Bí thư huyện ủy Lý Sơn được điều động giữ chức chủ tịch UBND huyện
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lên đường thăm Đức
Thẻ thông minh sẽ giúp xe buýt ‘lột xác’ từ năm 2016
Quy định xác nhận tình trạng hôn nhân theo Luật Hộ tịch mới
Thay đổi mức phạt tiền đối với nhiều vi phạm hành chính
Tin trong nước đọc nhanh 24-11-2015
- Cập nhật : 24/11/2015
200 học giả quốc tế đến Vũng Tàu thảo luận về biển Đông
Sáng 23/11, hội thảo quốc tế về biển Đông lần thứ 7 với chủ đề Biển Đông - hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực do Học viện Ngoại giao phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam và Quỹ hỗ trợ nghiên cứu biển Đông khai mạc tại thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).6 vấn đề lớn sẽ được các học giả đến từ Mỹ, Trung Quốc, Australia, Ấn Độ... và trong nước trao đổi gồm: tình hình thế giới và những tác động đến vấn đề biển Đông; những diễn biến gần đây trên biển Đông; quan hệ nước lớn ở biển Đông; luật pháp Quốc tế; triển vọng tương lai; tình huống giả định: giải quyết, phân định và hợp tác ở biển Đông.
Các diễn giả sẽ thảo luận tình hình trên Biển Đông ở nhiều khía cạnh từ chính trị, ngoại giao tới luật pháp, nhằm tìm kiếm các cơ hội và ý tưởng thúc đẩy hiểu biết và hợp tác ở Biển Đông trên tinh thần các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
Tại hội thảo lần này, lần đầu tiên tổ chức chương trình Các nhà Lãnh đạo trẻ (YLP) tập hợp 9 nhà nghiên cứu trẻ và nghiên cứu sinh, tiến sỹ từ 7 quốc gia với mục tiêu xây dựng mạng lưới các nhà nghiên cứu trẻ về biển Đông, thảo luận về các ý tưởng và sáng kiến hợp tác mới vì hòa bình và phát triển ở biển Đông.Phát biểu khai mạc, Đại sứ Đặng Đình Quý - Giám đốc Học viện Ngoại giao - nhận định, năm 2015 biển Đông không có những cơn bão lớn nhưng sóng ngầm vẫn cuồn cuộn, đe dọa sự an nguy của một trong những huyết mạch giao thông trên biển quan trọng hàng đầu của thế giới. Đe dọa tính mạng và công cuộc mưu sinh của hàng triệu ngư dân đã đánh bắt ở các ngư trường truyền thống vùng biển này hàng nghìn năm qua, đe dọa sự ổn định, an ninh và phát triển của cả khu vực.
Giáo sư Carl Thayer (bên trái - chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á, Trung Quốc, Biển Đông) - Học viện Quốc phòng Australia - tại hội thảo. Ảnh: Trung Sơn
"Nguyên trạng trên biển Đông đang thay đổi nhanh chóng về so sánh lực lượng của các bên trực tiếp liên quan tới tranh chấp, sự hiện diện và mức độ hoạt động của các bên có lợi ích ở vùng biển này và cả thực trạng chiếm đóng của các bên tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa", ông Quý nói và cho rằng điều đáng lo ngại là tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp, nguy cơ biển Đông trở thành một điểm "nóng" mới ngày càng lớn.
Theo ông Quý, biển Đông chỉ có thể yên bình khi tất cả các bên vì lợi ích của chính mình, tính đến lợi ích của tất các bên khác; khi tất cả các bên hành xử theo các khuôn khổ luật pháp và tập quán quốc tế được đa số các nước công nhận và tán thành cách diễn giải.
Hội thảo sẽ diễn ra trong ngày 23-24/11.
Những ai được tăng lương tối thiểu từ ngày 1-1-2016?
Từ ngày 1-1-2016 sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ 2.400.000 - 3.500.000 đồng/tháng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động...
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 122/2015/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.
Đối tượng áp dụng gồm:
- Doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp;
- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động;
- Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này).
Quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp như sau:
a) Mức 3.500.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.
b) Mức 3.100.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.
c) Mức 2.700.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.
d) Mức 2.400.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.
Địa bàn thuộc vùng I, vùng II, vùng III và vùng IV: xem tại đây.
Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng 250.000-400.000 đồng/tháng.
Nghị định cũng nêu rõ mức lương tối thiểu vùng như trên là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận...
Khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.
Các khoản phụ cấp, bổ sung khác, trợ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định thì thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp.
Bạn đọc có thể xem toàn văn Nghị định số 122/2015/NĐ-CP tại đây.
Cấm mua chuộc, đe dọa làm sai thông tin thống kê
Sáng 23-11, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật thống kê (sửa đổi) với việc quy định các điều cấm rất cụ thể.
Trước đó, trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết qua tổng hợp ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội thì “nhiều ý kiến tán thành với dự thảo Luật quy định cơ quan thống kê trung ương trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư”.
Nhưng cũng “có ý kiến đề nghị cơ quan thống kê trung ương hoạt động độc lập thuộc Quốc hội để bảo đảm tính độc lập của hoạt động thống kê”.
“Ủy ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: dự thảo Luật đã có các quy định để bảo đảm sự độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan thống kê và người làm công tác thống kê, nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, ép buộc, áp đặt, mua chuộc, đe dọa làm sai lệch dữ liệu, thông tin thống kê, từ đó bảo đảm sự độc lập, khách quan trong hoạt động thống kê” - ông Giàu nói.
Hơn nữa, Luật tổ chức Quốc hội mới thông qua năm 2014 cũng không quy định cơ quan thống kê thuộc Quốc hội.
Theo đó, Luật Thống kê (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thống kê nhà nước và sử dụng thông tin thống kê nhà nước gồm:
- Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời, cản trở việc cung cấp thông tin theo phương án điều tra thống kê, chế độ báo cáo thống kê và từ dữ liệu hành chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định;
- Khai man, làm sai lệch dữ liệu thông tin thống kê;
- Can thiệp, ép buộc, áp đặt, mua chuộc, đe dọa, dụ dỗ người khác khai man, làm sai lệch dữ liệu, thông tin thống kê và sử dụng thông tin thống kê;
- Thực hiện sai các quy định trong phương án điều tra thống kê, chế độ báo cáo thống kê, sử dụng dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê; tự sửa đổi thông tin khi thực hiện điều tra, báo cáo thống kê và cung cấp thông tin từ dữ liệu hành chính;
- Báo cáo, công bố, phổ biến thông tin thống kê không chính xác;
- Tiết lộ thông tin thống kê thuộc bí mật nhà nước; tiết lộ dữ liệu, thông tin thống kê chưa được công bố của cơ quan, tổ chức; sử dụng dữ liệu, thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân ngoài mục đích thống kê khi chưa được sự đồng ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó;
- Quyết định điều tra thống kê, ban hành chế độ báo cáo thống kê trái quy định của pháp luật về thống kê.
Luật Thống kê (sửa đổi) gồm 9 chương, 72 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016.
Hơn 5.000 tỉ đồng xây dựng nông thôn mới
Thu nhập bình quân đầu người ở Đồng Tháp đạt 29 triệu đồng, tăng hơn gấp đôi so với năm 2010, tỉ lệ hộ nghèo giảm 4%. Tỉnh có 1.600 km đường giao thông nông thôn thay thế cho những con đường lầy lội, những cây cầu ván, cầu khỉ tạm bợ nhường chỗ cho 539 chiếc cầu bê tông vững chãi giúp người dân đi lại dễ dàng.
CPI tháng 11 TP.HCM tăng nhẹ
Trong 11 nhóm tính CPI có đến bảy nhóm tăng. Tăng cao nhất là nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,64%, tăng cao thứ hai là nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,48%, tiếp đến là nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,26% tác động từ giá gas tăng.
Các nhóm còn lại như nhóm dược phẩm, nhóm dịch vụ y tế, nhóm giáo dục, nhóm văn hóa giải trí tăng dưới 0,05%. Chiếm vị trí quan trọng trong tính CPI, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống chỉ tăng 0,03%.
Bốn nhóm giảm, giao thông giảm mạnh nhất tới 0,36% nhờ chủ giá xăng dầu được điều chỉnh giảm, nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,14%, hàng hóa dịch vụ khác giảm 0,12%.
Như vậy, so với cùng kỳ CPI tháng 11 giảm 0,45%. Tính từ đầu năm đến nay CPI giảm 0,09%.