Một số bộ, ngành có thể sẽ không còn tiền đầu tư trong 5 năm tới nếu trong trung hạn bố trí để thanh toán hết số nợ và số vốn ứng trước.
Tin trong nước đọc nhanh 07-03-2016
- Cập nhật : 07/03/2016
Hà Nội: Không cấp phép và hạn chế quảng cáo ngoài trời tại 12 khu vực
Sáng 4/3, Sở VH&TT Hà Nội đã tổ chức hội nghị phổ biến Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP Hà Nội do UBND TP ban hành. Theo Quy chế số 01/2016/QĐ-UBND, Hà Nội sẽ không cấp phép quảng cáo tại 8 khu vực quan trọng và hạn chế quảng cáo tại 4 khu vực.
Cụ thể, 8 khu vực không được cấp phép quảng cáo gồm: Khu vực quảng trường Ba Đình; Hồ Hoàn Kiếm và khu vực bao quanh hồ; khu vực phố cổ; khu vực di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, di tích cách mạng kháng chiến, khuôn viên nơi đặt tượng đài, bia tưởng niệm và cơ sở tôn giáo…
4 khu vực hạn chế quảng cáo gồm: Quảng trường 19/8, quảng trường 1/5, trung tâm hội nghị quốc gia; các tuyến phố Tràng Tiền, Tràng Thi, Điện Biên Phủ, khu vực Cửa Nam, ga Hà Nội, các tuyến đường bao quanh Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch; trên các mặt hộ nước của TP, trên thân các cột đèn chiếu sáng đô thị. TP Hà Nội cũng có quy định chặt chẽ về hình thức, phương tiện đối với các quảng cáo ngoài trời phải thực hiện thông báo sản phẩm quảng cáo để hạn chế tình trạng tràn lan của các tổ chức, đơn vị.
Thời gian qua, Hà Nội xây dựng quy hoạch quảng cáo tấm lớn với 525 vị trí, trong đó 33 vị trí trong khu vực nội đô. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu quảng cáo đã được cấp phép lắp dựng bảng ở 314 vị trí. Tuy nhiên, một số địa phương vùng ngoại thành vẫn cho phép DN lắp dựng công trình quảng cáo ngoài trời ngoài các vị trí quy hoạch, không xin phép xây dựng. Một số tổ chức, cá nhân lợi dụng kẽ hở dựng bảng quảng cáo ngoài trời diện tích dưới 40m2, có hình thức tương tự quảng cáo tấm lớn tại những vị trí thuộc sở hữu tư nhân, không nằm trong quy hoạch.
Bên cạnh đó, các biển hiệu, biển quảng cáo tại các công trình, nhà ở riêng lẻ cũng có nhiều vi phạm. Quảng cáo trên băng rôn cũng vi phạm ngày càng nhiều, dưới mọi hình thức. Quyết định 01/2016/QĐ-UBND ra đời nhằm mục đích chấn chỉnh những vi phạm của hoạt động quảng cáo trong thời gian qua, đảm bảo mỹ quan và trật tự văn minh đô thị.
Xây dựng kế hoạch hành động tăng trưởng Xanh cho 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa
Đại diện lãnh đạo các tỉnh, có ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định; ông Nguyễn Chí Hiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên; ông Đào Công Thiên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà. Tham dự hội thảo còn có đại diện Văn phòng Chính phủ; Bộ Ngoại giao; Cơ quan Hợp tác phát triển Vương quốc Bỉ; các sở, ngành liên quan của 3 tỉnh vừa nêu.
Theo ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), “Chiến lược tăng trưởng Xanh” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1393/QĐ – TTg ngày 25/09/2012 với 3 mục tiêu cụ thể, bao gồm: Tái cấu trúc và hoàn thiện thể kinh tế theo hướng Xanh hoá các ngành hiện có, khuyến khích phát triển các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên với giá trị gia tăng cao; Nghiên cứu, ứng dụng ngày càng rộng rãi công nghệ tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, giảm cường độ phát thải nhà kính, góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; Nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường, tạo nhiều việc làm từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, đầu tư vốn tự nhiên, phát triển hạ tầng Xanh.
.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động Quốc gia về tăng trưởng Xanh giai đoạn 2014 – 2020. Tính đến nay, cả nước có 30 bộ, ngành, tỉnh, thành đã xây dựng kế hoạch động tăng trưởng Xanh gắn với tái cấu trúc kinh tế. Đáng chú ý, 3 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Hà Tĩnh đã tiến hành đánh giá thực trạng phát triển và dự thảo Kế hoạch hành động tăng trưởng Xanh cấp tỉnh. Kết quả này tạo thuận lợi cho Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường thực hiện dự án tăng trưởng Xanh trong thời gian tới, cũng như thực hiện điểm và nhân rộng ra các tỉnh, thành cả nước.
Đối với 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo khởi động, nhằm lấy ý kiến từ cơ sở, để tham vấn thực hiện Dự án xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng Xanh cho các tỉnh này từ năm 2016.
Ông Nguyễn Chí Hiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho rằng, để tạo thuận lợi cho việc lấy ý kiến thực hiện Dự án xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng Xanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần xây dựng bộ chỉ số đánh giá hiện trạng của các tỉnh tham gia dự án. Ví dụ như chỉ số biến động địa lý, biến động môi trường ở các vùng đồi núi dễ gây sạt lở hoặc vùng bờ biển thường xảy ra triều cường xâm nhập mặn. Từ đó các địa phương có những số liệu thống kê cụ thể, đánh giá đúng thực trạng, xây dựng dự án chuẩn xác. Qua kết quả thực hiện dự án, chính quyền các địa phương mới đưa ra chính sách khuyến khích phát triển các ngành kinh tế, sử dụng hợp lý, hiệu quả năng lượng và tài nguyên với giá trị gia tăng cao.
Theo ý kiến của ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ngoài việc xây dựng bộ chỉ số để các địa phương thực hiện điều tra, thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần đưa ra các tiêu chí định mức theo tỉ lệ qui định. Đây là giới hạn cho phép để áp dụng cho việc xây dựng dự án, cũng như giúp chính quyền địa phương ban hành văn bản tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm cường độ phát thải nhà kính, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nhất là đối với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến tại các khu, cụm công nghiệp.
“Sau hội thảo tham vấn này, Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường sẽ tiến hành làm việc cụ thể với các tỉnh tham gia Dự án xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng Xanh vào tháng 4/2016”, ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường cho biết
Nhật Bản mong muốn đẩy nhanh tiến độ các dự án metro tại Hà Nội
Tại buổi tiếp, ông Hiroshi Fukada chúc mừng Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải trên cương vị mới, bày tỏ tin tưởng thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục gặt hái những thành công mới. Ông Hiroshi Fukada bày tỏ vui mừng trước những bước tiến mới trong quan hệ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản thời gian qua thông qua các hoạt động trao đổi đoàn thường xuyên, và đẩy mạnh các dự án hợp tác phát triển giữa hai nước.
Nhân dịp này, Đại sứ Hiroshi Fukada mong muốn hai bên sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa để thúc đẩy tiến độ các dự án hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực đường sắt đô thị và cải thiện môi trường. Qua đó, góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Hà Nội.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cảm ơn những lời tốt đẹp của Đại sứ Hiroshi Fukada, đồng thời nhất trí với những đề xuất trên. Bí thư Thành ủy khẳng định, Hà Nội luôn tạo điều kiện hỗ trợ cho các dự án hợp tác giữa hai bên, đồng thời quan tâm giải quyết những khó khăn nhằm thúc đẩy các dự án sớm được triển khai theo đúng tiến độ.
Cùng ngày, tại trụ sở UBND thành phố Hà Nội, Đại sứ Hiroshi Fukada đã đến chào xã giao Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung. Tại buổi tiếp, Đại sứ chia sẻ về những quan điểm phát triển đô thị và hệ thống giao thông công cộng theo hướng thiết thực và hiệu quả, đồng thời khẳng định mong muốn đóng góp vào sự phát triển của thành phố Hà Nội thông qua các dự án hỗ trợ, hợp tác giữa hai bên.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cảm ơn Đại sứ với những chia sẻ thẳng thắn, cởi mở. Chủ tịch thành phố khẳng định, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản cũng như giữa Hà Nội với các địa phương của Nhật Bản trong thời gian qua không ngừng phát triển tốt đẹp. Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đề nghị trong thời gian tới, Đại sứ Hiroshi Fukada tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Hà Nội trong các lĩnh vực phát triển đô thị, giao thông, nông nghiệp, du lịch,…
Thiếu nước, các nhà máy thủy điện ở miền Trung hụt 3,2 tỷ kWh
Trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn (tỉnh Quảng Nam) hiện có 6 hồ thủy điện, tổng công suất 870MW, với tổng dung tích hữu ích là 1,18 tỷ m3, trong đó có 4 hồ chứa có khả năng điều tiết đáp ứng nhu cầu nước hạ du là A Vương, Đăk Mi 4, Sông Tranh, Sông Bung 4.
Trong năm 2015, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, lượng nước về các hồ chứa thiếu hụt từ 40-60% so với trung bình nhiều năm, nhiều hồ trong suốt mùamưa lũ không xuất hiện lũ A Vương, Sông Bung 4.
Cụ thể, tính đến thời điểm 1/3/2016, mực nước ở hồ A Vương ở mức 370,21m, thấp hơn 3,99m so với mực nước tối thiểu quy định của quy trình. Các nhà máy thủy điện lớn như A Vương, Sông Bung 4, Sông Tranh 2… ngoài việc các tổ máy hoạt động để đảm bảo sản lượng điện theo hợp đồng với các đối tác còn phải đảm bảo phân bổ nguồn nước hợp lý cho phía hạ du.
Với nguồn nước dự trữ hiện tại, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đã xảy ra ngay từ đầu năm tại thành phố Đà Nẵng bị nhiễm mặn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp nước sinh hoạt cho 900.000 hộ dân và 800 ha đất nông nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, những năm trước đây, tình trạng thiếu nước mùa khô hạn cũng đã xảy ra nhiều, nhưng chưa năm nào thiếu nước lại nghiêm trọng như năm nay. Theo nhận định, từ nay đến tháng 9/2016, chắc chắn hạn hán sẽ xảy ra trên diện rộng nên nguồn nước sẽ gặp không ít khó khăn.
Vì vậy, ông Vượng lưu ý các nhà máy thủy điện phải dựa trên quy trình vận hành để đảm bảo nguồn nước cho hạ du và đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển KT-XH. Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng đề nghị quy trình vận hành liên hồ chứa mà Chính phủ ban hành đã có hiệu lực đi vào hoạt động được 5 tháng nên đề nghị các nhà máy thủy điện, các chủ hồ chứa tập trung thực hiện đúng theo chỉ đạo.
Đồng bằng sông Cửu Long "mất trắng" 5.200 tỷ đồng do các đập thủy điện trên sông Mekong
Hội thảo do Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ tổ chức. Tại Hội thảo, Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước Đồng bằng sông Cửu Long đã đưa ra con số thiệt hại 5.200 tỷ đồng đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long do tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong.
heo Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trân, 11 đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong là tác nhân chính gây ra sạt lở, mất cân bằng sinh thái, đặc biệt làm xáo trộn đời sống của nông dân và ngư dân vùng hạ nguồn sông Mekong.
200km từ biên giới Campuchia đến đường bờ biển hiện tại của Việt Nam là kết quả bồi tụ phù sa trong 6.000 năm qua. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long là hạ lưu sông Mekong, sự mở rộng mũi Cà Mau là do phù sa sông Mekong mang lại. Chính vì thế, việc xây dựng các đập thủy điện đã chặn đường vận chuyển phù sa, cắt đứt quá trình kiến tạo đồng bằng, lượng bùn giảm hơn 50% khiến Đồng bằng sông Cửu Long đứng trước nguy cơ sạt lở với tốc độ ước lượng 4-12 m/năm. Mũi Cà Mau sẽ giảm tốc độ bồi đắp khoảng 1m/năm. Điều này đồng nghĩa với việc nông dân sẽ bị mất đất canh tác, đất đai giảm màu mỡ, thu nhập của nông-ngư dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đối diện nguy cơ nghèo đói…
Ngoài ra, các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong còn khiến vùng hạ nguồn bị suy giảm sản lượng thủy sản, nhiều chủng tôm cá biến mất. Theo ước tính, vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị giảm 600.000 tấn thủy sản/năm; tác động sụt giảm năng suất nông nghiệp cũng giảm gần 224.000 tấn/năm. Tổng thiệt hại nông nghiệp và thủy sản khoảng 5.200 tỷ đồng, chiếm 2,3% tổng GDP của toàn vùng.
Tiến sĩ Dương Văn Ni, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Đại học Cần Thơ cho biết thêm: Không chỉ đối diện với nguy cơ sạt lở, vùng hạ lưu sông Mekong còn phải gánh chịu xâm nhập mặn. Năm 2016 được đánh dấu là năm bị tác hại xâm nhập mặn nặng nề nhất trong 100 năm qua. Xâm nhập mặn ở các tỉnh ven sông Tiền là 10 km, sông Hậu là 9km. Hoa màu, nông sản đồng loạt chết khô, mất mùa nghiêm trọng.
Nông dân mất đất canh tác, ngư dân giảm sản lượng đánh bắt, công nhân chế biến bị mất việc do nhà máy chế biến thủy sản không đủ nguồn thủy sản cung cấp đầu vào. Nhóm đối tượng này sẽ phải bỏ nơi sinh sống, di cư lên các khu công nghiệp của địa phương khác mưu sinh, dẫn đến một chuỗi hệ lụy về an sinh xã hội.
Từ những tác hại nghiêm trọng và lâu dài kể trên của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần phải có tiếng nói mạnh mẽ trên các diễn đàn do Ủy hội sông Mekong quốc tế tổ chức, nhằm xem xét điều chỉnh quy hoạch thủy điện trên dòng chính sông Mekong đảm bảo hài hòa lợi ích của các nước trong khu vực.