Đại sứ Mỹ Ted Osius cho rằng, ngoại giao Việt Nam luôn luôn theo đuổi những nguyên tắc nền tảng trong quan hệ quốc tế, đó là tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng lợi ích của mình và của đối tác, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Việc Việt Nam kiên trì các nguyên tắc này là cơ sở để bạn bè và đối tác tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong giai đoạn tới.
Tin trong nước đọc nhanh 23-08-2015
- Cập nhật : 23/08/2015
Đà Nẵng sẽ là thành phố đầu tiên có hệ thống giao thông thông minh tích hợp
Với hơn 5.750 tỷ đồng vốn ODA từ Dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng, CHủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đặt mục tiêu Đà Nẵng sẽ là thành phố đầu tiên trên cả nước có hệ thống giao thông thông minh tích hợp.
Theo tin từ UBND TP. Đà Nẵng, ngày 21/8, lãnh đạo thành phố vừa có buổi làm việc với đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB) và các bộ, ngành liên quan nhân chuyến công tác giám sát giữa kỳ Dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng (SCDP) diễn ra từ ngày 17 đến 21/8.
Với tổng mức đầu tư 272,135 triệu USD (tương đương hơn 5.750 tỷ đồng), bao gồm 202,435 triệu USD là nguồn vốn vay IDA của Ngân hàng Thế giới (WB) và 69,7 triệu USD là vốn đối ứng của TP Đà Nẵng, Dự án (DA) được triển khai thực hiện từ nay đến năm 2019.
Dự án có 5 hợp phần: Cải thiện thoát nước mưa và nước thải; Phát triển hệ thống xe buýt nhanh (BRT); Đường chiến lược đô thị; Hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường năng lực; Các hoạt động được chuyển sang từ dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng.
Mục tiêu của dự án là mở rộng sự tiếp cận của người dân thành phố đến các dịch vụ thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải, mạng lưới đường sá, giao thông công cộng tại một số khu vực được lựa chọn của thành phố.
Ông Đặng Đức Cường, chuyên gia cao cấp của WB, cho biết đợt giám sát này của đoàn tại Đà Nẵng không chỉ đánh giá tổng thể tiến độ giữa kỳ mà còn đánh giá khoản tài trợ bổ sung trị giá 103 triệu USD cho Dự án.
Vào tháng 6/2015, Đà Nẵng đã có đề nghị chính thức với Chính phủ Việt Nam và WB xem xét khoản tài trợ bổ sung này từ nguồn tín dụng IDA cho DA. Theo đánh giá của đoàn, DA cơ bản đã phát huy hiệu quả và đang tiến triển theo đúng kế hoạch đề ra với khoảng 35% nguồn vốn được giải ngân thông qua các hợp đồng đã ký kết tính đến tháng 8/2015.
Liên quan đến đề xuất tăng vốn của Đà Nẵng, đoàn đánh giá cũng thống nhất nhu cầu của thành phố là hoàn toàn hợp lý, chủ yếu để mở rộng các hạng mục rất quan trọng gồm phát triển hệ thống cống riêng/hệ thống đấu nối hộ gia đình tại khu vực du lịch biển Mỹ An-Mỹ Khê của thành phố; và tăng hiệu quả, tích hợp toàn bộ hệ thống giao thông thông minh (ITS) và hệ thống vé.
Đặc biệt, việc đầu tư tuyến đường DH2 tại khu vực ven đô ở 2 xã Hòa Nhơn và Hòa Sơn (chiều dài khoảng 9,2 km và song song với tuyến đường tránh Đà Nẵng) là hạng mục đầu tư mới khẩn cấp, hợp lý về mặt kỹ thuật và kinh tế.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ khẳng định, thành phố nhận thức rõ trách nhiệm liên quan đến việc sử dụng nguồn vốn ODA của Dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng, hoàn trả nợ vay cũng như lợi ích mang lại của DA để thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương. Với DA này, Đà Nẵng đặt mục tiêu có hệ thống giao thông thông minh tích hợp đầu tiên trên cả nước.
Cũng theo Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ, việc tăng vốn để thực hiện các hạng mục bổ sung trong giai đoạn sắp tới, đặc biệt là xử lý tách nước thải ra khỏi nước mưa tại khu vực ven biển phía đông nhằm thúc đẩy du lịch phát triển và đầu tư tuyến đường DH2, được Đà Nẵng xác định là nhu cầu hết sức cấp bách, góp phần tăng hiệu quả các DA trước đây đã được WB tài trợ cho thành phố.
Vì vậy, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đề nghị WB và các bộ ngành liên quan sớm phê duyệt đầu tư, đồng thời xem xét hạng mục đầu tư tuyến đường DH2 là phần bổ sung của Dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng chứ không phải là một dự án độc lập.
Nguyên TGĐ NH Đông Á Trần Phương Bình "cúi đầu nhận lỗi"
Ngày 22-8, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng (NH) Đông Á Trần Phương Bình đã có thư xin lỗi gửi đến khách hàng, các cổ đông và tập thể cán bộ nhân viên của NH Đông Á.
Trong tâm thư này, ông Bình thừa nhận trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, ông đã có những quyết sách, những hành động trong điều hành dẫn đến kết quả xấu như hiện nay. Ông cũng đồng tình với việc bị điều chỉ chức danh quản trị, điều hành và sẵn sàng chịu trách nhiệm cá nhân của mình trước các quy định của pháp luật.
“Tôi thành thật xin lỗi hơn 7 triệu khách hàng đã tín nhiệm NH Đông Á trong hơn 23 năm qua về những phiền toái mà NH Đông Á đã gây ra, ảnh hưởng đến khách hàng trong những ngày đầu NH Đông Á bị kiểm soát đặc biệt. Tôi cũng thành thật xin lỗi toàn thể cổ đông của NH Đông Á đã cùng tôi gắn bó xây dựng thương hiệu DongA Bank về sự lo lắng, hoang mang về công việc, về sự tồn tại của DongA Bank chúng ta”, thư xin lỗi viết.
Ông cũng mong khách hàng thông cảm và tiếp tục giao dịch với DongA Bank, để NH có cơ sở phục hồi và được phục vụ tốt khách hàng trong tương lai. Ông cũng mong tập thể cán bộ nhân viên biến lo lắng thành hành động tiếp tục phát triển năng lực cá nhân của mình để góp phần xây dựng một DongA Bank tốt hơn trong tương lai.
“Một lần nữa, tôi cúi đầu nhận lỗi trước tất cả mọi người và thành thật xin lỗi gia đình tôi, những người thân và tất cả mọi người. Dù có thế nào đi chăng nữa, với cá nhân bản thân tôi, tôi sẽ làm việc hết sức mình trong điều kiện cho phép để góp phần củng cố, hồi phục NH Đông Á và tôi luôn tin tưởng thương hiệu DongA Bank của TP HCM sẽ được phục hồi và phát triển trên cả nước trong tương lai”, ông Bình viết.
Chiều 20-8, NH Nhà nước đã ra quyết định đình chỉ chức vụ Tổng giám đốc NH Đông Á với ông Trần Phương Bình. Bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, nguyên Phó tổng giám đốc cũng bị đình chỉ khỏi chức vụ lãnh đạo NH Đông Á.
Trước đó, chiều 14-8 NH Nhà nước đã có thông tin chính thức về kết luận thanh tra toàn diện quyết định kiểm soát đặc biệt NH Đông Á.
Theo đó, kết quả thanh tra cho thấy trong giai đoạn 2012 trở về trước, NH Đông Á đã có nhiều vi phạm pháp luật về quản lý tài chính, cấp tín dụng và hoạt động kinh doanh khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính và hoạt động của NH Đông Á.
Ông Trần Phương Bình làm Tổng giám đốc NH Đông Á từ năm 1998. Trước khi rơi vào tình trạng khó khăn như hiện nay, Đông Á là một NH mạnh về bán lẻ và là NH hàng đầu về các sản phẩm thẻ. Đông Á cũng là NH đầu tiên tại Việt Nam tự chế tạo ra được máy ATM bán vàng tự động, đưa vào hoạt động máy ATM lưu động, các buồng Auto Banking thế hệ mới có chức năng nhận tiền mặt trực tiếp lớn nhất Việt Nam...
Trả lời báo chí gần đây, chính thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng thừa nhận NH “Đông Á về cơ bản là một NH có hệ thống mạng lưới tốt, công nghệ tốt, bộ máy nhân sự không đến nỗi nào, có kinh nghiệm kinh doanh và tương đối bảo thủ trong phát triển tín dụng”.
CPI Hà Nội tháng 8 tăng 0,17% so với tháng trước
Thông tin từ Thống kê Hà Nội cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 đã tăng 0,17% so tháng trước. Có 8/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng trong tháng này.
Tăng cao nhất là nhóm hàng giáo dục tăng 2,9% do hiện nay, chuẩn bị vào năm học mới nên các công ty, cửa hàng kinh doanh văn phòng phẩm, sách giáo khoa, đồ dùng học tập trở nên tấp nập người mua sắm để chào đón năm học mới.
Nhóm hàng thực phẩm tăng 0,64% so với tháng trước, nguyên nhân khiến nhóm thực phẩm tăng là do đợt mưa kéo dài nên rau bị dập nát khiến giá rau tăng cao vào kỳ 1 và kỳ 2 của tháng báo cáo.
Sang đến kỳ 3 giá một số loại rau đã giảm nhưng mức giảm vẫn còn thấp. Ngoài ra giá các loại trứng gia cầm tăng do nhu cầu chuẩn bị nguyên liệu cho sản xuất bánh Trung thu tăng mạnh.
Có 2 nhóm chỉ số giảm là nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,49% do giá gas, giá dầu hoả giảm; nhóm giao thông do trong tháng giá xăng dầu được điều chỉnh giảm 2 lần vào ngày 20/7 và ngày 4/8 khiến cho nhóm giao thông giảm mạnh (giảm 2,19%).
Ngày 19/8 giám xăng dầu tiếp tục được điều chỉnh giảm, đợt giảm giá này chưa ảnh hưởng đến chỉ số giá tháng 8, nhưng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số giá tháng tiếp theo.
Tháng này, Chỉ số giá vàng trên thị trường Hà Nội giảm mạnh (giảm 3,44%) so tháng trước; giá vàng 99,99 bán ra trên thị trường tư nhân phổ biến ở mức 3.033 nghìn đồng/chỉ.
Trái chiều với giá vàng, giá Đô la Mỹ của các ngân hàng tháng này tiếp tục tăng (tăng 0,15%), giá đô la Mỹ bán ra của Ngân hàng Ngoại thương có giá bình quân là 21.867 đ/USD.
Vì sao tiểu thương chợ Đồng Đăng không muốn chuyển đến TTTM mới?
Chợ Đồng Đăng là một trong những điểm đến của khách tham quan khi đến Lạng Sơn với đền Mẫu và những phiên chợ đông đúc, sắp bị xóa bỏ. Nếu muốn tiếp tục kinh doanh, các tiểu thương sẽ phải chuyển tới Trung tâm thương mại Đồng Đăng có quy mô lớn hơn nhiều và đang được xây cách đó 1km. Nhưng những tiểu thương đang yên ổn làm ăn ở chợ Đồng Đăng cũ lại không muốn chuyển đi.
Tiểu thương chợ Đồng Đăng hầu như chỉ trông vào các phiên chợ họp 5 ngày một lần, bắt đầu từ ngày mùng 2 âm lịch hàng tháng. Tháng 6/2014, tiểu thương ở chợ Đồng Đăng đã phải bỏ ra hàng chục triệu mỗi người để tu sửa lại chợ cho khang trang hơn nhưng giờ chợ lại sắp bị phá dỡ.
Cách chợ Đồng Đăng 1km, gần quốc lộ 1A, Trung tâm thương mại Đồng Đăng đang được xây dựng. Trung tâm thương mại này xa khu dân cư, một bên giáp sân ga Đồng Đăng, một bên giáp đồi nên nhiều tiểu thương lo lắng nếu phải chuyển tới đây.
Singapore trấn an du khách Việt Nam sau các vụ cấm nhập cảnh
Thông tin từ Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ngày 22/8 cho biết: Tổng cục đã nhận được thư của Tổng cục Du lịch Singapore và cơ quan khẳng định rõ rằng Singapore luôn chào đón khách du lịch Việt Nam.
Thời gian qua, thông tin trên phương tiện truyền thông và mạng xã hội có phản ánh về việc khách du lịch Việt Nam gặp khó khăn hoặc bị từ chối nhập cảnh vào Singapore.
Trong thư gửi Tổng cục Du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch Singapore cho biết có một số trường hợp khách du lịch Việt Nam bị từ chối nhập cảnh vào Singapore do không xuất trình được giấy thông hành hoặc hộ chiếu hợp lệ.
Những du khách này được chuyển sang bộ phận kiểm tra thông tin bổ sung và phỏng vấn. Nhân viên Cục quản lý Xuất nhập cảnh Singapore (ICA) tại các cửa khẩu thẩm định và quyết định cho phép nhập cảnh khi khách du lịch đáp ứng được các yêu cầu nhập cảnh.
Ngày 24/7/2015, Cục quản lý Xuất nhập cảnh Singapore đã làm việc với đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore, giải thích về việc khách du lịch Việt Nam gặp khó khăn khi nhập cảnh. Cơ quan này cũng khẳng định Singapore luôn chào đón khách du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho chuyến đi của du khách. Cục quản lý Xuất nhập cảnh Singapore đảm bảo rằng thủ tục kiểm tra an ninh được thực hiện một cách chuyên nghiệp và bình đẳng, không phân biệt giới tính hay quốc tịch.
Theo Tổng cục Du lịch Singapore, hợp tác du lịch giữa hai nước có nhiều bước tiến triển, những năm gần đây lượng khách du lịch Việt Nam đến Singapore tăng trưởng ổn định. Năm 2014, du lịch Singapore đã đón hơn 420.000 lượt khách Việt Nam. Trong thời gian tới, Văn phòng đại diện của Tổng cục Du lịch Singapore tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tích cực tham gia vào các hoạt động trao đổi du lịch giữa hai nước và đảm bảo Singapore luôn chào đón khách du lịch Việt Nam.
Cơ quan du lịch Singapore cũng là cơ quan du lịch quốc tế đầu tiên mở Văn phòng Đại diện tại Việt Nam, điều này đã thúc đẩy và làm tăng nhanh số khách du lịch từ Singapore sang Việt Nam và ngược lại. Cùng với một số điểm đến khác trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Indonesia... Singapore cũng là điểm đến yêu thích của du khách Việt Nam. Lượng du khách Việt Nam đến Singapore tiếp tục tăng, và là một trong những thị trường đạt mức tăng cao nhất trong số các thị trường du lịch có khách đến thăm đảo quốc này.
Việt Nam và Singapore cũng đã có hợp tác trong lĩnh vực tàu biển, phía Singapore đã khảo sát các điểm du lịch đường biển tại một số ba tỉnh miền Trung nhằm tư vấn, hỗ trợ Việt Nam xây dựng cảng chuyên đón khách du lịch tàu biển, nghiên cứu cơ hội đầu tư xây dựng cảng biển du lịch và đầu tư du lịch...