầu 24 tháng và từ lần thứ 2 trở đi là 12 tháng.
Tp.HCM sắp đầu tư dự án xe buýt nhanh BRT trị giá 124 triệu đô la
UBND TP. HCM vừa gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư hồ sơ đề xuất hỗ trợ kỹ thuật cho dự án phát triển giao thông xanh (xe buýt nhanh BRT) với kinh phí 10,5 triệu USD.
Đây là một phần nằm trong tổng thể Dự án phát triển giao thông xanh TP. Hồ Chí Minh sử dụng vốn vay ưu đãi ODA của Ngân hàng Thế giới (124 triệu USD) nhằm đầu tư tuyến BRT số 1 dọc theo trục đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ dự kiến sẽ được vận hành vào năm 2018.
Dự án hỗ trợ kỹ thuật của SECO (thực hiện từ năm 2016 – 2020) sẽ bao gồm các nội dung như nghiên cứu quy hoạch đô thị tích hợp dọc hành lang dự án BRT, quy hoạch giao thông và tăng cường tính kết nối, tăng cường năng lực cho các đơn vị và sở ngành có liên quan.
Về nội dung cụ thể, dự án gồm 3 hợp phần, trong đó hợp phần A là quy hoạch đô thị tích hợp, hỗ trợ các hoạt động tích hợp quy hoạch đô thị dọc hành lang tuyến BRT số 1;
Hợp phần B thực hiện quy hoạch giao thông và tăng cường tính kết nối các phương thức giao thông khác với hệ thống BRT còn hợp phần C sẽ tăng cường năng lực cho các đơn vị liên quan.
Điểm đầu là nút giao vòng xoay An Lạc, điểm cuối là ngã ba Cát Lái, đi qua địa bàn quận Bình Chánh, Bình Tân, quận 6, quận 5, quận 1 và quận 2.
Theo ý tưởng thiết kế, dự án xe buýt nhanh sẽ có hệ thống trạm dừng đặt ở dải phân cách giữa; có lề đường riêng, xe sử dụng khí nén thiên nhiên thân thiện với môi trường, cửa lên xuống ở 2 bên xe; tích hợp với tuyến đường sắt đô thị metro cũng như với các loại hình giao thông khác.
So với xe buýt hiện tại, xe buýt nhanh sẽ tăng sức chứa, tốc độ cao hơn, (đạt 30km/h). Dự tính năm 2018 khi đưa vào khai thác sẽ đạt 31.600 khách/ngày còn năm 2020 sẽ đạt 86.250 khách/ngày.
Tuy nhiên điểm yếu của các tuyến xe buýt BRT là đòi hỏi trình độ quản lý, vận hành khai thác cao hơn so với xe buýt hiện hành, chi phí cũng cao hơn; là loại hình vận tải đô thị mới trong khi thành phố chưa có kinh nghiệm trong xây dựng, vận hành và khai thác hệ thống.
Do vậy, thành phố cần đầu tư xây dựng thêm những trung tâm cung ứng nguồn nhân lực cho lĩnh vực này, xây dựng chính sách đền bù giải tỏa và tái định cư phù hợp, khuyến khích người dân tham gia...
TP.HCM kiến nghị cho phép chỉ định tổng thầu EPC metro số 2
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa kiến nghị Thủ tướng xem xét chấp thuận chủ trương cho thành phố được phép thực hiện chỉ định tổng thầu EPC di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật của dự án metro số 2.
Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ định tổng thầu EPC (hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình) đối với công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật của dự án đã được Bộ Giao thông Vận tải ủng hộ chủ trương chỉ định thầu một đơn vị làm tổng thầu.
Hiện nay, Ban Quản lý Đường sắt Đô thị thành phố đang hoàn chỉnh lại phương án lựa chọn nhà thầu theo Điều 26 của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013 của Quốc hội để báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Trên cơ sở đó, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Xây dựng sớm xem xét, có ý kiến đồng thuận như quan điểm nêu trên của Bộ Giao thông Vận tải.
Về công tác thiết kế nền tảng (thiết kế FEED), hiện nay Ban Quản lý Đường sắt Đô thị thành phố (chủ đầu tư) đã có công văn gửi Bộ Xây dựng để xin ý kiến về việc không cần thẩm tra bước thiết kế nền tảng ở giai đoạn này và sẽ thực hiện ở bước thiết kế kỹ thuật-thiết kế chi tiết khi triển khai các gói thầu thiết kế-thi công và tổng thầu EPC theo yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải.
Trong khi đó, thiết kế cơ sở điều chỉnh của dự án đang được Sở Giao thông Vận tải thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức thẩm định.
Liên quan đến tiến độ dự án tuyến metro số 2 Bến Thành-Tham Lương, có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh lên hơn 2 tỷ USD, lũy kế giải ngân từ đầu năm 2015 đến ngày 15/1 vừa qua vốn ODA đạt gần 108 tỷ đồng, vốn đối ứng đạt 8 tỷ đồng.
Trong công tác giải phóng mặt bằng, Ban Quản lý Đường sắt Đô thị thành phố đã bàn giao ranh điều chỉnh các nhà ga cho địa phương để triển khai lập phương án và tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Hiện Ủy ban Nhân dân các quận huyện đang tiến hành đo vẽ, lập phương án bồi thường.
Ban Quản lý Đường sắt Đô thị thành phố đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình, đã đổ bêtông sàn thứ năm tòa nhà văn phòng, các công trình phụ trợ tại depot Tham Lương (gói thầu CP1). Các gói thầu còn lại của dự án đang trong giai đoạn sơ tuyển và lập hồ sơ mời thầu./.
Thủ tướng chỉ đạo tổng kiểm tra, rà soát chung cư cũ
Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị về việc kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm tại đô thị.
Theo đánh giá của Chính phủ, hiện nay tại các đô thị trên cả nước vẫn còn tồn tại nhiều nhà chung cư và công trình công cộng được xây dựng từ lâu, đã hết niên hạn sử dụng, chất lượng bị xuống cấp. Nhiều công trình đã bị hư hỏng, có dấu hiệu lún, nứt, nghiêng gây mất an toàn nghiêm trọng cho người sử dụng và trên thực tế đã xảy ra những sự cố đáng tiếc như sập, đổ công trình, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân.
Nguyên nhân do các công trình này trải qua quá trình sử dụng đã lâu, đan xen nhiều hình thức sở hữu, nhiều người sử dụng, thiếu sự quản lý chung, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng công trình được ban hành trước đây chưa đầy đủ, chưa đồng bộ; mặt khác, do thiếu nguồn vốn và sự quan tâm của các cấp, các ngành dành cho công tác bảo trì, sửa chữa các công trình này.
Vì vậy, việc quản lý, sử dụng cũng như công tác kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn chịu lực để thực hiện bảo trì, sửa chữa, khắc phục và xử lý đối với các công trình này chưa được kịp thời và chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Để giải quyết tình trạng nêu trên, đồng thời nhằm tăng cường công tác quản lý an toàn chịu lực, chủ động phòng tránh các sự cố và có giải pháp khắc phục, xử lý kịp thời đối với các nhà chung cư, các công trình xây dựng cũ, nguy hiểm tại khu vực đô thị, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị đối với Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, ban hành quy trình đánh giá, kiểm định an toàn chịu lực đối với nhà ở và các công trình công cộng; kiểm định an toàn chịu lực và chính sách xử lý đối với nhà ở, công trình công cộng, các công trình chuyên ngành khác bị hư hỏng nặng, nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức rà soát, thống kê, đánh giá, kiểm định an toàn chịu lực đối với các nhà chung cư, nhà biệt thự, trụ sở làm việc, công trình công cộng và các công trình xây dựng khác có dấu hiệu nguy hiểm, mất an toàn tại các đô thị trên cả nước. Đề xuất bổ sung chính sách xử lý đối với các công trình thuộc diện phải phá dỡ.
Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức rà soát, thống kê, đánh giá về mức độ an toàn chịu lực đối với các công trình trên địa bàn, bao gồm nhà chung cư được xây dựng từ trước năm 1994; các nhà biệt thự, trụ sở làm việc, công trình công cộng có tuổi thọ trên 60 năm và các công trình khác có dấu hiệu nguy hiểm, mất an toàn tại các đô thị.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng nghiên cứu, ban hành quy trình đánh giá, kiểm định an toàn chịu lực nhà ở và công trình xây dựng trước tháng 5 tháng 2016. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành việc rà soát, thống kê, đánh giá bước 1 và phân loại, xác định nhà ở và các công trình công cộng có nguy cơ, dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn chịu lực để đưa vào diện cần kiểm định chất lượng trước ngày 31 tháng 12 năm 2016.