“Tôi không hiểu sao dịch vụ gì cho doanh nghiệp cũng thu tiền, cái gì cũng thu tiền trong khi doanh nghiệp, người dân đã đóng thuế”.
Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với hơn 185 nước
- Cập nhật : 28/08/2015
(Tin kinh te)
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành ngoại giao được tổ chức hôm 27-8, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao những đóng góp to lớn của ngành.
Theo Chủ tịch nước, chúng ta đã mở rộng quan hệ đối ngoại chưa từng có cả về bề rộng lẫn chiều sâu.
Từ vỏn vẹn 11 nước có quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 1954, đến nay chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 nước, thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với 224 thị trường tại tất cả châu lục; đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với nhiều quốc gia chủ chốt trên thế giới.
Lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta có quan hệ hợp tác tốt với tất cả nước lớn, trong đó có 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Chúng ta đã giữ vững chủ quyền lãnh thổ, tạo dựng môi trường hòa bình, hợp tác hữu nghị với các nước láng giềng; đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực, thu hút gần 260 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Đồng thời, Việt Nam đang chủ động, tích cực khẳng định vai trò trong các diễn đàn đa phương quan trọng cũng như các liên kết kinh tế hàng đầu ở khu vực và quốc tế.
Cũng tại buổi lễ trang trọng này, nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đánh giá công tác ngoại giao Việt Nam trở nên sắc bén, hiệu quả cao bởi phối hợp chặt chẽ với mặt trận quân sự, chính trị, tạo thành sức mạnh tổng hợp.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Bình, cục diện quốc tế nay đã khác, vô cùng phức tạp. Hợp tác và phát triển trở thành xu thế khách quan, nhưng bên cạnh đó chạy đua vũ trang có chiều hướng gia tăng. Cạnh tranh kinh tế ngày một quyết liệt. Tranh chấp chủ quyền trở nên căng thẳng. Trong khi quân sự còn đang được kiềm chế, chính trị, kinh tế là công cụ chủ yếu thì ngoại giao là biện pháp hết sức quan trọng.
Trong tình hình mới, bà Nguyễn Thị Bình đề nghị ngành ngoại giao quan tâm đến hai vấn đề. Thứ nhất, trong thời đại ngày nay sức mạnh công lý là trong luật pháp quốc tế.
Do quá trình đấu tranh vì một trật tự quốc tế dân chủ, công bằng hơn, nhiều định chế, luật quốc tế quan trọng được thiết lập. Chúng ta cần nắm vững khai thác, vận dụng và sử dụng nó sắc bén.
Ví dụ như Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 là công cụ quan trọng trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Thứ hai là đấu tranh dư luận. Chưa bao giờ khoa học thông tin phát triển và có sức mạnh lan tỏa như ngày nay. Ai cũng muốn sử dụng nó như “sức mạnh mềm” có lợi cho mình.
Chúng ta có chính nghĩa, tin mình có lẽ phải. Nhưng không phải lúc nào cộng đồng quốc tế cũng hiểu được lập trường và hành động của chúng ta.
Vì vậy trong mọi hoàn cảnh, chúng ta cần coi trọng, chủ động và kịp thời đấu tranh mạnh mẽ trên mặt trận tuyên truyền, vận động dư luận, tranh thủ tối đa sự đoàn kết, ủng hộ quốc tế.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của ngành ngoại giao cho sự nghiệp phát triển của đất nước, tại buổi lễ trọng thể này Chủ tịch nước đã trao thưởng Huân chương Sao Vàng cho Bộ Ngoại giao.