tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh 19-02-2016

  • Cập nhật : 19/02/2016

Hạn hán, xâm nhập mặn đe dọa vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long

nong dan huyen an bien, kien giang ben tra lua mua bi lep hat, thiet hai tren 90% do nhiem man. (anh: le huy hai/ttxvn)

Nông dân huyện An Biên, Kiên Giang bên trà lúa Mùa bị lép hạt, thiệt hại trên 90% do nhiễm mặn. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)


Diện tích có nguy cơ xâm nhập mặn và hạn hán nặng là 104.731ha, chiếm 10,9% diện tích xuống giống của vùng ven biển và chiếm 6,7% diện tích xuống giống lúa Đông Xuân 2015-2016 toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, vụ Đông-Xuân 2015-2016, diện tích lúa có nguy cơ xâm nhập mặn và hạn hán của các tỉnh ven biển khoảng 339.234ha, chiếm 35,51% diện tích xuống giống của vùng ven biển và chiếm 21,88% diện tích xuống giống lúa Đông Xuân 2015-2016 toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong các tháng đầu năm 2016, tổng lượng dòng chảy sông Mekong về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khả năng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20-40% nên mực nước các trạm chính sông Cửu Long ở mức thấp và chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Khả năng xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ sẽ cao hơn, sớm hơn và sâu hơn cùng kỳ của mùa khô năm 2015 và so với trung bình nhiều năm.

Trên sông Tiền, sông Hậu độ mặn 4g/l có thể xâm nhập sâu khoảng 50-60km tính từ cửa sông, có thời kỳ trên 70km. Độ mặn sẽ tăng cao và kéo dài từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 5/2016. Do đó, Cục Trồng trọt khuyến cáo các địa phương ở Nam bộ cần sớm có các biện pháp chủ động phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn.

Từ hiện trạng sản xuất vụ Đông Xuân 2015-2016 và các dự báo, diễn biến khí tượng thủy văn vẫn còn nhiều phức tạp, để hạn chế tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2016, các địa phương cần tập trung chỉ đạo bố trí thời vụ sản xuất và thời gian xuống giống của các vụ Hè-Thu 2016 và Mùa 2016 thật hợp lý, nhanh và gọn, tránh hạn, mặn.

Theo Cục Trồng trọt, thời vụ lúa Hè-Thu cần tập trung vào tháng 4, tháng 5 điều này phù hợp với chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và sắp xếp thời vụ sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Không xuống giống lúa Xuân-Hè vì lượng nước phục vụ cho sản xuất lúa khan hiếm vào các tháng đầu năm 2016 vì tiềm ẩn nhiều rủi ro về thiếu nước và là cầu nối dịch hại cho Hè-Thu chính vụ, làm cho việc quản lý sản xuất và mùa vụ sản xuất khó khăn hơn.

Đối với những vùng không chủ động về nguồn nước kiên quyết không gieo sạ khi chưa bắt đầu mùa mưa nhằm tránh thiệt hại không đáng có.

Trước tình hình trên, ngày 17/2, tại Cần Thơ, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã đi kiểm tra và họp với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn. Trước đó, cuối tháng 1/2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tiến hành kiểm tra tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2015-2016 của 4 tỉnh là Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre và Tiền Giang.


Người gốc Việt bị tố lừa đảo hơn một triệu USD visa Mỹ

Cảnh sát Mỹ vừa phát lệnh bắt giữ một người đàn ông với cáo buộc cầm đầu một vụ lừa đảo bán thị thực cho người Việt và cuỗm hơn một triệu USD. 

Theo Cleveland, Hai Van Nguyen, 40 tuổi, ở bang Washington, đối mặt với tội danh trộm cắp bằng cách lừa đảo, tuy nhiên chưa bị bắt.

Cảnh sát bang Ohio đã vào cuộc điều tra sau khi chủ của tiệm Eagle Nail ở trung tâm thương mại Lakemore Plaza trình báo bị Nguyen lừa tiền.

Người đàn ông 42 tuổi cho hay ông quen Nguyen vào năm 2014 sau khi xem một quảng cáo trên Facebook về dịch vụ giúp người Việt Nam làm thị thực lao động để sang Mỹ. 

Nguyen đã đến thành phố Akron ở bang Ohio để hai bên ký hợp đồng và công chứng tại một ngân hàng ở Lakemore Plaza. Người đàn ông trên trả cho Nguyen 65.000 USD trong hơn một năm rưỡi để anh này giúp đưa một số người từ Việt Nam sang làm việc ở tiệm nail của ông.

Tuy nhiên, sau đó, Nguyen bặt vô âm tín và số điện thoại của anh này không thể liên lạc được. 

Cảnh sát Ohio đã bàn giao vụ án cho Cục Điều tra Liên bang (FBI) sau khi phát hiện thêm ít nhất 4 nạn nhân khác ở khắp nước Mỹ bị Nguyen lừa đảo khoảng một triệu USD với hứa hẹn sẽ giúp các người Việt nhận được visa lao động.

Trong số này có một người đàn ông đã trả cho Nguyen 400.000 USD và một người phụ nữ chi 100.000 USD để đưa mẹ từ Việt Nam sang Mỹ. Bà này phải nhập viện vì sốc sau khi phát hiện bị Nguyen lừa tiền.

Nguyen đã dùng số tiền trên để thỏa mãn thói cờ bạc của mình và thường xuyên lui tới các casino ở Washington.

Cảnh sát cho biết Nguyen cũng lợi dụng tên tuổi của công ty New Saigon Entertainment, sở hữu 6 sòng bạc ở Washington, để thực hiện các giao dịch. Anh ta từng quản lý thuế tại một trong các sòng bạc trên nhưng đã bị sa thải vào năm 2010 vì ẩu đả với chủ.

FBI đang điều tra vụ việc và nghi ngờ có thể còn nhiều nạn nhân khác.


Tiệm nail Việt ở Mỹ kiện khách hàng hai triệu USD tội vu khống

Một người gốc Việt ở bang Virginia, Mỹ, đòi khách hàng phải bồi thường hai triệu USD vì vu khống tiệm nail và spa của cô buôn người và bán dâm.
tiem escape day spa. anh: fox 5

Tiệm Escape Day Spa. Ảnh: Fox 5

Theo Fox 5, Jacqueline Nguyen đang đệ đơn kiện bà Kimberly Mehlman-Orozco với cáo buộc có những lời lẽ phỉ báng làm tổn hại đến công việc kinh doanh của tiệm Escape Day Spa ở thị trấn Dumfries, hạt William.

"Mọi thứ mà bà ta tố cáo chúng tôi đều là giả, buôn người và bán dâm, không có bằng chứng nào cả", Nguyen nói. "Thậm chí cả kỳ nghỉ lễ, doanh thu của chúng tôi cũng giảm chưa từng có. Vì thế chúng tôi muốn lấy lại niềm tin từ khách hàng của mình, sự gắn bó của họ và lấy lại danh tiếng cho cửa hàng".

Trước đó, vào tháng 11 năm ngoái, bà Mehlman-Orozco đưa ra một loạt cáo buộc về Escape Day Spa.

"Một anh chàng bước vào tiệm, sau đó tôi có trò chuyện với anh ta. Anh ta giới thiệu là một lính thủy quân lục chiến và đề nghị được mát-xa. Tôi dỏng tai lên vì chưa bao giờ biết salon này cung cấp dịch vụ đó", bà Mehlman-Orozco kể trong một cuộc phỏng vấn với báo chí. "Vì thế tôi đã lên mạng tra cứu và phát hiện nhiều nhận xét trong gần hai năm qua từ những người đàn ông cho hay đã mua dâm tại salon này".

Bà Mehlman-Orozco cho hay bà đã nói chuyện với chủ spa về việc này."Tôi đã hỏi xem họ có biết về việc một số tiệm nail bị tố buôn người, cung cấp visa cho các cô gái và bắt họ làm việc để trả phí visa với mức lương rất thấp hoặc không trả đồng nào, đôi khi còn cung cấp các dịch vụ nhạy cảm, tuy nhiên, họ đáp rằng những cô gái đó nói dối", bà Mehlman-Orozco kể.

jacqueline nguyen. anh: fox 5

Jacqueline Nguyen. Ảnh: Fox 5

Nguyen cho hay cô hy vọng sau vụ kiện, khách hàng sẽ quay lại với tiệm Escape Day Spa. 

"Sao họ lại nghĩ chúng tôi là gái mại dâm? Chúng tôi không biết nhưng các nhân viên làm móng tay của chúng tôi ở đây rất mạnh mẽ vì họ biết chúng tôi không làm gì sai", Nguyen nức nở. "Đây là nguồn sống của gia đình chúng tôi và người gây tổn hại uy tín của chúng tôi trong cộng đồng lại là người mà chúng tôi phục vụ".

Đơn kiện hiện đã được Nguyen nộp lên tòa án hạt William. Cảnh sát cho hay không thể xác nhận các cáo buộc trong đơn kiện và cũng không nhận được trình báo nào khác cho thấy hoạt động buôn người hay bán dâm đang diễn ra ở Escape Day Spa.


Tàu ngầm Hoàng Sa không được thử nghiệm trên biển

Tàu ngầm Hoàng Sa được doanh nhân Thái Bình đưa ra biển để thử nghiệm nhưng phải quay về vì không đáp ứng quy định của pháp luật.

Sau nhiều lần thử nghiệm thành công trong bể tự xây, ngày 13/2 (mùng 6 Tết), tàu Hoàng Sa được ông Nguyễn Quốc Hòa cùng đồng nghiệp đưa ra biển Diêm Điền (Thái Thụy) tiếp tục thử nghiệm.Tuy nhiên, tại đây lực lượng biên phòng địa phương không cho ông Hòa thử nghiệm tàu vì không phù hợp với quy định tại Nghị định 71 về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển.

tau hoang sa duoc dua bien diem dien sau do phai quay ve. anh: q.hoa.

Tàu Hoàng Sa được đưa biển Diêm Điền sau đó phải quay về. Ảnh: Q.Hòa.

Theo Nghị định này, người điều khiển phương tiện đường thủy hoạt động trong khu vực biên giới biển phải có biển số đăng ký và phải có một số loại giấy tờ như giấy chứng nhận đăng ký tàu, giấy chứng nhận đăng kiểm tàu thuyền, giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện....

Trong trường hợp người, phương tiện khi tiến hành hoạt động nghiên cứu khoa học ngoài tuân thủ quy định trên còn phải có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền, thông báo bằng văn bản cho UBND, bộ đội biên phòng cấp tỉnh nơi thực hiện hoạt động trước 5 ngày hoạt động. 

"Lắng nghe giải thích của lực lượng chức năng tôi đã đưa tàu trở về. Nhưng tôi nghĩ đây là hoạt động nghiên cứu mới ở Việt Nam chưa có bao giờ thì rất khó để xin giấy tờ liên quan", ông Hòa nói.Chủ nhân của tàu ngầm cho biết, ông đã gửi văn bản lên biên phòng và UBND tỉnh để xin được thử nghiệm tàu trên biển.

tau hoang sa duoc khoac ao mau xanh moi. anh: q.hoa.

Tàu Hoàng Sa được khoác áo màu xanh mới. Ảnh: Q.Hòa.

Tàu ngầm mini Hoàng Sa nặng 9 tấn, dài 7 m, bề ngang 2,5 m; cao 2 m và có thể lặn sâu 50 m. Thời gian lặn theo tính toán là 3 ngày 3 đêm.  Hoàng Sa được trang bị hệ thống thông tin liên lạc, cảnh báo chướng ngại vật phía trước và quan sát được 360 độ dưới nước. Tàu có thể nằm trong bùn và thoát ra ngoài, tiến ra biển không cần thuỷ triều, đi vào khu nước cạn tự vượt ra, theo thiết kế.

Mới đây ông Hòa đã sơn màu xanh cho con tàu, bên hông có chữ Hoàng Sa và địa điểm chế tạo nó. 

Trong lần chia sẻ về khát vọng năm mới, ông Hòa mong nhà nước có chế độ chính sách giúp đỡ người dân nghiên cứu chế tạo và tạo điều kiện về địa điểm hoặc sự hỗ trợ kỹ thuật, hành lang pháp lý thử nghiệm sản phẩm họ làm ra. "Tôi sẽ không chỉ dừng ở việc chế tạo hai chiếc tàu mà sẽ tiếp tục tạo ra nhiều tàu ngầm khác cho đất nước", ông nói.


Thường vụ Quốc hội không đồng ý lùi dự án Luật biểu tình

"Chính phủ ý kiến thế nào, không làm được hay không chịu làm? Quốc hội đã quyết định đưa vào chương trình rồi sao Chính phủ cứ lùi mãi", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi.

Tại phiên làm việc sáng 17/2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đã đề nghị Quốc hội cho phép lùi dự án Luật biểu tình từ kỳ họp cuối của Quốc hội khóa 13 (tháng 3/2016) sang chương trình kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 14 (cuối năm 2016).Theo Bộ trưởng Tư pháp, tại phiên họp thường kỳ tháng 1/2016, Chính phủ đã thảo luận về xây dựng dự luật trên nhưng ý kiến các thành viên Chính phủ còn rất khác nhau. Vì vậy, để có thêm thời gian nghiên cứu, chỉnh lý Luật biểu tình đảm bảo chất lượng, Chính phủ đề nghị xin lùi thời gian trình dự luật này.

thuong vu quoc hoi khong dong tinh de xuat lui du luat bieu tinh. anh: vo hai.

Thường vụ Quốc hội không đồng tình đề xuất lùi dự Luật biểu tình. Ảnh: Võ Hải.

Chủ tọa phiên làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu dự Luật biểu tình đã lùi từ kỳ họp thứ 9 sang kỳ họp thứ 11, bây giờ lùi vào thời điểm khác, nhưng không ấn định là khi nào.

"Tại sao cứ xin lùi? Chính phủ ý kiến thế nào, không làm được hay không chịu làm? Quốc hội đã quyết định đưa vào chương trình rồi sao Chính phủ cứ lùi mãi", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường thừa nhận dự Luật biểu tình đúng lùi đi lùi lại từ nhiều năm. Nhắc lại theo nghị quyết Quốc hội tháng 6/2015 phải đưa Luật biểu tình vào chương trình, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì. Sau khi lùi dần đến tháng giêng vừa rồi, Bộ Công an đã trình ra và lấy ý kiến các thành viên Chính phủ.

Tuy nhiên, sự phân tán trong các thành viên Chính phủ rất lớn, ví dụ có cho người nước ngoài đề xuất biểu tình không; người Việt Nam tổ chức biểu tình nhưng người nước ngoài có được tham gia không? Do chưa chín muồi nên Thủ tướng kết luận báo cáo Thường vụ Quốc hội xin lùi.

Không đồng tình với giải trình trên, Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Nguyễn Văn Hiện bày tỏ mong muốn đảm bảo đúng thời hạn trình dự án luật này. Biểu tình là quyền cơ bản của công dân từ năm 1945. “Quốc hội thống nhất kỳ họp thứ 11 sẽ cho ý kiến nhưng đến giờ Chính phủ nói xin lùi không biết đến bao giờ, lùi vô thời hạn. Chúng ta không thể để cho đối tượng xấu lợi dụng nói xấu chúng ta được. Vì biểu tình liên quan đến vấn đề dân chủ, lùi thế này là không tốt về mặt chính trị”, lãnh đạo Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng, biểu tình là quyền tự do công dân được Hiến pháp quy định và là nội dung được luật hóa cuối cùng nên hết sức quan trọng. Qua nghiên cứu thẩm tra dự thảo luật biểu tình của Bộ Công an gửi sang, ông thấy rất công phu và có thể trình ra được. “Không có gì phức tạp, chỉ có ý kiến của Bộ Quốc phòng là để lúc nào an ninh ổn định thì làm. Chúng ta làm bây giờ là để đảm bảo ổn định an ninh, an toàn xã hội, mà lại bảo ổn định mới làm là không hợp lý”, ông Khoa nói.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, thời gian cho ý kiến để thông qua Luật biểu tình Quốc hội đã thống nhất, giờ lùi thì Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Trình ra Thường vụ Quốc hội, nếu Thường vụ thấy không đủ chất lượng thì có thể quyết định không trình ra xin ý kiến Quốc hội. Nhưng không trình ra Thường vụ mà lại xin lùi là không nghiêm túc.

Chốt nội dung làm việc, Phó chủ tịch Uông Chu Lưu cho rằng, dự án Luật biểu tình là nội dung quan trọng của Hiến pháp, được Quốc hội đưa vào chương trình nhiều lần. Chính vì vậy tháng 6/2015, Quốc hội có nghị quyết số 89 quyết định cho ý kiến vào dự luật tại kỳ họp thứ 11 diễn ra vào tháng 3/2016. Qua thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng An ninh thấy được, vì vậy Bộ Tư pháp cần báo cáo Chính phủ để trình ra vào kỳ họp thứ 11.

"Ngay sau khi thành lập nước, năm 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sắc lệnh ban hành Luật biểu tình nhưng một thời gian chúng ta chưa đủ điều kiện để thực hiện, do vậy bây giờ cần sớm để ban hành", Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục