tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh 24-09-2015

  • Cập nhật : 24/09/2015

Việt Nam muốn là thành viên của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế

Ngày 22/9/2015, tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã có buổi tiếp ông Peter Zoellner, Vụ trưởng Vụ các ngân hàng, Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS).

Tại buổi tiếp, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá cao mối quan hệ hợp tác, đầu tư hiệu quả, thiết thực giữa NHNN và BIS trong thời gian qua. Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: NHNN đã chính thức trở thành thành viên của Ủy ban Irving Fisher về công tác thống kê của ngân hàng trung ương (IFC), trực thuộc BIS; các Vụ, Cục của NHNN sẽ tích cực tham gia vào các hoạt động của IFC như hoạt động nghiên cứu về thống kê tiền tệ, tài chính, các hội nghị, diễn đàn do IFC tổ chức.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, NHNN mong muốn tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa với BIS thông qua các hoạt động đầu tư, đào tạo, học hỏi kinh nghiệm áp dụng các chuẩn mực quốc tế về hoạt động ngân hàng của BIS và các tổ chức tài chính - tiền tệ quốc tế đặt tại BIS.

Phó Thống đốc bày tỏ Việt Nam quan tâm và mong muốn trở thành thành viên của BIS trong đợt kết nạp tới đây để có thể đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của BIS và đề nghị Ban Lãnh đạo BIS quan tâm ủng hộ  vấn đề này.

Ông Peter Zoellner, Vụ trưởng Vụ các ngân hàng BIS chúc mừng những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua và bày tỏđồng tình vớinhững giải pháp mà Chính phủ Việt Nam và NHNN đã thực hiện nhằm mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Ông Peter Zoellner đánh giá cao vai trò và tiếng nói ngày càng cao của Việt Nam nói chung và NHNN nói riêng trong việc chủ động tham gia, hội nhập với cộng đồng tài chính, tiền tệ khu vực và quốc tế.

Về mong muốn gia nhập BIS của Việt Nam, ông Peter Zoellner cho biết sẽ ủng hộ đề nghị này của Việt Nam trong đợt xem xét kết nạp thành viên mới tiếp theo của BIS; đồng thời cho rằng trong giai đoạn hiện nay hai bên có thể tăng cường quan hệ hợp tác hơn nữa về chuyên môn, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo, nghiên cứu...

BIS là tổ chức tài chính quốc tế lâu đời nhất, được thành lập ngày 17/5/1930 với mục đích chính là thúc đẩy hoạt động chia sẻ thông tin và là trung tâm nghiên cứu kinh tế của các thành viên là NHTW các nền kinh tế phát triển trên thế giới.BIS có trụ sở chính đặt tại Basel, Thụy Sỹ và 02 văn phòng đại diện tại Hồng Kông và Mexico. BIS cũng là nơi đặt trụ sở làm việc của các tổ chức xây dựng các chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng và ngân hàng trung ương, như Ủy ban Basel về thanh tra giám sát ngân hàng, Hội đồng ổn định tài chính, Diễn đàn quản trị NHTW, Ủy ban hệ thống tài chính toàn cầu...

Hoạt động của BIS nhằm hướng tới mục tiêu: (i) Duy trì tính bền vững, ổn định của tài chính, tiền tệ quốc tế; (ii) Đẩy mạnh hợp tác khu vực, quốc tế giữa các NHTW và định chế tài chính; (iii)Hoạt động như ngân hàng của NHTW các nước thành viên và các tổ chức tài chính quốc tế.


Quảng Nam bổ nhiệm giám đốc sở 30 tuổi

Ông Lê Phước Hoài Bảo - phó giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Quảng Nam vừa được UBND tỉnh Quảng Nam bổ nhiệm chức vụ giám đốc sở này khi 30 tuổi.

​tan giam doc so ke hoach - dau tu quang nam le phuoc hoai bao  -  anh: t.l

​Tân giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Quảng Nam Lê Phước Hoài Bảo  -  Ảnh: T.L

Sáng 23-9, UBND tỉnh Quảng Nam đã chính thức bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo giữ chức vụ giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư. Như vậy ông Bảo trở thành vị giám đốc sở trẻ nhất Quảng Nam.

Ông Lê Phước Hoài Bảo (sinh năm 1985, quê quán huyện Đại Lộc, Quảng Nam) được UBND tỉnh điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ phó giám đốc sở này vào tháng 4-2015.

Ông Bảo từng học Trường Đại học kinh tế Đà Nẵng, sau đó học thạc sĩ chuyên ngành Quản trị tài chính và chiến lược tại Trường Claremont Graduate University (Hoa Kỳ).

Trước đó, ông Bảo giữ chức trưởng phòng xúc tiến đầu tư (Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai) từ năm 2012-2014.

Sau đó ông được bổ nhiệm làm phó chủ tịch UBND huyện Thăng Bình (nhiệm kỳ 2011-2016) rồi được điều động về làm phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư từ tháng 4-2015, và đến tháng 9-2015 lại được bổ nhiệm làm giám đốc sở này.

Ông Bảo là con trai của ông Lê Phước Thanh - bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam. Trước đó, vào tháng 7-2015, ông Thanh có đơn xin về hưu trước tuổi.

Mới đây, ông Thanh cũng vừa được Bộ Chính trị đồng ý cho thôi giữ chức vụ bí thư tỉnh ủy Quảng Nam khi Đại hội Đảng bộ Quảng Nam đến gần (tháng 10-2015).(Tuổi Trẻ)


Ồ ạt bán cây thốt nốt cho thương lái Trung Quốc

Hàng chục cây thốt nốt có tuổi đời trên 20 năm tuổi lần lượt bị nhóm thương lái thu mua ồ ạt ở hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, An Giang trong mấy ngày qua.

16 cay thot not co thu hang chuc nam tuoi duoc cau len xe dau keo van chuyen di ve quang ninh - anh: buu dau

16 cây thốt nốt cổ thụ hàng chục năm tuổi được cẩu lên xe đầu kéo vận chuyển đi về Quảng Ninh - Ảnh: BỬU ĐẤU

Hàng chục cây thốt nốt có tuổi đời trên 20 năm tuổi lần lượt bị nhóm thương lái thu mua ồ ạt ở hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, An Giang trong mấy ngày qua dù trước đó các địa phương này từng giữ nhóm người thu mua cây thốt nốt trái phép.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, nhóm này thu mua thốt nốt ở các xã Văn Giáo, An Cư, Tân Lợi và các xã có đông đồng bào dân tộc Khmer của huyện Tịnh Biên rồi tập kết chất lên xe đang đậu cặp tỉnh lộ 948 khu vực Dốc Bà Đắc, xã Thới Sơn.

Ông Minh, quê ở Đồng Nai, đi theo xe đầu kéo cho biết nhóm ông đã thu mua thốt nốt ở khu vực này gần 10 ngày nay. Số cây thốt nốt đang vận chuyển lên xe này là 16 cây lớn nhỏ. Mỗi cây thốt nốt khi được vận chuyển ra đến tận đường đã có giá gần 2 triệu đồng/cây.

Khi chúng tôi đặt vấn đề muốn bán một số cây thốt nốt thì ông Minh nói: “Ở đây không có mua được, trong các phum, sóc đã có người rồi, anh muốn bán thì liên hệ với mấy ông đó biết tiếng Khmer. Do mưa quá nên mấy ngày nay chỉ mua bấy nhiêu thôi!”.

Cũng theo ông Minh, để lấy được một cây thốt nốt có cả rể thì nhóm của ông đã huy động cả xe tải và xe kéo mới có thể “bứng” lên được.

“Giá mua tại chỗ theo tôi biết chỉ 500.000 đồng/cây nhưng vì có thêm tiền xe cẩu, xe kéo và vận chuyển nữa nên tính ra gần 2 triệu đồng/cây” - ông Minh nói.

Tài xế xe này cho biết họ chở các cây thốt nốt mua được sang Trung Quốc bán.

Chiều 22 - 9, ông Nguyễn Hùng Cường, chánh văn phòng UBND huyện Tịnh Biên, cho biết cách nay vài tháng huyện đã giữ một trường hợp thu mua hàng chục cây thốt nốt trái phép. Huyện cũng lập văn bản kiến nghị ngành kiểm lâm và Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh có chủ trương đưa cây này vào loại danh mục cấm mua bán để bảo vệ loài cây đặc sản này.

“Mình sợ tình trạng mua bán này sẽ ảnh hưởng lớn đến đặc sản thốt nốt trong thời gian tới nhưng kiến nghị đến giờ vẫn chưa có văn bản trả lời. Sau khi tiếp nhận thông tin, chúng tôi sẽ tiếp tục báo cáo kiến nghị tiếp để bảo vệ loài cây đặc sản này” - ông Cường nói.

Cùng ngày, ông Đỗ Minh Trí, phó chủ tịch UBND huyện Tri Tôn, cho biết cách nay một tháng huyện đã bắt được xe tải chở hơn 20 cây thốt nốt trên 15 tuổi nên đã giao cho công an xử lý.

“Quan điểm của UBND huyện là phải bảo tồn giống cây này vì đây là đặc sản tạo nên thương hiệu vùng Bảy Núi nhưng hiện nay cây này nằm ngoài danh mục nên đã kiến nghị tỉnh cấm mua bán và có biện pháp xử lý mạnh tay hơn.

Về mặt người dân chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con hiểu rõ hơn lợi ích của việc trồng cây này hơn là buôn bán theo lợi ích trước mắt như hiện nay” - ông Trí nói.(Tuổi Trẻ)


Phản đối Trung Quốc quy hoạch hai quần đảo của Việt Nam

nguoi phat ngon bo ngoai giao le hai binh. (anh: an dang/ttxvn)

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Theo Vietnam+ chiều 23-9, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Quốc vụ viện Trung Quốc thông qua “Quy hoạch khu chức năng chính về biển trên toàn quốc” trong đó bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ:
“Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động của các bên nước ngoài ở khu vực này mà không được sự đồng ý của Việt Nam là vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và vô giá trị."

"Việt Nam kiên quyết phản đối hành động nói trên của Trung Quốc, đồng thời yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hủy bỏ ngay hành động sai trái đó, đóng góp thiết thực vào việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông” - Ông Lê Hải Bình nói.


39 nhà xuất bản trên cả nước đứng trước nguy cơ phải đóng cửa

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa có ý kiến chỉ đạo về giải pháp đối với hoạt động của các nhà xuất bản.
anh minh hoa. (nguon: ttxvn)

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)


Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với cơ quan chủ quản nhà xuất bản rà soát, phân loại để tiến hành sắp xếp, chuyển đổi, tái cơ cấu các nhà xuất bản, trên cơ sở đó xây dựng tiêu chí hỗ trợ về tài chính (kể cả giá thuê nhà, đất) đối với các nhà xuất bản cần thiết phải duy trì hoạt động; thống nhất phương án đối với các nhà xuất bản có cơ quan chủ quản chưa phù hợp theo Luật Xuất bản. 

Bên cạnh đó, phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính rà soát danh mục các xuất bản phẩm được nhà nước tài trợ và xây dựng tiêu chí đấu thầu hoặc đặt hàng đối với xuất bản phẩm, phù hợp với các quy định của pháp luật. 

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý hoạt động xuất bản; đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về quản lý xuất bản. 

Phó Thủ tướng giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn mã số chức danh nghề nghiệp đối với biên tập viên nhà xuất bản. 

Theo báo cáo công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2015 của Cục Xuất bản, In và Phát thanh thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ còn 24 trong số 63 nhà xuất bản (chiếm 38,1%) đảm bảo đủ điều kiện hoạt động theo quy định của Luật Xuất bản. 
 

Còn lại 39 nhà xuất bản đang có nguy cơ phải đóng cửa do không đủ điều kiện hoạt động như thiếu nguồn tài chính để hoạt động (không đủ 5 tỷ đồng), thiếu chức danh lãnh đạo xuất bản, thiếu biên tập viên cơ hữu, thiếu diện tích trụ sở…/.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục