Sáng 7/3, báo cáo trước Ủy ban TVQH, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, nền kinh tế nước ta phục hồi rõ nét, đạt tốc độ tăng trưởng cao so với kế hoạch đề ra và cao hơn so với dự báo trước đây.
Tin trong nước đọc nhanh chiều 07-03-2016
- Cập nhật : 07/03/2016
Thanh tra ‘siêu’ dự án 2.700 căn hộ
Theo TTXVN, hiện nhiều nhóm khách hàng mua nhà tại dự án vẫn tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan chức năng của TP tố cáo Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long có các dấu hiệu vi phạm pháp luật như huy động vốn tại dự án không đúng quy định của pháp luật, sử dụng không đúng mục đích số tiền huy động, tiến độ bị chậm trong nhiều năm và đã có hành vi chiếm đoạt nguồn vốn huy động của khách hàng. Theo phản ánh của khách hàng, Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long đã huy động khoảng 4.100 tỉ đồng của khách hàng và vay khoảng 3.500 tỉ đồng để đầu tư cho dự án này.
Dự án Usilk City là một tổ hợp nhà ở gồm 13 tòa nhà cao tầng hiện đại từ 25 đến 50 tầng với 2.700 căn hộ, được xây dựng trên khu đất 9,2 ha trải dài khoảng 1 km đường Lê Văn Lương kéo dài, có tổng mức đầu tư 10.000 tỉ đồng. Mặc dù khởi công xây dựng từ quý II-2008 nhưng đến nay dự án đã chậm tiến độ bàn giao nhà lên tới gần bốn năm.
Quảng Ninh cấp phép dự án nuôi bò hơn 2.000 tỷ đồng ở vùng biên
Dự án chăn nuôi bò thịt và bò giống tại thành phố Móng Cái được tiến hành trên diện tích trên 1.000ha, bao gồm khu trại nuôi bò thịt, khu trại nuôi bò giống. Đây là dự án công nghệ cao, đầu tư trên địa bàn đặc biệt khó khăn của thành phố vùng biên giới phía Bắc.
Dự án đi vào hoạt động sẽ cung cấp các sản phẩm thịt bò chất lượng cao đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần phát triển kinh tế địa phương và giải quyết số lượng lớn lao động trong khu vực nông thôn.
Ủy ban cũng đồng ý chủ trương đầu tư mở rộng, nâng cấp đường đối với đường nối từ đường Quốc lộ 18B vào các bản Nga Bát, Mai Dọc xã Quảng Nghĩa, nơi có dự án nuôi bò này hoạt động. Tỉnh cũng xem xét nguồn lao động để lên phương án đào tạo đội ngũ lao động địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của chủ đầu tư.
Lại chặt cà phê, trồng chanh để bán cho Trung Quốc
Anh Hùng ở xã Đak Đjrăng cho hay đã phá bỏ hơn 1 ha cà phê, chuyển sang trồng chanh dây. Giá chanh dây dao động khoảng 15.000-23.000 đồng/kg tùy thời điểm. “chanh dây đem lại lợi nhuận cao trong khi cà phê thì xuống giá, bấp bênh, lại tốn nhiều công chăm sóc” - anh Hùng giải thích.
Ông Phạm Ngọc Cơ, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mang Yang cho biết thêm, hiện trên địa bàn huyện đã có hơn 180 ha đất trồng chanh dây.
Hiện nay giống chanh dây được nhập khá nhiều từ Trung Quốc. Bình quân trồng 1 ha chanh dây tốn hết 9,5 triệu đồng cây giống. Loại chanh này trồng sáu tháng là thu hoạch và bán chủ yếu sang Trung Quốc.
“Một ngày tôi thu mua khoảng 50 tấn chanh. Những quả gần chín thì bán ở thị trường Việt Nam, những quả vừa già thì đóng thùng chở thẳng qua Trung Quốc” - một thương lái ở xã Đak Đjrăng thông tin.
Chính quyền địa phương đã khuyến cáo người dân nên đa dạng hóa cây trồng nhằm tránh rủi ro. Trong khi đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần phải rút ra bài học từ việc phụ thuộc quá lớn vào thương lái cũng như thị trường Trung Quốc. Bởi trước đây nhiều nông dân từng dở khóc dở cười vì thương lái Trung Quốc đẩy giá sản phẩm lên cao, người dân đổ xô vào sản xuất, sau đó họ đột ngột dừng mua hàng.
Làm sao kịp "nâng" trình độ 100.000 cán bộ y tế trung cấp?
Theo thống kê của Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế, hiện có 126 ngàn/tổng số 430 ngàn viên chức ngành y tế có trình độ trung cấp, chiếm gần 30% tổng số viên chức y tế.
Cả nước hiện cũng có 135 trường trung cấp chuyên nghiệp liên quan đến lĩnh vực y tế, với tổng quy mô đào tạo trên 126 ngàn học sinh đang theo học.
Hiện các trường đang chuẩn bị phải đổi mới, khi tới 2019 các trường phải dừng tuyển sinh hệ trung cấp các ngành điều dưỡng, dược sỹ trung học, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên y học hệ trung cấp.
Chỉ còn 3 năm để đổi mới và các trường tất yếu là hết sức hoang mang. Nhưng ngành y tế lại cho rằng họ làm như vậy là vì đảm bảo chất lượng điều trị.
Có khó khăn cho vùng sâu vùng xa
Việc Bộ Y tế đưa ra lộ trình đến năm 2021 sẽ chỉ tuyển viên chức y tế có trình độ cao đẳng, lãnh đạo của nhiều cơ sở đào tạo y tế đã bày tỏ lo lắng khi khó có thể đạt được thành công theo lộ trình này và còn tạo khó khăn cho các trường trung cấp y dược.
Bác sỹ Nông Ngọc Khánh - Hiệu trưởng trường Trung cấp y tế Lào Cai - bày tỏ lo ngại nếu đến năm 2021 ngưng tuyển viên chức y tế hệ trung cấp, cũng đồng nghĩa với việc các trường trung cấp y dược hiện nay sẽ phải tính toán để có thể nâng lên trở thành trường cao đẳng y dược, tuy nhiên thực hiện được điều này không phải đơn giản đối với các trường y tế ở khu vực miền núi.
"Chúng tôi sẽ phải báo cáo với lãnh đạo tỉnh để có kế hoạch làm sao đó đưa trường lên đào tạo hệ cao đẳng, tuy nhiên nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu đào tạo hệ cao đẳng tại tỉnh hiện nay là không đủ, do vậy rất khó có thể đáp ứng được việc này", bác sỹ Khánh cho biết.
Hiệu trưởng Trường Trung cấp y tế Lai Châu Lê Văn Nghị cũng cho rằng vấn đề khó khăn nhất hiện nay đối với các trường trung cấp y tế tại các tỉnh miền núi có thể nâng lên thành hệ cao đẳng không phải vấn đề về cơ sở vật chất mà là nguồn nhân lực.
Theo ông Nghị, hiện nay trên địa bàn tỉnh Lai Châu có đến 80 - 90% cán bộ y tế công tác chỉ có trình độ chuyên môn hệ trung cấp, với những cán bộ đủ điều kiện để có thể tham gia giảng dạy, thành lập các khoa chuyên môn theo quy định đối với hệ cao đẳng thì lại chuyển về các vùng thành thị làm việc do có môi trường tốt hơn.
"Nếu Bộ Y tế không có cơ chế hỗ trợ cho các trường trung cấp y dược tại khu vực miền núi thì gần như chắc chắn chúng tôi sẽ phải quay trở lại thành Trung tâm đào tạo, hỗ trợ về y tế hoặc cũng có thể phải giải thể." - ông Nghị lo lắng.
Làm sao kịp "nâng" trình độ cho cả trăm ngàn người?
Thạc sỹ Hoàng Thị Thúy Hà - Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng y tế Sơn La - cũng bày tỏ băn khoăn khi khó có thể hoàn thành nhiệm vụ trong việc từ nay đến 2025, các trường Đại học, Cao đẳng y dược sẽ phải đào tạo cho trên 100.000 cán bộ y tế có trình độ trung cấp bởi theo quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo, chỉ tiêu cho phép đào tạo hệ chính quy là 15% và hệ vừa học vừa làm là 30%.
Như vậy, nếu muốn hoàn thành được việc đào tạo nâng trình độ chuyên môn cho các cán bộ trình độ trung cấp thì cần phải có cơ chế "đặc biệt" đối với ngành y.
Theo ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng - Cục Khoa học công nghệ & Đào tạo, Bộ Y tế - những băn khoăn của lãnh đạo các cơ sở đào tạo y tế đã được cân nhắc và tính toán trước.
Việc chuẩn hóa trình độ cao đẳng trở lên là để nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập với các nước ASEAN, do vậy bắt buộc mỗi viên chức sẽ phải chủ động kế hoạch học tập, rèn luyện để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu mới.
Tuy nhiên, các Bộ sẽ cùng bàn để có cơ chế riêng cho khu vực vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn.
Còn ông Phạm Văn Tác cho rằng từ nay đến 2025, khi xóa chức danh viên chức hệ trung cấp trong cơ sở y tế còn lộ trình tới gần 10 năm để chuẩn bị.
Trong gần 10 năm này, các trường trung cấp liên quan đến khối ngành y dược cần chuyển đổi nâng cấp lên đào tạo hệ cao đẳng, viên chức ngành y tiếp tục làm việc sau 1-1-2025 buộc phải học thêm lên để đạt trình độ cao đẳng.
Trước ngại việc học “khoán” như vậy liệu có đạt yêu cầu chuyên môn, hay chỉ là vì bằng cấp, ông Tác cho rằng lộ trình gần 10 năm để chuẩn hóa là đảm bảo đủ để các trường và cả cán bộ y tế chuẩn bị.
“Hiện nay Nhật Bản, Malaysia và nhiều thị trường khác đang tuyển số lượng lớn điều dưỡng, nhưng họ đều yêu cầu trình độ tối thiểu là cao đẳng trở lên. Việc tăng thời gian đào tạo ngoài đáp ứng nhu cầu nhân lực trong nước, còn là mở rộng cơ hội làm việc ở nước ngoài”, ông Tác cho biết.
Phá đường dây vận chuyển ma túy từ Trung Quốc về Hải Phòng
Ngày 6-3, Công an TP Hải Phòng cho biết vừa bắt giữ 4 đối tượng trong đường dây vận chuyển ma túy từ Trung Quốc qua của khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh) về Hải Phòng tiêu thụ.
Số lượng lớn ma túy tổng hợp được đưa từ Trung Quốc về Hải Phòng bị thu giữ - Ảnh: Công an Hải Phòng
Qua một thời gian theo dõi, lập chuyên án, từ tài liệu trinh sát công an xác định Phạm Đức Dũng (35 tuổi, thường trú huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) cầm đầu một đường dây chuyên vận chuyển ma túy về Hải Phòng rồi đưa đi các tỉnh tiêu thụ với số lượng lớn.
Khoảng 17g30 ngày 4-3, tại khu vực đường đê Quai Chảo (P.Sở Dầu, Q.Hồng Bàng, TP Hải Phòng), phòng PC47 (Công an TP Hải Phòng), phòng 3 Cục C47 (Bộ Công an), Đội kiểm soát Hải quan Cục Hải quan Hải Phòng… phối hợp bắt quả tang Dũng cùng Phạm Văn Công (24 tuổi, trú huyện Kim Thành, Hải Dương), Trần Bích Ngọc (22 tuổi, trú Q.Lê Chân, Hải Phòng) và Mo Jing Lei (36 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) đang vận chuyển ma túy với số lượng lớn.
Khám xét trong người Dũng và những người khác, công an thu giữ gần 3,5 kg ma túy tổng hợp, một túi xách đựng nhiều tiền Việt, nhân dân tệ và một số tang vật khác.
Qua đấu tranh ban đầu, Dũng khai nhận số ma túy trên mua từ Trung Quốc, vận chuyển qua cửa khẩu Móng Cái đưa về Hải Phòng và các tỉnh thành lân cận tiêu thụ.
Hiện công an tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.