Phát hiện 5 tàu cá Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển Việt Nam.
Trung tá Hoàng Xuân Long, Hải đội trưởng yêu cầu các thuyền viên Trung Quốc cùng tàu cá ngay lập tức ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Đó là thông tin từ Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng (BĐBP) Quảng Bình xác nhận vào hôm nay ngày 23-8.
Theo đó, 13h ngày 19-8, 2 tàu tuần tra của Hải đội 2 BĐBP Quảng Bình đang làm nhiệm vụ tuần tra giám sát nghề cá trên vùng biển Quảng Bình đã phát hiện 5 tàu cá của ngư dân Trung Quốc vừa xâm phạm chủ quyền biển Việt Nam, vừa đánh bắt trộm nguồn lợi thủy hải sản tại tọa độ 17 độ 49 phút 50 giây, vĩ độ Bắc, 106 độ 54 phút 36 giây, kinh độ Đông vi phạm sâu vào vùng biển tỉnh Quảng Bình (Việt Nam).
Sau khi báo cáo nhanh với chỉ huy trực ban, Bộ chỉ huy BĐBP Quảng Bình ra lệnh cho biên đội chuyển hướng tiếp cận để thực hiện các thủ tục cần thiết theo đúng chức năng, thẩm quyền của BĐBP. Đến 16 giờ 30 phút cùng ngày sau nhiều giờ truy kích, biên đội đã tiếp cận một tàu cá của Trung Quốc. Qua kiểm tra, tàu có 4 thuyền viên cùng thuyền trưởng không có giấy tờ. Họ bị lập biên bản, sau đó bị cảnh cáo. Tiếp đó thuyền trưởng và các thuyền viên phải đảm bảo không xâm phạm chủ quyền biển Việt Nam tái diễn hành vi đánh bắt trộm.
Sau đó Hải đội 2 BĐBP Quảng Bình đã phóng thích tàu cá này, yêu cầu ngay lập tức rút khỏi vùng biển Việt Nam. Ngoài ra, 4 tàu cá khác của Trung Quốc khi đánh trộm gần đó bị phát hiện cũng đã bỏ chạy. Một tàu tuần tra của hải đội 2 đã truy kích ra khỏi hải phận Việt Nam.
Hà Nội công bố giá bồi thường thu hồi đất xây metro tại 3 quận trung tâm
UBND TP Hà Nội vừa ban hành các quyết định phê duyệt điều chỉnh giá đất ở làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện xây dựng ga ngầm thuộc Dự án tuyến đường sắt đô thị, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội (tuyến số 3).
Cụ thể, trên địa bàn quận Ba Đình: vị trí 1, đường Kim Mã (đoạn Nguyễn Thái Học - Liễu Giai) là 133.093.000 đồng/m²; vị trí 2, đường Kim Mã (đoạn Nguyễn Thái Học - Liễu Giai) là 59.468.000 đồng/m²; vị trí 3, đường Kim Mã (đoạn Nguyễn Thái Học - Liễu Giai) là 47.342.000 đồng/m².
Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm: Tại phố Phan Bội Châu: vị trí 1: 142.340.000 đồng/m²; tại phố Trần Hưng Đạo: vị trí 1 (đoạn từ Trần Thánh Tông đến Lê Duẩn): 170.559.000 đồng/m²; vị trí 2 (đoạn từ Trần Thánh Tông đến Lê Duẩn): 78.432.000 đồng/m²; vị trí 3, 4 (đoạn từ Trần Thánh Tông đến Lê Duẩn): 61.808.000 đồng/m².
Trên địa bàn quận Đống Đa: Tại phố Quốc Tử Giám: vị trí 1: 106.901.000 đồng/m²; vị trí 2: 53.582.000 đồng/m²; vị trí còn lại (gồm vị trí 3,4): 41.740.000 đồng/m². Phố Cát Linh: vị trí 1: 121.730.000 đồng/m²; vị trí 3, 4: 45.907.000 đồng/m².
Cần xây dựng Luật Ngôn ngữ
Sáng 23-8, Viện Ngôn ngữ học, thuộc Viện Hàn lâm KHXH VN tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: Ngôn ngữ học VN 30 năm đổi mới và phát triển.
Báo cáo tại Hội thảo, GS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học cho biết, trong 30 năm qua, ngôn ngữ học VN đã nhanh chóng hòa nhập với các trào lưu, lý thuyết hiện đại của thế giới và đạt được những thành tựu cả về lý thuyết và thực tiễn.
Đặc biệt, trong sứ mạng giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học đã có nhiều cuốn từ điển, cả đơn ngữ và song ngữ có uy tín. Vấn đề chuẩn hóa ngôn ngữ đang trở thành vấn đề thời sự của Ngôn ngữ học VN và được xã hội quan tâm. Điều này đặt ra yêu cầu phải xây dựng Luật Ngôn ngữ.
Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, GS Nguyễn Văn Hiệp cho rằng: cần phải xây dựng Luật Ngôn ngữ tại VN - Ảnh Chân Luận
GS Hiệp cho hay, Viện Ngôn ngữ học đã có một chương trình nghiên cứu, cung cấp những luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn để Nhà nước có những chính sách đúng đắn về ngôn ngữ, để chuẩn bị cho việc xây dựng Luật Ngôn ngữ ở VN. Trong quá trình xây dựng Hiến pháp 2013, một số chuyên gia của Viện Ngôn ngữ học đã được mời vào Ban Biên tập và Hiến pháp 2013 đã khẳng định: “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình”.
Hội thảo Ngôn ngữ học quốc tế lần thứ 2 năm 2015 thu hút hơn 400 đại biểu, với 277 bản báo cáo toàn văn từ các tác giả trong nước và nước ngoài, trong đó có 39 học giả đến từ Hoa Kỳ, Australia, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia…
CPI tháng 8 TP.HCM giảm nhẹ
Ngày 22-8, Cục Thống kê TP.HCM công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 của TP.HCM giảm 0,12% so với tháng trước.
Trong 11 nhóm hàng tính CPI chỉ có ba nhóm tăng. Tăng cao nhất tháng này là nhóm giáo dục 1,54% do năm học mới đã bắt đầu. Nhóm ăn và dịch vụ ăn uống tháng này tăng nhẹ 0,1%. Tuy nhiên, trong nhóm này thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,08%-0,21%, chỉ có lương thực giảm 0,06%, nhóm bưu chính viễn thông, nhóm uống và thuốc lá tăng 0,01%-0,02%.
Trong khi đó có năm nhóm giảm, giảm mạnh nhất là nhóm giao thông 2,40% nhờ giá xăng dầu giảm; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng giảm 0,66%. Các nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình, nhóm văn hóa giải trí, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giảm nhẹ 0,01%-0,32%. Riêng nhóm may mặc mũ nón giày dép, nhóm dược phẩm và dịch vụ y tế ổn định.
Như vậy so với cùng kỳ năm 2014, CPI tháng 8-2015 tăng 0,60%. Tính từ đầu năm đến nay CPI tăng nhẹ 0,22%.
Khoai lang tím Vĩnh Long chưa tới 1.000 đồng/kg
Những ngày này, đi về các xã trong huyện Bình Tân (Vĩnh Long), vùng trồng khoai lang lớn nhất ĐBSCL, đâu đâu cũng nghe nông dân than vãn chuyện khoai lang rớt giá thê thảm.
Ông Ngô Văn Tua (58 tuổi, ngụ xã Thành Đông, huyện Bình Tân) than thở: “Giá khoai lang tím Nhật loại 1 khoảng 200.000 đồng/tạ (60 kg), còn loại 2 (loại không đạt kích cỡ) giá chỉ còn 50.000 đồng/tạ, tính ra 1 kg khoai lang chưa tới 1.000 đồng. Với giá này nông dân lỗ từ 5-6 triệu đồng/công”.
Người dân tại xã Thành Đông còn kể chuyện 1 nguyên phó chủ tịch xã này đã thuê gần 100 công đất để trồng khoai lang tím Nhật. “Khoai lang rớt giá như vậy, tính ra vị ấy lỗ khoảng 1,2 tỉ đồng. Nhiều hộ khác, người lỗ ít cũng cả trăm triệu đồng” - ông Trần Văn Lành, Chủ tịch Hội nông dân xã Thành Đông cho biết.
Trước thực trạng này, đầu tháng 8 vừa qua, hàng chục đoàn viên Phòng Thời sự- VTV Cần Thơ cùng Công ty CP Dược Hậu Giang đến huyện Bình Tân tìm mua hơn 4 tấn khoai lang để phân chia cho cán bộ, nhân viên trong đơn vị tiêu thụ. Trên mạng xã hội, nhiều bạn trẻ đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng mạng mua khoai lang tím với giá 10.000 đồng/kg để “giải cứu” cho khoai lang ở Vĩnh Long. Tuy nhiên, số lượng khoai lang mà cộng đồng xã hội “giải cứu” chỉ vài trăm tấn, trong khi sản lượng thu hoạch hàng năm lên đến hơn 200.000 tấn.
Huyện Bình Tân là nơi trồng khoai lang lớn nhất ĐBSCL với diện tích khoảng 9.000 ha, chiếm 50% diện tích khoai lang toàn vùng. Do những năm gần đây, hàng loạt hộ nông dân trồng lúa chuyển sang trồng khoai lang với mức độ 3 vụ/năm dẫn đến sản lượng dư thừa, trong khi đó, thị trường tiêu thụ chính của khoai lang tím Nhật là Trung Quốc.
“Hiện phía Trung Quốc không lấy hàng do trùng vào mùa thu hoạchkhoai lang bên nước họ nên giá khoai lang nội địa giảm là điều đương nhiên. Thị trường khoai chỉ phụ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc nên thị trường này biến động là nông dân lỗ nặng. Nhiều năm qua, tôi có nghe ngành nông nghiệp hô hào là tìm kiếm nhiều thị trường khác để xuất khẩu khoai lang nhưng vẫn không thấy đâu” - ông Tua đặt vấn đề.
Phát hiện 17 mẫu thịt đùi gà Mỹ có kháng sinh
Theo Cục Thú y, từ đầu năm 2015 đến nay cơ quan này đã kiểm tra 35 mẫu thịt đùi gà nhập khẩu từ Mỹ, kết quả phát hiện 4 mẫu dương tính với kháng sinh chlotetracyclin, 13 mẫu dương tính với kháng sinh oxytetracyclin.
Tuy nhiên, Cục Thú y nhận định tồn dư này “đều ở mức thấp và trong giới hạn cho phép”.
Trong bảy tháng đầu năm 2015 có trên 93.000 tấn thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu vào VN, tăng 24% so với cùng kỳ 2014, riêng thịt gà từ Mỹ lên tới gần 46.000 tấn (97% là thịt đùi gà giá rẻ - PV).
Ông Đàm Quang Thành, phó cục trưởng Cục Thú y, cho biết hạn sử dụng ghi trên bao bì sản phẩm gà nhập khẩu đến cảng VN đều còn từ bảy tháng trở lên theo quy định. Vừa qua, cơ quan thú y cũng phát hiện một lô thịt gà gần 1 tấn nhiễm vi khuẩn Samonella phải buộc tiêu hủy.
(
Tinkinhte
tổng hợp)