Các trạm thu phí đặt quá gần, phí lại tăng sớm hơn quy định gây bức xúc cho doanh nghiệp vận tải
Tin trong nước đọc nhanh trưa 18-02-2016
- Cập nhật : 18/02/2016
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Cần xây dựng lòng tin chiến lược
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự phiên thảo luận về chủ đề Bảo vệ hòa bình, thịnh vượng và an ninh ở Châu Á – Thái Bình Dương tại Sunnylands, California sáng 17-2 (giờ VN). Ảnh: Quỳnh Trung
Phát biểu tại các phiên thảo luận ở Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN ở Sunnylands trong 2 ngày 15 và 16-2 (giờ Mỹ), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh ưu tiên xây dựng lòng tin chiến lược là một trong những yếu tố giúp duy trì môi trường hòa bình và an ninh ở khu vực.
Các yếu tố khác theo Thủ tướng là tăng cường đối thoại và hợp tác, đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển năm 1982, phát huy vai trò của các thể chế đa phương, và ủng hộ vai trò chủ đạo của ASEAN trong việc duy trì môi trường hòa bình và an ninh ở khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chia sẻ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp vừa qua tại Biển Đông, đặc biệt là những hành động làm thay đổi nguyên trạng, tăng cường quân sự hóa, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở khu vực.
Thủ tướng hoan nghênh sự ủng hộ tích cực, xây dựng của Hoa Kỳ và các đối tác nói chung đối với lập trường của ASEAN trong xử lý các vấn đề an ninh khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông. Thủ tướng đánh giá tích cực những tiến triển và kết quả quan trọng đạt được trong quan hệ đối tác ASEAN-Mỹ thời gian qua, mong muốn hai bên phối hợp triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động ASEAN-Mỹ giai đoạn 2016-2020, góp phần thúc đẩy quan hệ ASEAN-Mỹ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Hơn 14.000 tỷ đồng vốn dư từ dự án Quốc lộ 1A được dùng vào đâu?
Ngày 16/2, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã chủ trì cuộc họp rà soát, đưa ra giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án sử dụng vốn dư từ các Dự án nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh.
Báo cáo về tình hình triển khai các dự án sử dụng nguồn vốn TPCP còn dư của các dự án mở rộng Quốc lộ 1, ông Nguyễn Hoằng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư cho biết, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 99/2015/QH13 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016, trong đó có phân bổ 14.259 tỷ đồng vốn TPCP còn dư của các dự án mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.
Trong đó, 1.647 tỷ đồng để triển khai một số hạng mục cấp bách gồm: 13/14 cầu yếu trước đây dự kiến triển khai bằng nguồn vốn JICA; hỗ trợ tái định cư cho các dự án mở rộng Quốc lộ 1; bổ sung 4 cầu qua tỉnh Bình Thuận trước đây dự kiến triển khai bằng nguồn vốn ADB.
Còn lại 12.612 tỷ đồng để triển khai một số dự án, gồm: 618 tỷ đồng hỗ trợ 2 dự án đầu tư theo hình thức BOT; 2.720 tỷ đồng bố trí cho các dự án đang triển khai thi công; 9.274 tỷ đồng để triển khai 17 dự án mới.
Ngày 06/01/2016, Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về thủ tục phê duyệt và cơ chế thực hiện các dự án này. Đó là thống nhất đề nghị của Bộ GTVT đối với 2 dự án BOT cho phép phê duyệt điều chỉnh để bổ sung phần vốn góp của dự án; đối với 3 dự án đang thi công cho phép được triển khai theo cơ chế của DA đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận.
Đối với 17 dự án triển khai mới yêu cầu lập chủ trương đầu tư theo đúng quy định Luật Đầu tư công và áp dụng cơ chế chỉ định thầu đã được chấp thuận.
Về tình hình triển khai các dự án sử dụng nguồn vốn dư TPCP lần 2 của các dự án mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, ông Nguyễn Hoằng cho biết, ngày 03/02/2016, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án sử dụng vốn TPCP lần 2.
Trong đó dự kiến kinh phí tiếp tục còn dư khoảng 3.811 tỷ đồng (các dự án mở rộng QL1 3.298 tỷ đồng; các dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên 513 tỷ đồng) để triển khai 13 dự án, hạng mục cấp bách.
Tuy nhiên kinh phí còn dư nêu trên được xác định trên cơ sở báo cáo của các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, trong đó còn một số chi phí phát sinh trong quá trình thi công, trượt giá... mới chỉ là tạm tính, do vậy chưa được xác định chuẩn xác.
Tiền từ cổ phần hóa DNNN bù ngân sách nhiều hơn là xây bệnh viện, nông thôn mới
Trong tổng số 100.000 tỷ đồng tiền thoái vốn và cổ phần hóa DNNN, chỉ dành 35.000 tỷ đồng cho việc xây dựng bệnh viện, nông thôn mới nhưng dành tới 40.000 tỷ đồng để đưa vào cân đối ngân sách.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính xây dựng phương án sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa DNNN, Bộ Tài chính đã tính toán nguồn thu dự kiến, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị, báo cáo Quốc hội về phương án sử dụng nguồn thu cổ phần hóa.
Ưu tiên xây dựng bệnh viện, nông thông mới, chống ngập lụt...
Theo đó, nguồn vốn này sẽ tập trung cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các dự án. Định hướng sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp năm 2015 và các năm tiếp theo khoảng 100.000 tỷ đồng vào các nội dung như:
Chi hỗ trợ đầu tư bệnh viện tuyến Trung ương khoảng 20.000 tỷ đồng; Chi hỗ trợ Chương trình xây dựng nông thôn mới khoảng 15.000 tỷ đồng; Chi hỗ trợ Chương trình chống ngập lụt tại Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 10.000 tỷ đồng;
Bổ sung nguồn vốn đối ứng cho các dự án ODA trọng điểm do các Bộ, ngành, địa phương làm chủ đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng; Xử lý hụt thu cân đối ngân sách Trung ương năm 2015 khoảng 10.000 tỷ đồng; Đưa vào cân đối ngân sách Nhà nước năm 2016 khoảng 30.000 tỷ đồng để tăng chi đầu tư phát triển.
Trên cơ sở ý kiến chấp thuận của Bộ Chính trị, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về phương án sử dụng nguồn thu và đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016, theo đó sử dụng để xử lý hụt thu cân đối ngân sách Trung ương năm 2015 khoảng 10.000 tỷ đồng và đưa vào cân đối ngân sách Nhà nước năm 2016 khoảng 30.000 tỷ đồng để tăng chi đầu tư phát triển như đã nêu trên.
Trước đó, Đại biểu Trương Văn Vở, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã đưa ra câu hỏi chất vấn tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, đã yêu cầu với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo kết quả thực hiện tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII về giải pháp, lộ trình thời gian thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về nâng cao hiệu quả của cơ chế đại diện chủ sở hữu và quản lý Nhà nước theo hướng tách chức năng chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu và quản lý Nhà nước; Xây dựng phương án sử dụng và quản lý nguồn vốn từ kết quả cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
Quy định đã tách bạch chức năng chủ sở hữu và quản lý Nhà nước
Cũng liên quan đến việc tách bạch chức năng chủ sở hữu và quản lý Nhà nước, Bộ Tài chính cho biết theo Kết luận số 50-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương; Nghị định số 99 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các văn bản liên quan, đã quy định rõ hơn quyền, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, Hội đồng thành viên các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước về vấn đề này.
Cũng theo Bộ Tài chính, để nâng cao hiệu quả của cơ chế đại diện chủ sở hữu và quản lý Nhà nước theo hướng tách chức năng chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu và quản lý Nhà nước, sẽ tập trung một số giải pháp như: Thực hiện tốt Kết luận số 50; các văn bản Nghị định mà Chính phủ ban hành; hoàn thiện bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền và trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước phù hợp với quy định.
Các đơn vị thực hiện nghiêm các quy định, tăng cường sự giám sát của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, nhân dân đối với việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của Nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn Nhà nước.
Chính phủ lại xin lùi dự án Luật biểu tình
Ông Hà Hùng Cường thay mặt Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho lùi thời gian trình dự án Luật biểu tình - Ảnh: L.K
Đây không phải lần đầu tiên, trước đó Chính phủ đã nhiều lần xin lùi việc trình Quốc hội xem xét dự án Luật biểu tình khiến Quốc hội đã nhiều lần phải “đưa vào, rút ra” trong chương trình làm việc.
Tờ trình của Chính phủ mới được ký ngày 16-2 vừa được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cách đây ít phút.
Dự án Luật biểu tình từng được nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị ban hành, trong đó có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 12-2015 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã không đồng tình với đề xuất rút dự án Luật biểu tình ra khỏi chương trình nghị sự của Quốc hội.
Trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết Chính phủ đã phân công và chỉ đạo Bộ Công an soạn thảo dự án Luật biểu tình. Bộ Công an đã tiến hành tổng kết pháp luật về lĩnh vực này, tiến hành khảo sát, nghiên cứu, biên dịch…
“Tại phiên họp thường kỳ tháng 1-2016, Chính phủ đã thảo luận vấn đề này, nhưng ý kiến của các thành viên Chính phủ còn rất khác nhau về nội dung dự thảo luật” - ông Cường cho hay.
Vì vậy, để có thêm thời gian nghiên cứu, chỉnh lý Luật biểu tình đảm bảo chất lượng, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép lùi dự án Luật biểu tình từ kỳ họp cuối của Quốc hội Khóa XIII (tháng 3-2016) sang chương trình kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khóa XIV (cuối năm 2016).
Báo Tây ‘phát hoảng’ với chi phí ăn Tết của người Việt
Khảo sát được thực hiện bởi công ty nghiên cứu TNS cho biết, mức chi tiêu trung bình của người tiêu dùng Việt Nam trong suốt dịp Tết là 643 USD ( tương đương 14,2 triệu VNĐ).
Đường phố TP Hồ Chí Minh bắt đầu đông đúc trở lại sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán kéo dài gần một tuần. Tuy nhiên, với nhiều người dân Việt Nam, Tết là một dịp phải chi tiêu rất nhiều.
Là một kỳ nghỉ được coi như Giáng sinh và năm mới dương lịch ở phương tây. Không khí lễ hội tràn ngập trong mỗi gia đình Viêt Nam và hàng triệu người bắt đầu lên đường trở về quê để ăn Tết.
Ngoài chi phí đi lại – thứ luôn tăng vọt trong mỗi dịp nghỉ lễ, lượng chi tiêu cho các vật dụng gia đình, đồ ăn hay trang thiết bị cá nhân như quần áo (thường là mua quần áo mới cho tất cả các thành viên trong gia đình) cũng tăng đột biến.
Cuối cùng là tiền lì xì cho bạn bè và người thân, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi công ty nghiên cứu TNS vào tháng 1 cho biết phần lớn người tiêu dùng Việt Nam lên kế hoạch tăng chi tiêu trong suốt dịp Tết lên mức trung bình là 14,2 triệu VNĐ. Số tiền này không hề nhỏ nếu đem so với thu nhập của đa số người dân Việt Nam hiện nay.
Với những khoản chi tiêu hào phóng như vậy cộng thêm không khí tiệc tùng, ăn uống trên khắp cả nước, Tết còn là dịp gây ra chi phí đắt giá về mặt con người.
Thống kê được công bố bởi Bộ Y tế Việt Nam cho thấy kể từ mùng 7/2 (tức ngày mùng 1 tết Âm lịch) đến 12/2 có hơn 35.000 trường hợp nhập viện cấp cứu do tai nạn giao thông, đánh lộn và ngộ độc rượu. Trong số đó, có tới 30.000 trường hợp là do tai nạn giao thông.
Dịp Tết năm nay có 160 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông, giảm từ 233 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo của Cục Thống kê Việt Nam cũng cho thấy trong năm 2015 trung bình có 24 trường hợp chết do tai nạn giao thông mỗi ngày và 60 người bị thương.
Điều này rõ ràng gây ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả kinh tế khi mà chi phí chăm sóc y tế tăng và giảm thu nhập tiềm năng.
Bộ Y tế Việt Nam cũng đã công bố 3.400 trường hợp nhập viện vì thương tích liên quan tới đánh lộn, trong đó 10 người tử vong. Ngoài ra còn có gần 2.000 người phải cấp cứu vì ngộ độc rượu.
Hiện tại, các cửa hiệu và nhà hàng trên khắp đất nước Việt Nam đang mở cửa trở lại còn công nhân cũng đã quay lại thành phố làm việc.
Cuộc sống đang bắt đầu quay lại guồng quay thông thường. Tuy nhiên với rất nhiều gia đình, những món chi tiêu quá tay cho Tết cũng như những sự việc không hay xảy ra trong kỳ nghỉ này khiến họ chỉ muốn quên đi trong năm mới.