"Bán gạo sang Iran chẳng đơn giản chút nào. Thị trường gạo dường như có bàn tay vô hình nào đó điều khiển. Không biết ai là người mua người bán. Chẳng có công ty nào là công ty mua bán gạo. Cán bộ thương vụ ở tại chỗ đến 5 năm cũng không có thông tin gì".
Tin trong nước đọc nhanh 28-08-2015
- Cập nhật : 28/08/2015
Nhật Bản muốn tiếp nhận lao động, du học sinh Việt Nam sang làm việc cho ngành ô tô
Ông Seiji Hagiwara cũng mong muốn nhận được những ý kiến, đề xuất của Bộ Công Thương để tìm hiểu về khả năng tiếp nhận lao động, du học sinh của Việt Nam sang làm việc tại ngành công nghiệp sản xuất phụ tùng ô tô của thành phố. Đồng thời, tìm hiểu khả năng nhập khẩu một số mặt hàng của Việt Nam như cà phê, lá tía tô đỏ, trà và các loại hạt ép dầu.
Đánh giá cao vai trò đối tác chiến lược trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư của Nhật Bản đối với Việt Nam, Thứ trưởng hoan nghênh thiện chí, mục đích chuyến thăm của đoàn công tác thành phố Mimasaka sang Việt Nam.
Thứ trưởng đề nghị hai Bên tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ các cơ hội thúc đẩy hợp tác trong tương lai. Bộ Công Thương sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của thành phố Mimasaka nói riêng và các doanh nghiệp Nhật Bản nói chung có mong muốn sang Việt Nam hoạt động kinh doanh.
Thành lập Ban Thư ký và 3 Tiểu ban của Ủy ban Quốc gia APEC 2017
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017 vừa ký các Quyết định thành lập Ban Thư ký Quốc gia APEC 2017 và 3 Tiểu ban của Ủy ban gồm: Tiểu ban Nội dung; Tiểu ban Tuyên truyền và Văn hóa; Tiểu ban Lễ tân.
Theo đó, về nhân sự Ban Thư ký Quốc gia APEC 2017, ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao là Trưởng ban Thư ký Quốc gia APEC 2017 - Chủ tịch SOM. Ông Nguyễn Minh Vũ, Vụ trưởng, Bộ Ngoại giao là Phó Trưởng ban thường trực. Bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, Trưởng SOM APEC Việt Nam là Phó Trưởng Ban Thư ký.
Các thành viên của Ban Thư ký là các cán bộ cấp cục, vụ và chuyên viên do Văn phòng Chính phủ và các Bộ: Ngoại giao, Công Thương, Công an cử, làm việc theo chế độ biệt phái và kiêm nhiệm; cán bộ cấp cục, vụ, ban và chuyên viên do các Bộ: Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Giao thông vận tải, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cử làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
Tiểu ban Nội dung có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, chỉ đạo và tổ chức thực hiện toàn bộ công tác về nội dung phục vụ cho Tuần lễ cấp cao APEC 2017 và các hoạt động của Diễn đàn APEC năm 2017 tổ chức tại Việt Nam; đôn đốc và phối hợp hoạt động của tất cả các Bộ, cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng nội dung, chương trình nghị sự, báo cáo, văn kiện, thư ngoại giao và các tài liệu khác có liên quan của các hội nghị, sự kiện của APEC tại Việt Nam năm 2017.
Đồng Trưởng Tiểu ban Nội dung gồm ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch SOM APEC và ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương.
Tiểu ban Tuyên truyền và Văn hóa chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo việc đưa tin, tuyên truyền và quảng bá phục vụ các hội nghị, hoạt động liên quan của Diễn đàn APEC tại Việt Nam năm 2017.
Trưởng Tiểu ban Tuyên truyền và Văn hóa là ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Phó Trưởng Tiểu ban gồm: Ông Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Tiểu ban Lễ tân có nhiệm vụ lựa chọn địa điểm, xây dựng và tổ chức thực hiện các kịch bản lễ tân; đăng ký đại biểu, sắp xếp chỗ ở cho các đoàn; chỉ đạo và tổ chức thực hiện các công tác lễ tân phục vụ cho Tuần lễ cấp cao APEC 2017 và các hoạt động của Diễn đàn APEC năm 2017 tổ chức tại Việt Nam...
Trưởng Tiểu ban Lễ tân là ông Vũ Hồng Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Phó Trưởng Tiểu ban Lễ tân gồm: Ông Mai Phước Dũng, Cục trưởng, Cục Lễ tân Nhà nước, Bộ Ngoại giao (Phó Trưởng Tiểu ban thường trực) và ông Nguyễn Hữu Quang, Thiếu tướng, Phó Tư lệnh, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ.
Bắt tàu chở 140.000 lít xăng không rõ xuất xứ
Khoảng 2g sáng 27-8, lực lượng cảnh sát biển đã tạm giữ một tàu chở khoảng 140.000 lít xăng không rõ nguồn gốc tại vùng biển thuộc tỉnh Nghệ An.
Thông tin từ Bộ tư lệnh vùng Cảnh sát biển 1 chiều 27-8 cho biết trước đó, qua công tác nắm bắt tình hình, tổ công tác của BTL Vùng Cảnh sát biển 1 phối hợp cùng BTL Vùng Cảnh sát biển 2 đã phát hiện tàu vận tải Tân Xuân - 07 có biểu hiệu vi phạm khi vận chuyển hàng hóa là xăng dầu.
Tại thời điểm đó, trên tàu có 5 thuyền viên, thuyền trưởng của tàu là ông Trần Văn Lân (57 tuổi, quê quán xã Nghi Tân, TX Cửa Lò, tỉnh Nghệ An).
Lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra và ông Lân không xuất trình được các loại giấy tờ có liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ chứng minh tính hợp pháp của số xăng đang vận chuyển.
Theo lời khai của thuyền trưởng, tàu Tân Xuân - 07 chở khoảng 140.000 lít xăng.
Hiện tại , BTL Vùng CSB1 đã ra quyết định tạm giữ phương tiện và số hàng hóa trên để tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Cảnh cáo tổng thầu, tư vấn giám sát Dự án đường sắt
Tổng giám đốc Ban quản lý dự án (PMU) đường sắt (Bộ GTVT) Lê Kim Thành vừa ra văn bản cảnh cáo Tổng thầu EPC, tư vấn giám sát (TVGS) và nhà thầu phụ trực tiếp thi công hạng mục ga Hà Đông.
Lý do là những đơn vị này để xảy ra sự cố rơi thanh thép xuống ô tô vào ngày 25-8 tại công trường Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.
PMU đường sắt khẳng định dự án đã xảy ra nhiều sự cố mất an toàn lao động, gây ảnh hưởng đến niềm tin của người dân và uy tín của PMU Đường sắt, Bộ GTVT.
PMU đường sắt cảnh cáo: Công ty TNHH Giám sát xây dựng - Viện Nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh và Viện Khoa học và Công nghệ GTVT ( TVGS Dự án); Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Trung Quốc (Tổng thầu EPC của Dự án); Công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp Toàn Phát - Topaco (nhà thầu phụ thi công hạng mục ga Hà Đông) do để xảy ra sự cố rơi thép bật vào đầu ô tô lưu thông bên dưới trong quá trình tháo dỡ ván khuôn.
PMU đường sắt yêu cầu: toàn công trường nâng cao công tác đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ theo các chỉ thị của Bộ GTVT đã ban hành trước đây;
Yêu cầu tổng thầu EPC xử lý nhà thầu phụ (Công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp Toàn Phát- Topaco) để xảy ra sự cố và có hình thức xử lý kỷ luật, điều chyển, thôi việc, thay thế đối với các cá nhân, chỉ huy công trường vi phạm của tổng thầu EPC, nhà thầu phụ
Yêu cầu Công ty TNHH Giám sát xây dựng - Viện Nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh và Viện Khoa học và Công nghệ GTTVT có hình thức kỷ luật, điều chuyển thay thế TVGS phụ trách nhà ga Hà Đông và các cá nhân có liên quan.
Phạt 2 nhãn sữa không đạt chất lượng
Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bến Tre cho biết vừa ra quyết định xử phạt hành chính 2 doanh nghiệp đã sản xuất và đưa ra tiêu thụ tại địa phương mặt hàng sữa mang nhãn ISO GOLD và GoodMild không đạt chất lượng.