Quy chế mới về thi tuyển thẩm phán các cấp
Hầu hết người Việt khao khát có nhà và đi du lịch
Airbus sẽ thành lập trung tâm huấn luyện hàng không tại Việt Nam
Giá điện có thể tăng ba tháng một lần
Thu lại phần lớn đất bãi biển tại Bốn Mùa Nha Trang
Tin trong nước đọc nhanh 18-02-2016
- Cập nhật : 18/02/2016
Tổng thống Obama muốn tìm hiểu về Việt Nam
Trong cuộc hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bên lề Hội nghị Mỹ - ASEAN, Tổng thống Barack Obama bày tỏ ông muốn tìm hiểu Việt Nam trước chuyến thăm vào tháng 5.
Tại cuộc gặp ngày 16/2 (theo giờ Hà Nội), Tổng thống Obama thông báo sẽ thăm chính thức Việt Nam vào tháng 5/2016. Tổng thống cho biết sẽ thực hiện chuyến thăm với mong muốn tìm hiểu về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam, đồng thời trao đổi về những biện pháp hợp tác cụ thể nhằm duy trì đà tích cực của quan hệ đối tác hợp tác toàn diện Mỹ - Việt Nam, thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định lãnh đạo và nhân dân Việt Nam chào đón Tổng thống Obama và sẽ giao Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với phía Mỹ chuẩn bị tốt nhất cho chuyến thăm. Thủ tướng bày tỏ vui mừng chuyến thăm sẽ góp phần mở ra một giai đoạn hợp tác mới vì hòa bình và phát triển trong quan hệ đối tác hợp tác toàn diện giữa hai nước, đưa quan hệ Việt Nam - Mỹ lên tầm cao mới.
Tại cuộc hội kiến kéo dài gần 40 phút, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về các lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai nước cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Việt Nam rất quan ngại trước tình hình Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp, đe dọa thực sự hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không do những hành động đơn phương bồi đắp quy mô lớn các đảo chiếm đóng trái phép và xây dựng trên quy mô lớn các đảo nhân tạo từ những cấu trúc nửa nổi nửa chìm, làm thay đổi nguyên trạng, kể cả việc tăng cường quân sự hóa dưới các hình thức khác nhau.
Thủ tướng đề nghị Mỹ có tiếng nói mạnh mẽ và những hành động thiết thực hơn, hiệu quả hơn để yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, đặc biệt là việc xây dựng các đảo nhân tạo với quy mô lớn, chấm dứt ngay việc quân sự hóa ở Biển Đông; tôn trọng và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm thỏa thuận thực chất Bộ Quy tắc về ứng xử COC. Tổng thống Obama khẳng định, Mỹ lo ngại về tình hình Biển Đông và ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực ngoại giao và tiến trình pháp lý nhằm giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và DOC.
Về quan hệ song phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được ký chính thức, do đó các bên cần khẩn trương hoàn tất quá trình phê chuẩn Hiệp định theo quy định của từng nước. Thủ tướng đề nghị Mỹ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường; đề nghị Mỹ kéo dài thời gian từ 18 tháng lên 3 đến 4 năm để phía Việt Nam thực hiện việc chuyển đổi các biện pháp quản lý nhằm đáp ứng những quy định liên quan trong Luật Nông trại 2014 (Farm Bill 2014) của Mỹ, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cá tra, ba sa của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.
Thủ tướng cho biết mặt hàng cá tra, ba sa của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ sẽ gặp khó khăn rất lớn nếu không có biện pháp xử lý phù hợp, kim ngạch xuất khẩu sẽ giảm mạnh và ảnh hưởng đến đời sống và việc làm của hàng chục triệu người lao động nghèo của Việt Nam.
Tại cuộc hội kiến, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị Tổng thống Obama tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam, nhất là việc tẩy độc dioxin và rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh; đề nghị Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương, coi đây là biện pháp quan trọng để củng cố lòng tin chính trị giữa hai nước; đề nghị Mỹ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển, hỗ trợ kỹ thuật cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam.
Tổng thống Obama bày tỏ nhất trí với các đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và khẳng định sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan của Mỹ phối hợp với phía Việt Nam để đề xuất các giải pháp xử lý phù hợp cho từng vấn đề nhằm tăng cường lòng tin, hiểu biết lẫn nhau và làm sâu sắc, thực chất hơn quan hệ đối tác hợp tác toàn diện Mỹ - Việt Nam. Tổng thống Obama bày tỏ hài lòng và cho rằng cuộc hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rất thành công.
Nhiều sai sót trong quản lý dự án
Đó là khẳng định của Thanh tra Bộ Xây dựng tại Kết luận thanh tra số 361 về công tác quản lý dự án (D.A) đầu tư xây dựng của Tổng Cty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư (PETEC - CTCP) và các D.A.
Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư nghiêm túc tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra các khuyết điểm, tồn tại đã được Đoàn thanh tra chỉ ra. Chỉ đạo Ban quản lý (BQL) D.A thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các kiến nghị của Đoàn thanh tra; kiểm điểm, rút kinh nghiệm về các sai sót mà Đoàn thanh tra đã nêu để có biện pháp chấn chỉnh cho các D.A tiếp theo.
Đối với BQLD.A, tổ chức kiểm điểm đối với tập thể và cá nhân về những khuyết điểm, tồn tại theo nội dung thanh tra; tăng cường kiểm tra soát xét kỹ hồ sơ thiết kế, dự toán tuân thủ theo các văn bản hướng dẫn của Nhà nước về lập và quản lý chi phí xây dựng công trình; thực hiện đầy đủ quy định về chất lượng công trình theo đúng các quy định của Nhà nước và chỉ dẫn kỹ thuật được duyệt; kiểm tra giám sát chặt chẽ các bước trong quá trình thực hiện các D.A khác, không để lặp lại những sai sót đã nêu trong báo cáo kết quả thanh tra.
Các D.A được thanh tra: D.A xây dựng Kho cảng xăng dầu PETEC Cái Mép giai đoạn I; D.A xây dựng Kho cảng xăng dầu PETEC Cái Mép giai đoạn II và D.A xây dựng Kho tổng hợp Phú Định. Đối với đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra nhà thầu thi công, kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với lãnh đạo các tổ chức và cá nhân có liên quan trong việc để xảy ra các sai sót về công tác thiết kế, lập dự toán chưa đúng với quy định của Nhà nước làm tăng giá trị thực của các gói thầu…
Yêu cầu xử lý số tiền lập chưa đúng chi phí quản lý D.A với tổng giá trị trên 500 triệu đồng. Trong đó, D.A xây dựng Kho tổng hợp Phú Định trên 81 triệu đồng; D.A xây dựng Kho cảng xăng dầu PETEC Cái Mép trên 438 triệu đồng. Yêu cầu các BQLD.A không được chi số tiền trên 500 triệu đồng theo quy định của pháp luật.
Tổng số tiền lập, thẩm định, phê duyệt dự toán xây dựng công trình chưa đúng theo quy định gần 16 tỷ đồng. Trong đó, D.A xây dựng Kho cảng xăng dầu PETEC Cái Mép giai đoạn I trên 9,3 tỷ đồng; D.A xây dựng Kho cảng xăng dầu PETEC Cái Mép giai đoạn II trên 2,7 tỷ đồng và D.A xây dựng Kho tổng hợp Phú Định trên 3,8 tỷ đồng.
Theo Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, chủ đầu tư phải lập, thẩm định, phê duyệt lại thiết kế, dự toán (giá gói thầu) làm cơ sở phê duyệt lại giá trúng thầu. Tuy nhiên, tại 3 D.A này, chủ đầu tư đã thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi, giá trúng thầu không vượt giá gói thầu khi hiệu chỉnh; theo đề nghị của chủ đầu tư và kiến nghị của Đoàn thanh tra, Chánh thanh tra Bộ Xây dựng cho phép chủ đầu tư không phải phê duyệt lại dự toán (giá gói thầu).
Yêu cầu thu hồi trên 422 triệu đồng số tiền nghiệm thu, thanh toán chưa đúng quy định nộp vào tài khoản của chủ đầu tư.
1.300 tỷ đồng xây tuyến tránh quốc lộ 20 qua Thành phố Đà Lạt
Dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh quốc lộ 20 qua đô thị TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng có tổng chiều dài tuyến là 29,1 km với tổng mức đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng. Tweet
đầu tư xây dựng tuyến tránh quốc lộ 20 qua TP. Đà Lạt sẽ được nâng cấp, cải tạo theo tiêu chuẩn đường đô thị cấp III, cấp IV miền núi gồm 4 tuyến đường: Trần Văn Côi, An Sơn - Y Dinh - An Tôn, đường Vòng Lâm Viên và đường nối từ xã Hiệp An đến xã Xuân Trường.
Dự án có tổng chiều dài tuyến là 29,1 km với tổng mức đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2016 đến năm 2018.
Trong văn bản chỉ đạo gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư và UBND tỉnh Lâm Đồng ngày 4/2/2016, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Kế hoạch và đầu tư hướng dẫn UBND tỉnh Lâm Đồng thực hiện trình tự, thủ tục về việc quyết định chủ trương đầu tư dự án này theo quy định của Luật Đầu tư công.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, cùng với sự phát triển về hạ tầng thì số lượng phương tiện vận tải đi qua tỉnh Lâm Đồng ngày càng tăng cao và lưu lượng xe quá cảnh đi vào trung tâm thành phố Đà Lạt rất lớn đã gây ùn tắc giao thông cục bộ trên một số tuyến chính, phải thường xuyên điều tiết, đảm bảo giao thông trong những giờ cao điểm.
Do đó, việc đầu tư xây dựng tuyến tránh quốc lộ 20 qua thành phố Đà Lạt là hết sức cần thiết và phù hợp với định hướng phát triển của ngành Giao thông vận tải, tạo điều kiện giảm áp lực lưu thông trong thành phố, góp phần đẩy nhanh quá trình mở rộng không gian đô thị theo quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an toàn giao thông, an ninh quốc phòng của khu vực.
Xây dựng bến cảng tổng hợp Bắc Vân Phong
Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng tổng hợp Bắc Vân Phong giai đoạn mở đầu của Công ty cổ phần Cảng Nha Trang.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn Công ty cổ phần Cảng Nha Trang thực hiện quy trình thủ tục của Dự án theo quy định tại Nghị định số 21/2012/NĐ-CP ngày 21/3/2012 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải và các quy định khác có liên quan của pháp luật.
Đồng thời chịu trách nhiệm tổ chức thỏa thuận cụ thể về công năng và quy mô của Bến cảng được đầu tư trong giai đoạn mở đầu phù hợp với Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24/6/2014.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo, hướng dẫn Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty cổ phần Cảng Nha Trang theo quy định của pháp luật.
UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, Công ty cổ phần cảng Nha Trang đã đề xuất đầu tư 417 tỉ đồng để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cảng tổng hợp Vân Phong tại thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.
Nhà đầu tư có kế hoạch xây dựng 2 bến tổng hợp giai đoạn đầu (đến năm 2020) với quy mô kho bãi đáp ứng lượng hàng thông qua từ 1,5 đến 2 triệu tấn/năm, có thể tiếp nhận tàu 50.000 DWT. Giai đoạn hoàn thiện sẽ xây dựng 2 bến container cho tàu đến 15.000 TEU với lượng hàng thông qua từ 1-1,5 triệu TEU/năm khi có nhu cầu hình thành cảng trung chuyển.
Được biết, hiện cảng tổng hợp Nha Trang là nơi tiếp nhận hàng hóa chính của khu vực Bắc Khánh Hòa và Tây Nguyên. Tuy nhiên, cảng này hiện đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND tỉnh Khánh Hòa quản lý, chuyển đổi công năng thành cảng du lịch.
Do đó, việc đầu tư xây dựng cảng mới thay thế cảng Nha Trang tại vị trí phù hợp là nhu cầu cấp thiết, đảm bảo việc làm liên tục cho lực lượng lao động đã có kinh nghiệm, tránh lãng phí nguồn lực về phương tiện, thiết bị và chi phí vận chuyển tăng thêm khi phải chuyển hàng đến cảng xa hơn. Đồng thời, đảm bảo cho việc lưu thông thông suốt hàng hóa cho khu vực Khánh Hòa và Tây Nguyên.
Chỉ đạo về một số dự án giao thông
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc đầu tư, cải tạo, nâng cấp đối với một số dự án giao thông.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND Thành phố Hồ Chí Minh rà soát, hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến số 5, bến xe Cần Giuộc mới - cầu Sài Gòn, thực hiện đúng quy định pháp luật hiện hành về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 45 và Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 47, tỉnh Thanh Hóa theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT) với vị trí trạm thu phí hoàn vốn cho 2 dự án như kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải.
Bộ Giao thông vận tải lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai dự án trên theo thẩm quyền, đúng quy định hiện hành, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và sự đồng thuận của người dân.
Về Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 2B đoạn từ cầu Chân Suối (Km13) đến khu du lịch Tam Đảo 1, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện đầu tư theo đúng quy định.