Ông Hoàng Trung Hải: Hạ tầng giao thông Hà Nội ở mức báo động
Hà Nội phê duyệt giá đất tuyến đường tỉnh lộ 411C huyện Ba Vì
4.000 tỷ đồng đã được cho vay theo Nghị Định 67
Lao đao vì ‘vàng trắng' mất giá
Xâm mặn 90 km, nửa triệu dân thiếu nước sinh hoạt trầm trọng
Sách trắng 2016: Chân trời mới cho Việt Nam và câu chuyện thực thi
- Cập nhật : 07/03/2016
(Tin Kinh Te)
Vừa qua, Lần thứ 8, EuroCham công bố Sách Trắng, với rất nhiều khuyến nghị chính sách, song điều đáng quan tâm là những khuyến nghị đó được tháo gỡ và thực thi như thế nào trong thực tế để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam.
Ở vào thời điểm mang tính chất bước ngoặt, được chính EuroCham gọi là “chân trời mới cho Việt Nam”, khi mà năm 2015 đã ghi nhận rất nhiều bước chuyển quan trọng trong quan hệ giữa AEAN và EU, khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập và khi hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có FTA Việt Nam - EU, được ký kết, thì các khuyến nghị chính sách cũng sẽ “thời sự” hơn nhiều.
Đó là chuyện làm sao nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng hạ tầng cơ sở, chất lượng nguồn nhân lực, hay chuyện cải cách chính sách thuế, thiết lập hệ thống vận tải và hậu cần hiện đại và tiện ích… Khi FTA Việt Nam - EU có hiệu lực, khối lượng thương mại song phương sẽ gia tăng rất nhiều và việc phụ thuộc vào các cảng tại TP.HCM như hiện nay không mang tính bền vững về thương mại và khai thác.
.
Chính vì thế cần đầu tư xây dựng một cảng container nước sâu hiệu quả để đáp ứng nhu cầu của hoạt động thương mại này…
Cũng rất nhiều khuyến nghị cụ thể được đề cập, như nên áp dụng chính sách thị thực linh hoạt và đơn giản hơn, có thể tăng thời hạn miễn thị thực từ 15 ngày hiện nay lên 30 ngày; hay tình trạng gián đoạn đường truyền Internet làm ảnh hưởng đến lòng tin và uy tín của doanh nghiệp nước ngoài, do họ không thể đầu tư, kinh doanh một cách bền vững tại Việt Nam.
Rồi quy định mới về cách tính giá hàng xuất khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu vang và rượu mạnh, các quy định liên quan đến dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, như việc áp dụng biện pháp giá bán tối đa trong thời gian gần đây… đang làm khó các doanh nghiệp châu Âu đang kinh doanh tại Việt Nam, cần phải làm rõ hơn, hủy bỏ hoặc gia hạn thực hiện. Những rào cản thuế vẫn là vấn đề đáng quan ngại đối với ngành ô tô, xe máy. Thuế tiêu thụ đặc biệt với xe ô tô điện đang được cho là vẫn còn cao, cần được giảm dần ngay lập tức.
Nhưng cùng với các khuyến nghị thời sự, vẫn còn những phàn nàn rất cũ. Chẳng hạn, chuyện vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; chuyện giải quyết tranh chấp thương mại qua tòa án hay trung tâm trọng tài còn nhiều vấn đề, khiến nhà đầu tư nước ngoài quan ngại, luôn miễn cưỡng sử dụng; chuyện tuân thủ các quy trình chất lượng trong xuất khẩu sản phẩm sang EU; rồi chuyện thủ tục hành chính thuế, hải quan còn phiền hà, quan liêu, mất thời gian…
Điều đó có nghĩa, dù đã rất nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, song vẫn còn những khuyến nghị chính sách chưa được tháo gỡ và thực thi. Có lẽ đó cũng là lý do vì sao mà lần công bố Sách Trắng thứ 8 này, một cách làm mới được thực hiện: các tiểu nhóm công tác của EuroCham trực tiếp trình bày và thảo luận trực tiếp về các khuyến nghị chính sách, với sự tham gia của lãnh đạo các cơ quan hoạch định chính sách của Việt Nam.
Một sự quyết liệt nhìn thấy rõ khi các thành viên EuroCham, với tư cách chủ tọa, luôn đặt câu hỏi với các bộ chức năng của Việt Nam rằng, khuyến nghị đó có thể được sửa đổi và thời điểm là bao giờ?
Đáng mừng là nhiều câu hỏi đã có câu trả lời tại ngay hội trường, từ việc thuế tiêu thụ đặc biệt với xe điện đang ở mức thấp nhất và đang được đề xuất giảm 5-10% đối với mỗi loại xe dưới 5 chỗ, dưới 9 chỗ, dưới 16 chỗ; đến việc thuế tiêu thụ đặc biệt xe ô tô chạy xăng dưới 16 chỗ cũng đang được đề xuất giảm từ 15% hiện tại xuống 10%; hay không thể trì hoãn việc áp dụng chính sách mới về giá tính thuế, bởi đấy là biện pháp quan trọng để Việt Nam hội nhập… Song còn nhiều khuyến nghị khác thì không dễ và không thể sớm có hướng giải quyết.
Rõ ràng, có khuyến nghị tức là có vấn đề và nếu đó là khuyến nghị đúng đắn và hợp lý, thì cần sớm giải quyết để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh Việt Nam. Câu chuyện ở đây không chỉ là giải quyết những vướng mắc, cản trở đối với hoạt động của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, mà về lâu dài, giải quyết những vấn đề đó cũng sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam, cho nhân dân và doanh nghiệp Việt Nam. Sách Trắng 2016 của EuroCham cũng đã khẳng định điều này.
Hà Nguyễn
(Theo Báo Đầu Tư)